20-8-2021
Câu hỏi – hay cảm thán – này mình đã nghe cả trăm lần ở những xóm “lao động tự do” quanh Sài Gòn.
ÔNG THÉP Ở ĐỒNG THÁP (*)
Ông Mai Văn Thép ở tỉnh Đồng Tháp làm nghề bẫy rắn bán cho dân nhậu. Do dịch bệnh Covid-19 mà ông Thép bèn ở nhà. Một hôm, ông Thép được biết chính phủ có tiền hỗ trợ lao động tự do. Thế là ông đi hỏi ấp. Ấp giải thích rằng nghề của ông không được hỗ trợ.
Vốn cứng cựa như cái tên do cha mẹ đặt cho, ông Thép không chịu cách giải thích đó. Ông băn khoăn đã là lao động tự do tại sao lại phân biệt đối xử, mua bán ve chai hay bán vé số thì được hỗ trợ, còn bắt rắn, bắt cá thòi lòi thì không?
Ông Thép bèn đi hỏi cấp cao hơn.
Nhận được đơn, chính quyền thành phố Sa Đéc mới đi rà soát lại quy định, bèn thấy quyết định của tỉnh có liệt kê bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa (tại các chợ, bến tàu, bến xe, bến cảng, nhà kho); lái xe mô tô 02 bánh chở khách (gọi là xe ôm)… vân vân.
Dò miết không ra nghề bắt rắn. Tóm lại là (có vẻ như) lượm cái gì không ngo ngoe, như lon bia, vỏ đồ hộp thì được, lượm cái gì có ngo ngoe, như rắn, chuột hay cá thòi lòi thì không. Chính quyền Sa Đéc mới trả lời ông Thép rằng hổng được ông ơi.
Ông Thép ra về, lòng ấm ức lắm. Quy định nọ, văn bản kia ông không rành, nhưng việc những người nghèo như nhau, đều bị mất thu nhập do dịch bệnh như nhau, mà người được người không là nghe hổng có xuôi tai rồi.
Trên thực tế, ông Thép là một trong rất nhiều người nghèo và mất thu nhập do dịch bệnh phải ngậm ngùi nhận tiền hỗ trợ trên ti vi.
Ở Sài Gòn, số người như ông Thép còn nhiều hơn, dù cả chính quyền ương lẫn địa phương đã mấy phen công bố gói trăm tỉ, ngàn tỉ và Sài Gòn cũng đã là tâm dịch từ mấy tháng qua.
TIỀN HỖ TRỢ CỦA TÔI ĐÂU?
“Chú thấy đó, hai vợ chồng tui, chồng làm công cho tư nhân, vợ buôn gánh bán bưng. Cả hai mất thu nhập mấy tháng rồi, ít nhất cũng duyệt cho một người chứ?” một chị than thở với mình.
“Tui nói vậy đó, chú cứ quay lại đi. Chú quay video lại là tôi cảm ơn chú,” đang lúc hăng tiết vịt, chị nói rất to như cãi nhau với mình. “Tui chờ đến lúc phát hết mà không có tui, tui sẽ làm tới cùng. Không phải là tiền một hai triệu mà là sự công bằng.”
Mình gặp nhiều người như chị này, những người khi đi hỏi để làm đơn thì nhận câu trả lời là “không thuộc diện”.
Một lần hồi mới phong tỏa, mình hỏi một cô phu nhân thợ hồ thì được trả lời: “Dạ, em cảm ơn anh ạ. Anh ơi, trong em có người nhận được, có người chưa. Mỗi gia đình chỉ có một người nhận thôi, không được người thứ hai. Rồi có thành phần không được cảnh sát khu vực duyệt nữa.”
Trong cập nhập nhật mới nhất sáng nay, cô kể: “Anh ơi, trong em người đã nhận được và cũng có người chưa nhận được. Gia đình em và rất nhiều người dân trong đây chưa được nhận khoản tiền đó, trong em năm người được lãnh. Rồi có thành phần không được duyệt nữa.”
Trong mấy tháng phong tỏa, mình đã kịp xây dựng mạng lưới tai mắt ở nhiều khóm trọ công nhân.
