Đi tìm chân dung y sĩ tiền tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn với thông điệp mùa Xuân

Ngô Thế Vinh

5-1-2022

Dẫn nhập – Chiến tranh, không phải là chấp nhận hiểm nguy, không phải là chấp nhận giao tranh. Ở một thời khắc nào đó, với người chiến binh, là sự chấp nhận thuần túy và giản đơn cái chết. La guerre, ce n’est pas l’acceptation du risque, ce n’est pas l’acceptation du combat. C’est, à certaines heures, pour le combattant, l’acceptation pure et simple de la mort. A. de Saint-Exupéry (Pilote de guerre)

Hình 1: trái, Di ảnh Y sĩ Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù tử trận tại chiến trường Khe Sanh ngày 11/4/1968; phải, Chân dung Nghiêm Sỹ Tuấn qua nét vẽ của Y sĩ Đại úy Lê Văn Công, Quân Y Hiện Dịch khóa 15 YKSG, Virginia, USA 2018. Size 6 x 20” acrylic on canvas. Sưu tập: Ngô Thế Vinh

TIỂU SỬ

Nghiêm Sỹ Tuấn, bút hiệu là Yển Thử, [bút hiệu này chỉ được dùng một, hai lần cho mấy bài thơ 28 Sao trên báo Tình Thương], sinh ngày 7 tháng 2 năm 1937 (tuổi Bính Tý) tại Nam Định, Bắc phần trong một gia đình thanh bạch và đông anh em. Cắp sách tới trường muộn màng ở tuổi 14. Hoàn tất học trình Trung học và Đại học trong khoảng thời gian 14 năm. Những năm học Y khoa, Nghiêm Sỹ Tuấn là Thư ký tòa soạn báo Sinh viên Y Khoa Tình Thương từ số ra mắt tới số 13 [khoảng thời gian từ 01-1964 tới 01-1966] khi Anh ra trường, là tác giả nhiều bài viết sâu sắc, mang nặng những suy tư về các vấn đề văn hóa, xã hội và vận mệnh đất nước.

Nghiêm Sỹ Tuấn tốt nghiệp bác sĩ Y khoa 1965 ở tuổi 28. Không phải là quân y hiện dịch, nhưng Nghiêm Sỹ Tuấn tình nguyện gia nhập binh chủng Nhảy Dù, là một y sĩ tiền tuyến có mặt trên nhiều trận địa khắp bốn vùng chiến thuật, hai lần bị chiến thương, nhưng anh vẫn tình nguyện ở lại đơn vị tác chiến. Anh hy sinh trên chiến trường Khe Sanh sau Tết Mậu Thân, ngày 11 tháng 4 năm 1968 [3], ở tuổi 31 ngay giữa tuổi thanh xuân.

Hình 2: trái, hình Nghiêm Sỹ Tuấn trên tấm thẻ sinh viên năm thứ ba Đại học Y khoa Sài Gòn niên khóa 1961-1962. Tư liệu BS Đinh Xuân Dũng; phải, Nghiêm Sỹ Tuấn trông như một Ông Đồ với khăn đóng áo dài trong mấy ngày Tết cùng với các em, Tuấn là anh cả trong một gia đình thanh bạch đông anh em. [hình chụp năm 1963, album gia đình Nghiêm Mậu, em gái Nghiêm Sỹ Tuấn]

Năm 2010, khi Tập San Y Sĩ Canada thực hiện số báo chủ đề Tình Thương, Một Thời Nhân Bản [TSYS số 184, 01/2010], mọi người đều cảm nhận được dấu ấn rất rõ nét của Nghiêm Sỹ Tuấn ngay trong tòa soạn và xuyên suốt trên nội dung tờ báo Tình Thương.

TRẦN HOÀI THƯ PHÁT HIỆN BÀI VIẾT SỚM NHẤT CỦA PHẠM LIÊU VỀ NGHIÊM SỸ TUẤN

Khi Tuyển tập Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn ra mắt năm 2019, chi tiết về ngày mất của Nghiêm Sỹ Tuấn vẫn còn là một nghi vấn, khiến BS Nguyễn Thanh Bình viết:

Trong 15 bài viết về Nghiêm Sỹ Tuấn, có 2 người nói về ngày anh qua đời, thì lại không giống nhau: theo BS Trần Đức Tường, anh Tuấn mất khoảng tháng 4/1968, sau Tết Mậu Thân, theo BS Nguyễn Thanh Giản, anh Tuấn mất ngày 13/08/1968. Anh Trần Mộng Lâm, bạn đồng khóa 1967 của tôi, kể rằng, sau khi học quân sự ở Võ Bị Đà Lạt, chúng tôi về học hành chánh Quân Y tại Sài Gòn, và Lâm được chỉ định đi canh quan tài của anh Tuấn. Lúc đó có lẽ là tháng 4, và tôi nghĩ anh Tuấn mất vào khoảng đó, vì nếu sau ngày 13/08/1968 thì anh em chúng tôi đều đã đáo nhậm đơn vị rồi.[1]

Hình 3: Hình bìa tuyển tập Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm Mùa Xuân. Nxb TSYS Việt Nam Canada & Việt Ecology Press 2019.

Với phát hiện bài viết của Phạm Liêu đăng trên tập san Mũ Đỏ, sau đó được đăng lại trên báo Tiền Phong số 38 (18/12/1968), của nhà văn Trần Hoài Thư năm 2021, thời điểm Nghiêm Sỹ Tuấn mất, không phải là tháng 8/1968 như BS Nguyễn Thanh Giản nhớ, và nay được kiểm chứng từ 3 nguồn khác nhau (từ Phạm Liêu, từ BS Trần Đức Tường và từ BS Trần Mộng Lâm), chúng ta có thể đoan chắc rằng thời điểm mất của Nghiêm Sỹ Tuấn phải là tháng 4/1968.

Hình 4: Bìa báo Tiền Phong số 38 (18.12.1968), với năm trang báo có bài viết đầu tiên của tác giả Phạm Liêu về trường hợp hy sinh của Y sĩ Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, Y sĩ Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù trên chiến trường Khe Sanh. Sưu tập của Trần Hoài Thư, thư viện Cornell 2021.

Phạm Liêu trên báo Tiền Phong – có lẽ là bút hiệu của một người bạn, một đồng môn rất thân thiết với Nghiêm Sỹ Tuấn [có ba người bạn cùng khóa Y khoa 65, cùng trong binh chủng Nhảy Dù là Trang Châu, Trần Đoàn trong nhóm Tình Thương và Đoàn Văn Bá nhưng được biết cả ba đều không phải là Phạm Liêu]. Tác giả Phạm Liêu viết về Nghiêm Sỹ Tuấn: [3]

Con Người

Trầm tĩnh đến độ lạnh nhạt, trông anh giống một nhà tu khổ hạnh hơn một Y sĩ Dù. Nghiêm Sỹ Tuấn sinh ngày 7-2-1937 tại Nam Định Bắc Phần, trong một gia đình trung lưu nho giáo. Được thân sinh dạy vỡ lòng năm lên bảy, mãi đến năm 14 tuổi anh mới thực sự cắp sách đến trường (Dũng Lạc Hà Nội). Bảy năm Trung học và bảy năm Đại học.

1955 – 58 học-sinh Nghiêm Sỹ Tuấn luôn được xếp ưu hạng trong những môn ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Hán tự và Việt tại trường Chu Văn An.

Ngay từ thủa thiếu thời, anh đã tỏ một ý chí cương nghị, một sự phục tòng hiếm có. Vâng lời phụ mẫu anh theo học dự bị y khoa (P.C.B) năm 1958 và tốt nghiệp Y Khoa Đại học đường năm 1965.

Hình 5: Y sĩ Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, người thứ hai trong hàng, trước giờ lên máy bay cho một saut nhảy dù bồi dưỡng. Tư liệu của BS Vũ Khắc Niệm và Trang Châu.

Những người bạn xa gần không một ai có thể phủ nhận thiện chí làm một cái gì cho xứ sở của anh. Để đóng góp thật sự, để nối liền ý thức và hành động anh đã tình nguyện về Dù. Được thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, anh đi tham dự hầu hết những cuộc hành quân quan trọng của đơn vị. Là vị Y sĩ đầu tiên hai lần bị thương anh vẫn vui vẻ tái xuất giang hồ.

Nghiêm Sỹ Tuấn viết:Tôi bắt đầu lội từ 11-8-66. Tới nay đã tham dự 11 cuộc hành quân hay chiến dịch. Dài nhất 78 ngày, ngắn nhất 2 ngày. Có mặt tại đủ bốn Vùng Chiến Thuật. Ba lần ở địa đầu nước An-nam Cộng-hòa.

Một trận ở mật khu Thới Lai Cờ đỏ thuộc Vùng 4. Một lần bị thương cũng ở Vùng 4 trong cuộc đi ngắn nhất, ngắn nhất vì trúng đạn được về, chứ không phải chính nó ngắn có 2 ngày thôi đâu. Hai tháng khập khiễng dưỡng thương ở nhà. Tái xuất giang hồ từ đầu tháng 7/1967. Và bây giờ mừng lễ Giáng sinh ở Dakto, sau khi leo núi xuống đèo 15 ngày ròng rã. Đã lên ăn ngủ trên mấy đỉnh 1416, 1556. Đại khái cũng nhiều mệt nhọc, mà cũng nhiều thích thú”. (Trích trong thư gởi bạn đề ngày 28-12-67)

Trong đơn vị, anh luôn tỏ ra là một quân nhân giàu lòng vị tha bao dung rộng rãi với các quân nhân thuộc hạ, tự xếp mình trong một kỷ luật sắt đá, một thứ kỷ luật tự giác. Qua những bài viết trong Nguyệt san Tình Thương và nhiều tạp chí khác, anh đả kích mọi sự chống đối, dù nhân danh một sự kiện gì. Theo anh chiến tranh không thể tự nó đáng nhờm gớm. Chỉ đáng khinh bỉ những nhân chứng ngoại cuộc chỉ trỏ vô trách nhiệm.

Anh viết:

Chiến tranh chỉ xấu xa và tàn bạo trong mắt những người đứng xa chỉ trỏ. Cha ông chúng ta khi xưa đã nhất định tiếp tục nó, và đã chiến thắng chắc vì hiểu rằng trật tự và kỷ luật trong sức mạnh con người là một cảnh tự nó đẹp dễ làm cảm động, dễ làm thán phục. Nhất là khi có những sức mạnh bên ngoài đến gây xáo trộn trật tự và kỷ luật ấy.

Tôi trộm nghĩ thứ “trật tự và kỷ luật” trên, anh đã tìm thấy ở các đơn vị Dù. Sự kiện này cắt nghĩa phần nào cho việc lựa chọn một đơn vị sôi động nhất để nối liền nhân sinh quan đã vạch sẵn với hành động nhập cuộc bước xuống cuộc đời của anh. Nghiêm Sỹ Tuấn chủ trương một sự hy sinh tự nguyện, một sự đơn phương chấp nhận sự thể. Từ đấy, cái đẹp đẽ sinh ra, cái dũng sẽ nẩy nở. Kể rằng có một quân nhân thuộc hạ thường mơ ước một ngày nào có thể mua một chiếc máy ảnh giống như cái Canon” mà Nghiêm Sỹ Tuấn thường mang theo bên mình. Thế rồi trong một cuộc hành quân, người binh sĩ này tử trận. Y sĩ Tuấn về thăm gia đình người xấu số, không quên mang theo chiếc máy hình ngày nào, kính cẩn để trên bàn thờ, rồi im lặng ra về.

Được lệnh về phục vụ tại bệnh viện Đỗ Vinh, Nghiêm Sỹ Tuấn xin tiếp tục theo TĐ 6 Nhảy Dù hành quân tại Khe Sanh.

[Ghi chú của Ngô Thế Vinh: Chi tiết từ chối về phục vụ tại BV Đỗ Vinh là không đúng. Khi Nghiêm Sỹ Tuấn được đề cử đi học khoá giải phẫu một năm, nhưng vì Cục Quân Y không hứa sau khóa học sẽ được về làm việc tại BV Đỗ Vinh thuộc Sư Đoàn Dù, nên NST tiếp tục “súng, xắc” về lại đơn vị cho tròn hai năm phục vụ ở cấp tiểu đoàn – trích từ YSTT của BS Trang Châu] [1]

Ngày 11/4/1968, tại làng Vei, Đại Đội anh đi theo đụng độ nặng. Những quả 81 của VC nổ long trời xung quanh anh. Hai binh sĩ ở tuyến đầu bị mảnh vào bụng được di tản về toán cứu thương. Y sĩ Tuấn nhảy ra khỏi hầm trú ẩn, trầm tĩnh băng bó hai thương binh, sang nước biển cho họ. Những cử chỉ chậm chạp thong thả. Trong lúc anh đang tiếp nước, một quả tạc đạn rớt ngay trước mặt, những người y tá chung quanh đều bị thương nhưng không chết, chỉ có mình anh trầm tĩnh lìa bỏ cuộc đời như anh đã trầm tĩnh chấp nhận những sự kiện đã xảy ra trong đời anh.

Một Nhân Sinh Quan

Mặc ai nói đông nói tây anh vẫn bình thản đi theo con đường đã vạch. Những người bạn anh kể rằng anh tôn trọng kỷ luật đến độ làm cho những người khác khó chịu. Dưới một bề ngoài trầm lặng, tiềm tàng một nếp sống nội tâm cuồng nhiệt.

