Ông Bộ trưởng Giáo dục, trái bóng đang ở trong chân ông đó

Nguyễn Đắc Kiên

21-4-2022

Các học sinh bị thầy phó hiệu trưởng bắt ra ghế đá ở sân trường ngồi ăn (trong ảnh, thầy Đảm được cho là người đứng chắp tay sau lưng). Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Việc “ép học sinh yếu không thi vào lớp 10” ở Hà Nội và việc “hiệu phó một trường cấp 3 ở Cà Mau ép học sinh ăn đồ ăn nhặt lại từ thùng rác” có thể có cùng một nguyên nhân gốc rễ.

Nó nằm ở hai chữ “quyền lực”, hay đúng hơn là “quyền lực áp đặt”.

Rất có thể thầy, cô và ban giám hiệu các trường cấp 2 ở Hà Nội ép học sinh yếu không thi vào lớp 10 vì họ đang phải chịu một “quyền lực áp lực” nào đó từ cấp quản lý cao hơn.

Rất có thể, vị hiệu phó trường cấp 3 ở Cà Mau ép học sinh ăn lại đồ ăn đã quăng vô thùng rác vì ông nghĩ rằng các em là “cấp dưới” của mình, ông có “quyền lực áp đặt” đương nhiên lên các em như chính các “cấp trên” của ông vẫn có “quyền lực áp đặt” đương nhiên lên ông vậy.

Tôi nghĩ đến thứ “quyền lực áp đặt” (thực tế hầu như tuyệt đối) này khi thấy một lãnh đạo phòng giáo dục quận Cầu Giấy lên báo giải thích nghi vấn ngăn học sinh thi vào lớp 10.

“PHÒNG/ SỞ VỀ” – có lẽ là hai câu gây kinh hoàng nhất cho giáo viên trường công, chuyện này có từ xưa, và bây giờ vẫn thế (theo tôi biết).

Phòng/ Sở ở đây là chỉ phòng/ sở giáo dục các địa phương, những cơ quan thực tế nắm quyền sinh sát đối với các trường học, cơ sở giáo dục trong phạm vi địa bàn quản lý của họ.

Bây giờ, muốn bóc tách, săn lùng, truy vết các ổ nhóm lợi ích, các thể loại nhũng nhiễu, tha hóa, đồi bại trong giáo dục, có lẽ không đâu dễ hơn là nhắm vào những chỗ này (các Sở/ Phòng giáo dục).

Nhưng một lời khuyên tốt hơn có thể là, hãy thay đổi hệ thống quản trị giáo dục công, bắt đầu từ việc tổ chức lại các Sở/ Phòng giáo dục bằng cách giảm bớt quyền áp đặt của họ đi (để họ giữ chức trách chuyên môn thuần túy), đồng thời tăng thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường, cơ sở giáo dục.

Vấn nạn thành tích, chạy chức-quyền, chạy dạy, chạy học trong ngành giáo dục không phải đến từ triết lý hay tư tưởng gì cả, nó đến từ cách tổ chức quản lý của hệ thống giáo dục hiện hành.

Khi vấn nạn này ngày càng tệ hại, hết năm này qua năm khác, hết nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác, thì phải nhìn vào hệ thống tổ chức của nó, xem hư hỏng, đổ vỡ ở chỗ nào để mà sửa chữa, chứ đập bàn với hô khẩu hiệu thì phỏng có ích gì?

Ông bộ trưởng giáo dục đương nhiệm chắc hiểu rõ chỗ này. Và ông chắc cũng chẳng muốn ngồi đó cho hết 5 năm nhiệm kỳ xong xuôi rồi về? Vậy thì ông đang có thời cơ tốt rồi đấy. Chuyện ép học sinh không thi lớp 10 không phải chuyện nhỏ. Xử lý rốt ráo được nó có thể sẽ mở đường cho việc thay đổi bộ mặt của cả nền giáo dục. Trái bóng đang trong chân ông đó.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ông Béo, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. Hị Hị Hị !
    Tại sao tớ lại phải tìm cách thay đổi nền giáo dục nước nhà, khi mà việc ấy không hề liên can tới chuyện tớ được tiếp tục làm bộ trưởng hay không hay phải về vườn ?

  3. Hề… hề…. tác giả quên bu nó rằng: CHÍNH Ở NƠI LINH THIÊNG này, các lãnh tụ đã TỰ GIÁC suy nghĩ rằng: THU PHÍ hay là THU GIÁ, từ nào sẽ phù hợp cho việc móc túi phụ huynh hợp lý nhất đấy!!

Comments are closed.