31-7-2022
Ở trong nông nghiệp, người ta có hệ thống tưới thông minh theo công nghệ Israel rất hiệu quả. Đó là “tưới nhỏ giọt”. Cách tưới này tiêu tốn ít nước mà lại cho cây phát triển tối ưu. Tất nhiên để đưa ra cách tưới như vậy, con người phải có nghiên cứu kỹ. Ngược lại, ở Việt Nam, có những nông dân thiếu hiểu biết, tưới thật nhiều nước làm cho cây ngập úng và chết nhiều, sinh ra năng suất thấp. Đó là hình mẫu về sự điều tiết nguồn sống cho một vườn cây.
Trong vấn đề điều hành kinh tế vĩ mô, nếu ví nền kinh tế như là vườn cây thì nguồn cung tiền chính là nguồn cấp nước cho vườn cây ấy. Thiếu nước, cây phát triển còi cọc hoặc thậm chí chết; nếu vừa đủ cây phát triển tốt; nếu thừa nước thì đôi khi nó sinh ra hiện tượng phản tác dụng, cây bị úng nước mà chết.
Ngân hàng Nhà nước là nơi chịu trách nhiệm cung tiền để cho nền kinh tế. Đã bao lâu nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cung tiền quá lố. Được biết, trong 10 năm gần đây, tỷ lệ cung tiền của Việt nam tăng 430%. Con số cực cao. Được biết, năm 2020 tỷ lệ cung tiền cho nền kinh tế của Việt Nam lên đến 182% GDP, trong khi đó Singapore chỉ là 148.2% và Thái Lan là 141.9%, Malaysia là 148.47%. Như vậy, so với Việt Nam, các nước Sing – Thái – Mã tưới ít tiền hơn nhưng chất lượng nền kinh tế của họ lại tốt hơn ta.
Thực tế là tỷ lệ cung tiền lớn nhưng các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam vẫn đang thiếu tiền, vậy tiền mà Ngân hàng nhà nước bơm chảy vào đâu? Vào bất động sản. Mới cách đây 4 năm, người dân Việt Nam mất 35 năm lao động mới mua được nhà thì hiện nay người dân Việt phải mất đến 57 năm mới mua được nhà. Giá bất động sản tăng chóng mặt làm cho người dân phải đổ quá nhiều tiền vào nó, thay vì họ dùng nhiều hơn cho chi tiêu khác để kích cầu nền kinh tế sản xuất. Vậy là Ngân hàng nhà nước bơm mạnh tiền, làm cho người dân mất cơ hội sở hữu nhà chứ không thể tạo ra thị trường hàng hóa dồi dào cho người dân hưởng.
Tăng trưởng tín dụng cao bao giờ cũng đẩy tỷ lệ cung tiền tăng. Từ năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc áp dụng mô hình room tín dụng để hạn chế lượng tiền cho vay. Tuy nhiên, tỷ lệ cung tiền vẫn cứ thăng ngất ngưởng. Bởi bằng cách nào đó các nhóm lợi ích vẫn moi được tiền để làm loạn thị trường. Năm 2021, tổng lượng cung tiền 152.13 triệu tỷ đồng, tương đương với $661.44 tỷ. Với GDP năm 2021 (theo số liệu World Bank) là $362.6 tỷ thì tỷ lệ cung tiền của nền kinh tế Việt Nam năm 2021 là 182.7% GDP. So với năm 2020 tỷ lệ cung tiền vẫn đang là con ngựa bất kham mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng rất nhiều biện pháp để giảm nó lại, trong đó có biện pháp cưỡng bức thô bạo như áp room tín dụng làm các doanh nghiệp chết vì đói vốn.
Ngân hàng nhà nước bơm rất nhiều nước vào vườn cây nhưng trong vườn vẫn có cây chết vì thiếu nước. Đấy là sự bất cập. Nguyên nhân là chỗ bơm nhiều, chỗ không bơm, tạo cho nền kinh tế phát triển mất cân đối, thiếu bền vững. Tại việt Nam đang xảy ra nghịch lý, đấy là chỉ số tăng trưởng rất tốt nhưng doanh nghiệp thì vẫn đang ngáp ngáp chờ chết. Để giải quyết vấn đề này thì gần như không thể, vì sự điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bị lố từ lâu, giờ hãm gấp là nền kinh tế nhào đầu nay.
Tại Đông Nam Á này, Singapore là đất nước đang điều hành chính sách vĩ mô tốt nhất, tốt cả chất lẫn lượng. Tăng trưởng tốt và cả chất lượng chính sách tốt. Trung Quốc có tăng trưởng tốt, nhưng chất lượng của chính sách gặp nhiều vấn đề. Đặc biệt là để lấy con số tăng trưởng, quốc gia này ép người dân quá mức khiến người dân cứ mãi đuổi bóng, không vương tới chất lượng cuộc sống tốt.
Các nước Malaysia và Thái Lan đang nhìn vào bản chất nền kinh tế của Singapore mà học hỏi. Họ không theo nổi con số tăng trưởng của đảo quốc này được, nhưng học hỏi những chính sách hay. Vì thế nền kinh tế của họ tuy có tăng trưởng thấp hơn Việt Nam nhưng bền vững hơn. Còn Việt Nam thì theo cách Trung Quốc, nên có con số tăng trưởng khá ấn tượng nhưng bên trong thì đang rất nhiều vấn đề bất cập, đến nỗi không thể hiệu chỉnh được.
______
Tham khảo:
https://finance.vietstock.vn/du-lieu-vi-mo/51/tin-dung.htm
https://tradingeconomics.com/vietnam/gdp
https://tapchinganhang.gov.vn/cung-tien-cua-cac-nuoc-asean-giai-doan-2000-2020-va-ham-y-khu-vuc.htm