Đảng Cộng sản TQ muốn hủy diệt Triệu Vy, vì sao?

Tuấn Khanh

19-9-2021

Lần đầu tiên, những lời nhận định và giải thích về việc nhà cầm quyền Bắc Kinh xóa sổ danh tính và giá trị của ngôi sao điện ảnh Triệu Vy xuất hiện. Tuy là nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng từ đó, người ta hiểu được vì sao một chế độ lại thẳng tay hủy diệt hình ảnh tiêu biểu về văn hóa đương đại của mình như vậy.

Dĩ nhiên, đó là những bình luận được xuất hiện chính thức trên báo chí nhà nước về số phận của Triệu Vy. Tờ WSJ là một trong những nơi lùng sục, đi tìm lời giải hợp lý về câu chuyện này.

Người hâm mộ bên ngoài Trung Quốc ngạc nhiên đã đành, người trong nước còn sửng sốt hơn khi thì thầm với nhau là thử tìm cái tên Triệu Vy (Zhao Wei) trên các trang mạng ở Trung Quốc, nhưng tất cả đều là những khoảng trống. Bắc Kinh muốn trừng phạt ngôi sao điện ảnh này bằng cách thủ tiêu mọi ghi chép trong biên niên sử kỹ thuật số của quốc gia này về một đứa con tinh thần từng được cưng chiều hết mực.

Đúng vào năm ngôi sao điện ảnh này 45 tuổi, Triệu Vy bị xóa sạch trên trang web, cũng như các nơi phát video lớn nhất của quốc gia cộng sản này. Tin dữ dồn dập kéo về: các dự án của cô ấy, bao gồm cả bộ phim truyền hình cực kỳ nổi tiếng ‘My Fair Princess’, đã bị loại bỏ. Bất cứ ai tìm kiếm bộ phim nổi tiếng của cô ấy “So Young” trên Wikipedia của Trung Quốc, cũng sẽ không biết cô ấy là đạo diễn của phim này.

Phát súng lệnh cho cuộc trừng phạt này, bắt đầu từ gày 26 Tháng 8, mở đầu cho một chiến dịch đàn áp rộng lớn hơn đối với ngành công nghiệp giải trí của Trung Quốc, mà Đảng Cộng sản nói là cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của văn hóa không lành mạnh từ những người nổi tiếng. Nhưng không có viên chức nào giải thích cụ thể “không lành mạnh” ở trường hợp nào, và cụ thể ra sao. Bắc Kinh úp úp mở mở về sự thay đổi đột ngột này đối với địa vị của Triệu Vy.

Dĩ nhiên, sự trừng phạt này làm dấy lên muôn vàn câu hỏi của người hâm mộ và giới quan sát và dẫn đến những đồn đoán rằng Triệu Vy đã làm sai điều gì đó – mặc dù không ai thật sự khẳng định được. Các trang blog và video tranh luận, bịa đặt các chuyện thâm cung bí sử… và thậm chí là những bài mạt sát Triệu Vy theo quan điểm của Đảng mọc lên, nhưng không bị tháo bỏ. Các lãnh đạo bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc muốn như vậy: sự hỗn loạn với những suy nghĩ tiêu cực về ai đó, giúp họ kiểm soát sự hỗn loạn một cách thuận lợi như một ông chủ nhà đầy quyền lực thao túng.

Stanley Rosen, giáo sư tại Đại học South California, chuyên gia về điện ảnh và chính trị Trung Quốc, cho biết: “Triệu Vy bị đẩy ra công luận như một đứa trẻ hư. Cô ta bị Đảng Cộng sản chọn làm biểu tượng của văn hóa sai trái trong giới nổi tiếng Trung Quốc”.

Ông Stanley Rosen nói: “Đó là một minh chứng cho thấy không ai, dù giàu có hay nổi tiếng đến đâu, cũng có thể trở thành con mồi khi bị chọn”.

Trong trường hợp của Triệu Vy, ông nói thêm, việc thiếu lời giải thích từ nhà cầm quyền, là một đòn thao túng xã hội, và nó có tác dụng khiến những người nổi tiếng khác hoảng hốt, và trở nên cực kỳ thận trọng, và chủ động trở thành người phục vụ cho các mục tiêu của chế độ, nhằm giảm thiểu các hiểm nguy của bản thân.

