Tết này, có bao nhiêu người dân Việt còn tiền mang về cho mẹ?

Bạch Hoàn

9-1-2022

Những ngày cuối năm này thấy thật buồn. Nhiều người quanh chúng ta không biết bánh chưng có thịt, ngày Tết có tiền mua lấy một nhành hoa, con thơ có được tấm áo mới, mẹ già có được một bữa cơm đủ đầy ấm nóng, sau những ngày chiến đấu trong đại dịch hay không?

Khi xung quanh chúng ta đang quay quắt trong cơm áo gạo tiền, tính toán từng đồng, chắt chiu còm cõi, thì một số ít người nắm giữ của cải vật chất và nguồn lực xã hội đang nói về những mét vuông đất với cái giá mà cả cuộc đời một con người – một cuộc đời có thể dài cả trăm năm – cũng chưa chắc dành dụm đủ để mua một mét vuông đất.

Đó chính là một mét vuông đất Thủ Thiêm. Tân Hoàng Minh là doanh nghiệp đã trả giá 2.400.000.000 đồng – Hai tỉ bốn trăm triệu đồng – để mua một mét vuông đất.

Hai tỉ bốn trăm triệu đồng một mét vuông đất đã thấm nhiều nước mắt oan dân – Thủ Thiêm.

Trước tiên, phải khẳng định rằng, cuộc đấu giá đất này, ít nhất cho đến hiện tại, xét về tính pháp lý, kết quả của nó hoàn toàn hợp lệ. Không ai có thể bàn cãi về tính pháp lý trong vấn đề này.

Thêm nữa, trong nền kinh tế thị trường, trong một cuộc đấu giá công khai, thuận mua vừa bán, người trả giá cao nhất là người mua được hàng. Tân Hoàng Minh trả giá tới 2.400.000.000 đồng nên họ giành được đất.

Cũng phải thừa nhận là khi đấu giá công khai, đất được trả giá cao, thì ngân sách không bị thất thoát, trái lại còn thu được lượng lớn tiền (nếu doanh nghiệp trúng đấu giá không bỏ thầu). Đấu giá đất Thủ Thiêm thu về 37.000 tỉ đồng. Một con số không nhỏ.

Nhưng…

Tất cả những điều đó không có nghĩa cuộc đấu giá đất này mang lại kết quả tốt đẹp cho xã hội Việt Nam, cho người dân Việt Nam, cho nền kinh tế Việt Nam.

Nói như bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là hoàn toàn chính xác: Đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Cho dù về mặt pháp lý, nó hoàn toàn hợp lệ, thì không có nghĩa những tác động mà nó tạo ra là tốt đẹp.

Hãy nhìn một mét vuông đất hai tỉ bốn trăm triệu đồng này dưới góc nhìn của một người dân, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 64 triệu đồng/năm để thấy những gì đang diễn ra khủng khiếp đến nhường nào.

Sau khi Tân Hoàng Minh trả giá tới hai tỉ bốn trăm triệu đồng cho một mét vuông đất, nhiều người kiếm tiền trên thị trường bất động sản như lên đồng. Bởi họ biết, từ đây thị trường bất động sản có thể sẽ lại có một cơn sốt đất mới.

Nhưng, với người dân bình thường, thì chúng ta được lợi gì? Câu hỏi là bao giờ mới có thể mua được một mảnh đất, bao giờ mới có thể mua được một mái nhà?

Với thu nhập 64 triệu đồng/năm, còn tiền ăn, tiền chữa bệnh, tiền đóng học cho con, tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà, tiền xăng xe và vô số thứ chi tiêu khác, mấy ai còn tiền để dành dụm mua được đất được nhà?

Hậu quả để lại là gì khi người dân cả đời chẳng thể an cư, khi sống hết đời người trên đất nước mình mà cũng chẳng thể có nổi một mái nhà?

Hậu quả chính là những bất ổn xã hội khi nguồn lực đất đai không được sở hữu bởi số đông, mà ngày càng bị gom vào tay thiểu số người. Hậu quả chính là bất ổn xã hội khi những mâu thuẫn giàu nghèo ngày càng căng thẳng. Hậu quả xã hội chính là những chính sách an sinh xã hội khó lòng được đảm bảo, niềm tin vào chính sách ngày càng bị bào mòn.

Mà, bất ổn xã hội sẽ dẫn đến bất ổn chính trị.

Về mặt kinh tế, cũng có thể tái khẳng định lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Làm sao không nhiễu loạn thị trường khi từ đây, giá bất động sản có thể nhảy lên một nền cao hơn, cơn sốt đất nhà lại có nguy cơ bùng lên, đầu cơ lại thổi giá lên, thị trường lại điên hơn, bong bóng lại phình to lên.

