Vụ báo Tiền Phong lâm nạn

Nguyễn Thông

17-9-2021

Ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong ghi chú thích sai.

Chuyện báo Tiền Phong, cơ quan trung ương của đoàn TNCS Hồ Chí Minh bị sao quả tạ do chú thích bậy ảnh, biến người sống thành người chết, thực ra dạng vụ việc như vậy không phải hiếm trong làng báo. Xôn xao một vài hôm thôi, ngày mai lại có thể trôi vào dĩ vãng. Chuyện gì cũng vậy.

Vấn đề là cái sai cái lỗi ấy đụng vào chỗ… nhạy cảm. Vẫn biết cứ đụng vào chỗ nhạy cảm ắt có vấn đề, hoặc sướng hoặc khổ. Lần này thì khổ. Nếu nhầm tên của Thông cào chẳng hạn, bắt chết 3 chục lần cũng chả sao, nhưng lại trúng tên đại tướng nên mới thành chuyện. Giống như dân gian bảo “Nghe tin bỗng thấy bàng hoàng/Đại tướng đang sống chuyển sang từ trần” (câu gốc là: Nghe tin bỗng thấy bàng hoàng/Bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần, hồi năm 1969).

Tôi làm báo mấy chục năm, chuyên nghề biên tập, nên dễ thông cảm cho đám Tiền Phong. Xưa nay sai nhiều lắm. Còn nhớ có tờ báo chả biết mắt hếch lên giời làm sao mà viết sai cả tên cụ Hồ rất tai hại, đến nỗi tổng biên tập bị mất chức, cả ban thư ký trực bị kỷ luật, còn các tờ báo sau đó được quán triệt nếu có viết tên cụ, kể cả tên thành phố, thì cứ viết tắt là HCM, TP.HCM cho an toàn.

Cái sai cái nhầm rất dễ xảy ra. Sau mỗi vụ việc, người ta nhắc nhở nhau cẩn thận nghe không, được một thời gian lại quên, lại mắc, nhẹ thì kiểm điểm, đính chính, nặng thì cách chức, xin lỗi, về sau có thêm cách xử lý khôn khéo là đổ tại thằng đánh máy. Nói thế để thấy rằng không có chuyện an toàn trăm phần trăm, mà thể nào cũng xảy ra, không lúc này thì lúc khác. Vấn đề ở chỗ phải thực sự cầu thị, phục thiện, dám nhận cái sai, cái yếu, cái dở. Nếu cứ bao biện loanh quanh thì còn sai dài dài.

Lại nhớ vụ báo Nhân Dân năm 1980 đăng nhầm ảnh cụ Nguyễn Trãi, nhầm thì đúng là nhầm thật, nhưng họ lấy nhầm ảnh cụ Phan Thanh Giản, khi bị phát hiện, họ bèn nói trớ đi là ảnh Dương Khuê cho nhẹ tội. Thời đó, cụ Phan vẫn bị coi là kẻ bán nước, hèn hạ, quỵ lụy, tay sai thực dân Pháp, có tội với nước với dân; còn cụ Dương Khuê cũng bị bôi bẩn bằng lý lịch xấu, làm quan cho triều đình thực dân phong kiến, thơ phú tán tụng vớ vẩn, xa rời cuộc sống. Trong 2 thứ xấu thì họ chọn thứ xấu nhẹ, nên chọn Dương Khuê cho đỡ mang tiếng. Ông nào chả đội mũ cánh chuồn, dân chúng đâu có phân biệt được. Hồi năm 1980 tôi đã nghe rõ chuyện này, nhiều người biết. Ngay cả sửa sai họ cũng vẫn cứ ngoan cố, giả dối.

Còn sai của báo Tiền Phong, tôi cũng cho do sơ suất, tuy nhiên phải nói là cực kỳ ẩu. Tôi biết rất rõ, để ra thành phẩm phải qua rất nhiều tầng nấc, bộ phận, nhiều khâu kiểm duyệt. Nhưng sai tới mức của Tiền Phong như trên thì ẩu không còn gì để nói. Đọc lấy lệ, duyệt lấy lệ, chỉ cốt cho xong. Không có tí ý thức trách nhiệm nào. Trong quy trình cụ thể, có khi tổng biên tập không dính dáng gì, nhưng về mặt trách nhiệm thì không thể bỏ qua được. Đã thế, trong lời xin lỗi, báo Tiền Phong còn kể công, kể lể đã đăng bao nhiêu bài này nọ về ông vừa chết (hay ho gì mà kể), cũng là thói quanh co vòng vo không có sự hối cải chân thành.

Vừa rồi, trên mạng xã hội FB, một anh đăng tin có công an tử vong do chống dịch bị nhiễm. Nhà chức việc dò la tìm hiểu, nói là tin thất thiệt, chả có công an nào chết cả, đè anh chàng kia ra phạt 7,5 triệu đồng. Vậy vụ báo Tiền Phong, dám giết cả đại tướng bộ trưởng nhà binh, chỉ có xin lỗi rồi xong, quả thật xử quá nhẹ hều.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”
    Tác giả quên rồi sao???

    • Tuy báo “tiền phong” không phải là “chính quyền” nhưng nó lại được “cơ quan công quyền” DÙNG; thế nên nó (tiền phong) chỉ cần xin lỗi!
      Sực nhớ tới nhân vật khoác chiếc áo “bác sĩ” trong mẩu chuyện “lừa dân” của những con lợn mới đây cũng tương tự như vậy, trường hợp này ở mức độ cao cấp hơn: không cần phải xin lỗi.
      Thử hỏi, súng đạn, còng số 8 và nhà tù cùng với mưu mô xảo quệt nào có thể bảo vệ được danh dự của cá nhân và tập thể???

Comments are closed.