Nhố nhăng tên gọi

Nguyễn Thông

19-9-2021

Vừa rồi ở Đà Nẵng, Sở Công Thương ra hẳn văn bản yêu cầu các cơ quan đơn vị, nhất là báo chí, khi viết tên của sở phải viết hoa đủ cả chữ công và chữ thương, là Sở Công Thương, chứ không được ỡm ờ Sở Công thương.

Xin nhớ, về nguyên tắc viết hoa được cho là chuẩn, lâu nay dùng đại trà, thì chỉ viết hoa chữ đầu và chữ thứ 2, sau đó viết thường hết. Ví dụ: Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Tài nguyên, môi trường… Về sau, có quy ước dùng dấu gạch ngang để ngăn cách từng bộ phận nên mới viết hoa những bộ phận sau dấu, ví dụ: Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội… Chỉ ngăn cách bằng dấu gạch ngang thì mới viết hoa những từ phía sau, còn đã viết liền thì cứ phải viết thường. Viết Sở Công thương là đúng chứ không sai, viết Sở Công Thương là sai chứ không đúng. Cũng như ta vẫn viết Sở Nông lâm, Trường đại học Y dược… dù nông và lâm, y và dược là 2 mảng khác nhau.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng, đã được đổi thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Ảnh trên mạng

Nhân đây, bàn luôn đến những tên gọi của tổ chức, cơ quan, đơn vị ở tầm quốc gia. Phải nói ngay rằng rất tùy tiện, nhố nhăng, không hợp lý, không khoa học. Không có một đầu mối nào chịu trách nhiệm về quy chuẩn, mặc dù trong bộ máy có đủ bộ này bộ nọ liên quan (ví dụ Bộ Nội vụ), viện nọ viện kia (ví dụ Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Viện Ngôn ngữ), trường hành chính quốc gia… Tất cả đều dửng dưng vô trách nhiệm, thờ ơ như không liên quan gì tới mình, kệ tình trạng mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy xưng. Chỉ ngốn ngân sách là giỏi.

Một số ví dụ: Tại sao phải rườm rà Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đào tạo cũng là một dạng giáo dục, dạy dỗ, bản chất của nó là giáo dục. Giáo nghĩa là dạy, dạy dỗ, dạy bảo; giáo dục là dạy dỗ, hướng dẫn con người về tri thức, kiến thức, công việc. Đào tạo là dạy, chỉ bào, chỉ dẫn cho con người về điều gì đó. Trường y, trường bách khoa về cơ bản là tạo ra những bác sĩ, kỹ sư có tay nghề, vậy nếu chia giáo dục và đào tạo thì các trường ấy ở mảng nào. Ngay cả những trường dạy nghề do Bộ Lao động quản lý cũng chỉ là giáo dục. Thế thì tên Bộ Giáo dục là đủ, cơn cớ chi phải thêm cái đuôi đào tạo.

Lại nói Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội. Vẫn biết thời hậu chiến, thương binh là đối tượng rất đông đảo, cần đặc biệt chăm lo, nhưng không có nghĩa cứ phải tách hẳn thành một phần của bộ. Thực ra thương binh cũng chỉ là một vấn đề xã hội. Ai bảo không phải, thử cắt nghĩa coi nào. Thế thì chỉ cần Bộ Lao động và xã hội (Bộ Lao động – Xã hội) đã đầy đủ, gọn gàng.

Trong các ủy ban của Quốc hội từng có Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Giời ạ, đứa nào đặt tên cho cái ủy ban này chắc trình độ tiếng Việt lớp vỡ lòng chứ chưa được lớp 1. Cứ xét theo trật tự, cấu trúc tiếng Việt thì ủy ban ấy gồm 5 thành phần: văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Nhi đồng hoặc thiếu niên mà đứng ngang với văn hóa, giáo dục thì tôi cũng xin chắp tay lạy các ông các bà. Cái tên nhố nhăng ấy tồn tại suốt bao nhiêu năm, qua mấy nhiệm kỳ, chả thấy ai góp ý. May thay, trong quốc hội khóa 15 người ta đã sửa chữa, giờ chỉ còn Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, chứ không lằng nhằng thiếu nhi thiếu nhiếc nữa. Nhưng đổi một cơ quan tầm quốc gia mà không công bố cho bàn dân thiên hạ biết, cứ như chuyện vặt xóm ấp không bằng.