Thật dễ hiểu nếu ít lâu sau, đột ngột xuất hiện các loại nghệ sĩ hay người nổi tiếng ở Trung Quốc lên giọng bảo vệ đường chín đoạn của Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông, hay chính họ tự tố cáo lẫn nhau, đề cao quan điểm chính trị hay xã hội… để được giới chóp bu ngầm xác nhận, cho một chỗ quỳ trong đội ngũ nô bộc của Đảng.

Nhưng cái gi cũng có mặt trái của nó. Một làn sóng quan tâm mới của công chúng đối với tình trạng của Triệu Vy cũng bùng lên, khi gần đây ai đó chụp được ảnh Triệu Vy xuất hiện với quần đùi và áo thun màu tím ở quê nhà mình, Vu Hồ, ở miền đông Trung Quốc. Điều này cũng được đưa vào bình luận rằng, không biết Triệu Vy hay chính giới tuyên truyền nhà nước muốn thăm dò dư luận xem nữ diễn viên này còn sức hút với công chúng hay không.

Triệu Vy đã từ chối hàng loạt các yêu cầu bình luận về chuyện phim và chương trình truyền hình của mình không còn tìm thấy trên internet Trung Quốc. Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc, cơ quan quản lý internet của quốc gia này, cũng không trả lời bất kỳ điều gì.

Chiến dịch phong tỏa sự nghiệp của Triệu Vy, kéo theo những diễn viên khác bị cảnh sát Trung Quốc thẩm vấn về việc trốn thuế, bao gồm Trịnh Sảng (Zheng Shuang), và Trương Triết Hạn (Zhang Zhehan), một diễn viên trẻ trước đó đã bị tờ báo diều hâu hàng đầu của Đảng Cộng sản chỉ trích, sau khi phát hiện anh ghé thăm một ngôi đền thờ các tử sĩ Nhật Bản liên quan đến Thế chiến II. Rõ ràng, Bắc Kinh thấy các nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc hôm nay, không nằm trong các bang, hội… cần phải được kiểm soát và răn đe để không có một thế hệ mới có sức mạnh công chúng, và làm họ mất mặt như giới nghệ sĩ Hồng Kông, với Chuân Nhuận Phát, Hà Vận Thi…

Làm ra nhiều tiền của, còn trẻ và có lượng công chúng khổng lồ trên thế giới ủng hộ: ai biết được sự bất mãn hay kiêu ngạo sẽ khiến họ quay lưng với một Đảng cộng sản hà khắc? Vừa tạo ra một chiến dịch để răn đe, vừa bóp nắn túi tiền của giới giàu có này, chẳng phải là quá thuận lợi khi hô hào về sự khác biệt giàu nghèo ở Trung Quốc lúc này?

Mọi thứ có vẻ còn kéo dài. Kiểm soát sự nổi tiếng cũng là một phương thức. Trong một chiến dịch chưa từng có, được phát động vào tháng 8, Đảng của Tập đã cấm các mục đưa bảng xếp hạng những người nổi tiếng trên các nền tảng truyền thông xã hội. Các đài truyền hình, radio và nền tảng phát trực tuyến được lệnh cấm các nghệ sĩ không đáp ứng các tiêu chuẩn chính trị hoặc đạo đức chính trị.

Thậm chí, con cái của các ngôi sao nhạc pop bị đánh giá là mô phỏng, có hình ảnh hay phong cách như giới nghệ sĩ phương Tây cũng không được xuất hiện trong các chương trình giải trí. Nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc và Nhật Bản, Đài Loan… cũng bắt đầu bị loại khỏi các mục trình chiếu hay giới thiệu… do có quá nhiều công chúng trẻ hâm mộ, khiến giới kiểm duyệt lo ngại về sở thích thiếu phẩm chất văn hóa nội địa.