“Mắt dân như mắt khóm” là câu bà Bùi Thị Mè nói với mình nhiều năm trước mà mình mãi không quên. Giờ thấy quả đúng. Hễ có gì là mấy cô, mấy bà, mấy cậu báo mình liền, chuyện phiền muộn, uất ức cũng như chuyện vui.
“Anh ơi, hôm trước ông tổ trưởng quăng bao gạo cái phịch, rồi xẵng giọng bảo ‘có nhiêu đó, tự chia nhau đi’ nghe mà tủi thân quá,” một cô công nhân nhắn qua Zalo.
“Anh, tụi em chia mỗi nhà được một bao, tổng cộng mười bao và còn dư một bao em tặng cho chị này giùm anh được không ạ?”
“Anh coi coi, nhà tổ trưởng bao nhiêu năm nay được hưởng hộ nghèo đó anh; dân tụi em không được hộ nghèo anh ạ.”
Trên các phương tiện truyền thông, ta thường bắt gặp những khẩu hiệu rổn rảng. Nhưng khi trực tiếp gặp người dân sẽ thấy nhiều thực tế khác.
Không kể gói hai mươi mấy ngàn tỉ của trung ương hồi trước mà nhiều người bảo là “đã nhận trên ti vi”, TP.HCM đến nay đã triển khai hai gói, tổng cộng gần 1.800 tỉ đồng nhưng vẫn còn nhiều người chưa nhận được gì.
Nhiều người thắc mắc với mình, y như ông Thép dưới đồng tháp thắc mắc với chính quyền, tại sao cùng làm công nhân, cùng lao động tự do, cùng mất thu nhập mà người này được, người kia không được.
Đến hôm nay thì mấy người biết mình lại tiếp tục kéo nhau nộp đơn hoặc hỏi cách để tiếp cận khoản hỗ trợ, sau khi hỏi phường thì được chỉ xuống khu phố, hỏi khu phố được chỉ lên phường.
TẠI SAO PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ?
Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 khiến mọi người, đặc biệt dân nghèo, khốn đốn, HĐND TP.HCM đã ra một nghị quyết (tạm gọi Nghị quyết 09) về hỗ trợ người dân.
Từ Nghị quyết 09 này, UBND TP.HCM triển khai hai gói hỗ trợ: 886 tỉ đồng đi trước, 900 tỉ theo sau.
Chưa nói tổng số tiền hai gói 886 + 900 = 1.786 quá nhỏ, thì trong việc phân phối còn nhiều bất cập, xét cả góc độ chính sách lẫn thực thi.
Để triển khai hai gói này theo Nghị quyết 09, UBND TP.HCM đã ban hành hai công văn 2209/UBND-KT (gọi Công văn 886 tỉ cho dễ nhớ) và công văn 2627/UBND-VX (gọi là Công văn 900 tỉ), trong đó nêu rõ các đối tượng thụ hưởng, cách thức thực hiện và cơ quan chịu trách nhiệm.
Công văn 886 tỉ liệt kê một số nhóm đối tượng, trong đó mình quan tâm nhất là nhóm “người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do)”, vì đây là nhóm mà mình gặp đông nhất, hỏi mình nhiều nhất và bị bỏ sót nhiều nhất.
Các nhóm trên, vốn là lao động có hợp đồng, có bảo hiểm, đỡ khó khăn hơn.
Điều kiện để một người trong nhóm dưới cùng này được hưởng là (phải hội đủ):
a. Mất việc làm;
b. Cư trú hợp pháp tại TP.HCM (thường trú hay tạm trú, có giấy xác nhận);
c. Làm một trong sáu loại công việc: liệt kê sáu nhóm công việc.
Nếu như tất cả mọi “lao động tự do” đều thỏa mãn điểm a ở trên (mất việc làm), thì không phải lao động nào cũng thỏa mãn điểm b (có sổ hộ khẩu hoặc tạm trú tại địa phương) và điểm c (rơi vào các nhóm việc làm cụ thể được liệt kê).
Như ông Thép, nhiều mà mình gặp làm những nghề không được liệt kê trong công văn của chính quyền nên không được hưởng. Nói chung, mình thấy chính sách mà liệt kê kiểu này thì rất dễ bỏ sót vì làm sao có thể bao quát được các ngành nghề vốn rất đa dạng trong thực tế được. Và nếu sa vào chuyện đó, chính sách lại rơi vào các vòng xoáy khôn cùng, đó là giải quyết từng trường hợp một (case by case).