Anh thật nhiều tham vọng. Anh muốn nhiệm vụ của một quân nhân Dù đi kèm một Y sĩ tiền tuyến của anh phải kiện toàn. Không bao giờ ta thán bất cứ một sự gì. Không bao giờ tìm tòi sơ hở của kẻ khác để chỉ trích, phê bình, chê bai. Người khác có cảm tưởng anh im lặng để hành động nhiều hơn, hữu hiệu hơn, thật đúng là một triết lý của hành động.

Tất cả những trầm tĩnh bên ngoài chỉ để che đậy một sự nổi dậy liên tục của nội tâm. Đọc văn anh, chúng ta liên tưởng đến một Kafka. Những chi tiết nhỏ nhặt của ngoại cảnh bắt nguồn cho một phân tích gẫy gọn súc tích cho một vấn đề chủ yếu. Từ một chuyện hai đứa bé cãi nhau về miếng đất con trâu vỉa hè, anh viết:

“Ngẫm ra hai đứa bé đều có lý, nghe như chuyện mặt trời xa gần. Tôi đâu dám cuồng vọng trộm đặt mình vào chỗ đứng của một Thánh nhân, song quả thực tôi có phải xử vụ này, tôi cũng đành chịu. Thời buổi đua tranh sơ hở thì đến thân mình còn mất nữa là. Cứ tôi tự do, không làm việc đang làm có người khác sẽ làm mất. Giả sử có kẻ bảo: Tôi có tự do, vậy tôi tự do hay không tự do là quyền tự do của tôi, chắc chẳng ai dám nói tôi… điên rồ”.

Nghiêm Sỹ Tuấn “Ngồi ăn cơm một mình”

Anh đã từ một sự kiện không đâu dẫn độc giả vào một thế giới riêng biệt của Nghiêm Sỹ Tuấn, thế giới biểu tượng của cử chỉ và ngôn từ. Trong những áng văn anh đã viết, triết lý của hành động và hành động trong kỷ luật được nêu ra và nhắc lại nhiều lần. Âu cũng là, tôi trộm nghĩ, một trong những nguyên do chính khiến anh đã chọn binh chủng Nhảy Dù.

Dáng dấp Nghiêm Sỹ Tuấn là dáng dấp của một nhà khổ hạnh. Anh chấp nhận tất cả: Ngay những điều bất hạnh có thể xảy ra trong mai hậu khi anh dấn thân. Nhiều người cho những sự hy sinh của anh vô nghĩa, nếu không nói phi lý, anh hiền hòa đáp lại:

“Làm gì có xương nào phơi vô nghĩa, càng vô nghĩa bao nhiêu càng ý nghĩa bấy nhiêu. Vả chăng xương nào thay được xương mình. Trái đậu thì hoa tàn. Hạt giống có chết cây mới nẩy mầm xanh, sao nói là vô nghĩa được.

Anh chấp nhận ngay cả sự chết một mai của mình nếu không nói những áng văn của anh như bản di chúc cuối cùng của một người sắp ra đi. Chấp nhận sự chết để tự dọn mình là một triết lý khổ hạnh, mà ít người bằng tuổi anh đã dám nhận làm chỉ nam cho đời mình. [3]

PHẠM LIÊU

[Nguyệt san Tiền Phong số 38, 15-12-1968]

Hình 6: Bìa Tập San Y Sĩ Canada số 184, 01/2010, chủ đề Tình Thương, Một Thời Nhân Bản. [tư liệu Ngô Thế Vinh]

Tính đến 2021, Nghiêm Sỹ Tuấn mất cũng đã hơn nửa thế kỷ. Sau này mới được biết, sau Nghiêm Sỹ Tuấn, còn có thêm hai người em trai của anh cũng hy sinh trên những trận địa khác. Chỉ riêng gia đình anh đã cống hiến ba người con trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, một hy sinh và mất mát thật vô cùng lớn lao. [1]

TÁC PHẨM NGHIÊM SỸ TUẤN

– Truyện ngắn: Những Người Đi Tìm Mùa Xuân – Para Bellum

Hình 7: trái, Bìa báo Tình Thương số 2 Xuân Giáp Thìn (1964); phải, trang trong với truyện ngắn nổi tiếng Những Người Đi Tìm Mùa Xuân, tác phẩm tâm đắc của Nghiêm Sỹ Tuấn. Anh là Thư ký Tòa soạn báo Sinh Viên Y Khoa Tình Thương từ số ra mắt tới số 13, khi anh ra trường và nhập ngũ. [tư liệu Ngô Thế Vinh]

– Thơ 28 Sao

Đầu thai tỉnh giấc

Ngụp lặn từ đây

Trở về cát bụi

Sáu Buồn trước tử biệt sinh ly:

Quê Hương, Tuổi Đứng, Bạn Cũ, Người Yêu, Đám Đông, Đất Lạnh   

– Biên khảo

Ý thức tinh thần Đại học. Nghiêm Sỹ Tuấn, Đặng Vũ Vương, Hà Ngọc Thuần

Tình Thương và Tuyên Ngôn Leysin

Một Năm Học tập

Niềm đau nỗi khổ: Công cuộc khắc phục đau đớn

Những ám ảnh của chứng nan y: Nan y hay dịch tễ xã hội

– Tạp bút

Thịt Chuột và Văn Hóa

– Tác phẩm dịch:

Dưới Mắt Thượng Đế, Hans Killian

[Nghiêm Sỹ Tuấn & Nguyễn Vĩnh Đức]:

Hình 8: từ trái, hình bìa gốc bản tiếng Đức: Hinter Uns Steht Nur Der Herrgott; hình bìa 1&4 bản dịch tiếng Pháp: Sous le Regard de Dieu do Robert Laffont xuất bản; dưới: trang báo Tình Thương với bản dịch truyện ngắn Cha Tôi trong tác phẩm Dưới Mắt Thượng Đế. Tư liệu Ngô Thế Vinh.

Tờ di chúc

Phép Lạ

Thiên đường đã mất

Văn Sợi, Người Phụ Tùng

Chết trên bàn mổ / Mors in tabula

Thác chảy trong đầu

Người bệnh tưởng

Phía bên kia con đường có bóng

Người bạn tốt nhất

Cha tôi

Quyết định to tát

Đất Chẳng Trở Về. Gilberte Sollacaro

[Nghiêm Sỹ Tuấn]

Lịch Sử Y Học. Kenneth Walker

[Hà Hợp Nghiêm – Nghiêm Sỹ Tuấn & Hà Ngọc Thuần]

Hình 9: Bìa cuốn Lịch Sử Y Học của Kenneth Walker (1882-1966), Nxb Hutchinson, London 1954; được Nghiêm Sỹ Tuấn và Hà Ngọc Thuần dịch với bút hiệu chung Hà Hợp Nghiêm, đăng từng kỳ trên báo Tình Thương từ số ra mắt 01.1964. Tư liệu Ngô Thế Vinh.

Với lời giới thiệu của Hà Hợp Nghiêm: “Kenneth Walker là một trong những thủ thuật gia lỗi lạc của Anh quốc. Tốt nghiệp Đại học Cambridge và bệnh viện St. Bartholomew ở Luân Đôn, hội viên Học viện Giải phẫu Hoàng gia, ông nổi tiếng, ngoài y học thuần túy, về những tác phẩm y học và triết học của ông. Ông đã xuất bản: Lịch Sử Y Học và Lịch Sử của Máu. Ngoài ra ông còn cộng tác thường xuyên với nhiều tạp chí y học và khoa học lớn nhất hiện thời. Trong cuốn Lịch Sử Y Học mà chúng tôi [Nghiêm Sỹ Tuấn & Hà Ngọc Thuần] hân hạnh trình bày bản dịch dưới đây với quý vị độc giả, Kenneth Walker đã tóm tắt trong 20 chương, tất cả quá trình tiến hóa của Y học trong hơn 3000 năm, bắt đầu từ những văn minh tối cổ cho đến nền văn minh hiện đại, từ Hippocrates, Galien đến Pasteur, Fleming, cả một truyền thống lấy phụng sự làm động cơ, lấy lý trí làm hướng đạo, luôn luôn cố gắng cho đời thêm tươi đẹp, đáng sống.”

CÙNG ĐI TÌM LẠI CHÂN DUNG NGHIÊM SỸ TUẤN

Năm Nghiêm Sỹ Tuấn tử trận, cũng là năm lớp Y khoa 68 ra trường. Tính đến nay, qua hơn nửa thế kỷ, trải qua rất nhiều hoàn cảnh và những thử thách khác nhau, với bao nhiêu biến động và thăng trầm của đất nước, có thể nói các bạn của Nghiêm Sỹ Tuấn là những người sống sót, và để rồi chẳng thể ngờ rằng nay vẫn còn có dịp nhìn về một chặng đường quá khứ, tìm lại khoảng thời gian đã mất.

ĐẶNG VŨ VƯƠNG, nguyên trưởng ban Quan điểm báo SVYK Tình Thương hồi tưởng:

Viết về báo Tình Thương sẽ thiếu sót nếu không viết về Nghiêm Sỹ Tuấn [NST]. Ít hay nhiều báo Tình Thương đã ghi dấu ấn trên những người viết năm xưa và có thể ít hay nhiều đã ảnh hưởng đến hướng cuộc đời của nhiều người sau này. Tôi nghĩ rằng NST đã để lại dấu ấn trên nhiều anh em báo Tình Thương. Riêng tôi, tôi vẫn coi thời gian được làm bạn với NST và cùng viết báo Tình Thương là một trong những giai đoạn may mắn và quý báu nhất của đời tôi. Tôi với NST có rất nhiều khác biệt để thành bạn thân nhưng viết báo Tình Thương đem lại cho 3 chúng tôi (Đặng Vũ Vương, Nghiêm Sỹ Tuấn, Hà Ngọc Thuần) sự quý mến và tôn trọng nhau qua bao nhiêu sự trao đổi tư tưởng và theo đuổi lý tưởng và đặc biệt nơi NST tôi tìm thấy mẫu người “Renaissance man” của Tây phương đóng khung bằng tư tưởng và phong cách của một nhà Nho thời xưa. NST giỏi chữ Hán, thông văn chương Việt, có năng khiếu và sở thích về nhiều môn (thi văn, âm nhạc, nghệ thuật…) và đọc nhiều sách triết học. Tôi còn nhớ đã bàn luận rất nhiều với NST về Teilhard de Chardin thời tôi viết bài về Y khoa Nhân bản. NST chỉ cần chứng tỏ với chính mình và tôi nghĩ việc NST chọn binh chủng Nhảy Dù là một thử thách cá nhân. Mất NST, chúng ta mất một người bạn quý, một kẻ sĩ (trong trường hợp NST kẻ sĩ gồm Scholar + Gentleman + Physician). Trong bài viết cho Tập san Quân Y năm xưa về NST, tôi đã ví NST như là một “sao chổi” thoáng bay qua vòm trời Tình Thương, tuy nhẹ nhàng và ngắn ngủi nhưng đã để lại dấu tích lâu dài và sâu đậm trên bạn hữu và những ai đã một lần tiếp xúc với Tuấn. 

Nghiêm Sỹ Tuấn giỏi chữ Hán, tiếng La Tinh, anh có năng khiếu về ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh, anh còn học thêm cả tiếng Đức cùng với Trần Xuân Dũng ở Goethe-Institut Saigon. Khi cùng dịch tác phẩm Dưới Mắt Thượng Đế của Hans Killian, Nguyễn Vĩnh Đức chủ yếu dịch từ bản tiếng Pháp Sous le Regard de Dieu của Max Roth, trong khi Nghiêm Sỹ Tuấn còn cẩn trọng tham khảo thêm từ bản gốc tiếng Đức Hinter Uns Steht Nur Der Herrgott.

Cho dù đã vô cùng bận rộn với học trình bảy năm Y khoa, từ phòng thí nghiệm tới giảng đường cho tới các bệnh viện, Nghiêm Sỹ Tuấn vẫn dành thời gian cho các sở thích về nhiều bộ môn nghệ thuật: thơ nhạc họa và ngoài sách Y khoa, anh đọc nhiều sách Triết học.

Nghiêm Sỹ Tuấn có cá tính rõ rệt, một con người tài năng và lý tưởng, Anh không xuất thân từ một danh gia vọng tộc mà gốc gác bình dân như tuyệt đại đa số các gia đình Việt Nam khác, nhưng anh là hình ảnh kẻ sĩ hiếm hoi, được kết tinh từ những phẩm chất làng xã Việt Nam, với truyền thống và nề nếp giúp xã hội Việt Nam đứng vững và tồn tại qua bao ngàn năm thăng trầm của lịch sử. Nghiêm Sỹ Tuấn chính là mẫu người quân tử Đông Phương hiếm hoi thuần Việt còn vương sót lại ở hậu bán thế kỷ 20.[2]

Hình 10: Hình chụp năm 1963 tại một bệnh viện Sài Gòn, thuộc khóa Y khoa 1959-1965; hàng ngồi, từ trái: Đỗ Thức Diêu, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Ngọc Trân, Đinh Xuân Dũng, Lê Khắc Minh, Huỳnh Ngọc Phương; hàng đứng, từ trái: Trần Tiễn Huyến, Nghiêm Sỹ Tuấn, Huỳnh Trúc Lâm, Trần Bá Cơ, Nguyễn Hoàng Hải, Tôn Thất Chiểu, Nguyễn Tiến Hải, Dương Hữu Thành, Đinh Hà, Lê Hữu Lộc, Nguyễn Anh Tuấn, Ngô Thanh Quế. (riêng trong nhóm này thì đã có: Nghiêm Sỹ Tuấn, Đỗ Thức Diêu, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Anh Tuấn, Ngô Thanh Quế đã qua đời.) Tư liệu của BS Đặng Vũ Vương, ghi chú hình của BS Nguyễn Hoàng Hải.   

