21-8-2021
Khi chiếc C-17 của quân đội Mỹ lăn bánh chuẩn bị rời sân bay Kabul vào ngày 16.8, nhiều người Afghanistan đã cố bám vào càng máy bay với mong muốn có thể thoát khỏi đất nước đang hỗn loạn này.
Cầu thủ Zaki Anwari nằm trong số đó. Nhưng khi máy bay vừa bốc lên cao, hành trình của chàng tuyển thủ thuộc đội trẻ Afghanistan đã kết thúc. Anh tuột tay rơi xuống và qua đời ở tuổi 19.
Còn dưới đây là một câu chuyện tương tự xảy ra tại Việt Nam gần nửa thế kỷ trước.
Bài viết đăng trên trang bìa báo New York Times số ra ngày 30.3.1975. Mình dịch lại cho ai quan tâm thì đọc.
***
Đà Nẵng, Nam Việt, ngày 29 tháng 3 – Chỉ những kẻ nhanh nhất, mạnh nhất và ích kỷ nhất mới chạy thoát được trên chuyến bay chở người tị nạn có lẽ là cuối cùng rời Đà Nẵng.
Tôi trông thấy một người lính Nam Việt đạp vào mặt một bà già để leo lên máy bay.
Trong phim, có lẽ ai đó đã bắn tên lính kia và giúp bà già lên máy bay. Nhưng đây không phải là phim – thế nên hắn ta bay còn bà già thì ngã nhào xuống sân, những ngón tay chới với giơ về phía chiếc máy bay đang lăn bánh rời đi.
Mọi người phải giành nhau để lên máy bay. Một số người khác rơi hàng ngàn thước xuống biển và chết khi không thể bám chặt vào càng máy bay.
Đó là chuyến bay thoát khỏi địa ngục và phải nhờ vào tay lái lụa của viên phi công Mỹ thì chúng tôi mới sống sót để tới căn cứ không quân Tân Sơn Nhứt – khi mà cánh tà của chiếc Boeing 727 bị kẹt còn càng thì oằn xuống hết cỡ.
Tôi có chuyến đi này bởi trước đó đã hỏi Charles Patterson, phó chủ tịch World Airways, rằng liệu ông ta có chuyến bay nào tới Đà Nẵng hay không. “Leo lên chiếc xe tải kia và anh sẽ có một chuyến bay,” ông ta đáp.
Đó là một chuyến bay mà tôi sẽ không bao giờ quên.
Chủ tịch hãng bay, ông Ed Daley, cũng có mặt trên chuyến bay. Ông ta rất bực bội và mệt mỏi sau một đêm cãi nhau với mấy vị quan chức Mỹ và Việt Nam để xin giấy phép thực hiện chuyến bay chở người tị nạn. Sau rốt, ông đã dẹp qua một bên chuyện giấy tờ, các cảnh báo và hành lang an toàn, rồi chúng tôi cứ thế mà bay.
Không khí khá yên bình khi chúng tôi đáp xuống phi trường Đà Nẵng, cách Sài Gòn 370 dặm về phía đông bắc.
Hơn một ngàn người đang đợi ở cái lều kẽm cách đấy vài trăm thước. Rồi đột nhiên mọi người ào tới, bằng xe gắn máy, xe Jeep, xe mô tô – và chạy bộ.
Không còn chỗ.
Ông Daley và tôi đứng gần chân cầu thang ở cửa đuôi. Ông ta giang tay ra trong khi tôi hô to bằng tiếng Việt: “Từng người một. Còn đủ chỗ cho mọi người.”
Nhưng làm gì đủ chỗ cơ chứ và ai cũng biết điều đó.
Chúng tôi bị đẩy dạt ra. Trong nháy mắt, chiếc máy bay bị các binh sĩ thuộc đội Hắc Báo, Sư đoàn 1, nêm chặt.