Lại cái tên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Cũng rất vớ vẩn. Tôi xin hỏi các ông các bà, thế nhân văn không phải là khoa học xã hội à, không thuộc khoa học xã hội à? Thử định nghĩa nhân văn mà không dính dáng gì tới khoa học xã hội xem nào. Không ớ ra thì tôi đi bằng đầu. Bao nhiêu giáo sư tiến sĩ dạy ở cái trường này, cũng chỉ biết cắm đầu dạy, không vị nào dám lên tiếng về cái danh xưng vô lý ấy.

Nói tới sự rườm rà nhí nhố về tên gọi ở xứ này, đầy, nhiều lúc chán chả thèm nhắc. Nhưng không nhắc thì người ta lại bảo dân ngu, có thế mà cũng không biết, không dám nói.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Viết “Sở Công Thương” là chuẩn vì Sở này hợp nhất từ 2 Sở Công nghiệp & Sở Thương mại, 2 lãnh vực khác nhau (Nếu viết theo lối vài mươi năm trước sẽ là “Sở Công – Thương” có thêm gạch nối)

  2. Tôi thông cảm và xin chia sẻ cùng NT sự bức xúc về cách dùng chữ của các quan ở Hà nội sau 30/4/75. Đó là bởi dần dà có sự thoái hoá mọi mặt ở cấp đứng đầu, chứ thuở ban đầu chế độ miền Bắc nổi tiếng dùng chữ nghĩa lý luận chính xác chi ly trên các văn bản chính thức. Chúng tôi ở miền Nam phải nể phục.
    Bê bối ngôn từ riêng thấy vài năm sau 75, ở ngành giáo dục, là từ Trường Trung học phổ thông và Trường trung học cơ sở.
    2 cách gọi trên hoàn toàn là 2 khái niệm sai SO VỚI BAN ĐẦU, khi một vị trí thức nào đó ở bộ GD đưa ra, và đã xuất hiện trên các văn bản, cách gọi ĐÚNG sau:
    Bậc học phô thông (đối lại với bậc Đại học và Chuyên nghiệp) gồm 2 cấp trường: Trường Phổ thông Trung học (để thay cho Phổ thông cấp 3) và Trường Phổ thông Cơ sở (thay cho Phổ thông cấp 2) và Trường Tiểu học (thay cho Pt cấp 1). Là hợp lý, minh bạch. Tôi đã thấy trên văn bản những dòng chữ này một thời gian đôi ba năm.
    Sau đó, một bậc “trí thức” có thẩm quyền nào đó lên thay, muốn để lại dấu ấn (!), đã thay đổi thành những khái niệm sai bét: gọi cấp 2 là Trung học cơ sở, và cấp 3 là Trung học phổ thông; đảo lộn tất cả tính chính danh của các danh xưng.
    Đã trung học thì không còn là cơ sở nữa!
    Sau tiểu học là bậc kiến thức phổ thông, phổ biến, khá rộng rồi. Nó nên được phân 2 cấp: là phổ thông ở cấp cơ sở cho thiếu niên, và cái tiếp nối nó là phổ thông ở cấp trung học cho cận thanh niên, tuổi bắt đầu dậy thì, mơ mộng, trí não đã phát triển khá đầy đủ.
    Thế là từ đó tất cả cứ nhắm mắt in ấn viết lách nói bậy, “trung học cơ sở”, “Trung học phổ thông”.
    Trung học phổ thông là bắt chước miền Nam một dạo, cho nó văn minh!
    Miền Nam trước 30/4 gọi cả 2 là trường Trung học: Trung học đệ nhất cấp (th cấp 2) và Trung học đệ nhị cấp (th c3); bậc thấp nhất là tiểu học. Nhà trẻ không được xem là trường học, như bây giờ.
    Thôi xin bye thầy Thông.