Nghiêm Sỹ Tuấn viết văn khi đang còn là một sinh viên, có thể là sớm hơn. Từ 1963, cùng với các bạn Y khoa làm báo Tình Thương như một diễn đàn cho những ý tưởng nhân bản, hướng tới một xã hội lý tưởng và không mang nặng tính chủ nghĩa” [GS Trần Ngọc Ninh]. Ngay từ các bài viết xuất hiện rất sớm trên tờ báo Tình Thương, Nghiêm Sỹ Tuấn đã quan tâm tới các vấn đề cơ bản của đất nước: giáo dục, xã hội, và thời sự.

Nghiêm Sỹ Tuấn chỉ để lại vài truyện ngắn, mấy bài thơ, một cuốn nhật ký viết dở dang và có thể còn ở đâu đó là những trang bản thảo đã bị thất lạc. Chắc chắn Anh còn những hẹn hò khác, nhưng Anh đã vội vã mang đi, chôn sâu dưới mảnh đất của một quê hương Việt Nam tự do mà Anh đã hết lòng yêu mến và đã đem chính sinh mệnh của Anh ra để bảo vệ.

Hình 11: Thẻ thực tập bệnh viện nhóm B, năm thứ Ba YKSG niên khóa 1961-1962, trên từ trái: Lê Văn Tập, Tôn Thất Chiểu, Huỳnh Ngọc Phương, Nguyễn Ngọc Trân, Nghiêm Sỹ Tuấn; dưới từ trái: Đinh Xuân Dũng, Huỳnh Trúc Lâm, Trần Bá Cơ, Nguyễn Gia Ân, Nguyễn Tiến Hải. Tư liệu BS Đinh Xuân Dũng

Hình 12: Lớp Y Khoa 1965, hình chụp 1963 tại sân ngôi trường cũ 28 Trần Quý Cáp Sài Gòn; khi ấy Nghiêm Sỹ Tuấn đang là sinh viên Y khoa năm thứ 4 cùng với các Bạn đồng khóa và Giáo sư Mahoudau từ Faculté de Médecine de Paris qua dạy về các đề tài Nội khoa và Thần kinh.

[Ghi chú chi tiết Hình 12: hàng đứng từ trái, Minh, Đàm Quang Toản, Nguyễn Trọng Dzực, Nguyễn Hải Nam, Lê Xuân Lộc, Nguyễn Đình Khoát, Lê Văn Ba (dân vệ), Đoàn Văn Bá, Trần Đoàn (ngón tay chữ V sau lưng Bá), Giáo sư Mahoudau, Lê Tất Giao, Michell Quyên, Nguyễn Thị Lý, Dương Quang Trí, Trần Bá Cơ, Nghiêm Bảo Thạch, Đinh Hà, Nghiêm Sỹ Tuấn, Phan Giang Sang, Nguyễn Anh Tuấn (Râu), Trần Tiễn Huyến, Đỗ Thức Diêu, Lê Văn Tập; hai người đứng rùn gối: Nguyễn Thượng Vũ (quần đen), Trần Xuân Dũng (quần trắng). [tư liệu và nhận diện của BS Lê Văn Tập]. Sau năm 1975, cộng sản đã chọn ngôi trường Y khoa cũ làm khu trưng bày Tội ác Mỹ Ngụy và sau đổi thành Khu Bảo tàng Di tích Chiến tranh.

Giữa thập niên 1960s, khi đang làm báo sinh viên Tình Thương, là những năm đầy biến động của đất nước, ngoài tiền tuyến chiến tranh ngày càng ác liệt lan rộng dâng cao với rất nhiều chết chóc, trong khi hậu phương là một mặt trận khác với những cuộc biểu tình dắt dây, với vòng kẽm gai và lựu đạn cay trải dài trên khắp các đường phố… Nghiêm Sỹ Tuấn đã tỏ ra không đồng ý với mọi xáo trộn nơi hậu phương giữa cuộc chiến tranh, mà theo anh thì chỉ có lợi cho cộng sản và tuy anh không lớn tiếng phản đối nhưng bản thân anh luôn luôn đề cao tính kỷ luật và trật tự.

Không chỉ với tác phẩm tâm đắc Những người đi tìm Mùa Xuân, nhưng Para Bellum là một tác phẩm quan trọng khác, mang nặng những suy tư về chiến tranh và hòa bình của Nghiêm Sỹ Tuấn. Chính kiến của Nghiêm Sỹ Tuấn rất rõ ràng trong truyện ngắn Para Bellum / Chuẩn bị Chiến tranh.

LẠI MẠNH CƯỜNG, một y sĩ tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn sau Nghiêm Sỹ Tuấn nhiều khóa, LMC chưa vào Y khoa khi Nghiêm Sỹ Tuấn đã ra trường. Từ Hòa Lan, Lại Mạnh Cường đã nhận định về truyện ngắn Para Bellum rất đặc biệt này của Nghiêm Sỹ Tuấn:

Phải nói ngay tôi bị “dội ngược” khi đọc truyện ngắn này của NST, mang tựa đề rất lạ Para Bellum. Tra trong internet mới biết tác giả trích dẫn từ một câu danh ngôn bằng tiếng Latin cổ: Si vis pacem, para bellum; dịch ra tiếng Anh là “If you want peace, prepare for war”; tiếng Việt: “Muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”!

Đọc khoảng một nửa truyện mới hiểu tác giả học xong y khoa, nhận được lệnh gọi nhập ngũ và đợi chờ ngày ra đơn vị. NST viết lại những tiếp xúc của mình (nhân vật số 1) trong thời gian này với người yêu (số 2), người bạn (3), ông bác (4), cháu bé gái (5), người lính (6), bà hàng chè (7).

Lối hành văn cầu kỳ, mơ hồ, lại mang chất thơ. Tôi có cảm tưởng đây là những màn độc thoại (monologue), nhưng lại được tác giả cố tình viết ra dưới hình thức đối thoại (dialogue) giữa tác giả với những người thân, để giãi bày tâm sự. Các nhân vật số 2, 3, 4 và cả số 5 chỉ giữ vai trò những “mắc áo”, để tác giả mặc sức “trang hoàng” những tư tưởng cầu kỳ đến khó hiểu trong cái đầu “bác học” của ông. Xin dẫn chứng một vài mẩu đối thoại với người yêu trước khi chia tay ra đơn vị:

“Bởi anh còn gì nữa đâu ngoài thân thể này, với đầu óc mơ màng với trái tim hay đập mạnh; với bàn tay vụng về chỉ thích viết vẽ bâng quơ, xây lầu trên cát. Đắm say sẵn có, lại thêm chữ nghĩa điểm tô, khiến anh chỉ biết cảm thấy thơ thới hòa vui khi nhìn em nét cười tươi sáng, áo trắng đơn sơ. Còn khi xe ngựa lặng thinh, sừng sững chập chờn tuổi đứng, một mình sao anh nghe buồn nản len lỏi từ đâu. Ồ! Anh lại muốn làm thơ rồi phải không em? Mà thơ chắc là em không thích.”

“Em thích nghe? Trước kia không nói, vì em thường bảo không hiểu; vả anh cũng rất sợ phiền. Giờ chắc êm đềm hay ngắn, sao đem nhiều lời khuấy động? Anh cứ để qua đi mà không hay. Đến lúc oanh vàng quen thuộc rộn ràng hót mấy thanh từ giã, mới vội vàng tìm miệng trao lời.

Thường tình vẫn thế, chỉ khi chiều muộn đường xa mới thấy bếp lửa dịu dàng. Anh đã cố gắng thoát khỏi thân riêng, tìm kiếm và tạo dựng cộng hưởng nơi người. Hiển hiện đâu đây, nét dẫn khởi đang muốn trở thành dẫn lực. Liệu anh có lầm chăng?”

Tôi ngờ rằng cuộc đối thoại này chỉ là hư cấu, không thật trăm phần trăm! Và nó thật sự không hấp dẫn tôi. Tôi cho là mình nghĩ đúng về NST khi theo dõi các cuộc đối thoại tiếp theo, giữa tác giả với người bạn thân và nhất là với ông bác. Từ đó tôi cho rằng con người “(ưa) lập thuyết” lấn áp con người thật NST. Anh cố đè nén mọi cảm xúc, đam mê và tình cảm cá nhân, quyết sống theo các khuôn mẫu khắt khe, nhằm phục vụ cho lý tưởng. Anh chuộng kỷ luật và ưa trật tự, và đã khẳng định chắc nịch: “Chiến tranh chỉ xấu và tàn bạo trong mắt những người đứng xa chỉ trỏ. Nên người phải ngừng hay tiếp tục nó với những lý do đẹp đẽ. Cha ông chúng ta xưa kia đã nhất định tiếp tục nó, và đã chiến thắng, chắc vì hiểu rằng trật tự và kỷ luật trong sức mạnh con người là một cảnh tự nó đẹp, dễ làm cảm động, dễ làm thán phục. Nhất là khi có những sức mạnh bên ngoài để gây xáo trộn trật tự và kỷ luật ấy.”

NGUYỄN THANH GIẢN là người bạn thân thiết từ thời trung học, cũng là bạn đồng khóa Y khoa với Nghiêm Sỹ Tuấn sau này. Nguyễn Thanh Giản viết:

“Thằng Tuấn mà đi Nhảy Dù thì chắc dù nó bay lên chứ không xuống đâu! Tôi mỉm cười nhưng không ngạc nhiên vì biết anh nhỏ con, cao có 1,58 mét và nặng chỉ có 40 ký. Tuy nhiên vì đã chơi thân với nhau kể từ khi còn trung học và suốt 7 năm đại học nên tôi biết rõ anh có lý do để chọn binh chủng Nhảy Dù, một binh chủng chiến đấu anh dũng và có kỷ luật cao.

Ngay từ khi còn ngồi ghế trung học, chúng tôi cũng đã có những đêm thức trắng bàn luận với nhau, nào là văn chương triết lý, nào là vận nước lâm nguy, nào là ước vọng của những người trai thời loạn. Cái hoài bão của chúng tôi thời đó thật là to lớn quá, cái lý tưởng tuyệt vời quá, nhưng cả hai chúng tôi đều băn khoăn trong lòng là không biết mình sẽ làm được cái gì?

Thế rồi ra trường, mỗi đứa được điều động đi một ngả. Lần cuối cùng tôi được gặp Tuấn là ở quận Cam Lộ, thuộc tỉnh Quảng Trị. Lúc đó người ta đang xây dựng một hàng rào điện tử gọi là hàng rào McNamara để ngăn chặn Cộng quân từ Bắc xâm nhập vào Nam. Người dân ở quanh đó bị bắt buộc phải dời đi nơi khác. Họ được tạm cư ở những trại làm bằng lều vải do Mỹ cung cấp. Trên một khu đất rộng, những căn lều vải được cất lên san sát. Mùa hè với những cơn gió Lào thổi về như thiêu đốt và mặt đất cát nóng bỏng. Thực phẩm và nước uống cũng do trực thăng hoặc những đoàn xe Mỹ chở tới. Tôi được giao nhiệm vụ coi sóc sức khỏe của đồng bào ở các trại này, gọi là công tác Dân Sự Vụ.

Bộ Chỉ huy của tôi đóng ở Đông Hà, mỗi sáng tôi được chở tới Cam Lộ để khám bệnh cho đồng bào đến chiều lại về vì ở Đông Hà an ninh hơn. Nhưng thường thì buổi chiều tôi không muốn về. Tôi muốn ở lại cùng với anh em y tá của tôi một phần, một phần nữa tôi muốn sống thật gần gũi với những người dân quê lam lũ. Nhiều người dân ở trong các lều thấy tôi đến thăm họ buổi tối, tặng thuốc bổ hay cho trẻ em vài cái kẹo, họ rất quý. Tôi thường nói chuyện, tâm sự với họ tới khuya. Quan hệ giữa tôi và đồng bào ở đó trở nên thân mật. Có lần tôi bị ốm phải về Quảng Trị tĩnh dưỡng mấy ngày, đến khi trở lại họ thăm hỏi tôi một cách ân cần. Một người dân chất phác hỏi:

– Bác sĩ đau làm chúng tôi nhớ bác sĩ quá. Bác sĩ không đi khám bệnh được sao không nhờ bà bác sĩ khám giùm?

Tôi cho họ biết vợ tôi không phải là bác sĩ nên đâu có biết khám bệnh, thì họ đồng thanh nói:

– Thì ông chỉ cho bà cách khám bệnh và cho thuốc cũng được chớ có sao!

Những người dân quê này thật hiền lành chất phác và dễ thương quá, họ không hiểu thế nào và phải học ra sao để làm bác sĩ. Tôi đành giải thích theo lối họ:

– Đồng ý tôi có thể dạy vợ tôi cách khám bệnh nhưng vợ tôi phải học rất siêng năng. Tối nào cũng phải thức ít nhất 12 giờ đêm để học bài, nếu không thuộc tôi phải dùng roi tét vào đít. Cứ như thế 7 năm thì bà ấy mới có thể chữa bệnh được!

