Làm cách nào để trẻ em hân hoan khi đến trường?

Chu Mộng Long

5-9-2022

Anh Nguyễn Kim Sơn, anh Võ Văn Thưởng không đọc Facebook, nhưng có thư ký riêng chuyên đọc bài tôi viết về giáo dục để trình cho các anh. Chuyện làm lễ khai giảng, tôi đã có 3 bài giễu cợt vui vẻ, nhưng chắc chắn các anh ấy không vui được. Phàm làm quan thì rất thù ghét sự giễu cợt. Bài này viết nghiêm túc, hiến kế nghiêm túc.

Nói các em học sinh ở Việt Nam “vui vẻ”, “hân hoan” đến trường là sự bịa đặt của nhà văn, nhà thơ và thành cửa miệng của lãnh đạo. Sự thực, ngày đầu tiên đi học, tức khai trường, các bé từ mẫu giáo đến lớp một thì khóc nhè, lớp lớn hơn thì nhăn nhó, lớn hơn nữa thì ngáp dài.

Nói gọn là trẻ em ngán tận cổ cái ngày mà giới quan chức ai cũng bảo là “vui vẻ”, “hân hoan”.

Vì sao? Vì không biết từ bao giờ, người ta đã biến ngày Hội thành ngày Lễ. Hội trong không khí dân chủ, bình đẳng thì mới vui vẻ, hân hoan. Hội dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho con trẻ vui chơi. Còn Lễ thì thù tạc, nghiêm trang theo tôn ti, trật tự. Lễ chỉ dành cho quan chức tôn thờ thần tượng, khoe danh, báo cáo thành tích. Trẻ em chỉ ngồi xem và vỗ tay cưỡng bức. Các ông bà có chức vui vẻ, hân hoan thì có. Trẻ em vui vẻ, hân hoan cái con khỉ!

Cứ xem Lễ hội văn hóa truyền thống mà xem? Lễ chỉ diễn ra ngắn gọn, chủ yếu là Hội. Các nhà văn hóa học nhập cục Lễ và Hội chứ không biết phân biệt rõ ràng, nên bây giờ các loại lễ hội đều bị biến tướng, phần Hội hoặc bị thiến hẳn hoặc rất mờ nhạt, hoặc diễn ra hoang dã, loạn xạ. Lễ hội hiện nay chủ yếu khuếch trương phần Lễ, hoặc chủ yếu chỉ còn có Lễ để… tôn thờ quan.

Theo nhà văn hóa – mỹ học Marxist M. Bakhtin, chỉ có Hội mới thuộc thì hiện tại đang tiếp diễn, tức cái đang sống và đang sinh sôi trong niềm vui thế tục. Còn gốc của Lễ thuộc thì quá khứ đã hoàn tất, tức cái đã chết được truy điệu, tưởng niệm mang tính tâm linh. Lễ là để rước và tế thần linh, ma quỷ, tế vong. Hay hớm gì cảnh người sống mà chờ đến dịp lễ là được ngồi chễm chệ trên khán đài như ngồi trên ban thờ để được người ta đưa rước, bái lạy, xướng danh và khoe công trạng?

Ngày khai trường là ngày Hội dành cho trẻ em hay ngày Lễ tế các quan chức? Muốn được tế thì chờ chết rồi, người ta sẽ tế bằng mâm cao cỗ đầy cho ăn, chứ ai để các ngài làm ma đói đâu mà lo hưởng trước?

Trong cái gọi là Lễ khai trường ở ta, trẻ em mặc đồng phục tề chỉnh, im lặng, trật tự ngồi dưới nắng, nghếch mõm nhìn lên trên khán đài chiêm ngưỡng những vị tai to mặt lớn, nghe hết bài giới thiệu loằng nhoằng các loại danh, nghe những bài diễn văn báo cáo thành tích và khoe công trạng dài dòng của lãnh đạo, chúng không khóc nhè, không nhăn mặt và không ngáp dài mới là chuyện lạ.

