Nếu mình phải đưa tin về vụ việc “Bác sĩ Trần Khoa”…

Linh Nguyễn

9-8-2021

Mình có một số góc nhìn mình muốn chia sẻ với mọi người về vụ việc đang ồn ào và gây bao đau lòng cho mọi người những ngày gần đây. Lý do là vì nó liên quan đến hai thứ mình quan tâm: Tin giả và sự tử tế.

Câu chuyện của bác sĩ Trần Khoa này được chia sẻ rất nhiều, trong đó có người có lượng follower lớn.

Mình đã nghỉ BBC được hơn một năm rồi, nhưng giả sử mình vẫn còn làm và vì đây là một câu chuyện rất trending nên khả năng mình sẽ phải tìm hiểu điều tra để viết bài. Vậy thì mình sẽ làm thế nào?

1. Gọi điện video

Mình sẽ tìm mọi cách liên lạc với bác sĩ Trần Khoa này, qua Facebook và xin số điện thoại. Đầu tiên là gọi trước để xác minh người này là có thật đã! (Bạn nào từng bị catfished, đi cua gái mà hóa ra cú có gai thì sẽ hiểu một cú điện thoại nó có ích thế nào). Sau đó sẽ hẹn gọi một cuộc phỏng vấn qua video. Điều này quan trọng vì chúng ta có thể thấy được khuôn mặt và biểu cảm của người này khi trả lời phỏng vấn. Nếu họ nói dối hay quanh co, điều này sẽ thể hiện rất rõ. Ngay cả khi tín hiệu yếu, chỉ gọi được audio thì việc nghe được giọng, cũng vẫn hữu ích vì mình có thể nghe ra sự bối rối, xúc động, giận dữ hay là sự do dự, ngập ngừng.

2. Tìm ra các thông tin có vẻ không hợp lý, khó hiểu

Trước khi gọi điện thoại mình sẽ tìm mọi thông tin liên quan có thể để tìm ra các điểm vô lý, hoặc có thể khiến người đọc thắc mắc để yêu cầu người đó xác minh, giải thích. Mình vừa viết vừa nghĩ ra một loạt các câu hỏi như vầy (tất nhiên khi hỏi sẽ khéo hơn về câu từ và tông giọng):

Làm sao anh có thể ra quyết định rút ống thở được? Anh không phải là bác sĩ điều trị? Hay là anh lấy tư cách là con trai của bệnh nhân? Khi anh ra quyết định người thân của anh có phản đối không? Anh phản ứng với sự phản đối như thế nào? Làm sao anh làm điều đó khi có thông tin anh đang đi hỗ trợ chống dịch vùng có F0? Vì sao anh biết có sản phụ cần ống thở? Ý tưởng rút ổng thở này làm thế nào lại đến với. anh? Có phải do đồng nghiệp báo cho anh không? Người đó là ai? Người đó nói gì, trong hoàn cảnh nào?

Anh đã suy nghĩ gì khi đi đến quyết định đó? Gia đình sản phụ kia có biết anh đã làm thế không? Họ có bày tỏ sự cảm ơn cảm kích gì không? Xét theo khía cạnh pháp lý thì Việt Nam chưa có luật về cái chết nhân đạo, anh hành động như vậy phía bệnh viện vẫn đồng ý sao? Họ không lo ngại gì, anh không có lo ngại gì về vấn đề pháp lý hay sao? Giờ mẹ đã mất anh vẫn đang đi chống dịch, ai đang đứng ra tổ chức tang lễ? Anh có bao giờ có khoảnh khắc hối hận hay không?…vân vân.

Một kẻ bịa đặt toàn bộ thông tin kia thì khó mà có thể đỡ được hết tất cả các câu hỏi và trả lời một cách lưu loát hợp lý… trong một cuộc gọi! Nếu sự việc có thật thì có khi họ sẽ còn chia sẻ cho bạn nhiều hơn những gì bạn hỏi. (Ví dụ bố mẹ tôi làm việc lâu năm trong ngành y, yêu nhau từ đó và luôn dạy dỗ 3 anh em tôi có tình yêu nghề v.v… Những yếu tố rất người, những thứ những kẻ bịa đặt kia sẽ phải rất mất công đầu tư vào nếu không muốn bị phát hiện).