Mọi người cười ồ lên có vẻ hiểu. Tôi thương những người dân quê này quá, họ chẳng khác nào gia đình của tôi, nhưng tôi chỉ có thể ở với họ một thời gian ngắn rồi sẽ ra đi. Chiến tranh vẫn kéo dài, ngày một thêm ác liệt, rồi tai họa nào sẽ giáng lên đầu họ? Tôi làm sao có thể chia sẻ với họ mãi được!

Một buổi chiều, tôi đang đùa giỡn với đám trẻ con thì Tuấn ở đâu đi tới. Anh mặc bộ đồ Dù khá mới, da dẻ đã sạm nắng, đầu tóc vẫn hớt kiểu móng lừa. Tiểu đoàn anh đi hành quân ở Cùa mới về, nghe nói tôi ở đây nên anh tới thăm. Thấy tôi, anh nói giỡn:

– Bác sĩ không lo khám bệnh lại đi giỡn với trẻ con.

Tôi mời anh vào trong lều mở nước ngọt mời anh và các y tá uống. Đêm hôm đó, trong căn lều vải giữa đồng khô cỏ cháy chúng tôi được dịp nằm bên nhau ôn lại những kỷ niệm xa xưa, thời còn cắp sách tới Đệ Tam B6, Đệ Nhị B6 của trường Chu Văn An đã gần mười năm về trước. Chỉ khác là lần này chúng tôi nằm ở vùng tiền tuyến, tiếng đạn nổ chung quanh như nhắc nhở rằng những chết chóc điêu linh của cả dân tộc vẫn là một thực thể không biết đến ngày nào mới chấm dứt.

Sáng hôm sau, tôi bắt đầu một ngày làm việc mới thì gặp trường hợp một em bé bị sưng ruột dư. Tuấn cũng nắn bụng em bé và đồng ý với sự chẩn đoán của tôi. Đứa bé cần được đưa đi nhà thương để mổ ngay. Nhưng vừa nghe tới chữ mổ là cha mẹ nó ẵm chạy ra ngoài ngay. Họ cho mổ là việc ghê gớm lắm, con họ bị đem đi mổ chắc là sẽ chết và thân xác không vẹn toàn, có khi không được trả xác về nhà nữa là khác. Trong đầu họ nghĩ đến ông thầy thuốc Nam, ông y tá quen thuộc hay cùng lắm là ông thầy pháp có thể cứu được đứa bé. Tôi bối rối chưa biết xử trí ra sao, anh em y tá định giữ bé lại nhưng mẹ nó đã lanh lẹ ẵm chạy về lều. Tuấn nói với tôi:

– Để tao khám bệnh thế mày bữa nay. Mày đã quen với dân chúng ở đây rồi, hãy đến tận nơi giải thích cho họ: chỉ có cách giải phẫu mới cứu được đứa bé mà thôi. Tao biết mày có tài thuyết phục hay lắm mà.

Tôi tới tận lều giải thích mãi cha mẹ đứa bé vẫn không nghe. Sau phải nhờ nhiều người quen nói thêm vào, cha mẹ đứa bé mới đồng ý đem nó đi Quảng Trị với điều kiện tôi cũng phải đi theo và cha mẹ nó thì luôn luôn ở bên cạnh. Tôi bèn gọi máy bay trực thăng tản thương rồi tất cả cùng đi. Chỉ một tuần lễ sau đứa bé bình phục hoàn toàn nhưng lúc đó Tuấn đã xa tôi rồi. Tôi còn nhớ đêm trước hôm chia tay Tuấn nói với tôi:

– Cuộc chiến này nếu không làm sáng tỏ được là chúng ta chiến đấu cho tự do dân chủ thì rất nguy. Nó sẽ trở thành cuộc chiến của những thằng ở thành phố đánh nhau với những thằng ở miền quê. Những thằng ở thành phố tinh khôn hơn nhưng chỉ là thiểu số, miền quê trông có vẻ khờ khạo nhưng nắm giữ hầu hết tiềm lực của dân tộc. Mày tranh thủ được nhân tâm dân chúng miền này là rất tốt. Nếu bên mình mà làm được như vậy thì bọn Việt cộng sẽ thua nhanh chóng. Cuộc chiến đã trở thành cuộc tranh thủ nhân tâm, mình không làm thì bọn Việt cộng tinh ranh sẽ làm và sự sụp đổ của miền Nam sẽ là điều không tránh khỏi.

Sự tiên đoán của Tuấn đã xảy ra. Ngày miền Nam sụp đổ, anh không còn nữa nên tránh được cái tủi nhục của những người bại trận. Còn chúng tôi lũ lượt kéo nhau đi từ nhà tù này tới nhà tù khác…

Tuy nhiên lời tiên đoán của Tuấn đến bây giờ lại sắp được chứng nghiệm một lần nữa. Chiến thắng của Việt cộng tôi cho chỉ là tạm thời, nếu họ không biết thay đổi chính sách. Vì khi huyênh hoang với chiến thắng, họ quên mất bài học cũ, bài học chinh phục nhân tâm. Và cho đến nay, hầu hết những người tượng trưng cho sức mạnh dân tộc đã quay lưng lại với họ.” [1]

VŨ KHẮC NIỆM, là y sĩ đàn anh trong Y khoa và cũng là cấp chỉ huy của Nghiêm Sỹ Tuấn trong Quân Y Nhảy Dù. BS Vũ Khắc Niệm viết:

“Tôi còn nhớ mãi một buổi sáng trong căn cứ Hoàng Hoa Thám, tôi như thường lệ xuống câu lạc bộ Tiểu Đoàn Quân Y ăn sáng thì thấy anh Hoàng Cơ Lân đã ngồi đó tự bao giờ, mắt anh đỏ mặt buồn rầu nói với tôi: Nghiêm Sỹ Tuấn chết rồi nhờ toa báo cho anh em biết; xong anh về văn phòng. Tôi sững sờ đứng im lặng, hình ảnh Tuấn trong nón sắt đeo dù mờ ảo hiện về.

Hôm nay, Ngô Thế Vinh gửi cho tôi những bài vở và hình ảnh trong Tuyển Tập Nghiêm Sỹ Tuấn gần hoàn tất, tôi đã đọc và qua những bài viết của bạn hữu cũng là những người tôi hân hạnh quen biết, và có người tôi chỉ nghe danh nhưng tất cả là những người có uy tín mà tôi rất mến phục. Cùng với những bài vở do chính Nghiêm Sỹ Tuấn viết đã làm tôi có cái nhìn rộng hơn về Nghiêm Sỹ Tuấn, một con người vô cùng đặc biệt với những hiểu biết sâu rộng nhưng vô cùng khiêm tốn.

Chúng ta đã mất đi một người bạn, một tài năng hiếm hoi trong cái tuổi quá trẻ. Nghiêm Sỹ Tuấn đã không có dịp đem những tiềm năng dồi dào ấy hiến dâng cho đời, tiếc thay!

Suy nghĩ miên man tôi tự hỏi sao chúng ta không có một cơ sở y tế quân đội nào, một bệnh viện nào mang tên Nghiêm Sỹ Tuấn để tên Anh được nhiều người biết và nhắc đến như Đỗ Vinh, Lê Hữu Sanh, Trần Ngọc Minh…

Nhưng với đức tính khiêm cung thực sự của một kẻ sĩ, tôi nghĩ Nghiêm Sỹ Tuấn chỉ cần một số bạn bè thân thiết thấu hiểu Anh là đủ.

Tôi xin nhân danh một đồng nghiệp, một đồng đội của Nghiêm Sỹ Tuấn trong Quân Y Nhảy Dù cảm ơn Ngô Thế Vinh và các bạn hữu của Tuấn đã dành công sức tạo nên Tuyển Tập này để thế hệ mai sau còn có người nhớ tới Nghiêm Sỹ Tuấn, con người với cuộc sống ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa.” [1]

PHAN NHẬT NAM, xuất thân khóa 18 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, một sĩ quan tác chiến của binh chủng Dù và cũng là một phóng viên chiến trường, tác giả những trang bút ký sống động trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Cảm xúc trước cái chết quá trẻ của Nghiêm Sỹ Tuấn, Y sĩ Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, Phan Nhật Nam viết:

Nghiêm Sỹ Tuấn tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa năm 1965 ở tuổi 28. Bác Sĩ Tuấn nhỏ người, chỉ cao 1 thước 58, nặng 40 ký. Một thân thể tương đối nhỏ so với tầm vóc trung bình, sức nặng cần thiết cho một người lính chiến, chưa nói đến quân nhân thuộc binh chủng Nhảy Dù. Xong hai khóa huấn luyện đến lễ mãn khóa, các tân khoa bác sĩ được mang cấp bậc Y Sĩ Trung Úy. Ngày chọn đơn vị phục vụ là một ngày quan trọng, quyết định tương lai, vận mệnh của người quân y sĩ. Trước giờ chọn đơn vị, một thông báo được tuyên đọc cho tất cả tân bác sĩ được rõ: “Người nào muốn chọn về Nhảy Dù hoặc Thủy Quân Lục Chiến chỉ cần đưa tay lên mà không cần phải đợi đến lượt xướng danh.

Bác Sĩ Nghiêm Sỹ Tuấn liền đưa tay, vị sĩ quan phụ trách thoáng ngạc nhiên do thấy anh mong manh, gầy, nhỏ. “Anh chọn gì?” Tuấn đáp gọn: “Nhảy Dù”. Sau khi ký giấy tờ, anh bước ra khỏi phòng, không cần để ý đến ai sẽ đi đâu, và bao giờ buổi lễ chấm dứt. Bác Sĩ Nghiêm Sỹ Tuấn chọn Nhảy Dù không do bất ngờ, ngẫu hứng bởi trước đây anh đã viết ra lời:

Cung Dâu dựng nhắm phương nào

Ngập ngừng tên cỏ ngày cao chất chồng

Mai sau đó gửi về không

Bóng vươn tinh đẩu mơ vùng núi cao.

Vâng, qua bài thơ Tuổi Đứng, Nghiêm Sỹ Tuấn hóa ra đã chọn sẵn nghiệp phận binh đao, anh đã quyết định trước.

Bác Sĩ Nghiêm Sỹ Tuấn hẳn không chọn binh chủng Nhảy Dù do được khích động, quyến rũ từ hình tượng “áo hoa nón đỏ”, anh thuộc về một mẫu người khác. Giữa những năm 1960, khi đang làm báo Tình Thương của sinh viên Y Khoa, là những năm biến động, hỗn loạn toàn miền Nam, ngoài tiền tuyến chiến tranh ngày càng ác liệt lan rộng, dâng cao với chết chóc, tàn phá; trong khi hậu phương là một mặt trận khác với những cuộc biểu tình liên tục, vòng kẽm gai, và lựu đạn cay trải dài, chắn ngang, rối tung trên khắp các đường phố. Sài Gòn đã là một diễn trường tệ hại với những cuộc tranh giành quyền lợi giữa các phe nhóm, Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, Bác Sĩ Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù đã chọn đúng đơn vị.

Nghiêm Sỹ Tuấn là một con người khác. Người của thế giới im lặng với Sách. Người sống trực tiếp với Chữ. Sống trực tiếp nghĩa đen và nghĩa bóng. Anh tiếp xúc thẳng với Nam Hoa Kinh, Đạo Đức Kinh qua Hán Văn. Anh hiểu nghĩa huyền vi của “Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả Danh phi thường Danh. Vô danh thiên địa chi Thủy. Hữu danh vạn vật chi Mẫu. Huyền chi hựu huyền” từ Hán Ngữ. Người đã học, sử dụng Hán Văn ắt hiểu trực tiếp hình tượng của Hán Ngữ là hiện thực cấu trúc của thế giới siêu hình.

Thế nên anh viết truyện ngắn Para Bellum với chủ ý từ thành ngữ La-Tinh: Si vis pacem, para bellum – Nếu Muốn Hòa Bình Hãy Chuẩn Bị Chiến Tranh – Không những là yêu cầu sinh tử của Việt Nam Cộng Hòa trong thập niên 1960’s mà của cả Việt Nam suốt Thế Kỷ 20 cho đến hiện nay.

Trở lại chữ nghĩa của Nghiêm Sỹ Tuấn. Khi cùng dịch tác phẩm Dưới Mắt Thượng Đế của Hans Killian với Bác Sĩ Nguyễn Vĩnh Đức, dịch từ bản tiếng Pháp Sous le Regard de Dieu của Max Roth, Nghiêm Sỹ Tuấn còn cẩn trọng tham khảo thêm bản gốc tiếng Đức Hinter Uns Steht Nur Der Herrgott. Nghiêm Sỹ Tuấn là một Kẻ Sĩ Thuần Việt sống đủ với Thân Phận Việt Nam.

Nghiêm Sỹ Tuấn không viết những dòng chữ không nội dung. Nghiêm Sỹ Tuấn không nói những lời nói suông… Từ hỗn loạn Sài Gòn sau 1/11/1963, anh có một lập trường rõ rệt, phản đối mọi cuộc xuống đường, dù ở phe nhóm tôn giáo nào. Muốn cách mạng ư? Trước hết cách mạng bản thân mình trước. Anh tiên tri, dự đoán, viết ra đủ cảnh tượng hỗn loạn vô nghĩa sau một sự kiện gọi là “cách mạng / cách mạng xã hội chủ nghĩa”: Giữa một thời thế, xã hội vật chất đang lên, (giá trị) tâm hồn tinh thần dần đi xuống.