Khi nhận được chồng đơn bên khóm trọ, mình hỏi mấy chị thường trú hay tạm trú. Một chị đáp: “Dạ, tạm trú hết anh ơi!” Mình kêu cho coi sổ tạm trú, chỉ bảo: “Hồi trước tụi em khai với bà chủ nhà, bà ấy đăng ký hết cho bọn em, nhưng không thấy sổ!”
Đây là những người đã ở trọ vài năm, ăn uống, sinh hoạt bình thường ở đây, thậm chí lúc bầu cử thì họ cũng bị hốt đi bầu.
Nhưng họ là người chưa cầm “sổ tạm trú” trong tay, dù đó không phải là lỗi của họ. Vậy họ có được trợ cấp không?
Những câu hỏi ấy đến giờ cứ lửng lơ khi mà những người này – làm nghề uốn tóc, gội đầu, giúp việc nhà… – vẫn chưa nhận được tiền, do tình trạng cư trú hay do ngành nghề của họ không được liệt kê trong công văn triển khai thì họ không biết, không ai giải thích cho họ.
Tiếp đến là Công văn 900 tỉ, với nội dung chính là bổ sung các hộ nghèo, cận nghèo… vào danh sách hưởng hỗ trợ. Hộ nghèo, cận nghèo vốn được xét theo chuẩn thành phố, nhưng đó là chuẩn trong “thời bình”, với nhiều bất cập và tiêu cực. Còn trong thời dịch bệnh, được coi là thời chiến, số hộ nghèo, cận nghèo hẳn đã tăng lên nhiều lần. Con số gần năm triệu người cần trợ giúp mà chính quyền TP.HCM công bố ít nhiều phản ánh điều đó.
Khác với Công văn 886 tỉ, Công văn 900 tỉ không đề cập đến điều kiện “cư trú hợp pháp” và khi triển khai thì ông Võ Văn Hoan chỉ đạo thêm rằng “không phân biệt thường trú, tạm trú hay chưa có hộ khẩu”. (**)
Hồi mới bắt đầu phong tỏa, mình từng góp ý: “Mình nghĩ cứu đói trong dịch là chuyện khẩn cấp, chính quyền và những người thực thi chính sách nên thực hiện với phương châm: thà phát nhầm còn hơn bỏ sót. Một người chết đói là một người chết đói, đó là một mạng người, dù họ có căn cước công dân, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hay vô gia cư.”
Đến nay mình vẫn nghĩ chính quyền nên tiếp cận với tư duy như vậy, bởi đây là cứu đói khẩn cấp chứ không phải là lúc có thể ngồi tính toán so đo.
Bên cạnh bất cập về chính sách, mình quan sát thấy việc triển khai cũng có quá nhiều vấn đề. Như hôm trước mình từng nói, rất nhiều khi, một người được trợ cấp hay không phụ thuộc vào ý chí của cán bộ cấp cơ sở, chứ không phải bản thân họ có thuộc diện hay không.
_____
(*) Chuyện này được trang Thông tin chính phủ kể;
(**) Cái câu chỉ đạo của ông Hoan phải hiểu thế nào với các đối tượng chưa có thường trú lẫn tạm trú? Mình thấy cái ý “hay chưa có hộ khẩu” lại làm cho nội dung thêm khó hiểu: chưa có hộ khẩu nghĩa là chưa phải thường trú, thì tạm trú cũng là chưa có hộ khẩu. Giá mà ông Hoan chỉ đạo: “không phân biệt thường trú, tạm trú hay các trường hợp cư trú dài hạn nhưng chưa được cấp tạm trú” thì sự bao quát sẽ rộng hơn).
– Để không nhầm lẫn, mình xin nói rõ ông Thép ở Đồng Tháp và người dân có cùng cảnh ngộ ở TP.HCM thực ra đang phản ánh các chính sách hỗ trợ khác nhau (một là của trung ương và một là của địa phương).
– Ở đây mình không nói tới cứu trợ từ nguồn lực xã hội dân sự. Mình chỉ nói tới chính sách cứu đói của nhà nước.