“Sao kê” kinh phí chống dịch

Nguyễn Tiến Tường

25-9-2021

Quốc gia rất nghèo, điều này có lẽ không cần nói thêm.

21,5 nghìn tỷ đồng chi chống dịch là con số đến cuối tháng 7, mỗi tháng chi thêm vài nghìn tỷ. Dự chi cho cả năm từ trung ương đến địa phương là 100 nghìn tỷ.

Thủ tướng phải kêu gọi nhân dân góp tiền chống dịch, một động thái hiếm thấy ở các nước khác.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân buồn bã: TP.HCM nộp ngân sách 330.000 tỷ đồng cho trung ương, xin hỗ trợ 28.000 tỷ, đến nay được giải ngân hỗ trợ 2.000 tỷ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn: Ngân sách chống dịch không còn đồng nào, đề xuất chuyển tiền tiết kiệm sang.

Hiểu nôm na là đập đến con heo đất cuối cùng!

Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, nếu vung tay quá trán “tung nóc” thì hơi cũng không còn.

Test, trong thời gian qua là một chính sách kỳ lạ. Từ tháng 10/2020, Bộ Y tế ra hướng dẫn phí test. Từ đó, test dồn dập, test tràn lan. Chưa khoanh vùng cũng test, khoanh vùng xong lại test tất cả các vùng. Truy lùng f0 test bình thường, “sống chung với dịch” thì test thần tốc.

Hà Nội lấy hơn 3,1 triệu mẫu xét nghiệm, phát hiện 19 ca f0, chiết tính gần 600 tỷ đồng, tương đương phí truy tìm mỗi ca hơn 30 tỷ. Sài Gòn, với 10 triệu mẫu thì mất hàng nghìn tỷ.

Quan trọng, test để làm gì thì lại là một dấu hỏi lớn!

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ sốt ruột: “Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng chi phí thấp, phải tiết kiệm chi phí. Mẫu (xét nghiệm) đơn, mẫu gộp thế nào? Test nhanh thế nào? Một mẫu xét nghiệm PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vắc xin nhiều”.

Ông xác định kiểm toán chi phí chống dịch là mục tiêu trọng tâm trong năm 2022. Điều này, tôi nghĩ người dân rất tâm đắc.

Kiểm toán, không đơn thuần là đầu vào đầu ra mà kiến giải cho dân hiểu về hiện tượng “chênh giá” test, đặc biệt là chủ trương chính sách test có phù hợp với đòi hỏi thực tế hay không?

Ngoài phí test, còn vô vàn phí: lớn thì có vật tư thuốc thang, nhỏ thì có khoanh vùng dập dịch. Thậm chí tỉ mỉ hơn còn kể ra phí rào chắn, phun xịt… Chi phí chống dịch “trĩu nặng” quốc gia và nhân dân.

Tiền tốn nhiều, tính mệnh của hàng vạn người dân mất đi. Nhiều ý kiến sốt ruột đòi quốc tang. Theo tôi nó chưa cần thiết, trong bối cảnh chưa “thắng” được dịch càng buồn thêm, cũng chỉ là thêm khoản chi.

Suy cho cùng, khát vọng của người dân là được sống trong môi trường an toàn nhất, chứ không phải chết trong nghi lễ.

Bởi vậy người dân cần một chính phủ có khả năng điều hành bằng “kỹ thuật” thực tế chứ không phải một chính phủ hướng đến các thiên chức thiêng liêng.

Nói về kỹ thuật, Bộ Y tế phải là bên chủ lực trong việc giúp chính phủ xây dựng chính sách hiệu quả cao nhất. Đáng tiếc, đọc các dòng tin tức, cảm giác cá nhân tôi cho rằng trong thời gian qua có vẻ như bộ đang xuất sắc hơn trong vai trò… rào cản.

Ít nhất, kiểm toán cũng sẽ chứng minh được một giá trị của Bộ Y tế mà người dân rất cần, đó là sự vô tư công chính!

Bình Luận từ Facebook