Điểm sách “Con đường tơ lụa mới: Hiện tại và Tương lai của thế giới”

Nghiên cứu Việt – Mỹ

Nguyễn Thế Phương

16-9-2021

“Con đường tơ lụa mới: Hiện tại và Tương lai của thế giới” là một cuốn sách thú vị, đặc biệt đứng dưới góc nhìn địa chính trị và quan hệ quốc tế. Peter Frankopan, tác giả của cuốn sách, là một sử gia. Song như ông đã nói trong phần kết luận, sử gia hay bất cứ nhà quan sát nào cần phải tìm cách “vẽ” được một bức tranh toàn cảnh, “kết nối thế giới lại với nhau”, “xâu chuỗi các sự kiện xảy ra ở khắp mọi nơi” để tạo ra những hiểu biết sâu sắc hơn về những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta.

“Hiểu biết về sự liên kết của các mảnh ghép trong trò chơi địa chính trị toàn cầu giúp giải thích rõ hơn các mối nguy hiểm và tính dễ bị tổn thương – cũng như những cơ hội mà quá trình hợp tác mang lại – qua đó giúp quá trình hoạch định chính sách trở nên tốt hơn”, Frankopan đã khẳng định như thế.

Vậy những mảnh ghép mà Frankopan đã cố gắng sắp xếp và xâu chuỗi rốt cuộc đã vẽ nên một bức tranh như thế nào? Từng chương trong cuốn sách được thiết kế để độc giả cuối cùng có thể nhận ra một thông điệp duy nhất: với “con đường tơ lụa” làm trung tâm, trọng tâm địa chính trị của thế giới trong thế kỷ 21 sẽ dịch chuyển về phía Đông, về đại lục Á-Âu.

“Con đường tơ lụa” ở đây không chỉ là con đường giao thương lịch sử nối giữa phương Đông và phương Tây, mà nó còn là biểu tượng cho sự trỗi dậy của Châu Á, của các nền văn minh phương Đông vốn hàng thế kỷ trước đã từng dẫn dắt sự thịnh vương của thế giới.

Frankopan nhấn mạnh tới sự thay đổi nhanh chóng của thế giới kể từ đầu thế kỷ 21. Bằng những ví dụ hết sức cụ thể từ thế giới bóng đá, đồ dùng xa xỉ, du lịch cho tới bất động sản, chúng ta nhận ra phương Đông đang trở nên “giàu có ở quy mô đáng ngạc nhiên”’. Tăng trưởng kinh tế xuất phát từ toàn cầu hoá tạo ra nhiều cơ hội, tuy nhiên đi kèm với đó là những thách thức mới về an ninh, về tài nguyên, về hệ giá trị, và về môi trường.

“Một thế giới mới – xa lạ và đầy lo ngại” đang xuất hiện, theo Frankopan. Một cuộc chuyển đổi căn cơ đang xảy ra khi Châu Á và con đường tơ lụa đang trỗi dậy. Phản ứng trước sự thay đổi này, phương Tây trở nên bi quan và phương Đông thì lại ngày càng lạc quan.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý và chủ nghĩa bài ngoại cực đoan ở Mỹ và Châu Âu tạo ra khủng hoảng nghiêm trọng, chủ yếu xoay quanh vấn đề nhập cư và đặc biệt là bản sắc. Sự mơ hồ về bản sắc khiến cho toàn bộ phương Tây hiện nay đang phải cố gắng đấu tranh để duy trì sự cố kết trong nội bộ, và đảm bảo rằng những giá trị tốt đẹp được tạo ra từ nền tảng nhân văn thời Phục hưng sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai.

Trong khi phương Tây đang mất kết nối, thì “câu chuyện bao trùm phần lớn khu vực giữa Thái Bình Dương và Địa Trung Hải là về sự gắn kết; về những cố gắng để thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn; về xu hướng giảm nhiệt căng thẳng và xây dựng liên minh; về các thảo luận để tìm ra giải pháp đồng thuận vì lợi ích chung, nhằm xây dựng nền tảng cần thiết cho sự hợp tác trong dài hạn”.

