Dịch thuật gì vô đạo đức vậy?

Khải Đơn

1-8-2021

“Khoe “nghị lực vượt nghịch cảnh”, khoe “tủ lạnh đầy ắp ăn làm sao hết?” hoặc khoe “sự thanh thản ngắm chồi non mới nhú ở bancông” nhưng khoe khoang giữa lúc đại dịch là không nên giữa “bể khổ” của những người đang mất mát ngoài kia.”

Báo Tuổi Trẻ mở đầu bài viết để ghè đầu những đứa nào đang dám post cảnh tủ lạnh đầy, làm bánh chưng, nhảy dây trong nhà hay chạy bộ 20km trong phòng. Đó là cách tờ báo bự nhất Sài Gòn đang cảnh cáo những người đang phải vật lộn trong căn phòng của riêng họ (tự họ bỏ tiền mua và thuê) và cố gắng vượt qua đại dịch đang làm tổn thương cảm xúc, tinh thần và tài chính của họ.

Bài viết ra vẻ đạo đức và khôn ngoan này nhanh chóng trích dẫn các nhà tâm lý học nổi tiếng có tên nước ngoài, gồm có Jonathan Berman, Iris Casiano, và Amy Morin.

Tuy có trích dẫn từng đoạn mà các nhà khoa học này nói trên các tạp chí nhưng “tác giả” dịch lại đống bài này thường xuyên lồng vào các đoạn hàm ý như “Bất kể lý do gì, khoe khoang giữa lúc đại dịch cũng là không nên, dù là khoe “nghị lực vượt nghịch cảnh”, khoe “tủ lạnh đầy ắp ăn làm sao hết?” hoặc khoe “sự thanh thản ngắm chồi non mới nhú ở ban công”.

Hoặc “Đặc biệt là với những người đang sống trong phong tỏa, cách ly, căng thẳng; việc nhìn vào những bức ảnh “an nhiên” trên mạng của những người khoe mình hạnh phúc hơn, mạnh khỏe hơn, giàu có hơn sẽ làm nảy sinh sự so sánh vô lý mà không cưỡng lại được.”

Sau đó nhanh chóng chèn vô một câu nói thông tuệ của các nhà khoa học trên, làm người đọc nhầm tưởng các ông bà này cảnh báo bạn không nên khoe khoang chồi non trên ban công nhà bạn.

Nhưng vì tui quá rảnh, tui bèn google thử xem các khoa học trên nói gì, và phát hiện dù chỉ là chuyên viên dịch thuật, anh tác giả trên đã bẻ ngược hoàn toàn những gì mà các nhà tâm lý được vinh hạnh trích dẫn trong bài nói.

Với Jonathan Berman, thế khó xử của người khoe khoang mà ông đề cập được viết trong nghiên cứu ông đăng năm 2015 (1), tức là nghiên cứu này tiến hành trước đại dịch 5 năm, chả liên quan mẹ gì tới Covid-19 và nó được tiến hành trong bối cảnh… hành vi trong ngành quảng cáo, bài viết trên đăng trên tạp chí chuyên nghiên cứu về marketing.

Với tác giả Iris Casiano thì càng hài hước hơn, bởi tôi tìm được một bài viết của bà đăng trên trang PsychCentral(2), với tựa đề: “Cáo buộc người khác khoe khoang trong đại dịch là coi nhẹ khả năng hồi phục”. Đúng với tựa bài viết, Iris Casiano viết rằng: “Dán nhãn người khác là khoe khoang trong đại dịch là truyền đi sự phán xét tiêu cực, phủ nhận trải nghiệm của người khác.” Bà cũng viết rằng “người dán nhãn kẻ khác đang tự tạo ra chiến lược thiếu lành mạnh làm cho vòng lẩn quẩn tự phán xét và tị hiềm tiếp tục diễn ra.”

Ồ, hóa ra bạn tác giả đang quẩn quanh khổ sở quá nên bèn viết bài chê bôi những người ở nhà đang post hoa đẹp, trà ngon, nấu ăn cho con sao????? – Ủa mà nếu bạn làm vậy sao bạn dám bẻ ngược 360 độ bài viết của nhà tâm lý rồi nhét chữ vào mồm bà vậy? Ủa, đó là cách làm báo thời hiện đại hả – tự bẻ ngược lý luận của chuyên gia vì bik chuyên gia chả bao giờ được liên hệ, mù tiếng Việt còn bạn thì đang kiếm tiền bằng cách ngồi dịch và nhét chữ vào mồm thiên hạ hả?