Nghiêm Sỹ Tuấn cố gắng thoát khỏi thân riêng, tìm kiếm và tạo dựng cộng hưởng nơi người chung quanh, cụ thể những người lính mà anh chọn lựa đứng cùng đội ngũ trong lần tình nguyện đi Nhảy Dù.

Y Sĩ Trung Úy Nghiêm Sỹ Tuấn với ý thức tự do, đã đi tới chọn lựa: Tự nguyện dấn thân vào một cuộc chiến tranh thảm khốc. “… Làm gì có xương nào phơi vô nghĩa, càng vô nghĩa bao nhiêu càng ý nghĩa bấy nhiêu. Vả chăng xương nào thay được xương mình. Trái đậu thì hoa tàn. Hạt giống có chết cây mới nẩy mầm xanh, sao nói là vô nghĩa được… Cũng đừng buồn thấy lan nhược nở đỏ rồi rơi êm giữa rừng gai cằn cỗi. Cô đơn, đau khổ, gắng chịu một mình. Có thế mới thấy hết vẻ đẹp thanh tao của giếng êm, trăng rạng.”

Không hề chủ trương hay cổ động chiến tranh, nhưng cuối cùng Y Sĩ Trung Úy Nhảy Dù Nghiêm Sỹ Tuấn đã chết do đạn cộng sản pháo kích khi đang cố băng bó vết thương cho một binh sĩ nơi địa đạo Khe Sanh một ngày Tháng 4, 1968.

Lá Thư thay lời kết: Trở lại chuyện Bác Sĩ Tuấn. Tháng 4, 1968 được mấy tiếng phép, từ mặt trận Nhị Bình, Hóc Môn tôi tới Chùa Ấn Quang để đưa đám Nguyễn Đức Cần, Khóa 19 Đà Lạt, Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù chết trận Khe Sanh đưa về. Trong câu chuyện nghe loáng thoáng… Nó (cộng sản) pháo kích ghê lắm, toàn pháo 130 ly hoặc hỏa tiễn 122 ly bên kia Bến Hải, thằng 6 (Tiểu Đoàn 6 Dù) cũng bị nặng, chết đến cả bác sĩ…

Bác sĩ Tuấn ơi, hơn nửa thế kỷ sau mới nghe ra, biết đầy đủ về bác. Cuối bài viết mới có lời kính điếu muộn gởi đến với Y Sĩ Trung Úy Nhảy Dù Nghiêm Sỹ Tuấn. Với lời tạ lỗi.[1]

TRẦN MỘNG TÚ, Phụ nữ và chiến tranh là một đề tài lớn trong văn học nhân loại. Trần Mộng Tú đã qua một trải nghiệm chiến tranh đau thương nhất nơi địa danh Bình Thủy năm 1969, giữa tuổi thanh xuân của chị. Hơn thế nữa, chị là một nhà thơ. Khi đọc cuốn sách Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Trần Mộng Tú đã viết những dòng chữ thật cảm động trong “Ngọn nến muộn màng cho người yêu nước Nghiêm Sỹ Tuấn.” [1]

Cuốn sách về một cuộc đời rất ngắn của Bác Sĩ Quân Y Nghiêm Sỹ Tuấn, một Thi Văn Sĩ , tử trận ở tuổi 31 tại Khe Sanh năm 1968 khi anh đang là Y Sĩ Trung Úy Tiểu Đoàn 6, Nhảy Dù. Nghiêm Sỹ Tuấn chết ở cái tuổi đẹp nhất của đời người: đời của một Y Sĩ, một Thi Sĩ và đời người Lính. Với ba cái đó cộng lại, Nghiêm Sỹ Tuấn là một con người sống lý tưởng và ôm đầy hoài bão tốt đẹp.

Với trái tim nồng nàn Anh đã đối diện với định mệnh Si Vis Pacem Para Bellum. Anh đi tìm hòa bình trong chiến tranh, Chiến Tranh là một điều không né tránh được nếu nhân loại thực sự muốn có Hòa Bình. “Cư An Tư Nguy”, người quân nhân nào cũng thuộc lòng câu đó khi vào nhiệm vụ. Anh đi vào chiến tranh như một người nông phu bước vào thửa ruộng của chính mình. Không có điều gì tự nhiên mà có được, như muốn có bông lúa thì người nông phu phải cày bừa trong bùn đất.

Nghiêm Sỹ Tuấn đã đi vào chiến tranh như thế. Bỏ lại gia đình, bạn hữu, người yêu. Anh có một người yêu hay không? Chắc là phải có vì ta đọc trong văn thơ của Anh thấp thoáng đối thoại giữa Anh và một người con gái.

Người thứ nhất: Nghiêm Sỹ Tuấn

Người thứ hai: Người Yêu

Người thứ hai: Em vừa nghe đọc tên anh. Bao giờ anh đi?

Người thứ nhất: Ngày mai, ngày kia, một tuần, một tháng, không chừng.

Người thứ hai: Anh có vẻ nhàn nhã thế. Không lo chi cả sao?

Người thứ nhất: Có gì phải lo đâu em. Anh sẵn sàng đã lâu rồi. Em muốn nói với anh, sao ngập ngừng?

Người thứ hai: Hơi khó nói một chút. Anh thật đã sẵn sàng, không còn gì bận tâm?

Người thứ nhất: Anh hiểu. Em vừa hỏi anh câu ấy. Thực ra, khi vừa rời sách vở, lúc ấy người ta mới rất nhiều bận tâm. Thân mình, ruột thịt, bạn bè, tình yêu. Với mặt trời, hoa cỏ và chim kêu. Tìm giữ tất cả ngần ấy thứ bên mình và trong đầu óc một hình ảnh, một mục đích, một điều ước mơ gì đó. Khó mà tìm ra đường lối giữ và khổ nhất là theo đúng đường lối tìm ra. Sao cho luôn luôn có thể nhìn ngay được những bận tâm ấy mà lòng vẫn nhẹ nhàng. Nhưng hôm nay em lại hỏi anh thế: Từ cả năm nay có khi nào đâu? Anh cũng vậy, chưa khi nào. (Trích đoạn trong Para Bellum NST)

Anh sẵn sàng đã lâu rồi. (NST)

Đúng Anh sẵn sàng sửa soạn đi vào chiến tranh (Para Bellum). Không phải chỉ sửa soạn cho chính mình mà cho cả thế hệ đang tới này hiểu thế nào về lòng yêu nước.

Khi Anh nằm xuống Anh vẫn là một người đàn ông độc thân. Không có một vành khăn tang trên đầu quả phụ. Người yêu mơ hồ trong văn chương của anh không hiện thực. Chôn theo thân xác anh là một linh hồn đầy ắp lý tưởng và họ đã phủ trên ngực Anh một lá cờ rũ.

Chúng ta gấp cuốn sách lại với ngậm ngùi và lòng kính trọng. Chiến tranh Việt Nam luôn luôn là một vết thương không bao giờ lành dù nhìn dưới một khía cạnh nào. Cho dù vết thương có khô máu, có lên lớp da non.

Trần Mộng Tú đã có một bài thơ thật cảm động về:

Tuổi Trẻ, Tình Yêu và Chiến Tranh

Những tờ nhật báo

mỗi ngày một giống nhau

hôm nay tin địch chết

ngày mai tin ta chết

mẹ già cuối xóm

đi nhận xác con

người vợ trẻ xếp hành trang cho chồng mai đi sớm

tăng thêm quân

tuổi mười tám xếp bút nghiên cầm súng

đào thêm hầm

người chết thiếu chỗ chôn

chung quanh em bỗng thấy

thành phố tắt tiếng cười

chiếc áo em đang mặc màu xanh

em nhìn thành màu đỏ

mùi mực in

thành mùi máu tanh hôi

em yếu đuối

em ngơ ngác tâm thần

em sợ lắm rồi thây người ngã xuống

Không,

không bao giờ em muốn anh đi

Anh gạt tay em dấn mình vào lửa

mảnh đạn mảnh bom chặn mất đường về

ngày mai mưa nắng anh không biết

lửa hỏa châu

đốt cháy lời thề. [1]

Trần Mộng Tú (1968)

TRẦN THỊ NGUYỆT MAI, cô là một thuyền nhân, thuộc một thế hệ sau và khác, hoàn toàn không biết gì về Nghiêm Sỹ Tuấn. Năm Nghiêm Sỹ Tuấn mất, cô đang còn ở lứa tuổi hoa. Nhưng khi được đọc các bài viết về Nghiêm Sỹ Tuấn, cô cảm nhận ngay được Thông Điệp Mùa Xuân của anh, Nguyệt Mai bồi hồi xúc cảm viết:

Tối hôm qua tôi mới đọc xong những bài viết của Bác sĩ Nghiêm Sỹ Tuấn, cùng những chia sẻ tâm tình từ những bạn đồng môn của ông. Như một độc giả thuộc thế hệ sau hoàn toàn không biết gì về ông, tôi xin ghi lại ít dòng cảm tưởng về người đã khuất qua những trang viết của chính ông và của bằng hữu. Bác sĩ Nghiêm Sỹ Tuấn tử trận tại Khe Sanh tháng 4 năm 1968. Ông hy sinh khi đang săn sóc vết thương cho một thương binh khi cuộn băng còn cầm trên tay!”

Ông đã yên nghỉ đời đời khi Mùa Xuân thật sự của dân tộc vẫn còn xa tắp. Nhưng qua những bài viết và phong cách sống của Nghiêm Sỹ Tuấn, thì thông điệp dấn thân hy sinh – quên mình của Ông vẫn còn đó. Và đó cũng chính là tấm gương sáng: Con Đường Sáng, cho các thế hệ sau tiếp bước Nghiêm Sỹ Tuấn Đi Tìm Mùa Xuân cho Dân Tộc.” [1]

KẾT TỪ CHO MỘT BÀI VIẾT

Nghiêm Sỹ Tuấn không bao giờ chủ trương hay cổ động chiến tranh vì ý thức hệ, nhưng Anh chấp nhận nhập cuộc chỉ để phục vụ công lý, chống lại sự dối trá bất công để đạt được ổn định, công bằng xã hội và hạnh phúc cho con người.

Giữa một thế nước chông chênh, Nghiêm Sỹ Tuấn với ý thức tự do, Anh đã đi tới một chọn lựa: tự nguyện dấn thân vào một cuộc chiến tranh thảm khốc với tinh thần của Hội nghị Diên Hồng từ 700 năm trước.

Nghiêm Sỹ Tuấn đã đột ngột ra đi trong sự thương tiếc của mọi người, luyến tiếc cho một cuộc hành trình đầy kỳ vọng và hứa hẹn. Mất Nghiêm Sỹ Tuấn chúng ta mất đi tinh hoa của một thế hệ trí thức mà nhân cách, tư tưởng là biểu hiện cao đẹp của một kẻ sĩ trong thời chiến của những năm 1960. Nghiêm Sỹ Tuấn là điển hình tính nhân bản của truyền thống y khoa, của một người y sĩ sẵn sàng dấn thân để phục vụ con người khổ đau trong hoàn cảnh bất thường của đất nước.

Viết về Nghiêm Sỹ Tuấn là vượt lên trên sự vinh danh một cá nhân. Với tâm hồn phóng khoáng và kiến thức cao rộng như anh, Nghiêm Sỹ Tuấn hoàn toàn không cần đến điều đó. Nhưng làm sao chuyển tải được thông điệp dấn thân, hy sinh” của Nghiêm Sỹ Tuấn tới các Bạn Trẻ Việt Nam như những người tiếp bước Anh “Đi Tìm Mùa Xuân” cho đất nước, đó mới là ước vọng của Nghiêm Sỹ Tuấn.

Đối tượng của bài viết này không phải chỉ là với một thế hệ sắp qua, mà chính là các thế hệ đang tới: đó là mối ưu tư của Nghiêm Sỹ Tuấn từ hơn nửa thế kỷ trước đối với các vấn đề căn bản của con người, của đất nước mà cho đến nay vẫn còn dở dang và nguyên vẹn. Lớp Người Trẻ, như lực lượng tiên phong sẽ nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ các hệ thống giá trị vĩnh hằng, những chuẩn mực về quyền của con người – mà bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền vẫn mãi là một thông điệp sống động khẳng định quyền người dân được sống trong tự do với đầy đủ phẩm giá và nhân cách.

Những bài viết về Nghiêm Sỹ Tuấn tuy ra đời muộn màng hơn nửa thế kỷ sau ngày Anh mất, không thuần chỉ là một tưởng niệm, một nén nhang tưởng nhớ người Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, nhưng còn là một thông điệp với tầm nhìn xa của Nghiêm Sỹ Tuấn để lại cho các thế hệ mai sau, tiếp bước Anh đi Tìm Mùa Xuân cho Dân tộc.  