Bằng những ví dụ cụ thể sinh động ở những quốc gia nằm dọc theo con đường tơ lụa, ở trung tâm đại lục Á-Âu, Frankopan nhấn mạnh rằng “con đường tơ lụa trỗi dậy nhanh chóng bởi vì nó đang sôi động trở lại. Những gì xảy ra tại khu vực trung tâm, trái tim của thế giới trong những năm tới sẽ định hình thế giới trong hàng trăm năm tiếp theo”.

Frankopan cũng nói rất nhiều về đại dự án “Vành đai Con đường”, được coi là dự án giúp khắc ghi dấu ấn của Tập Cận Bình trong lịch sử. Có 3 nguyên nhân chính khiến Trung Quốc khởi động đại dự án này, theo Frankopan:

(1) nhu cầu tiếp cận năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác một cách ổn định và lâu dài;

(2) thích ứng với quá trình chuyển đổi từ sản xuất sang dịch vụ tại Trung Quốc; và

(3) các mối lo ngại về an ninh trong nước và quốc tế.

Mỹ, đối thủ chính của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh giành quyền lực, xem sáng kiến “Vành đai, Con đường” là nỗ lực dài hạn của Trung Quốc để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Một “cuộc chơi lớn” tiếp theo dường như đang hình thành ở Trung Á, nơi mà lợi ích của các nước lớn đã, đang và sẽ va chạm với nhau, và là nơi sẽ định hình nên cục diện thế giới trong thế kỷ 21.

Tương lai của thế giới mà Frankopan đề cập trong cuốn sách dường như cũng nhuốm màu bi quan đối với phương Tây. Một mặt, “Mỹ đang cố gắng định hình thế giới dựa trên lợi ích của riêng nước Mỹ, sử dụng cây gậy nhiều hơn củ cà rốt; mặt khác, chúng ta có một chính phủ Trung Quốc thường xuyên nói về lợi ích chung, về tăng cường hợp tác và khuyến khích các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hóa xích lại gần nhau hơn trong một kịch bản mà tất cả các bên cùng thắng, trong khi cũng chính đất nước Trung Quốc đó khiến nhiều quốc gia khác sợ hãi về sự trỗi dậy của một đế chế mới, dù vô tình hay hữu ý”. Mặc dù có vẫn có những yếu tố tiêu cực, nhưng tương lai của thế giới trong thế kỷ 21 dường như sẽ xoay quanh đại lúc Á-Âu, chứ không còn là mối quan hệ Bắc Đại Tây Dương nữa.

Frankopan đã tổng hòa lịch sử và địa chính trị trong cuốn sách thứ hai này của ông về Con đường tơ lụa để gửi cho chúng ta một thông điệp đơn giản rằng: thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Châu Á.

Quan điểm của Frankopan thực thế cũng không phải quan điểm quá mới mẻ, khi đã có nhiều học giả có cùng niềm tin tương tự. Thế nhưng góc độ tiếp cận địa chính trị của ông thì dường như đi ngược lại với suy nghĩ của nhiều người: hình ảnh của con đường tơ lụa cổ xưa phản ánh sự trỗi dậy của một loạt các quốc gia Châu Á nằm dọc theo con đường đó, mà điểm xuất phát chính là Trung Quốc.

Điều này gây bối rối với những nhà địa chính trị đặt niềm tin của mình vào nền tảng và ưu thế của biển cả. Châu Âu, hay Mỹ, là những khu vực và quốc gia đạt được vị thế cường quốc nhờ tận dụng đại dương, hướng ra đại dương như một tầm nhìn chiến lược. Đối với Frankopan, dường như “vùng đất trái tim” đã dịch chuyển từ Đông Âu sang khu vực thảo nguyên Trung Á-Tây Á rộng lớn thế kỷ 21.

