Bản chất của nhà nước Việt Nam đối với ngành Giáo Dục

Hoàng Ngọc Diệp

26-9-2021

“Khai dân trí” là bước đầu của ba giai đoạn/mục tiêu để đất nước cường thịnh theo tầm nhìn của cụ Phan Chu Trinh. Và tất nhiên, hầu hết mọi con người chỉ cần có kiến thức bình thường trên thế giới này đều biết rằng giáo dục cho các thế hệ trẻ chính là một phương pháp đầu tư thiết yếu, một kế hoạch xây dựng cần phải có cho một tương lai tốt đẹp hơn của cả một đất nước.

Đối với hầu hết các quốc gia thịnh vượng Giáo dục là một lĩnh vực quan trọng hàng đầu, và chính phủ của các quốc gia này thể hiện qua nguồn ngân sách to lớn cũng như những chính sách ưu đãi và hỗ trợ để phát triển giáo dục từ mọi góc độ.

***

Tôi tạm thời đưa ra hai nơi mà tôi quan tâm: Việt Nam và tiểu bang NSW, Úc, cũng là hai nơi mà tôi đã và đang sinh sống.

Ở Việt Nam, ngân sách năm nay cho ngành Giáo Dục là ~7.130 tỷ (~320 triệu USD) để lo cho giáo dục chừng 15 triệu người trong lứa tuổi 5 – 18.

Mặt khác, ngân sách cho ngành Công An lại là ~96.145 tỷ (~4,3 tỷ USD). Hơn 13 lần so với ngân sách cho ngành Giáo Dục. (Xem hình 1)

Hình 1

Ngược lại, ở tiểu bang NSW, Úc, chỉ có ~8,2 triệu dân, họ chi cho ngành Giáo Dục là ~22,4 tỷ AUD (~16,3 tỷ USD) để lo cho giáo dục chừng 1,4 triệu người trong lứa tuổi 5 – 18. (link 1)

Mặt khác, ngân sách cho ngành Cảnh Sát lại là ~4,7 tỷ AUD (~3,4 tỷ USD). Chưa tới 1/6 so với ngân sách họ chi cho ngành Giáo Dục! (link 2)

Không nhìn đến giá trị bao nhiêu tiền chi cho mỗi em trong lứa tuổi đi học phổ thông để so sánh. Chỉ cần nhìn đến mức độ quan tâm đến đầu tư Giáo Dục so với đầu tư cho ngành Công An giữa hai nơi thì chúng ta có thể thấy ngay rằng:

Việt Nam đầu tư cho ngành Công An gấp hơn 13 lần so với đầu tư cho ngành Giáo Dục.

 NSW, Úc, đầu tư cho ngành Giáo Dục gấp hơn 6 lần so với ngành Công An.

***

Nếu chịu khó nhìn sâu hơn nữa ở Việt Nam trong phạm vi hoạt động giáo dục, chẳng hạn như về tính bất hợp lý trong lương bổng chính thức của thầy cô giáo, tính ấu trĩ và cẩu thả trong nôi dung giáo trình, và nhất là tính bất lương của cái gọi là “xã hội hoá” trong nhiều góc độ nhằm thu phí và là gánh nặng cản trở gia đình nghèo có con trong tuổi đi học, v.v…

Mọi người có thể thấy ngay rằng nhà nước VN (đúng ra là đảng CSVN) không quan tâm đến đầu tư giáo dục cho đất nước, mà giáo dục chỉ là một tấm bình phong để họ rêu rao rằng họ cũng có ngành giáo dục. Thậm chí, họ biến ngành giáo dục thành một loại “dịch vụ” để tìm cách trực tiếp hay gián tiếp thu thêm tiền từ dân.

Họ xem thầy cô giáo như là công cụ rẻ mạt để vận hành guồng máy “dịch vụ” giáo dục và thầy cô giáo phải tự tìm mọi cách mà kiếm thêm thu nhập để sống.

Họ áp đặt phụ huynh học sinh phải trả hàng loạt loại phí. Thậm chí họ ép phụ huynh học sinh phải mua sách vở với giáo trình tồi tệ cho con em theo chỉ định, và tất nhiên nguồn cung cấp lại là từ chính họ hoặc từ những doanh nghiệp “đỏ” mà họ đứng sau lưng làm chủ!

***

Đó là bản chất thật của nhà nước VN (hoặc đúng ra là đảng CSVN) đối với ngành Giáo Dục ở VN.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Ông Béo, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

Comments are closed.