Văn chính là người, câu đó hoàn toàn đúng với Nghiêm Sỹ Tuấn. Đó là sự nhất quán giữa tác phẩm và cuộc sống của Nghiêm Sỹ Tuấn qua mọi hoàn cảnh cho tới ngày Anh mất. Nghiêm Sỹ Tuấn một trí thức, một kẻ sĩ dấn thân, một quân nhân gương mẫu. Anh là hình ảnh tuyệt đẹp của phục vụ và hy sinh. Anh chết quá trẻ ở tuổi 31, thời gian của tích lũy và đi tìm vốn sống. Kiến thức và vốn sống đó chưa có thời gian để đơm hoa kết trái, những trang viết của Nghiêm Sỹ Tuấn chỉ mới là những bản nháp, anh chưa có tác phẩm lớn nhưng cuộc sống anh đã là một tác phẩm lớn cống hiến cho đời. Nguyễn Vĩnh Đức, Chủ bút đầu tiên của báo Tình Thương, đã quý mến gọi Nghiêm Sỹ Tuấn là “Người Thư Sinh Muôn Thuở”. Mang vóc dáng của một thư sinh nhưng Anh rất mạnh mẽ. Anh là một tượng đài đơn độc và cũng là một biểu tượng tuyệt đẹp trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Ai đã từng tiếp xúc biết tới Nghiêm Sỹ Tuấn đều mang lòng ngưỡng mộ và cả hãnh diện có được một người bạn như Anh. Rồi nghĩ tới câu thơ của thi hào Nguyễn Du: Thác là thể phách, còn là tinh anh, như một nguồn an ủi.

NGÔ THẾ VINH

Sài Gòn 1963 – California 2022 

Tham Khảo:

1/ Tuyển tập Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm Mùa Xuân. TSYS Việt Nam Canada & Việt Ecology Press 2019

2/ Tình Thương, Một Thời Nhân Bản [TSYS số 184, 01/2010]

3/ Phạm Liêu: Viết về Nghiêm Sỹ Tuấn. Nguyệt san Tiền Phong số 38, 15/12/1968. [Trích trong Mũ Đỏ.] 

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Xin lỗi, tôi có thắc mắc nhỏ là bs. Ngô Thế Vinh trước đây từng có bài ca ngợi bs.
    NST. rồi mà nay lại thêm một bài ca tụng nữa thì có lẽ… hơi nhiều chăng (nhiều
    cũng như vua Hùng Vương trong bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp than “… nhưng
    có 1 nàng mà 2 rễ, vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”) ?
    Dù tôi cũng thán phục bs.NST. nhìn cuộc chiến khác với nhiều bạn đồng song và
    tôi nghĩ giá như những bs.khác trong BBT “Tình Thương” cũng có tinh thần như
    vậy thì chắc miền Nam vẫn còn bảo vệ được nền dân chủ ?

    • Nhân đây cũng xin nói thêm là trước 1975, trường Y khoa SG. là một nơi mà
      VC. gài “nằm vùng” khá nhiều như Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy (chết),
      Nguyễn Đình Mai là những tên côm cán,còn có con của thẩm phán Trần Thúc
      Linh theo VC. vào mật khu nhưng có lẽ thấy “vỡ mộng” nên trờ về học lại thì
      bị ném từ lầu 4 xuống đất chết thảm. Không những thế còn có Gs.Trần Anh bị
      ám sát và bs.bộ trưởng giáo dục Lê Minh Trí cũng bị bắn chết !
      Đó là những đòn khủng bố của VC.để tạo không khí sợ hãi lên toàn xã hội.

  2. Khi lãnh đạo ‘thất học’
    LÔI CUỐN bọ vịt kìu iêu nước AO ‘có chút học’

    VÀO MẠNG LƯỚI RỬA TIỀN khổng lồ tại PHÁP gần 200 hãng ma suốt 15 năm qua đã rửa tiền với số tiền khổng lồ khoảng 20 % trong số khoảng 100 tỉ đô la trên toàn thế giới tư bản BẮC Mỹ-Tây ÂU từ Nghị quyết 36 năm 2005 đến năm 2016


    BỌN RỬA TIỀN người Phốp gốc Vịt có thấy mình dơ bẩn
    như siêu vi khuẩn SIDA/HIV hay siêu vi trùng ung thư hay không ???

    https://www.youtube.com/watch?v=cNBRpQ-XK4Q

    Bác Georges BLANCHARD – Người đàn ông Pháp giải cứu hàng nghìn phụ nữ Việt khỏi nạn buôn người

    Tác giả NGÔ THẾ VINH nhân chứng viết về những TÂM HỒN CAO THƯỢNG vươn lên trong cơn đại thảm họa bao trùm ĐẤT VIỆT gần 100 NĂM

    Rất tiếc Tác giả lại KHÔNG VIẾT về những tên phản diện khác … Làm gì KHÔNG BIẾT hay KHÔNG NGHE chuyện đây đó như CHUYỆN RỬA TIỀN bên Mỹ của bọn năm vùng MẶT THÒ RA THƠN THỚT bên Cali …

    Chúng tôi rất mong đọc bài viết sâu sắc về những tên phản diện với những TÂM HỒN CAO THƯỢNG vươn lên trong cơn đại thảm họa bao trùm ĐẤT VIỆT gần 100 NĂM

    Riêng tôi cũng biết có THẰNG nghiêm phong tuấn SO VỚI Nghiêm Sỹ Tuấn thì 1 trời 1 vực như PHƯỢNG HOÀNG so với quạ hay chim CÚT ….

    https://www.youtube.com/watch?v=HlaZvVX1rjw&t=11s
    Khi ông TRÙM trường XXX 86 tuổi cuối đời tham gia RỬA TIỀN ….

    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=actutxt&idfam=41&idactu=523

    BẤM VÀO ĐỌC TIN VUI : 10 năm tù +
    50 triệu euros tiền phạt : Phó Tổng Thống Teodorin
    Obiang, tòa Pháp xử về Tài Sản Phi Pháp BAO GIỜ CỘNG
    ĐỒNG VIỆT NAM tại PHÁP làm như cộng đồng Phi châu
    ĐỨNG RA CÙNG KIỆN với Dân Pháp bọn tham những +
    RƯA TIỀN

    NGHIÊM ”Phong Tuấn” tên chàng gái-trai nước vịt .. ..
    *******************************

    Hắn bút hiệu Hà Tây
    Suốt đời cậu ấm sứt vòi bên Tây
    Khá thông minh vào Trường Lớn
    Nhưng chẳng khác đống đờm !
    Hắn như con chó đực lại cái
    Chỉ biết liếm lưỡi thở dài .. ..

    Sống lúc trước khá lương thiện
    Tuổi già gần đất xa trời hóa đảo điên

    https://www.youtube.com/embed/HlaZvVX1rjw

    Hắn về thăm chốn cũ Hà Tây
    Qua lại Pháp bỗng hóa bựa bầy hầy
    79 tuổi còn mở thêm một hãng
    Hãng trước nhà in vài quyển sách cóp hàng
    Bỗng thành viết phần mềm phần cứng bạt ngang

    Hắn núp bóng đen rửa tiền
    Cho Quan đỏ Thời đổ đểu đảo điên
    Mỗi hai ngàn Âu kim Euros hắn rửa
    Một cháu thôn nữ phải đi làm cô dâu xứ Hán
    Với tính tích PHÂN vi PHÂN toàn ‘PHÂN’
    Hàng chục triệu Âu kim Euros hắn rửa
    Bao nhiêu chục ngàn thôn nữ gạt lệ về xứ Hán ? ?
    Học từ Trường Bách khoa chỉ có não không tâm
    Làm gì biết liêm sỉ !
    Mặt thịt mặt dầy mày dạn
    Đã 81 tuổi tây – 82 tuổi ta
    Gần đất xa trời sắp chối già …
    Hắn siêu vi khuẩn giữa siêu vi trùng
    Hắn là phần hoại tử của Đồng bào và Nhân loại
    Loại siêu độc tố ung thư thư ung
    Hắn một siêu vi khuẩn giữa nhầy nhụa SIDA siêu vi trùng
    Hắn con chó sói đói tiền giữa bầy chó sói
    Hắn con siêu vi khuẩn giữa siêu vi trùng thư ung

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

    Nghiem Phong Tuan
    Gérant de SUPERBIO NATURE


    LẬP HÃNG MA rửa tiền CHO SIÊU QUAN ĐỎ vào 2016 ĐÃ 83 tuổi

    https://edecideur.info/edecideur.php?q=193620131207nghpho-nghiem-phong-tuan-gerant-4638b-79870074600026-superbio-nature-91-rue-saint-lazare-75009-paris-9
    BẤM VÀO TRÊN để kiểm chứng

    Nghiem Phong Tuan a 83 ans ( naissance en 1936), il est Gérant de la société SUPERBIO NATURE.

    Nghiem Phong Tuan peut être contacté au siège de la société SUPERBIO NATURE par courrier à l’adresse 91 RUE SAINT LAZARE 75009 PARIS 9, par téléphone au 0142784660

    adresse normalisée 91 RUE SAINT LAZARE
    Région Île-de-France
    Département Île-de-France
    Localité PARIS 9
    Rue 91 RUE SAINT LAZARE
    Code postal 75009

    https://edecideur.info/edecideur.php?q=193620131207nghpho-nghiem-phong-tuan-gerant-4638b-79870074600026-superbio-nature-91-rue-saint-lazare-75009-paris-9

    Page web http://www.petaquest.com
    Phong Tuan Nghiem
    Tél : 01 34 93 09 13
    Mob : 06 64 76 79 52
    FR X1956
    Contact :
    Adresse actuelle : Google Maps Adresse courier
    22 Avenue François Mansart
    78600 Maisons-Laffitte
    France
    Mob : 06 64 76 79 52
    Tél : 01 34 93 09 13
    Informations professionnelles :
    Ent/Org : INFOPRAX
    Mots-clefs :
    Informatique d’entreprise (secteur)
    Email : x.hatay@gmail.com
    Adresse : Google Maps Adresse courier
    22 Avenue François Mansart
    78600 Maisons-Laffitte
    France
    Tél : 01 34 93 09 13
    Mob : 06 64 76 79 52

    AVIS DE RECHERCHE : Antoine TRAN aka ”TRỢ mặt lọ” – métier : blanchisseur de l’argent sale en France

    http://www.hanoiparis.com/img_poeme/10933.jpg

    LỆNH TRUY NÃ LUẬT PHÁP NƯỚC PHÁP : TRẦN ANH TUẤN biệt
    danh ”TRỢ mặt lọ” – cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Chuyên nghề : SIÊU TRÙM RỬA TIỀN TẠI NƯỚC PHÁP

    https://baotiengdan.com/2021/09/11/covid-o-viet-nam-khi-lanh-dao-that-hoc/?unapproved=137454&moderation-hash=7a000347be75c516a6c79a75b961449d#comment-137454


    Tác giả NGÔ THẾ VINH nhân chứng viết về những TÂM HỒN CAO THƯỢNG vươn lên trong cơn đại thảm họa bao trùm ĐẤT VIỆT gần 100 NĂM

    Rất tiếc Tác giả lại KHÔNG VIẾT về những tên phản diện khác … Làm gì KHÔNG BIẾT hay KHÔNG NGHE chuyện đây đó như CHUYỆN RỬA TIỀN bên Mỹ của bọn năm vùng MẶT THÒ RA THƠN THỚT bên Cali …

    Chúng tôi rất mong đọc bài viết sâu sắc về những tên phản diện với những TÂM HỒN CAO THƯỢNG vươn lên trong cơn đại thảm họa bao trùm ĐẤT VIỆT gần 100 NĂM

    Riêng tôi cũng biết có THẰNG nghiêm phong tuấn SO VỚI Nghiêm Sỹ Tuấn thì 1 trời 1 vực như PHƯỢNG HOÀNG so với quạ hay chim CÚT ….

    TRÍCH Hiệu Minh :

    Người khác về nước tìm kế làm ăn, mang những kiến thức học được để giúp phát triển. Nhiều trí thức đóng góp từ xa bằng những kiến thức, bài viết, trang web với những thông tin bổ ích, rồi tổ chức hội thảo khoa học, vì tri thức là vô giá. (LẠC QUAN như vậy cũng hay NHƯNG PHẢI nhìn rõ VÀO MẶT TRÁI NHẦY NHỤA rất tiếc những TÀI NĂNG KHÍ PHÁCH muốn đóng góp cho HÀNG CHỤC TRIỆU CON CHÁU lại không làm được vì CHÍNH CHẾ ĐỘ muốn NGU DÂN HÓA !!)

