Y Chan
26-10-2021
Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ nhân quyền.
Tháng 4/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt bất ngờ xuất hiện tại Hà Tĩnh. Rất nhanh, thảm họa lan tới Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số khu vực khác. [1] Ngư dân phát hiện ra ống xả thải ngầm từ công trình của Formosa ở Hà Tĩnh đổ thẳng ra biển. Báo cáo sau đó cho thấy chất độc lan ra 200 km bờ biển, khiến hơn 100 tấn cá chết, đẩy hàng trăm ngàn người trong khu vực vào cảnh thất nghiệp và có nguy cơ tổn hại sức khỏe. [2]
Các cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp tại các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp và ở những thành phố lớn khắp cả nước.
Cuối tháng 6/2016, công ty Hưng Nghiệp Formosa tại Hà Tĩnh, thuộc tập đoàn Formosa, chính thức nhận trách nhiệm cho thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam.
Thảm họa này đến bây giờ có lẽ vẫn là một nỗi ám ảnh với những người Việt Nam quan tâm đến môi trường. Nhưng cái tên Formosa không chỉ “ám” riêng người Việt.
Trong nghiên cứu mới xuất bản vào tháng 10/2021 có tên “Formosa Plastics Group: A Serial Offender of Environmental and Human Rights”, các tác giả đã ghi lại những thành tích bất hảo nổi cộm của tập đoàn này trong hơn 60 năm tồn tại. [3] Thảm họa môi trường biển vào năm 2016 tại Hà Tĩnh cũng được đề cập đến trong báo cáo.
Nghiên cứu là kết quả cộng tác của nhóm tác giả từ ba tổ chức tại Mỹ, gồm Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế (CIEL), Trung tâm Đa dạng Sinh học, và Earthworks. Nó là thành quả sau hai năm điều tra và phân tích các dữ liệu về hoạt động của tập đoàn Formosa trên thế giới.
Từ nghiên cứu này, một lịch sử dày đặc những hành vi xâm hại liên tục đến môi trường và nhân quyền của Formosa đã được phơi bày.
Mạng lưới sở hữu chéo chằng chịt
Trước khi nói đến hoạt động của Formosa, người ta cần nhìn qua cấu trúc tổ chức của tập đoàn này.
Thành lập từ năm 1954, Formosa ban đầu là một doanh nghiệp sản xuất nhựa PVC. Trong các thập niên tiếp theo, công ty gia đình này mở rộng mạng lưới hoạt động của mình, từ việc sản xuất các sản phẩm hóa dầu, các nhà máy khoan và lọc dầu, sản xuất điện cho đến các nhà máy thép, vải, dược phẩm, các sản phẩm điện tử, xe hơi, v.v. Tính đến thời điểm hiện tại, Formosa đang có các nhà máy hoạt động ở Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Mỹ.
Để phục vụ cho các hoạt động đa dạng, Formosa chia tách ra thành hàng chục các thực thể doanh nghiệp, với cấu trúc sở hữu chéo chằng chịt, doanh nghiệp này nắm phần sở hữu doanh nghiệp kia và ngược lại. Các tác giả nhận định việc phân nhưng không tách này khiến cho người ngoài khó theo dõi chi tiết các hoạt động của Formosa trên toàn cầu. Trong nhiều trường hợp, về mặt pháp lý, các công ty Formosa hoạt động trên cùng một quốc gia là những pháp nhân hoàn toàn độc lập.
Tuy nhiên, nhân sự quản lý các doanh nghiệp Formosa đều cùng một nhóm – nhiều người xuất thân từ gia tộc họ Wang sáng lập ra tập đoàn. Các vị trí quản lý của công ty này đồng thời cũng nắm phần quản lý các công ty khác.
Báo cáo chỉ ra các doanh nghiệp trong tập đoàn Formosa đã nhiều lần dính líu đến các cáo buộc hối lộ và gian lận.
Ví dụ như năm 1995, phó chủ tịch một công ty con của Formosa bị tố cáo đóng góp tài chính ít nhất 50.000 USD cho các chiến dịch vận động của quan chức địa phương ở các bang South Carolina, Texas và Louisiana để được hưởng ưu đãi pháp lý và thông qua các dự án đầu tư. Năm 1996, trong một vụ án liên quan đến việc cấp phép và cấp đất cho dự án của một doanh nghiệp hóa chất Formosa, chủ tịch một hạt tại bang Louisiana đã bị kết tội nhận hối lộ từ công ty này. Ngoài ra, các công ty của Formosa tại Mỹ nhiều lần bị cáo buộc gian lận với đối tác, bán sản phẩm lỗi, phải thỏa thuận bồi thường hàng chục triệu USD.
Ở Đài Loan, năm 2015, một quản lý cấp cao của Formosa bị buộc phải từ chức và hàng chục nhân viên tập đoàn bị điều tra hình sự với cáo buộc hối lộ.
