Quốc hội nhận thức chưa chuẩn về pháp luật?

Ngô Huy Cương

13-2-2022

Tại sao lại phải tách bạch một cách khá rành mạch giữa luật tư và luật công trong xây dựng pháp luật là một câu hỏi mà nhẽ ra Quốc hội phải trả lời, nhưng chúng tôi (những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy) lại luôn bị chất vấn khi góp ý xây dựng pháp luật.
Trên thực tế, rất nhiều đạo luật được Quốc hội thông qua trộn lẫn thiếu lý do giữa luật tư và luật công.

Quyền lợi là vấn đề trọng tâm của pháp luật mà nó có thể được chia thành quyền lợi công và quyền lợi tư. Luật công là luật xác lập và giới hạn quyền lợi công. Còn luật tư là luật xác lập và giới hạn quyền lợi tư.

Luật tư gắn liền với đời sống thường nhật của con người trong xã hội (ví dụ như luật dân sự, luật thương mại) và không bị tác động có tính quyết định bởi các trào lưu chính trị thời thượng. Do đó có một đòi hỏi là luật tư phải thống nhất và ổn định lâu dài nhất như có thể để bảo đảm sự ổn định cho xã hội.

Hết sức lưu ý rằng: xã hội không ổn định, không có sự phát triển.

Xem các Bộ luật Dân sự của các nước thuộc Họ pháp luật La Mã- Đức, chúng ta thấy các kỹ thuật pháp lý, các giải pháp pháp lý hầu như vẫn còn được giữ nguyên như thời chúng xuất hiện ở La Mã cổ đại.

Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 vẫn tồn tại hơn hai thế kỷ mới có chút sửa đổi đáng kể sau năm 2004, trong khi nước Pháp trải qua nhiều nền cộng hòa và thay đổi Hiến pháp rất nhiều lần. Bộ luật Dân sự Đức năm 1900 cũng vẫn tồn tại cho đến lần sửa đổi đáng kể vào năm 2002, trong khi nước Đức có Hiến pháp cực mới vào năm 1949 sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Nhật và nhiều nước khác cũng như vậy.

Các nước thuộc Họ pháp luật Anh- Mỹ có học thuyết nền tảng về tính kiên định, trước sau như một được áp dụng luôn luôn để bảo đảm cho sự ổn định. Vậy là xã hội của họ có nền tảng ổn định và có truyền thống.

Cần hết sức lưu ý rằng: Không có nền tảng truyền thống ổn định, không có phát triển.

Có một trường hợp mà luật tư bị tác động mạnh nhất và có tính chất quyết định là cách mạng xã hội chủ nghĩa dẹp bỏ tầng lớp thương nhân để xây dựng ngành luật kinh tế xóa nhòa sự phân biệt phân biệt giữa luật công và luật tư trên căn bản quốc hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất và kế hoạch hóa toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Vậy là khi xây dựng nền kinh tế thị trường, thì không nước nào là không tách bạch giữa luật tư (phần ổn định) và luật công (phần có thể biến động theo các chính sách). Kinh nghiệm Nga, Trung Quốc, Ba Lan, Czech… đều cho thấy rõ điều đó.

Ở nước ta đã và đang xây dựng nền kinh tế thị trường, dù là định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta), thì các yếu tố của kinh tế thị trường vẫn phải được tuân thủ đầy đủ, mà trong các yếu tố đó không thể thiếu yếu tố pháp lý.

Thế mà, trong khi các Đại biểu Quốc hội phát biểu trên hội trường, lúc nào cũng hô hào “bảo đảm ổn định xã hội” để tăng trưởng và phát triển, nhưng làm thế nào để ổn định trong phạm vi nhiệm vụ của Quốc hội thì lại không biết, nhiều khi làm ngược lại (ví dụ điển hình là thay thế liên tục Bộ luật Dân sự cứ mười năm một lần nhưng vẫn đầy rẫy bất cập từ đầu chí cuối, cũng như ban hành những đạo luật trộn lẫn bất nguyên tắc giữa luật tư và luật công).

Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do Quốc hội nhận thức chưa chuẩn về pháp luật.
Rất nhiều Đại biểu Quốc hội bị ảnh hưởng bởi tư duy cũ theo Hiến pháp 1992 (Điều 12, đoạn 1) coi pháp luật là công cụ của Nhà nước để quản lý xã hội, nên hễ nói tới luật là nghĩ từ Nhà nước, chứ không nghĩ từ dân.

Mong các vị Đại biểu Quốc hội hiểu cho, Hiến pháp 2013 của chúng ta đã khác rồi, đã nhấn mạnh tới Nhà nước pháp quyền được xây dựng trên nền tảng luật tự nhiên rồi.

Mong các vị hiểu tiếp hộ là việc phân biệt giữa luật tư và luật công là thành tựu của trường phái luật tự nhiên phát triển tại Châu Âu lục địa để luật công đi đến cùng vào mối quan hệ giữa người cai trị và người bị trị và tiếp đó xác định luật công mang bản chất giới hạn quyền lực của người cai trị (chính quyền). Vì vậy người ta mới có câu: “Các cơ quan công quyền chỉ được làm những gì mà luật cho phép”, mà biểu hiện rõ nét nhất là trong văn bản hành chính phải có căn cứ để ra quyết định hay xác định nội dung (ví dụ: Căn cứ vào luật này, nghị định kia, thông tư nọ…; Quyết định a, b, c…). Tiếp đến luật công phản ánh chính sách công quan trọng cho nên phải được đánh giá tác động xã hội. Chứ cả thế giới không ai lại đi đánh giá tác động xã hội của Bộ luật Dân sự. Theo nguyên tắc thẩm phán (mà ta nói sai là tòa án) không thể từ chối xét xử, một tranh chấp chẳng điển hình gì giữa hai bên cũng phải xét xử; và phán quyết đó có thể trở thành tiền lệ cho những vụ việc tương tự xảy ra về sau.

Giải pháp để khắc phục nguyên nhân chủ yếu này là:

(1) Các vị Đại biểu Quốc hội phải biết lắng nghe chuyên gia ở bên ngoài Quốc hội; và

(2) Thiết kế cho được mô hình hệ thống pháp luật Việt Nam mà tập trung vào cấu trúc bên trong của hệ thống chứ không phải là dựa vào ba cái nguồn văn bản qui phạm pháp luật đã ban hành trước đó bởi bản thân các văn bản đó không phải là mẫu mực và cũng chẳng dựa trên một mô hình nào cả; và

(3) Buộc dự thảo trước khi trình lên Quốc hội phải có phản biện khoa học công khai của các chuyên gia thật sự (không thân hữu, không chú trọng học hàm, học vị) do Quốc hội chỉ định vì khâu phản biện của các Ủy ban của Quốc hội yếu dần đều qua mỗi khóa Quốc hội.

Chỉ khi thấm sâu rằng pháp luật là sản phẩm của nhân dân (chứ không đơn thuần của Nhà nước), thì mới có thể thực hiện được những giải pháp trên!

Bình Luận từ Facebook

9 BÌNH LUẬN

  1. “Các vị Đại biểu Quốc hội phải biết lắng nghe chuyên gia ở bên ngoài Quốc hội”

    ĐBQH là người của Đảng chỉ biết nghe Đảng mà thôi, không còn nghe ai khác. Một thực tế là ngồi ngay trong Quốc Hội mà suốt nhiệm kỳ có ĐBQH chưa lần nào phát biểu một điều gì và còn phải qua khoá tập huấn về các thảo luận, nghe và hỏi trong các cuộc họp. Do đó, ĐBQH để cho Trưởng Đoàn làm việc và phát biểu cho yên thân, làm sao mà còn đi tìm ai ngoài Quốc hội mà tìm hiểu vấn đề.

  2. Cái gọi là “quốc hội” mà tác giả nói đến chỉ là bình hoa trang trí để qua mắt thế giới
    và lừa bịp nhân dân nhưng tác giả lại lên án như trên là hiểu lầm rồi ?
    Lạc quan mà nói thì chỉ dăm ba ngưòi hiểu biết về pháp luật là mấy ông luật sư học
    thật bằng thật nhưng họ cũng bất lực trước đa só cuồng bác và đảng. Ngay người
    “sáng giá” nhất là Trương Trọng Nghĩa cũng phải kềm hãm cái mồm lại, chứ không
    còn dám cực đoan hung hăng như thời trước 1975 !