    HẾT TRÍCH Hiệu Minh :

    Người khác về nước tìm kế làm ăn ===>>> Ở PHÁP có 2 vịt kìu iêu nước AO Tiến sĩ Trần Thiện Nguyện về làm ăn ăn cắp sóng viễn thông bị tù
    Kỹ sư lấy Hoa hậu Hà Kiều Oanh cháu đại sứ HÀ VĂN LÂU

    Tiến sĩ Trần Thọ Nguyen VỊT KÌU Pháp ăn cắp sóng viễn thông bị tù
    chồng cũ ĐẠI GIA cung oán ngâm khúc NGUYỄN GIA THIỀU lấy Hoa hậu Hà Kiều Oanh cháu đại sứ HÀ VĂN LÂU

    ĐỌC CHI TIẾT TẠI ĐÂY
    https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/dai-gia-va-my-nu-nguoi-dan-ong-20-nam-tu-va-hoa-hau-ha-kieu-anh-post65805.gd

    Theo cơ quan CSĐT , năm 2005, khi bị khởi tố về tội buôn lậu và trốn thuế, Nguyễn Gia Thiều đã tìm mọi cách để tẩu tán tài sản, hầu như rất nhiều tài sản quý, ông đều chuyển qua thành tài sản riêng của vợ mình, khi ấy là Hà Kiều Anh.
    ĐỌC CHI TIẾT TẠI ĐÂY
    https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/dai-gia-va-my-nu-nguoi-dan-ong-20-nam-tu-va-hoa-hau-ha-kieu-anh-post65805.gd

    Trước đó, ông Thiều cũng nhờ thủ quỹ của công ty chuyển tiền vào tài khoản của Hà Kiều Anh tại Techcombank và nói là việc riêng. Ba nhân viên kế toán của công ty Đông Nam cũng khai, họ đã gửi vào tài khoản của Hà Kiều Anh số tiền 8,4 tỷ đồng, dù khi ra tòa ông Thiều có nói rằng, đây là Hà Kiều Anh nhờ nộp giùm.
    ĐỌC CHI TIẾT TẠI ĐÂY
    https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/dai-gia-va-my-nu-nguoi-dan-ong-20-nam-tu-va-hoa-hau-ha-kieu-anh-post65805.gd

    Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng BÁC TIẾN SĨ ‘Làng Ảo’ Trần Thọ Nguyên
    Thứ sáu, 24/1/2003,
    Gặp gỡ kiều bào về VN đón Tết Quý Mùi

    https://vnexpress.net/gap-go-kieu-bao-ve-vn-don-tet-quy-mui-2049458.html

    Chiều 24/1, tại khách sạn Hilton Opera Hà Nội, gần 1.000 kiều bào cùng thân nhân đã dự buổi gặp mặt đón xuân do Uỷ ban người VN ở nước ngoài tổ chức


    Đại diện cho các kiều bào, ông Trần Thọ Nguyên, đang làm ăn sinh sống ở Pháp, phát biểu: TÁN PHÉT PHỌT PHẸT “Đối với mỗi người Việt Nam sống xa quê hương, có dịp được về quê đón Tết thật sự là niềm mong ước và hạnh phúc lớn. Niềm vui đó càng được nhân lên khi chúng tôi luôn được thấy những đổi thay, phát triển của quê hương. Chúng tôi – những người sống xa Tổ quốc – phấn khởi về những chính sách mà Nhà nước đã dành cho bà con ngày càng thông thoáng hơn, như khuyến khích đầu tư; chính sách một giá dịch vụ cho kiều bào và thân nhân khi về nước; chính sách về nhà, đất… Với sự đổi mới, mở cửa, khuyến khích hoà nhập dân tộc và hội nhập thế giới thì sự đóng góp của kiều bào cho đất nước chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng”.

    TUYỂN TẬP những bài báo VIẾT VỀ Vụ án ở công ty công nghệ Techcom của BÁC TIẾN SĨ ‘Làng Ảo’ Trần Thọ Nguyên

    https://vnexpress.net/topic/vu-an-o-cong-ty-cong-nghe-techcom-12467
    (bấm vào liên kết trên ĐỌC ĐẦY ĐỦ !! Thật buồn cho MẸ VIỆT NAM !!!)
    TUYỂN TẬP những bài báo VIẾT VỀ Vụ án ở công ty công nghệ Techcom của BÁC TIẾN SĨ ‘Làng Ảo’ Trần Thọ Nguyên

    HAI chú VỊT KÌU Pháp may nhờ CÓ DÂN TÂY nên chính phủ PHÁP nuôi béo chúng và can thiệp ra khỏi tù sau vài NĂM NẰM ẤP …nếu tôi TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT chưa bao giờ ký giấy đơn xin QUỐC TỊCH PHÁP mà làm chuyện ĐỒI BẠI ĐỒI TRỤY như bọn TUI ĐÂY tây đui BẠI NÃO TRỤY TIM này thì chắc nằm khám CÒN LÂU !

    Chiến dịch săn cá mập rửa tiền CHỈ TẠI NƯỚC PHÁP trên xương máu hàng triệu Dân oan
    BẤM VÀO liên kết dưới ĐỌC TIẾP


    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=actu2&idfam=41
    HỒ SƠ RỬA TIỀN đã được hơn 20.000 lượt đọc
    Chiến dịch săn cá mập rửa tiền CHỈ TẠI NƯỚC PHÁP trên xương máu hàng triệu Dân oan

    ĐÂY CHỈ LÀ bọn tội phạm nhí nhóe SO VỚI 200 công ty MA chỉ riêng ở PHÁP đặc biệt là những BÁC VỊT KÌU ngay từ 75 đến ngoài 90 tuổi như NGHIÊM PHONG TUẤN học trường X Bách Khoa chỉ ĐỂ RỬA TIỀN đúng là thằng VÔ LỌAI siêu vi trung c..uốc ĂN HẠI phá toang Đất Mẹ và Đồng bào

    TÔI THÁCH BỌN CHÚNG dám tố cáo tôi NGUYỄN HỮU VIỆN ra tòa án tại PHÁP cho dù chúng rửa tiền hàng TRĂM TRIỆU ĐÔ LA trên xương máu HÀNG TRIỆU ĐỒNG BÀO KHỐN KHỔ mất nhà ruộng vườn …vì chúng sợ vào tù CÀNG SỚM vì hồ sơ bọn chúng tôi đã ký tố cáo VÀ đề nghị KHÔNG NHẬN tiền thưởng nào (vì theo Luật PHÁP tố cáo có tiền thưởng !!) VÌ DÂN VIỆT và DÂN PHÁP


    Cái gọi là “trí ngủ XÃ NGHĨA” + t(r)inh hoa VỊT KÌU IÊU nước AO hôm qua và hôm nay lẫn Ngày mai !!!

    Có chung chân dzung người máy là CHẤT HÈN ĐẠI NHÂN nên tự hóa thành những thằng BÙ NHÌN đứng giữa đồng để cho vịt cộng thân Tàu giật giây … đau đứt ruột đến nỗi KHỞI ĐÂU không phủ nhận Tuổi trẻ họ cũng có Tấm lòng …nhưng đặt sai vì cái chút quyền lợi hư danh nhưng đến nay cũng có loại THEO ĐẾN CHẾT nhưng thật sự loại này được hưởng đặc tình đặc ân cho làm kinh tài nằm vùng hải ngoại RỬA TIỀN cho tiền vơ vét Thuế Dân cho chúng ra mua nhà nước ngoài, bỏ tiền vào công băng Thụy Sĩ như tôi đã làm một hồ sơ đầy đủ về RỬA TIỀN tại Pháp trong ấy ngay cả nhiều Thế hệ gọi là ưu tú có chất sám tốt vào Trường lớn tại PHÁP như BÁCH KHOA nhưng ĐỀU HƯ HỎNG CẢ !!!

    Hoàng Xuân Hãn Thế hệ 1 X BÁCH KHOA ngây thơ NGU TRUNG ngu trung về chính trị nên chúng đã dùng HXH như thằng hề giật dây … đau là HXH vẫn cả tin bọn đại vịt gian như Phạm Văn Đồng dâng Hoàng Sa do HCM hạ lệnh làm và ngay cả Võ Nguyên Giáp cũng là thứ HÈN ĐẠI NHÂN đâu như Thống chế Nga khí phách Georgy Zhukov nướng hàng triệu quân thì giỏi nhưng lại để bọn đầu trâu mặt ngựa đè đầu cưỡi cổ vì hèn sợ chết đâu như Lão tướng Trần Độ

    Nghiêm Phong Tuấn Thế hệ 2 X BÁCH KHOA : chuyên gi..ơ RỬA TIỀN Thế hệ gọi là ưu tú có chất sám tốt vào Trường lớn tại PHÁP như BÁCH KHOA nhưng ĐỀU HƯ HỎNG CẢ !!!
    TÔI THÁCH ĐỐ bọn siêu vi trung c..uốc
    ĐỤC KHOÉT HÚT MÁU XƯƠNG TỦY hàng chục triệu ĐỒNG BÀO mất nhà mất ruộng màn trời chiếu đất tại VƯỜN HOA MAI THUỞNG Hà Nội hay tại THỦ THIÊM Sài Gòn
    TỐ CÁO tôi NGUYỄN HỮU VIỆN người thật việc thật đã làm Hồ sơ sau 5 năm săn lùng truy tầl dấu vết của bọn chúng VÀ TÔI đã viết đơn lên cấp^cao nhất của CƠ QUAN PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN TRACFIN

    https://www.economie.gouv.fr/tracfin/role-tracfin

    và yêu cầu trong ĐƠN TỐ GIÁC không nhận TIỀN THƯỞNG vì DÂN TỘC VIỆT và DÂN TỘC PHÁP
    Chúng nên nhớ ngay cả cựu TT Pháp Sarkozy cũng vừa bị 3 NĂM TÙ
    Tôi NHÂN DANH Mẹ Việt Nam

    http://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

    và hàng chục triệu ĐỒNG BÀO mất nhà mất ruộng màn trời chiếu đất

    HOÀNG CHÚC Thế hệ 3 X BÁCH KHOA : chuyên gi..ơ RỬA TIỀN đã mua khách sạn NIKKO của hãng hàng không Nhật 200.000.000 Âu kim còn kiểu theo thói PHÚC SINH quen thói bốc Giời đòi mua cả Tháp Ép-Em do nguồn dự trữ từ cựu chủ tịt Hà L..ội như thằng LÃ (Lê) THANH HẢI Hải heo cũng con con thoi tài tử nhí LÝ NH..Ỡ KỲ qua Pháp gặp 2 đại ca HOÀNG CHÚC và Buon TAN thằng chệt sinh ở Campuchia ….

    Nguyễn Thành Trung Thế hệ 4 X BÁCH KHOA : chuyên gi..ơ RỬA TIỀN đã mở 3 hãng ma màn hình CHẲNG ĐẺ RA 1 sản phẩm dịch vụ nào ….

    Cái gọi là “trí ngủ XÃ NGHĨA” ngay nổi danh như cồn như Phan Đình Diệu thì cũng là loại THAM NHŨNG HỌC BỔNG những năm 1980-90 cho con gái trai dâu rể … ngay tại Pháp đã mất ít nhất 5 suất BẰNG CHỨNG RÕ RÀNG như ĐỊNH LÝ ToÁN HỌC ngay người khiếm thị mù lòa cũng thấy … chỉ thương tiếc Một Tài hoa Người Pháp từ bỏ tất cả vì Lý tưởng yêu Dân Việt ngay trong Thời còn Chiến tranh Lạnh sống thiếu thốn là Người Anh khả kính Alain Teissonnière cũng như Anh Trương Trọng Thi lại không còn nữa !!! ….

    Cũng nên phân tích sơ qua tại sao những trí thức thiên tả của mọi nước trên Thế giới nhất là các bác ĐẠI KHOA BẢNG bán tiểu óc nuôi trôn rất ghét TÂY ĐỘC Trump không tiếc lời đến tận cùng ‘thô bỉ’ hạ nhục chửi rủa loại KIỀU THỜI ĐẠI thời Tàu-Toàn cầu hóa Sino-Globalization / Sino-Mondialisation nặc mùi tương khựa cốt tủy Liêu Trai ru ngủ những trí thức thiên tả của mọi nước trên Thế giới nhất là các bác ĐẠI KHOA BẢNG bán tiểu óc nuôi trôn VÔ TỔ C..UỐC cùng xuống hố địa ngục với Ả N..iêu Trai Liêu Gái này ….


    Hàng năm, Việt Nam nhận được kiều hối rất lớn, nên được đánh giá là một trong 9 nước có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất thế giới (theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2012 có tới 10,5 tỷ USD, năm 2013 có tới 11 tỷ USD, năm 2014 có tới 18 tỷ USD).

    Phòng chống rửa tiền: Nguyên nhân và giải pháp
    27/10/2016
    https://tapchitaichinh.vn/viet-nam-chong-rua-tien,-tai-tro-khung-bo/phong-chong-rua-tien-nguyen-nhan-va-giai-phap-95373.html

    Rửa tiền đang là vấn nạn mang tính toàn cầu, gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh của mỗi quốc gia. Bài viết phân tích làm rõ các nguyên nhân chính hạn chế hoạt động phòng, chống rửa tiền, từ đó đưa ra các giải pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động rửa tiền của các nhóm tội phạm trong nước và quốc tế.

    Nội dung bạn yêu cầu không tồn tại!
    CHÚNG ĐÃ TỰ XÓA TỰ KIỂM DUYỆT

    Điểm mặt những vụ rửa tiền ở Việt Nam
    https://tapchitaichinh.vn/viet-nam-chong-rua-tien-va-tai-tro-khung-bo/diem-mat-nhung-vu-rua-tien-o-viet-nam-114029.html
    CHÚNG ĐÃ TỰ XÓA TỰ KIỂM DUYỆT
    Nội dung bạn yêu cầu không tồn tại!

    Chiến dịch săn cá mập rửa tiền CHỈ TẠI NƯỚC PHÁP trên xương máu hàng triệu Dân oan
    BẤM VÀO liên kết dưới ĐỌC TIẾP

    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=actu2&idfam=41

    Chiến dịch săn cá mập rửa tiền CHỈ TẠI NƯỚC PHÁP trên xương máu hàng triệu Dân oan

    Người đứng đầu Bộ Công an Việt Nam tuyên bố như vừa nêu trong bối cảnh Tổ chức Liêm chính Tài chính Tòan cầu (Global Financial Integrity-GFI), có trụ sở ở Mỹ vừa công bố một nghiên cứu cho thấy Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về nhận được dòng tiền bất hợp pháp từ hình thức rửa tiền dựa trên thương mại.