Lịch sử xâm hại môi trường và nhân quyền
Những bê bối gian lận của Formosa đi kèm với một lịch sử tai tiếng về các thảm họa môi trường tồi tệ.
Cuối tháng 11/1998, khu vực bờ biển của thành phố Sihanoukville, Campuchia, xuất hiện các túi nhựa chứa 3.000 tấn chất thải rắn không rõ nguồn gốc. Nhiều người dân địa phương nhặt nhạnh trong đống đổ bỏ không nhãn mác này những thứ họ nghĩ có thể dùng được. Chỉ trong vài ngày, các vụ ngộ độc thủy ngân lần lượt xuất hiện. Tin đồn về những cái chết và các ca bệnh lan nhanh khiến hàng trăm người sợ hãi tháo chạy khỏi nhà, tạo ra cơn hỗn loạn, dẫn đến thêm nhiều trường hợp chết và chấn thương.
Cuộc điều tra sau đó chỉ ra tác giả là công ty nhựa Formosa. Số chất thải đã được tích lũy nhiều năm trước đó, từ năm 1975 đến 1983, tại một nhà máy Formosa sản xuất nhựa PVC ở Đài Loan. Các quy định môi trường tại Đài Loan và sự phản đối của người dân xung quanh khiến công ty không thể đổ bỏ chất thải tại chỗ. Họ bị cáo buộc đã hối lộ các quan chức Campuchia để có thể chuyển hàng ngàn tấn chất thải đến vứt bỏ tại đây.
Formosa ban đầu khẳng định số chất thải đã được xử lý và không độc hại. Các cuộc kiểm tra của cơ quan chính phủ từ bốn quốc gia khác nhau lại cho thấy hàm lượng thủy ngân trong số chất thải này đạt đến ngưỡng cao gấp bốn lần so với chuẩn an toàn mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan đưa ra.
Chính phủ Campuchia sau đó đã trừng phạt hàng chục quan chức địa phương, nhưng dường như không có nhân viên hay quản lý nào của Formosa bị truy trách nhiệm. Cho đến nay tập đoàn vẫn chưa bồi thường cho các gia đình nạn nhân của thảm họa.
So với người dân ở Sihanoukville, người dân các tỉnh miền Trung của Việt Nam có vẻ “may mắn” hơn khi trong thảm họa môi trường biển vào năm 2016, Formosa cuối cùng cũng bị buộc phải bồi thường 500 triệu USD.
Số tiền này tuy vậy chỉ là con số lẻ khi đặt bên cạnh doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Năm 2018, tập đoàn Formosa báo cáo doanh thu bán hàng đạt 78,3 tỷ USD, lợi nhuận 13,1 tỷ USD.
Đối với người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng từ việc Formosa đổ chất thải độc hại ra biển, con số bồi thường mỗi người thực nhận chỉ là 765 USD (khoảng 17 triệu 400 ngàn). So với hậu quả kéo dài suốt nhiều năm của thảm họa, từ mất công ăn việc làm đến các đe dọa về sức khỏe khi môi trường sống bị ô nhiễm, số tiền bồi thường trên rõ ràng không thể bù đắp được thiệt hại.
(Báo cáo không đề cập, nhưng trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, hơn 5 năm sau thảm họa, vẫn còn nhiều trường hợp người dân không nhận được tiền bồi thường vì “không có trong diện đền bù”.) [4]
Số tiền bồi thường thiệt hại từ các thảm họa do Formosa gây ra cũng ít khi được so sánh với các ưu đãi đầu tư họ nhận được tại địa phương.
Như trường hợp ở bang Texas, sau khi bị kiện vì làm ô nhiễm nguồn nước trong khu vực, Formosa đã đồng ý bồi thường 50 triệu USD, xấp xỉ số tiền ưu đãi về thuế và ưu đãi đầu tư mà họ nhận được từ năm 2000 đến năm 2020 tại bang Texas và Louisiana.
Các khoản bồi thường lớn mà Formosa phải chi ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Đến nay, phần lớn các vụ kiện và điều tra về các hành vi phá hoại môi trường của Formosa chỉ diễn ra ở Đài Loan và Mỹ, nơi có các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tương đối nghiêm ngặt so với các nước khác mà Formosa đã và đang hoạt động. Đây cũng là hai quốc gia mà các tổ chức dân sự được tạo điều kiện hoạt động, nhờ vậy người dân có thể chủ động thu thập bằng chứng và khởi kiện các hành vi xâm hại của Formosa lẫn của quan chức chính quyền.
Ở Việt Nam, việc điều tra sai phạm của chính quyền trong thảm họa môi trường biển tồi tệ nhất lịch sử, đến nay, sau 5 năm, vẫn chưa có kết luận. Trong khi đó, những nỗ lực của người dân địa phương khởi kiện Formosa và các quan chức đều bị chính quyền dập tắt, thậm chí dùng vũ lực đàn áp.
Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ nhân quyền
Các hành vi tổn hại đến môi trường cũng đồng thời là hành vi xâm phạm đến nhân quyền. Quyền được hít thở không khí sạch, được sử dụng nước sạch, được sống một cuộc đời tử tế (life with dignity) là những mặt không thể thiếu của quyền được sống.
Những quyền cơ bản này, dưới ảnh hưởng từ các hoạt động của những tập đoàn như Formosa, cộng thêm sự góp sức hay làm ngơ của chính quyền địa phương, luôn bị đặt trong rủi ro bị xâm phạm.
Đấu tranh cho môi trường vì vậy cũng là đấu tranh cho nhân quyền.
Và đó cũng là điều khiến cho việc lên tiếng bảo vệ môi trường ở những nước như Việt Nam trở thành việc nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tù tội.
Phạm Đoan Trang, một trong những nhà hoạt động nhân quyền quyết liệt nhất của Việt Nam, đã bị chính quyền bắt giữ vào đêm ngày 6, rạng sáng ngày 7/10/2020 với các cáo buộc hoạt động chống nhà nước. Phiên tòa xét xử cô dự kiến diễn ra vào ngày 4/11 tới.
Trong bản cáo trạng, [5] một trong những “bằng chứng” chính quyền dùng để kết tội Đoan Trang “tuyên truyền chống nhà nước” là bản báo cáo bằng tiếng Anh về thảm họa môi trường biển năm 2016. Bạn có thể đọc toàn văn báo cáo cáo này tại đây để có đánh giá của riêng mình. [6]
Người viết lại diễn biến của thảm họa này đang đối mặt với bản án tù.
Những người dân Việt Nam là nạn nhân của Formosa, không thể khởi kiện tập đoàn này cùng các quan chức chính quyền ở đất nước mình sinh sống, đang phải tìm cách đòi lại công lý bằng cách đưa đơn kiện ở Đài Loan.
Còn Formosa, với lịch sử bất hảo đi tới đâu gây họa tới đó, vẫn đang được tạo mọi điều kiện hoạt động tại Việt Nam.
___
*Chú thích:
1. Vietnam, L. I. F. (2021, May 26). Report/Lead author: An Overview Of The Marine Life Disaster In Vietnam. Đoan Trang | Facts, Biography, and Updates. Retrieved 2021, from https://doantrang.liv.ngo/an-overview-of-the-marine-life-disaster-in-vietnam/
2. Macy Yu, J. F. H. (2016, November 14). Exclusive: Broken rules at $11 billion Formosa mill triggered Vietnam spill, report says. Reuters. Retrieved 2021, from https://www.reuters.com/article/us-vietnam-environment-formosa-plastics/exclusive-broken-rules-at-11-billion-formosa-mill-triggered-vietnam-spill-report-says-idUSKBN1380WH
3. Center for International Environmental Law. (2021, October 7). Formosa Plastics Group: A Serial Offender of Environmental and Human Rights (A Case Study). Retrieved 2021, from https://www.ciel.org/reports/formosa-plastics-group-a-serial-offender-of-environmental-and-human-rights/
4. Trúc, T. (2021, March 25). Cả năm năm mà nút thắt đền bù thảm họa Formosa Hà Tĩnh gây ra vẫn chưa tháo gỡ hết. Radio Free Asia. Retrieved 2021, from https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/5-years-after-pollution-caused-by-formosa-consequences-linger-03242021171417.html
5. Long, T. H. (2021, October 18). Tóm tắt cáo trạng vụ án Phạm Đoan Trang. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2021, from https://www.luatkhoa.org/2021/10/toan-van-cao-trang-vu-an-pham-doan-trang/
6. Xem [1]
“tập đoàn Formosa: Đi đến đâu làm hại môi trường và nhân quyền đến đó”
Đôi khi chính vì những lý do đó mà Đảng Cộng Sản của Y Chan đã chọn Cty này .
“Phạm Đoan Trang, một trong những nhà hoạt động nhân quyền (tớ thêm) cho đảng viên & công an quyết liệt nhất của Việt Nam”
Nếu không phải đảng viên bị hại, Phạm Đoan Trang thường im lặng rất (không) đáng sợ . Câu rít vô phê của PĐT mỗi khi người dân phi-đảng viên bị cái gì là “Nếu hổng bàn tới đạo đức, thì mọi chuyện rất Ô Kê”
“Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ nhân quyền”
Vấn đề là giới gọi-là đấu tranh nhà mềnh chỉ coi trọng nhân quyền của đảng viên & công an thôi . Message Loud & Clear là “Get Out, By Any Means Necessary”. Việt Nam là nơi để kiếm tiền & chết nếu không phải là đảng viên . Ngay cả đảng viên cũng chạy nữa, what you waitin fo?
Nói nhỏ cái này, 2 ông bà chủ xị luật khoa hiện giờ, none of them sống ở Việt Nam