Ngoài ra còn có thể hỏi thêm các thông tin bên lề nghe vẻ không liên quan như: Mẹ anh phải dùng máy thở lâu chưa? Bà bị làm sao? Giờ ai đang làm ma chay? Phòng bệnh mấy người, có sợ bị lây Covid không?… Nếu bịa đặt thì sẽ không nghĩ kịp hết được đâu, hoặc hớ trước hớ sau (Đó là lý do vì sao mình thường phỏng vấn rất lâu).

3. Yêu cầu hình ảnh, video clip

Ngoài việc làm hình ảnh minh họa và giúp nhận diện nhân vật thì đây là một bước rất quan trọng để xác minh thông tin, nhất là khi bạn đang điều tra từ xa, đặc biệt trong thời kỳ COVID-19 này (Đồng thời BBC cũng rất ngặt nghèo về vấn đề bản quyền). Mình sẽ yêu cầu anh Khoa gửi một số hình ảnh mẹ anh trên giường bệnh và hình ảnh anh chụp cùng đầy đủ ba mẹ và gia đình (để tránh việc bê hình của người không liên quan vào). Tất nhiên việc hỏi chính chủ thế này cũng là điều bắt buộc vì mình đang xin sử dụng các hình ảnh lúc dễ tổn thương nhất của người thân họ.

Xin càng nhiều hình càng tốt (để bạn có thể lựa tấm đẹp đăng bài), đồng thời sẽ phát hiện được hình do người thân chụp (sẽ có nhiều tấm trong cùng một cảnh chụp do chụp lỗi, rung tay…) hay là hình chôm từ trên mạng (thường chỉ có 1-2 tấm duy nhất). Có video clip thì càng tốt. Từ các video clip và hình ảnh này, chúng ta sẽ nhận thấy có thêm nhiều nhân vật khác, nhiều thông tin khác (như bảng tên bác sĩ, logo brand bệnh viện, đồng phục bệnh nhân, y tá, bác sĩ, cách người trong nhà gọi tên nhau…) rất nhiều thứ giúp bạn có thể xác minh xem đó có phải là bệnh viện Chợ Rẫy hay là bệnh viện khác, Việt Nam hay nước ngoài, năm nay là chuyện… năm ngoái.

4. Xin thông tin cá nhân

Sau khi phỏng vấn xong. Hãy hỏi cụ thể đầy đủ họ tên (trong báo chí kỵ sai tên!), số điện thoại, email, địa chỉ nơi công tác, phòng hay khoa làm việc cụ thể. Xin thêm số điện thoại của một người thân khác đang túc trực bên gia đình (có thể là vợ, anh chị em) để tiện liên lạc (và xác minh thông tin) và xin số điện thoại vị bác sĩ đồng nghiệp điều trị cho mẹ để phỏng vấn thêm (và xác minh).

Còn vài chi tiết, kỹ năng khác hay cách xử lý như thế nào nếu như không liên lạc được cho nhân vật v.v… mình có thể chia sẻ sau (nếu bạn nào muốn học mình sẵn sàng mở lớp Báo chí Công dân).

Nhưng nói chung chỉ cần áp dụng bốn bước trên thì chúng ta có thể vừa xác minh thông tin, vừa khai thác nội dung để viết thành bài. Trong bài quá trình viết bài mình cũng sẽ thường xuyên liên lạc với các nhân vật phỏng vấn nếu phát hiện ra có thông tin gì đó không thống nhất, bất hợp lý, hoặc bổ sung thêm thông tin, hình ảnh.

Đây chính là cách mình sẽ tiếp cận khi điều tra một vụ việc từ xa khi có quá nhiều sự mập mờ, gây tranh cãi. Điều quan trọng là bạn phải tìm hiểu với một tâm thế không phán xét, không định kiến, khách quan nhưng đồng thời phải chuẩn bị tâm lý để lắng nghe và thấu hiểu nỗi đau hay tức giận từ nhân vật.

Hi vọng chia sẻ này của mình sẽ giúp ích cho một số anh chị đang cảm thấy hơi bối rối, hoang mang trước các thông tin tràn lan trên mạng, giúp các anh chị thêm kỹ năng phát hiện tin giả.

Mình sẽ có một bài riêng về sự tử tế qua câu chuyện của Bác sĩ Trần Khoa này.

Bình Luận từ Facebook