Một anh quay phim người Anh bay cùng chúng tôi phạm sai lầm khi xuống đất để quay phim cảnh mọi người lên máy bay. Trong cuộc hỗn loạn, anh ta đã không thể leo trở lại lên máy bay được, bèn ném máy quay qua cánh cửa đang từ từ đóng lại rồi đứng nhìn chúng tôi cất cánh.
Chúng tôi được biết là sau đó một chiếc trực thăng của Air America đã tới đón anh ta và đưa đến nơi an toàn.
Khi máy bay bắt đầu lăn bánh, những người bỏ lỡ cơ hội phát điên lên. Rồi quân chính phủ nã súng về phía chúng tôi. Có ai đó ném một quả lựu đạn về phía cánh máy bay. Cú nổ đã làm cánh tà bị kẹt không gập lại được. Càng máy bay oằn xuống hết cỡ.
Rốc két của Cộng quân bắt đầu nổ từ phía xa.
Viên phi công của chúng tôi, Ken Healy, 52 tuổi, quê Oakland, California, mở hết ga và máy bay chao lên không trung.
Một chiếc 727 nữa bay phía sau chúng tôi nhưng ban nãy được lệnh không hạ cánh khi sự hoảng loạn bùng phát. Viên phi công ở máy bay đó liên lạc với chúng tôi và cho biết anh ta nhìn thấy có người bám vào càng máy bay.
Liên Hương, phóng viên ảnh đang ở trong khoang lái chiếc máy bay kia, nhìn thấy một người tuột tay và rơi xuống Biển Đông.
Khoảng 270 người chen chúc trong khoang chiếc 727 nhỏ bé của chúng tôi nhưng chỉ có hai phụ nữ và một em bé. Còn lại toàn là binh lính. Họ không nói chuyện với nhau và với chúng tôi.
Tôi thấy một người cầm băng đạn và kêu anh ta đưa cho tôi. Anh ta liền giao cho tôi. Khi tôi bước dọc lối đi, những người lính khác tiếp tục bỏ vào tay tôi băng đạn và lựu đạn: Ngày hôm nay đội Hắc Báo sẽ không có trận đánh nào nữa.
Chúng tôi bay dọc bờ biển, chiếc máy bay dự phòng bám theo sau. Phi công lượn một vòng quanh căn cứ Phan Rang, cách Sài Gòn 165 dặm về phía đông bắc, hy vọng có thể hạ cánh khẩn cấp.
Phóng viên ảnh kiêm thông dịch trên máy bay dự phòng nói với đài kiểm soát không lưu rằng chiếc 727 của chúng tôi phải hạ cánh. Bên dưới trả lời rằng ở đấy không có thiết bị cứu hỏa. Thế là máy bay đành hướng về Tân Sơn Nhứt.
Tôi nghe viên phi công nói với sân bay Tân Sơn Nhứt, “Tôi gặp trục trặc trong điều khiển.” Chiếc máy bay dự phòng tiếp tục bám theo.
Sau khi máy bay hạ cánh an toàn, phóng viên ảnh kia kể với tôi rằng viên phi công ở máy bay của anh ta và toàn bộ đội bay đã tháo tai nghe, một vài người làm dấu thánh tạ ơn Thượng đế đã ban phép nhiệm mầu.
Sau khi máy bay hạ cánh, những binh sĩ tấn công máy bay được cho xuống và bị câu lưu.
Thi thể bị bầm dập của một người lính, với tiểu liên vẫn còn trên vai, được lôi ra từ càng máy bay.
Khoảng hai mươi người lính nhảy ra từ khoang hành lý, lạnh cóng nhưng vẫn còn sống. Ai đó kể với tôi rằng có bốn người nữa sống sót bò ra từ hốc bánh máy bay. Một người chết.
Chuyến bay cuối cùng từ Đà Nẵng thật kinh khủng.
“Lịch sử lặp lại ” là vì cả 2 nơi phe chiến thắng là bậc thầy khủng bố bằng bạo lực
cách mạng và nay ở Kabul là bọn nâng cấp khủng bố nhân danh tôn giáo !