  3. Tác giả bài viết phán to quá !
    Chính tác giả bài viết đã không hiểu nổi tại sao LUẬT DÂN SỰ tại châu Âu được giữ gìn suốt từ thời cổ La mã cho tới bây giờ, dù Hiến pháp của các nước châu Âu thay đổi nhanh chóng (thí dụ Bộ luật dân sự của Đức có từ năm 1900 cho tới nay, trong khi Hiến pháp hiện nay của Cộng hoà liên bang Đức đang được thực thi là Hiến pháp 1949). Rất đơn giản : Khi Hiến pháp được lập ra (ở đây là trường hợp Đức quốc), họ đã quyết định giữ lại Bộ luật dân sự ấy vì nó phù hợp với Nguyên tắc lập quốc (Verfassung).
    Và bản thân bộ luật dân sự ấy cũng luôn thay đổi ( được bổ xung cho phù hợp với hiện đại). Thí dụ : Bộ luật dân sự ấy phải bổ xung điều khoản bình đẳng giới, cái mà chắc chắn không tồn tại trong chế độ cổ La mã ( thí dụ thời Cesar !)

  4. Luật pháp đối với CS chỉ là giẻ rách, cương lĩnh đảng mới quan trọng.
    Cai trị dân chỉ để vắt sữa hay vặt lông thôi thì luật pháp chỉ là phấn son làm tuồng.

  5. Ngô Huy Cương cần đọc lại tên nước mình để có 1 nhận thức chính xác hơn về pháp luật . Việt Nam ta đã thẳng thừng nói không với chế độ tư bản, truyền thống cách mạng của gia đình bác đã nói lên điều đó . Con phản bội cha, phản bội truyền thống gia tộc là nhà Đại Fook bác ạ . Tiếng Việt là gia phong bại hoại . Thế hệ cha anh đã không quản hy sinh giao ban đi đánh Mỹ, hổng phải để con cháu thời này phò Mỹ bài Trung .

    • Phò thằng nào thì cũng là phản bội Tổ tiên cả ! Phải nhấn mạnh như thế để ông biết !
      Ít nhất là phản lại lời “Tuyên bố Độc lập” của Nguyễn Trãi : “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền Văn hiến đã lâu …”, chứ chưa nói tới Lý thường Kiệt “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư” ! Một nước không thể hai vua, một quốc gia không thể áp dụng “hai luật pháp” !

      • Nhưng 1 nước có thể có 2 đảng, miễn là 2 đảng đều phải là đảng Cộng Sản .

        • Thật sự là ông liên thiên quá trời !!!
          Vậy thì theo suy luận của ông, Đảng chính trị chính là Luật pháp , và như thế, thì Mỹ có hàng chục luật pháp khác nhau ???
          Ông tưởng rằng, ngay tại Mỹ cũng chỉ có HAI ĐẢNG CHÍNH TRỊ ???
          Tộ sư, trước khi bàn loạn về chính trị, nên tìm hiểu cho nó kĩ, thế nào là Luật pháp khác với Đảng chính trị ở chỗ nào !!!
          Mẹ kiếp, đ*o chửi đ*o được ! Vừa dốt nát về chính trị, vừa ngu si trong cách diễn đạt, thì chỉ là phường giá áo túi cơm !!!

  6. Pháp luật của các nước Tây Âu có nguồn cội từ hai ngàn năm trước, là cơ sở thiết lập nên các xã hội ổn định phồn vinh giả tạo, mà không có biến đổi gì, thì hiển nhiên là cũ rích và thối nát.

    Pháp luật của xứ Đông Lào ta mới coong, nên mới phải sửa nhiều lần, mang đậm tính ưu việt của chế độ xhcn thì tiến bộ hơn rất nhiều, đậm đà bản sắc dân tộc. Xã hội Đông Lào phát triển được ổn định đời đời bền vững là nhờ đó.

    Phê phán, góp ý cho một thiết chế pháp luật như vậy, rất dễ là phản động.

Comments are closed.