4-10-2021
Thật ư, vậy tại sao người lao động lại khổ đến mức này? Đánh giá một đất nước phát triển thế nào, hãy nhìn một cách toàn diện: Về kinh tế hãy nhìn vào mức sống của những người lao động, về môi trường hãy đo không khí, nguồn nước, thực phẩm có sạch không, về bộ máy cầm quyền thì nhìn vào mức độ tham nhũng, sự minh bạch về tài chính đến đâu, quan chức có lý tưởng phục vụ đất nước thực sự hay không, hay chỉ làm quan để kiếm lợi? Về tư tưởng hãy nhìn vào chỉ số quyền con người, nền giáo dục có khai phóng con người không, có cho học sinh một khát vọng tự do, thực sự là người chủ tương lai của đất nước trong tương lai hay không.
Một cách khác là nhìn vào những đóng góp của quốc gia ấy vào nền văn minh của nhân loại về khoa học, văn hoá, những bằng phát minh, những tác phẩm nghệ thuật, những danh nhân về các lĩnh vực mà quốc tế công nhận.
Khi nhìn vào bức tranh rộng lớn, người ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé và sẽ nỗ lực học hỏi để vươn lên, sẽ tránh được sự kiêu ngạo vớ vẩn.
Không ở đâu mà doanh nghiệp khốn khổ, người lao động bị đói như ở Việt Nam. Các bạn tôi ở nước ngoài là chủ doanh nghiệp đều được chính phủ hỗ trợ rất lớn, hỗ trợ để họ không sa thải nhân viên, để đảm bảo ổn định xã hội. Con gái tôi sang Việt Nam sống, thỉnh thoảng thư của chính phủ Mỹ gửi về nhà tôi, thông báo là chính phủ hỗ trợ khoản tiền vì dịch. Không phải làm đơn, không phải xin xỏ. Đã là chính sách chung là được hưởng.
Khi mọi thứ đang suôn sẻ, các doanh nghiệp nộp thuế, vậy khi khó khăn, chính phủ phải lôi một phần số tiền ấy ra để nâng vực doanh nghiệp, để họ không chết, có như vậy thì họ mới tiếp tục đóng góp vào ngân sách khi mọi việc bình ổn trở lại được.
Người lao động cũng vậy thôi. Dù họ là lao động tự do hay làm cho các doanh nghiệp thì họ vẫn đóng góp sức lao động vào nền kinh tế, đã là một quốc gia có chính quyền thì phải lo được cho họ, không nhiều thì ít, nhưng nhất định không được để họ đói. Mà khi họ đói, đã không lo cho họ được thì phải để họ tự do tìm nơi nào có thể sống tiếp được. Không chính quyền được gọi là văn minh nào lại có quyền ngăn cản quyền mưu cầu sống của người lao động.
Vào những năm 80, 90 thì ai đấy sẽ lấy lý do là đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh nên khó khăn, giờ thì không thể dùng lý do ấy nữa rồi. Tôi nghe nói có những nơi hỗ trợ người lao động đến lần thứ ba, vậy tại sao có người vẫn chưa được nhận?
Nói là ngân sách khó khăn, vậy tại sao cứ phê duyệt những thứ viển vông như tượng đài vào cổng chào đáng giá trăm, nghìn tỉ đồng? Tượng đài có ý nghĩa lớn nhất chính là tượng đài trong lòng dân. Hãy hỏi những người dân đi bộ, đi xe đạp, xe máy mấy trăm, mấy nghìn cây số để về quê, là tượng đài nào đang toả sáng trong lòng họ?
Hãy nhìn vào sự thật và đưa ra những chính sách có giá trị thiết thực với người lao động. Họ mới đúng là bộ mặt thật của một đất nước, không phải tượng đài, không phải cổng chào. Tượng đài và cổng chào là những thứ xa xỉ, nó có ý nghĩa đánh dấu những thành tựu đáng tự hào, nhưng khi người lao động có thể khốn khổ đến mức như vậy thì chẳng có gì đáng tự hào mà thực ra là đáng buồn, đáng xấu hổ.
Cứ lấy hình ảnh các biệt phủ, các biệt thự của quan chức ra đặt cạnh những hình ảnh của người lao động, thì sẽ thấy rằng họ bị bỏ rơi từ lâu rồi.
“Thật ư, vậy tại sao người lao động lại khổ đến mức này?”
“Đổi Mới” nên đấu tranh giai cấp ngược, làm 1 cuộc cách mạng nhung đánh đổ nhà nước chuyên chính vô sản, để lập nên chuyên chính tư sản . Nhà nước mềnh bây giờ là chuyên chính tư sản, đấu tranh giai cấp ngược nên giới lao động bị bỏ rơi, thế thôi .
Đúng là không bỏ lại ai ở phía sau mà.
Toàn bộ đều bị bỏ lại phía sau, trừ lũ “no trước cái no của dân”.
Trần Đức Thạch
Mái đầu tôi mỗi ngày càng nhanh bạc.
Với câu hỏi đất nước sẽ về đâu?
Thế hệ chúng tôi tội lỗi ngập đầu
Nhìn con cháu lòng muôn hổ thẹn…
Thế hệ chúng tôi một thời chinh chiến.
Thắng lợi mang về là xua đuổi văn minh.
Thắng lợi mang về là làm khổ dân mình.
Để đểu cáng lên ngôi gây tội ác.
Thế hệ chúng tôi hoàn toàn lầm lạc.
Quên dân tộc mình theo chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Bệnh hoạn tư duy méo mó cách nhìn.
Gieo thù hận trong lòng con cháu.
Thế hệ chúng tôi đổ bao xương máu.
Chẳng ý nghĩa gì khi dân tộc điêu linh.
Chẳng ý nghĩa gì khi đất nước tanh bành.
Lãnh thổ giang sơn bị ngoại bang gậm nhắm.
Thế hệ chúng tôi cuộc đời cay đắng lắm.
Mất chính mình mang tội ác với tương lai.
Gần đất xa trời mới thấy được cái sai.
Không phải thơ mà những lời sám hối…
Xin ngàn lần triệu lần chịu tội.
Trước băn khoăn đất nước sẽ về đâu ???
nguồn mạng
Cám ơn tác giả Đoàn Bảo Châu về những bài viết tâm huyết của ông. Ước gì những người có liên quan biết sử dụng một chút điểm sáng còn sót lại của lương tâm họ để lắng nghe lời lẽ chân thành xây dựng này mà thay đổi những cách hành xử họ đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện trên nỗi thống khổ cùng cực của những con người khốn khổ, tội nghiệp mà họ gọi là “đồng bào”. Tôi có đang mơ ước viển vông không nhỉ ?