Cũng có tin đồn từ giới tuyên truyền 5 xu, rằng Triệu Vy bị trừng phạt vì đang cặp kè với Trương Triết Hạn. Dù bị chỉ trích và không được tham gia nhiều chương trình, nhưng với quyền lực công nghệ giải trí rộng lớn của tỷ phú Triệu Vy, sẽ không có thiệt hại gì nếu họ Trương vẫn được đỡ đần.

“Như Mã Vân (Jack Ma), đảng không thể bỏ tù vô cớ ông ta, nhưng làm nghèo đi, dồn vào đường cùng, Mã Vân thiệt hại thì Trung Nam Hải cũng khốn cùng”, một người bình luận tên JerryXin nói trên Weibo, và bình thêm “Triệu Vy cũng vậy, mất hình ảnh ở đại lục, chỉ là tạm thời, cả thế giới có đủ câu chuyện của cô ấy, và bất kỳ giờ nào, cô ấy cũng có thể trở thành công dân của một quốc gia khác”.

Rõ ràng là Bắc Kinh không thích có những ngã rẽ khác trong sức mạnh của họ. Nếu có Tôn Ngộ Không xuất hiện, họ muốn bàn tay của mình là Phật Tổ. “Đảng muốn sức mạnh của mình là tuyệt đối”, một người khác bình luận.

Một người ủng hộ Triệu Vy, có tên là Tough Pea Sprout viết: “Nhà nước biết rõ quan điểm chính trị và vị thế của cô ấy hơn bất kỳ cư dân mạng nào”. Tương tự như Jack Ma, dù chỉ là một diễn viên, nhưng hầu hết các sự kiện tầm quốc gia, Triệu Vy luôn là khách mời và là nhân vật đối thoại với cấp nguyên thủ. Một lời thì thào và nụ cười của Triệu Vy, đôi khi có sức mạnh bằng cả một công hàm của Bắc Kinh.

Đối với nhiều nhà quan sát, sự phế truất danh tính của Triệu Vy, gợi lại sự biến mất vào năm 2018 của siêu sao Phạm Băng Băng (Fan Bingbing) qua một vụ bê bối trốn thuế. Nữ diễn viên từng xuất hiện trong ‘X-Men: Days of Future Past’ vào năm 2014, đã biến mất khỏi công chúng trong ba tháng, trước khi tái xuất hiện, để đưa ra lời xin lỗi học thuộc lòng trước truyền hình, và nộp phạt 70 triệu USD.

Triệu Vy và tỷ phú Jack Ma. Ảnh trên mạng

Phần lớn tài sản của Triệu Vy đến từ số cổ phần mà cô và chồng đã mua trong chi nhánh công nghệ giải trí của Alibaba. Theo cơ sở dữ liệu đăng ký công ty của Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2020, Triệu Vy đã mua cổ phần thuộc Yunfeng Capital, một hệ thống tài chính do Jack Ma hậu thuẫn, cùng với một số doanh nhân Trung Quốc giàu có.

Các bản đăng ký cũng ghi lại rằng công ty của Triệu Vy đã nắm giữ nhiều cổ phần của Ant Group, một tập đoàn tài chính-công nghệ khổng lồ do Jack Ma thành lập, đang trên đà tiến tới một đợt IPO kỷ lục (chào bán số cổ phiếu phát hành công khai lần đầu). Nhưng cú thăng tiến vĩ đại này của Ant Group đã bị loại bỏ theo lệnh của ông Tập vào năm ngoái. Alibaba, Ant Group và Jack Ma đã không bình luận, tương tự như Triệu Vy.

Sau giai đoạn đẩy mạnh giới thượng lưu và tư bản đỏ phát triển, tạo thành một tiềm lực quan trọng cho xã hội cộng sản, giớ thì đến lúc Bắc Kinh bị rúng động vì thấy chính các tiềm lực ấy tự “diến biến hòa bình”, ngày càng thích nghi với xu thế phát triển và tồn tại của mình theo kiểu tư bản, thậm có thể quay lại làm lung lay cả gốc rễ của thứ chủ nghĩa cộng sản đạo đức giả – vậy thì, cuộc cách mạng văn hóa lần hai, nhân danh mọi điều tốt đẹp là điều có thể hiểu được.

Bình Luận từ Facebook