15-10-2021
Hồi học tiểu học trường dòng, các linh mục đã dạy chúng tôi: Có bốn chuyện không được tranh cãi với người mới quen, trên bàn tiệc: chính trị, tôn giáo, văn hóa – ẩm thực địa phương và giới tính, vì nó thuộc về quyền tự do chọn lựa của mỗi người. Nếu không, cuộc tranh luận sẽ không bao giờ có hồi kết”.
Vậy nên tựa một bài báo đã ngay lập tức bị nhiều người phản ứng và không ít người phản ứng lại cũng không khó hiểu: “Thực khách Hà Nội xì xụp bát phở, dân Sài Gòn… thèm”.
Nếu đổi Hà Nội thành Sài Gòn và ngược lại, có khi “chiến cuộc” còn dữ dội hơn. Như bao chuyện vùng miền lâu nay: chưa bao giờ chấm dứt. Văng cả nói tục chửi thề, có khi lôi cả chính trị ra, chán thì ai về nấy.
Không biết bên nào đúng vì chắc chắn bên nào cũng đúng. Miệng ai nấy ăn, món ai nấy xài. Hợp gu thôi mà. Cái cần gút được ngay trong chuyện này là vậy.
Vậy nên tôi không nổi nóng vùng miền chuyện này mà là chuyện khác. Bà con Hà Nội thích phở vô đối; ăn uống thích có tiếng động như nhai bánh đa rôm rốp, hít hà cay… nên húp xì xụp cũng là bình thường. Dân Sài Gòn không vậy, khi ăn, họ cố tạo ít tiếng động; vô quán với bạn bè, họ thường nói chuyện nhỏ với nhau, không ồn ào để bàn bên cạnh nghe.
Khi chọn món, dân Sài Gòn lại khá thoải mái: hủ tíu cũng “quất”, phở cũng “xơi”, bún bò Huế – mì Quảng… cũng “ăn miết”. Đất Sài Gòn xưa giờ của dân tứ xứ, nên coi bộ gu ăn uống của Sài Gòn thuộc hàng “thập cẩm” nhất nước. Hàng quán Sài Gòn bán đủ thứ món chứ không chỉ hủ tíu, phở… Món nào cũng có khách ra vô ào ào, không thì quán đó dẹp tiệm từ lâu. Thậm chí, Dim Sum Tàu họ cũng không chê, mì cay 7 cấp độ Hàn họ cũng làm láng, bò bít tết Pháp thì khỏi nói, quen quá rồi nha.
Họ thấy ai ăn gì cũng kệ miệng người ta, miễn là họ kêu món hạp khẩu vị họ. Họ không dòm vô tô người khác khi ăn.
Vậy nên tựa bài báo kia có lẽ không chỉ dân Sài Gòn thấy kỳ cục, “dzô dziên”.
Bình luận:Đúng là “dzô dziên t…h…ú…i”. Bài này đăng trên MSN. Cám ơn tác giả CMC.
Bình luận:Cảm ơn tác giả CMC. Tựa này đăng trên MSN. Đúng là “dzô dziên t…h…ú…i”. Lần nửa cám ơn tác giả.