Cái hay của Frankopan, là ông đã dành thời gian khảo cứu cụ thể những sự kiện nổi bật mang tính đương đại ở khắp các khu vực dọc theo hành lang con đường tơ lụa cổ đại, kết nối chúng lại với nhau theo một tư duy mạch lạc, và từ đó đưa ra lập luận rất hấp dẫn: sự tiến hóa của con đường tơ lụa, dù theo hướng nào đi chăng nữa, cũng sẽ là điểm mấu chốt để định hình nên thế giới của tương lai. Một thế giới mà theo Frankopan, quyền lực toàn cầu sẽ dịch chuyển từ tây sang đông.

Cuốn sách này cũng sẽ mang lại một chút trầm tư cho các độc giả Việt Nam. Chúng ta nên làm gì với sự trỗi dậy của Trung Quốc? Hay chúng ta có nên nghiêm túc tham gia vào đại dự án Vành đai Con đường hay không? Đây là những câu hỏi thực sự không dễ để trả lời. Cần phải nhìn nhận một thực tế rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là một hiện tượng khó có thể đảo ngược.

Và cần phải loại bỏ yếu tố cảm xúc vốn ám ảnh tâm thức người Việt cả nghìn năm qua để có một cái nhìn thực sự khách quan về những gì mà chúng ta cần làm trong tương lai. Hiểu được những gì đang xảy ra xung quanh vừa giúp chúng ta không bị tách rời khỏi thực tại, và cũng vừa giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho một tương lai đầy biến động phía trước.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trích:
    “…sử gia hay bất cứ nhà quan sát nào cần phải tìm cách “vẽ” được một bức tranh toàn cảnh, “kết nối thế giới lại với nhau”, “xâu chuỗi các sự kiện xảy ra ở khắp mọi nơi” để tạo ra những hiểu biết sâu sắc hơn về những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta.”

    *Sao phải thế?!
    Sao phải “kết nối, xâu chuỗi” mọi quốc gia lại với nhau…,
    khi độc lập tự do bình đẳng vốn là cứu cánh cốt tử của mọi dân tộc, là chân lý phải đổi bằng xương máu để ngộ ra được,
    là lý tưởng mỗi dân tộc PHẢI được tự do độc lập sinh tồn phát triển trên lãnh thổ của mình; không bị khống chế bởi quyền lực mềm, bẫy nợ…, hay bị đe doạ xâm chiếm bởi siêu cường đế quốc nào…
    nhân danh kết nối, xâu chuỗi?!

    Sao phải tự tìm đến sợi xích trói buộc gọi là BRI để dần bị biến thành chư hầu của đại quốc, tự nguyện leo lên dây chuyền cai trị của nó, dần dà biến thành nô lệ của thằng khổng lồ xưa nay vẫn luôn tự xưng là Nước Trung Tâm của thế giới?!

    Mối liên kết lành mạnh, tôn trọng độc lập chủ quyền của các thành viên, đầy trách nhiệm hỗ trợ giúp đỡ – là nhu cầu của cộng đồng thế giới cần một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện sự hợp tác quốc tế, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung…
    thì đã có rồi, ai cũng biết, là LHQ;

    cho dẫu nó đang bị bọn ác dùng thủ đoạn bá đạo và thế lực kim tiền mua chuộc, xâm nhập, thao túng lợi dụng; như đã lợi dụng WHO che giấu trì hoãn cảnh báo tai hoạ toàn cầu nCoV, vốn xảy ra từ cuối 2019 mà mãi một quí sau, ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới mới ra tuyên bố “gọi COVID-19 là Đại dịch toàn cầu”!
    Những kẻ ác đang ngồi tại HĐBA, là di hoạ sau thế chiến II và sai lầm của Kissinger-Nixon, lợi dụng cơ chế hiến chương cũ còn vài bất cập để phá bỉnh, cản trở lẽ phải, công lý…mỗi khi tập thể đại đa số các quốc gia đã thống nhất ý chí cho một quyết định xử lý một khủng hoảng chính trị, nhân đạo. Dự thảo nghị quyết trừng phạt tập đoàn quân đội đảo chánh ở Myanmar vừa rồi bị bọn ác chận lại là một thí dụ gần nhất.
    Tuy thế, cho đến nay, LHQ vẫn là cơ chế tốt nhất đủ vô tư khách quan để “kết nối” các dân tộc với nhau rồi, chẳng cần đến BRI của họ Tập,
    để mà bọn bồi bút đánh thuê hô hào chiêu dụ ai tham gia!