  3. “Một số ví dụ: Tại sao phải rườm rà Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đào tạo cũng là một dạng giáo dục, dạy dỗ, bản chất của nó là giáo dục. Giáo nghĩa là dạy, dạy dỗ, dạy bảo; giáo dục là dạy dỗ, hướng dẫn con người về tri thức, kiến thức, công việc. Đào tạo là dạy, chỉ bào, chỉ dẫn cho con người về điều gì đó. Trường y, trường bách khoa về cơ bản là tạo ra những bác sĩ, kỹ sư có tay nghề, vậy nếu chia giáo dục và đào tạo thì các trường ấy ở mảng nào. Ngay cả những trường dạy nghề do Bộ Lao động quản lý cũng chỉ là giáo dục. Thế thì tên Bộ Giáo dục là đủ, cơn cớ chi phải thêm cái đuôi đào tạo.”

    * Lại sai nữa thầy giáo Thông ạ. Này nhé:

    *Giáo dục là hành động dạy dỗ cho nên người, hình thành nhân cách.
    Nhân cách gồm kiến thức nền tảng, căn bản, phổ thông; đức hạnh hay hạnh kiểm, lời ăn tiếng nói, đối nhân xử thế cần cho một đứa trẻ đủ lớn, một thiếu niên đang lớn nhưng chưa phải thanh niên, người trưởng thành; chưa có quyền công dân.
    Cho đến lúc bắt đầu có quyền công dân ở thời điểm từ học kỳ 2 đến thi TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG (thi đậu rớt là vấn đề khác, thuần kỹ thuật);

    sau lớp 12 là con người thành niên nầy đã phải chịu trách nhiệm về hành vi của một công dân trước pháp luật!

    Lên đại học, trường đại học không chịu trách nhiệm giáo dục nữa!
    Nó không có bổn phận GIÁO DỤC kiến thức học thuật cơ bản, văn hoá, đạo đức cho con người ngồi trên ghế nhà trường phỏi thông.
    Nó, đại học, không cần biết anh có giải được phương trình bậc hai, ba…, anh có thuộc thơ Kiều, Bình Ngô Đại Cáo; thuộc công thức phản ứng hoá học, rơi tự do hay giãn nở vật chất, hay viết đúng ngữ pháp từ vựng tiếng Quốc ngữ, Anh, Pháp…

    Đại học chỉ có chức năng ĐÀO TẠO kiến thức và học vị cho anh chị thành các trình độ, cấp bậc chuyên ngành đại học và sau đại học. Thế thôi.
    Bởi vậy họ mới kéo nhau vào giảng đường mênh mông, mạnh thầy thầy giảng mạnh sv sv nói chuyện, viết thư hay ngắm, liếc, nhắn tin nhau.
    Không ai la mắng, bắt phạt, dĩ nhiên không hề đánh đập. Cũng chẳng điểm danh.
    Cuối kỳ theo quy định, thi thố năng lực, ghi nhận năng lực. Cuối năm đậu rớt, học lại, nợ chứng chỉ, học phần…là hoàn tuỳ quý anh chị.
    Đại học không giáo dục, chỉ đào tạo!

    Các trường Cao đẳng cũng thế. Họ là ngành chuyên nghiệp, đào tạo cán sự, chuyên viên bậc trung;
    không giáo dục dạy dỗ ai cả, chỉ rèn luyện kỹ năng thực hành,

    nhé thầy Thông…

    • Năm 1990 Chính phủ quyết định thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thống nhất hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến giáo dục đại học và sau đại học.
      Đó là lý do sinh thêm chữ Đào tạo sau chữ Giáo dục để thống nhất 2 bộ thành một Bộ duy nhất có chung chức năng giảng dạy cho con người có trọn vẹn kỹ năng sống và quản lý xã hội.

      Thầy không rành lắm nhà của chính mình.

  4. Đoạn đầu NT nói bậy rồi. Dạy văn mà nói thế là hỏng to.