    Nghiên cứu của GFI được thực hiện trong 10 năm từ năm 2006 đến 2015, dựa theo các dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và của Liên Hiệp Quốc (LHQ). GFI ghi nhận chỉ riêng trong năm 2015, Việt Nam đã thu về 22,5 tỷ đô la Mỹ (USD).

    Tôi muốn dẫn lại một minh họa khác là vào Hồ sơ Panama đã công bố hồi năm 2016 và gây ra một chấn động lớn. Trong công bố này, cho thấy chỉ riêng trong năm 2015 đã có 19 tỷ đô la Mỹ (USD) chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài. Sau đó, một số chuyên gia độc lập trong và ngoài nước đánh giá sở dĩ có số tiền nhiều như vậy thì có thể nói tiền đầu tư ra nước ngoài là ít mà tiền bẩn mang ra rửa là nhiều và sẽ có ít nhất 1/3 trong số 19 tỷ USD đó là tiền được rửa và sau đó quay trở lại Việt Nam dưới dạng tiền sạch. Tiền ở Việt Nam là tiền tham nhũng, đổi ra ngoại tệ và tuồn ra nước ngoài và quay trở lại Việt Nam dưới dạng đầu tư, kiều hối…dưới dạng tiền sạch
    -Tiến sĩ Phạm Chí Dũng

    Đài RFA nêu vấn đề trên với Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát tình hình Việt Nam, rằng có phải Chính phính phủ Hà Nội đang quyết tâm một cách mạnh mẽ hơn nữa trong việc chống tham nhũng và rửa tiền, nhất là qua lời tuyên bố của ông Bộ trưởng Tô Lâm hay không? Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh vào ngày 26 tháng 9 nêu lên nhận xét của ông:

    “Việt Nam thực sự ra từ năm 2005 cũng đã có một đạo luật về phòng, chống tham nhũng và thậm chí từ năm 1994 của thế kỷ trước thì các lãnh đạo của Việt Nam mà đặc biệt là ông Nông Đức Mạnh từng nói rằng tham nhũng là quốc nạn và Chính phủ cũng như Nhà nước Việt Nam cần có những quốc sách để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên cho đến những giờ phút hiện tại thì vẫn cũng chỉ là những lời tuyên bố. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng tham nhũng đã là quốc nạn của Việt Nam 25 năm rồi, mà trong 25 năm qua thì tham nhũng ngày càng trầm trọng hơn nữa. Có lẽ họ có quyết tâm, nhưng họ có làm được hay không thì còn cần phải xét lại.”

    Tiền ‘bẩn’ tại Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào?
    RFA
    2019-09-27
    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-do-vn-deal-with-money-laundering-09272019141732.html

    https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-do-vn-deal-with-money-laundering-09272019141732.html

    Người Việt chuyển ngầm hàng tỉ USD mua nhà ở Mỹ
    Hồng Sương
    23/07/2017 7 THANH NIÊN ONLINE
    https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nguoi-viet-chuyen-ngam-hang-ti-usd-mua-nha-o-my-858105.html
    Chỉ trong một năm, người VN đã chi ra hơn 3 tỉ USD mua nhà tại Mỹ. Nhưng ước tính của các chuyên gia, số ngoại tệ chảy ngầm ra nước ngoài còn lớn hơn rất nhiều, ở mức 8 – 9 tỉ USD, tăng dần qua từng năm.

    BẤM VÀO liên kết dưới ĐỌC TIẾP
    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poeme&idfam=27&idpoeme=1624

    THÀNH THẬT cáo lỗi quý bạn đọc Trang nhà cá nhân http://www.hanoiparis.com hiên hữu trên Tân Lục địa thứ 6 INTERNET từ đầu năm 2004 của tôi bị nhiều lần tấn công mạnh … Lần này khá nặng với địa chỉ tin tặc từ Trung C..uốc vì quá bận với BỘ BA trang mạng về ĐẠI HỌC PHAN CHÂU TRINH SỐ HÓA TRỰC TUYẾN
    ưu tiên số 1 HIỆN NAY tôi không có Thời gian sửa chữa lại và hơn nữa TRANG http://www.hanoiparis.com NÀY sáng tạo và thiết kế trước cả FACEBOOK đã dùng kỹ thuật FLASH nên có nhiều khe hở kẽ hở gót Achille kỹ thuật mà nay đa số các công cụ du mạng navigator đã bỏ kỹ thuật FLASH cho dù RẤT ĐẸP nhưng NGƯỜI ĐẸP lại thiếu AN TOÀN AN NINH nên có lẽ tôi tạm dừng TRANG http://www.hanoiparis.com một thời gian lâu
    Mong bạn đọc chung thủy nhất là từ Âu Mỹ THÔNG CẢM


    DÙ SAO cũng nên khen 1 CÚ 1 PHÁT Tiến sĩ VÕ TÁ HÂN rửa tiền TRONG VỤ TAI TIẾNG THẾ GIỚI Hồ sơ PANAMA ….VÕ TÁ HÂN ăn trộm ăn cắp SIÊU ĐẠI TÔM HÙM như còn nhả cho NHÂN DÂN ĐỒNG BÀO trả lại DÙ LÀ CON TÉP vì dù sao VÕ TÁ HÂN cũng là PHẬT TỬ gọi là THUẦN THÀNH sợ kiếp sau LUÂN HỒI bị quả báo
    nên đã tặng nhiều SÁCH CŨ cho các thư viện bên nhà (ví dụ quyển THÔNG MINH NHÂN TẠO kinh điển của 2 TÁC GIẢ Stuart Russell + Peter Norvig ấn bản lần thứ 4 giá 131 đô la
    https://www.amazon.com/Artificial-Intelligence-A-Modern-Approach/dp/0134610997/ref=sr_1_2?dchild=1&keywords=artificial+intelligence+a+modern+approach+4+edition&qid=1619800554&sr=8-2

    THÌ MUA TẶNG sách cũ ấn bản lần thứ 2 giá 32 đô la

    https://www.betterworldbooks.com/product/detail/Artificial-Intelligence–A-Modern-Approach-9780137903955

    TÔI CHỈ MONG BỌN vịt kìu RỬA TIỀN hơn trăm tỉ đô la từ 15 NĂM QUA ngay sau Nghị quyết 36 mà làm như VÕ TÁ HÂN thì cũng ĐÁNG MỪNG

    BẤM VÀO ĐÂY KIỂM CHỨNG do nhóm DIỄN ĐÀN chú cuội GIỚI THIỆU vì VÕ TÁ HÂN sinh viên phản chiến bưng bô vịt cộng khi du học từ Miền NAM cậu ấm sứt vòi ACQGTMCS nay HOÀN LƯƠNG tiếp tục quen đường cũ CHÂN RẾT RỬA TIỀN HÀNG TRĂM TRIỆU ĐẾN cả TỶ ĐÔ LA tương đương với HOÀNG CHÚC vịt kìu tại Pháp CHÂN RẾT RỬA TIỀN của cựu chủ tịt HOÀNG VĂN NGHIÊN Hà Nội đã mua Khách sạn NIKO của hãng hàng không Nhật Bản bên bờ Sông Seine và định mua cả THÁP EIFFEL – Tháp Ép Em kiểu THÚC SINH quen thói bốc GIỜI chỉ cần cựu chủ tịt HOÀNG VĂN NGHIÊN Hà Nội cướp đất VÀNG thủ đô của hàng ngàn dân đen THÌ MUA CẢ 10 THÁP EIFFEL – Tháp Ép Em cũng được CHỈ BUỒN cho HÀNG NGÀN DÂN KHỐN KHỔ này ngủ dưới MÀN TRỜI trên CHIẾU ĐẤT tại VƯỜN HOA MAI THƯỞNG Hà L..ội !!!
    HOÀNG CHÚC vịt kìu tại Pháp và con là Nicolas HOANG CHÂN RẾT RỬA TIỀN cho cả thằng LÃ đổi họ LÊ tên THANH HẢI aka HẢI HEO chủ tịt TP HCM qua trung gian CON THOI bay đi bay về Sài Gòn – Paris là NỮ TÀI CHẾT nhí LÝ NHÃ KỲ đi chơi với 2 ĐẠI CA MAFIA Hoàng Chúc và thằng nghị gật Pháp gốc Chệt BUON TAN

    Bấn vào các liên kết dưới XEM CHI TIẾT VỀ Tiến sĩ VÕ TÁ HÂN rửa tiền TRONG VỤ TAI TIẾNG THẾ GIỚI Hồ sơ PANAMA ….

    https://baotiengdan.com/2021/02/06/he-lo-danh-sach-du-kien-phan-cong-nhiem-vu-lanh-dao-cap-cao/?unapproved=121386&moderation-hash=5b104dbc0ff3aaec1e28e20133b7a48a#comment-121386

    https://baotiengdan.com/2021/02/07/chuyen-that-nhu-dua/?unapproved=121383&moderation-hash=80e138d93a92f727db2491c93e41fc76#comment-121383

    https://baotiengdan.com/2021/02/06/thai-tu-dang-trung-uong-dang-tien-tuoi-thoc-that-quoc-hoi-mua-minh-hoa/?unapproved=121384&moderation-hash=9ff6e4bf71d6017d7aedd22a2b136e17#comment-121384

    http://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT


    ****************************************************

    NHẮN BỐ GIÀ Hoàng Chúc thế hệ thứ 3 XXX Vua Rửa tiền TỚ có địa chỉ TÊN THẬT Người thật và RẤT DŨNG CẢM nếu BỐ GIÀ Hoàng Chúc kiện TỚ ra trước TOÀ ÁN PHÁP là điều TỚ càng mong muốn !!! THÁCH ĐẤY !!!!
    Ở PHÁP mắc tội VU KHÔNG ở tù nặng lắm đấy !!!!

    ****************************************************

    http://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

    https://baotiengdan.com/2021/12/05/nhan-ky-niem-60-nam-thanh-lap-vien-khoa-hoc-giao-duc-viet-nam-6-12-1961-6-12-2021/?unapproved=153378&moderation-hash=30f9cd684bf38591258c5a57242e8129#comment-153378

    https://baotiengdan.com/2021/11/30/no-nua-di-cho-vui-tai/?unapproved=153380&moderation-hash=b8d98dff7ce0f40d674216516e6dea03#comment-153380

    https://baotiengdan.com/2021/12/01/luu-manh-chinh-tri-ngoi-ghe-chanh-an-tinh-phu-yen-la-ai/?unapproved=153379&moderation-hash=52dd72159727dbbcf6dd10eecb963fb8#comment-153379

    XẾP HẠNG THỨ 113 trên 500 TÀI SẢN LỚN của PHÁP (số 1 là Bernard ARNAUD chủ Tập đoàn LMVH)

    #113
    Chuc Hoang et Nicolas Hoang ainsi que leur famille
    TRONG KHI hàng ngàn dân mất nhà mất đất MÀN TRỜI CHIẾU ĐẤT tại Vườn hoa MAI THƯỞNG Hà Nội NHỜ ƠN MƯA MÓC của cựu chủ tịch HOÀNG VĂN NGHIÊN gia tộc của HOÀNG CHÚC Paris !!!!

    LÀM GÌ nguyên thứ trưởng ngoại giao NGUYỄN ĐÌNH BIN cựu đái sứ tại PHÁP – BIN là cha đẻ BỐ GIÀ của NGHỊ QUYẾT 36 làm gì không biết HOÀNG CHÚC và NGUYỄN KỲ THUÝ – ông chủ hãng có 58 nhân viên CÔNG TY PHẦN MỀM cònnhieefu hơn cả nhân viên Công ty con Phần mềm cùng trong QUẬN 16 PARIS của TẬP ĐOÀN AIRBUS –
    CHÚC và THUÝ là 2 đồng chí NGOẠI BIÊN của SIÊU THỦ TRƯỞNG BIN nhưng nằm trong MẠNG NHỆN TOÀ ĐÁI SỨ !!!! ?????

    https://www.challenges.fr/classements/fortune/chuc-hoang-et-nicolas-hoang-ainsi-que-leur-famille_2400
    Bấm vào trên xem BẢNG XẾP HẠNG cùng tài sản của HOÀNG CHÚC của CHALLENGE Pháp giống như FORBES bên Mỹ

    https://baotiengdan.com/2021/11/30/viet-nam-hien-nay-chi-co-mot-ly-do-de-my-va-phuong-tay-doai-hoai-toi-vi-tri-dia-ly/?unapproved=153389&moderation-hash=5025202bb514020688f3d630b28757e2#comment-153389

    https://baotiengdan.com/2021/12/02/co-gai-vot-chong-hay-la-hoi-chung-kho-dam-viet-my/?unapproved=153388&moderation-hash=67ef191e969f6b70e4a3741c05614b4d#comment-153388

    https://baotiengdan.com/2021/12/04/tu-luan-cuong-den-bo-dat-vang-con-duong-mau-cua-dang-cong-san-viet-nam/?unapproved=153387&moderation-hash=eaaee45c28333fbc5694c13d97bf9b97#comment-153387

Comments are closed.