    Trích:
    “Từng chương trong cuốn sách được thiết kế để độc giả cuối cùng có thể nhận ra một thông điệp duy nhất: với “con đường tơ lụa” làm trung tâm, trọng tâm địa chính trị của thế giới trong thế kỷ 21 sẽ dịch chuyển về phía Đông, về đại lục Á-Âu.”

    *đại lục Á Âu (Eurasia) chỉ là một khái niệm cỗ ngữ học cứng nhắc đã bị nhiều học giả qua nhiều thế hệ tranh luận chỉ trích tính thực tế xã hội học và sử học của nó.
    Eurasia là một tổng khối lục địa gồm Châu Âu và Châu Á gộp lại, toạ lạc ở Bắc và Đông bán cầu, trải từ quần đảo Anh và bán đảo Iberia ở tây địa cầu, chạy về tới Nhật bản ở phía đông;
    Về phía tây giáp giới với Đại tây dương và châu Phi;
    đông giáp Thái bình dương; bắc giáp Bắc băng dương, và nam giáp châu Phi, Địa trung hải và Ấn độ dương…

    là nếu chỉ nhìn về toạ lạc địa lý.

    *Từ khía cạnh nhân văn và trên thực tế sinh hoạt của loài người trên đấy, đã tồn tại sự phân chia rạch ròi châu Âu và châu Á như 2 lục địa khác nhau,
    khác hẳn về mặt nhân chủng học cũng như cấu trúc lịch sử và xã hội; chưa kể khác biệt về văn minh chính trị, phong tục tập quán, và dĩ nhiên cả cấu trúc ngôn ngữ!

    Nhận vơ châu Á bà con với châu Âu nhân danh cổ ngữ Eurasia chỉ là mánh khoé bất lương của ai đó đang viết/dịch theo đơn đặt hàng, với mục đích CÔ LẬP Tây bán cầu…
    cho chơ vơ cao bồi Mỹ cùng với lèo tèo vài chú Mỹ Latin, quanh năm chỉ lo nhậu Teqila, buôn bán ma tuý, nhảy Bachata với Lambada cùng đá bóng;
    chính trị là mớ hỗn độn!

    Tàu thâm thật, mua được tất! Có cả đống thằng nói cho vừa lòng!

    Trích:
    “Con đường tơ lụa” ở đây không chỉ là con đường giao thương lịch sử nối giữa phương Đông và phương Tây, mà nó còn là biểu tượng cho sự trỗi dậy của Châu Á, của các nền văn minh phương Đông vốn hàng thế kỷ trước đã từng dẫn dắt sự thịnh vương của thế giới.”

    *Trỗi dậy của Châu Á chỉ là lạm dụng từ ngữ gán ghép để tranh thủ đồng tình của dư luận.
    Nước duy nhất từng được vực dậy (không tự trỗi dậy) là Campuchia, bằng viện trợ ồ ạt từ TQ về quân sự, kinh tế, vaccines…; TQ xây liền tay tại đây căn cứ bộ binh, quân cảng, sân bay, đập thuỷ điện thao túng nguồn nước Cửu long… luồn sâu sau lưng VN, áp sát Thailand, đe doạ toàn Đông nam Á.

    Chẳng khó khăn gì để thấy: chẳng ai khác ngoài TQ đang trỗi dậy và mưu toan dùng BRI để trói buộc kinh tế chính trị, giăng bẩy nợ tóm óc các nước nhỏ; hất cẳng Mỹ ra khỏi Thái bình-Ấn độ dương để khống chế toàn vùng!
    Đừng điêu ngoa mỹ từ!