Chưa hết, tôi bèn tiếp tục tìm tên nhà tâm lý Amy Morin, để xem nốt xem bài viết trên báo Tuổi Trẻ đang tìm ra những ai nổi tiếng để bảo chứng cho cái luận điệu đầy ác ý của họ.

Amy Morin là huấn luyện viên sức khỏe tâm thần. Bà viết 1 bài trên Business Insider (3). Kinh ngạc thay, bài viết này không có câu nào chỉ trích những người đang KHOE trên mạng cả. Ngược lại, nó mô tả hành vi của chủ thể – là người lên social media, quẹt nhiều quá, xme nhiều quá, lậm social quá, xong sinh ra cảm xúc tiêu cực vì thấy người ta đang khoe. Tức là, bài viết này không có dành cho ai đang khổ đau tuyệt vọng vì Covid, mà dành cho con nghiện social các mẹ ạ.

Cuối bài, tác giả đưa ra một mớ bí kíp, đại loại là vuôi lòng giảm chơi social và ngưng so sánh bản thân với thiên hạ – tức là lời khuyên nhắm vào chủ thể những đứa đang ngồi nhà chơi Facebook 10 tiếng/ngày á.

Review hết rồi, giờ tui mới nói. Thứ 1, làm báo mà dịch thuật, nếu không hiểu người viết viết gì 100% thì có thể dịch lại 100% nội dung bài, đừng có gắn 3 câu vào mồm thiên hạ rồi bẻ lại cho ngay ý của mình.

Thứ 2, giờ báo online nào cũng có link, có tên tuổi, có địa chỉ, trích dẫn bài nào thì vuôi lòng gắn cái link bài vào phần trích dẫn để người đọc họ còn đọc lại, nhất là bài viết về y tế, sức khỏe, sức khỏe tâm thần. Đừng có làm ăn cái kiểu nói chuyện phong long “Trong một bài viết”, hay “một nghiên cứu nọ”, rồi “ngày xửa ngày xưa”. Nhà nghiên cứu họ kiếm sống bằng nghiên cứu, tạp chí khoa học có credit, tên tác giả, tên ấn phẩm đàng hoàng, khoa học chứ có phải cỏ dại đâu sẵn mọc lên cho các bạn nhét chữ vào mồm không 1 tên tuổi họ hàng của nghiên cứu.

Thứ 3, hãy ngưng lại các kiểu bài xào ngụy khoa học như vậy. Nó vừa ngu xuẩn, đê tiện, vừa phản khoa học, vừa tạo ra thói quen không đọc và không suy nghĩ nơi người đọc, tin phong long vô 1 thứ lý thuyết vớ vẩn xong tự kết luận phải nghe “khoa học” mà chả cần có thông tin cụ thể khoa học là khoa học nào.

Thứ tư, trong hoàn cảnh đại dịch, sức khỏe tâm thần là thứ thường bị coi nhẹ, nhất là khi hình ảnh mà ta thấy đáng sợ hơn là người thở ôxy, người đi cấp cứu. Nhưng sức khỏe tâm thần của cả xã hội có thể bị suy kiệt và tổn hại nặng nề vì sự cách ly và cô đơn không có giao tiếp xã hội. Ở một số nơi tại Mỹ, số lượng người tự tử gia tăng vì tình trạng bị cô lập và cách ly. Mạng xã hội có thể không phải là giải pháp cho tất cả, nhưng nó là một trong số cách để mọi người liên lạc, đùa giỡn, nhìn thấy nhau, chia sẻ với nhau điều hay ho, tốt đẹp họ có, và cùng giữ liên lạc để không khổ sở, kiệt quệ.

VUI LÒNG ĐỪNG CÓ DÁN NHÃN PHƯƠNG TIỆN CUỐI CÙNG ĐÓ và khiến mọi người có thêm ác ý với nó, nhất là trong tình cảnh bị cô lập. Như tác giả Iris Casiano viết trong bài của bà, các bạn đang đi gieo rắc cảm xúc không lành mạnh, gây tổn thương cho người khác để làm phương tiện vượt qua lo âu của chính các bạn đó.

Làm gì thì cũng vừa vừa thôi chứ, dịch thuật gì vô đạo đức vậy?

_____

Ghi chú:

(1) https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1509/jmr.14.0002?journalCode=mrja

(2) https://psychcentral.com/blog/accusing-others-of-quarantine-bragging-downplays-resilience#1

(3) https://www.businessinsider.com/how-quarantine-bragging-on-social-media-is-hurting-mental-health-2020-5

https://tuoitre.vn/khoe-va-khoe-khoang-giua-dai-dich-ranh-gioi-giua-hai-thu-nay-that-mong-manh-va-te-nhi-20210731105115138.htm

Bình Luận từ Facebook