Bạn tôi ở châu Âu nói, ở cái xứ giãy chết đó không có Lễ khai giảng mà gọi đúng tên là Hội khai trường. Ngày đầu tiên đi học, các em học sinh được các thầy cô tiếp đón bằng đủ trò vui. Không chỉ tổ chức các trò vui cho trẻ mà mỗi học sinh còn được tặng cả nón quà, để làm sao trẻ em thấy được đi học vui hơn ở nhà.

Nếu đã có khẩu hiệu “Tất cả vì tương lai con em chúng ta” thì ngày khai trường phải là ngày của trẻ em chứ không phải ngày của quan chức và thầy cô giáo. Trẻ em đến trường phải như đi hội mới đúng. Việc để trẻ em khóc, nhăn nhó, ngáp dài, xem ngày khai trường như là khởi đầu đi vào miếu tế vong, vào bệnh viện tâm thần, vào trại tù là có tội.

Làm được không? Đổi tên Lễ Khai giảng thành Hội khai trường. Bỏ ngay thứ lễ lạt khoe danh, khoe thành tích đi. Cuối năm đã tổng kết, báo cáo thành tích và khen thưởng rồi, tiếc gì nữa mà làm lần hai? Dẹp ngay cái trò tận thu các loại tiền đầu năm học làm cho phụ huynh cay đắng, khổ sở rồi lây lan nỗi khổ sở, cay đắng ấy sang trẻ em. Trích chi một khoản tiền tổ chức vui chơi và tặng quà cho các cháu. Có khó lắm không?

Hiến kế đấy, bằng kiến thức sơ giản về lễ hội, bằng lấy việc làm đơn giản của xứ giãy chết, chỉ cần học tập và làm theo y chang rồi sáng tạo gì đó nữa thì tự nghĩ ra. Đơn giản vậy mà đọc không hiểu nữa thì tôi chịu thua!

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Nếu chỉ thay chữ lễ bằng chữ hội mà làm học sinh hân hoan khi đến trường ,thì quả là “siêu cao thủ “,còn hơn cả cái mà cả nước mầy mò đi tìm bằng cách nào để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui “…..Ai cũng biết tác dụng của học tập, nhưng bằng cách nào đơn giản nhất để hiểu đúng bản chất của kiến thức thì không đơn giản, đó là cái cần thiết nhất…. , chỉ có như vậy người ta mới sử dụng và phát huy được kiến thức đã học ,đó mới chính là mục đích cuối cùng của học tập,đồng thời cũng là nhiệm vụ của cải cách giáo dục. Thế giới người ta làm từ rất lâu rồi, tại sao Vn không chịu học hỏi mà cứ mầy mò đi tìm…..

  2. Đầu năm quan đỏ bụng phệ, mặt nung núc mỡ như đầu lợn, phát biểu dạy đời và đánh trống khai trường, nửa niên khóa biết đâu các cháu cũng lại thấy bác quan hôm ấy mặc áo đội tuyển Juventus, tay mang cặp còng inox sáng cón khóc như em bé mới vào mẫu giáo. Hãy xem những thằng quan như Trương Minh Tuấn, Tất Thành Càng và nay mai là Hải Heo, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân..cũng sẽ khóc lóc ỉ ôi nhất mực xin lỗi anh Nguyễn Phú Trọng và xin giảm án. Một lũ mặt người dạ thú, nhìn muốn ói.

  3. Qua hay va qua dung. Toi dang song o nuoc ngoai va da du nhieu ngay Hoi khai truong nhu Chu Tien sinh mo ta.

  4. Chính tác giả mới không chịu hiểu chủ trương lớn của đảng và nhà nước ta chính trị hoá ngày khai trường của trẻ thơ.

    Ngày khai trường bây giờ trẻ phải tập luyện đi đứng múa hát vẫy cờ chào đón quan khách từ mấy hôm trước. Đến đúng ngày, trẻ phải đến sớm sắp hàng bêu nắng hàng tiếng đồng hồ để hân hoan mừng đón các vị tai to mặt nhớn, kể từ chủ tịch nước trở xuống, đến huấn thị cho thày phải thế này, trò phải thế kia để học tập và làm theo bác, chứ bố ai dám nói đến việc học tập và làm theo bọn tư bản thối nát.

Comments are closed.