Hậu quả để lại là chi phí đất đai tăng cao. Doanh nghiệp ngày càng phải trả nhiều tiền hơn cho mặt bằng, nhà xưởng, dẫn đến đầu vào ngày càng cao, đầu ra ngày càng kém cạnh tranh. Và, khi doanh nghiệp kém cạnh tranh nghĩa là sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng kém đi.

Đó là chưa kể, việc cho vay bất động sản trên một nền giá quá cao, trong bối cảnh bong bóng bị thổi căng, đến khi vỡ, các ngân hàng sẽ phải gánh nợ xấu, dẫn đến những bất ổn vĩ mô khủng khiếp.

Khi bong bóng bất động sản vỡ, nền kinh tế sẽ bị khủng hoảng. Đó là điều đã xảy ra và có thể sẽ còn tiếp tục xảy ra.

Và nồi cơm của từng người dân Việt sẽ bị ảnh hưởng.

Khi ấy, còn tiền đâu mà mang về cho mẹ?

Cuộc đấu giá với cái lợi trước mắt là có một khoản tiền thu về ngân sách, với cái hại lâu dài cho cả xã hội và nền kinh tế, thì được mất, xin hãy thử cân đo? Đó là chưa kể, ta chẳng nên vỗ tay cho việc bán đất lấy tiền ăn, thay vì dùng đất làm tư liệu sản xuất để tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, giống như của để dành cho con cháu mai sau.

Nếu cân đo được mất, lợi hại, tôi cho rằng, Chính phủ, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng cho những những mảnh đất với định giá trên trời này. Bởi nếu không, hậu quả, các vị sẽ phải chịu trách nhiệm trước toàn dân và nền kinh tế Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Ngoài doanh nghiệp vận tải biển (nước ngoài là chủ yếu) và doanh nghiệp xuất khẩu hóa chất, lâm sản làm ăn có lãi ( lãi khủng) thì còn lại ” còn cái lai quần tiêu tết)

  2. Nếu xã hội Việt Nam có bục, which it is, tớ luôn muốn nó bục theo kiểu ôn hòa & có học, cứ từ từ & tà tà . Nếu bục theo kiểu ôn hòa & có học thì sẽ không ảnh hưởng tới chế độ chính trị . Chứ nếu bục theo kiểu vô học & cực đoan thì sẽ ảnh hưởng rất mạnh tới chế độ chính trị, vốn là mối quan tâm của tất cả những trí thức nhà mềnh, trong cũng như ngoài nước . Đọc phần này là đủ hiểu “thì ngân sách không bị thất thoát, trái lại còn thu được lượng lớn tiền … niềm tin vào chính sách ngày càng bị bào mòn”, and finally “bất ổn xã hội sẽ dẫn đến bất ổn chính trị”. Nếu bục 1 cách ôn hòa & có học, (rất) nhiều người sẽ chọn Quyết Tâm Tin aka mũ ni che tai, “the less you know, the better you sleep”. Nhưng những người có đủ khả năng đem tiền về cho mẹ -them always exist- sẽ phải nghĩ tới chuyện đem mẹ ra nước ngoài, sau đó mới có thể an tâm đem tiền về cho mẹ, if them havent already.

    Nước Việt Nam sẽ trở thành 1 nơi chỉ tuyền đám trí thức xã hội chủ nghĩa & dư luận viên chửi nhau chan chát. Và đây có thể là tương lai của Việt Nam, một trường đấu trong đó bò đỏ & bò hường hường húc nhau chỉ vì yêu Đảng là yêu đất nước . Yikes!!!

  3. Chủ trương của cái đảng cướp từ thoạt đầu khởi sinh ra nó cho đến giờ vẫn như thế, phải làm cho đời sống người dân đảo lộn, phải gây họa làm người dân phải sống trong sợ hãi, phải lùa người dân vào cảnh sống trong điạ ngục giữa trân gian để bảo vệ sự tồn tại của nó. Sau khi cướp chính quyền, rồi thí mạng cả trăm ngàn lính đánh nhau với người Pháp( bây giờ chẳng vẫn phải xin xỏ người Pháp đó sao! ), họ gây ra cải cách ruộng đất mục đích trả công cho lính chết trận lấy danh nghĩa công bằng xã hội, vì chúng làm gì có được nguồn tài nguyên trả công cho lính lúc bấy giờ, quyên góp trong dân được gì chúng phân chia cho bọn chóp bu. Đây chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn trí trá vô lương tâm của cs. Không có cách nào bàn luận phải trái với những kẻ không bao giờ có lương tâm đâu!!!.

Comments are closed.