    Các chữ kép Giáo dục và Đào tạo, Lao động/Thương binh/Xã hội, Tài nguyên/Môi trường…
    (tôi đã tự ý viết Hoa lại cho đúng; cách viết của các ngài là sai, đã gây cãi nhau ỏm tỏi là vì thế)
    phải đuọc hiểu sau đây:
    * Giáo dục tuy 2 từ nhưng chỉ một hoạt động thôi, là rèn luyện con người trên 2 mục tiêu:
    giáo có nghĩa là “dạy cho biết”, dục có nghĩa là “nuôi nấng”; giáo dục là “dạy dỗ gầy nuôi đủ cả trí-dục, đức-dục, thể-dục, mỹ- dục”.
    Đào tạo là chữ thứ 2, chức năng thứ 2, khác với giáo dục nên phải viết hoa chữ Đào.
    Các ngài cb lãnh đạo ngành Gd và Đt kiến thức rối loạn bất cập nên viết thoải mái thích đâu phang đó nên viết tùm lum xin miễn bàn, mệt.
    (bởi thế trước khi Cs vào miền Nam quản lý xã-hội, giáo-dục Việt-nam dạy cho học trò (học-sinh) biết cách phân biệt các từ Hán-Việt với từ thuần Việt bằng cách viết nối nhau với gạch nối ( – ), tuy có phiền tay, mất công và nhiêu-khê nhưng rất minh-bạch vì riết rồi cũng quen thôi, làm rõ ý-nghĩa mỗi chữ là đơn hay kép, không quàng ý nhau gây hiểu nhầm. Bây giờ lối gạch nối ấy đã bị bãi bỏ)

    * Lao động, Thương binh , Xa hội là 3 lãnh vực hoạt động khác nhau của Bộ nầy, nên cần phải viết Hoa cả 3;
    trong mỗi từ kép, chữ đầu tiên VN xem là chính phải viết hoa, tuy Trung hoa xem chữ sau mới là chính. Đó là do khiếm khuyết bản chất, lỗi hệ thống của tiếng Việt do bệnh nôm na mách qué từ xưa để lại!
    (Ví dụ thương binh, người Tàu giống người Anh, xem binh là con người, người lính là chính, cho đứng sau; còn thương là tính từ, bị thương, tuy đứng trước nhưng là phụ nghĩa cho từ sau.
    Người Việt dùng lại của Tàu, nhưng cho chữ thương viết hoa vì đứng đầu cặp đôi. (Bởi chưng người Việt cho rằng đứng đầu, đứng trước là quan trọng- bịnh bon chen, chen lấn…từ đó ra!)
    Hậu sinh chúng ta chấp nhận thế, nên viết hoa từ đầu của 3 chữ kép Lao động, Thương binh, Xã hội.
    vv…

    Trường hợp ông Thông đả kích các sếp của mình rằng sai khi viết hoa chữ Thương, thì tôi cho họ đòi hỏi thế là đúng. Vì Bộ Công Thương là Bộ phụ trách 2 hoạt động vĩ mô to lớn, quan trọng, phức tạp và hoàn toàn khác nhau của đất nước: Công nghiệp và Thương mại;
    cho nên phải viết hoa cả 2 là đúng.
    Trong khi “giáo” và “dục” tuy 2 mà một mục tiêu duy nhất: “rèn luyện cho con người hoàn thiện nhân cách.
    Đào tạo cũng vậy, đào luyện và tạo nên – chỉ là 2 công đoạn để xuất xưởng một sản phẩm từ nhà trường đưa ra xã hội – nếu, để cho rõ, phải dùng vài khái niệm thô lỗ mà CNXH ưa thích trong ý đồ máy móc hoá con người trên dây chuyền cai trị của mình.

    Vậy nhé. Từ từ đọc thêm sẽ góp ý thêm.

    • Do ANM phá đám, việc đăng trục trặc khiến bình luận thứ ba thành đăng đầu tiên, bl đầu tiên thành đăng chót.
      Xin vui lòng hiểu sự liên ý của loạt bl nầy là : bl chót là bl 1, bl giữa là 2, bl đầu tiên là câu vuốt, cho vui vẻ, là bl chót.

Comments are closed.