    Nổ lực tán dương của Frankopan, rằng “châu Á sẽ phồn vinh lên khi tham gia “Con đường tơ lụa”,
    là “biểu tượng cho sự trỗi dậy của Châu Á, dưới sự lãnh đạo của Tàu”…
    châu Á phồn vinh đâu chưa thấy, nhưng có thể thấy nhãn tiền: bản thân tác giả 50 tuổi nầy đang “phồn vinh” lên khi viết liên tục 2 cuốn sách đúng ý đẹp lòng Tập chủ tịch:
    Một, là cuốn The Silk Roads: A New History of the World (Con đường Tơ Lụa: Một Trang Sử mới của Thế giới) viết năm 2015.
    Năm 2018, được đặt hàng tới tấp, Frankopan viết thêm cuốn nữa cùng chủ đề cổ suý BRI,
    cuốn “The New Silk Roads: The Present and Future of the World”.
    Đó là chưa kể một cuốn khác của Frankopan, nội dung chẳng ăn nhập gì với BRI, nhưng mang một tựa đề đầy ẩn ý hô hào thúc giục “gió Đông thổi bạt gió Tây”…
    “The First Crusade: The Call From the East,” by Peter Frankopan” – Cuộc Thập Tự Chinh đầu tiên: Lời kêu gọi từ Phương Đông”, viết bởi Peter Frankopan
    Bảo “Con đường Tơ Lụa” của Tàu là cả “hiện tại và tương lai của Thế giới” thì Frankopan quả thật đã lậm nặng nhân dân tệ rồi!
    Lần nầy Frankopan táo bạo dám tiên tri “tương lai thế giới sẽ tốt đẹp nếu nghe lời Tập lao theo con đường Tơ Lụa Mới” của…Tàu;
    đến độ Anthony Sattin, nhà trí thức khoa bảng 65 tuổi, tác giả nhiều tác phẩm nổi tiếng được thế giới đánh giá cao, đã phê bình cuốn sách trên là “nhiều tham vọng” và “đầy ắp cái nhìn thấu suốt vấn đề nhưng lại bị độc giả ẹ chê không mua bởi những sai lầm xét trên thực tiễn.”

    (About Peter Frankopan’s “The New Silk Roads: The Present and Future of the World”,
    Anthony Sattin, writing in The Guardian, called it “ambitious” and “full of insight but let down by factual errors”)

    Peter Frankopan còn bóng gió đe các nhược tiểu Đông Nam Á, rằng muốn yên thân, hãy lựa chọn giữa “củ cà rốt” – “những cơ hội mà quá trình hợp tác mang lại”;
    hoặc “cây thiết bảng”- “các mối nguy hiểm và tính dễ bị tổn thương”…
    …bằng đoạn văn lịch sự sau,

    “Hiểu biết về sự liên kết của các mảnh ghép trong trò chơi địa chính trị toàn cầu giúp giải thích rõ hơn các mối nguy hiểm và tính dễ bị tổn thương – cũng như những cơ hội mà quá trình hợp tác mang lại – qua đó giúp quá trình hoạch định chính sách trở nên tốt hơn”, Frankopan đã khẳng định như thế.”

    Bình luận còn dài nữa, nhưng e sẽ làm phiền btd, nên xin tạm ngừng ở đây.
    ~ ~ ~ ~ ~ ~

    Vài suy nghĩ…
    Viết bình luận dài cũng không thoải mái gì, vì không thể nói càn vô căn cứ. Khá “mất công chùa” sục sạo đó đây trong kho tàng kiến thức thế giới để đối chiếu, vì lòng tự trọng
    – ăn cơm nhà vác ngà voi, mà còn bị censored hàng chục tiếng mới đăng, thì chẳng bỏ.

    Nếu hanh thông, sẽ viết tiếp kỷ càng.
    Nếu chơi chẳng đẹp, sẽ bắt chước thiên hạ thỉnh thoảng ghé vào…láu cá vài câu cho vui thôi. Ok?

Comments are closed.