30-7-2021
Mấy hôm nay tại Nhật, nhất là tại Tokyo, dịch Covid 19 lại bùng phát trở lại. Trong 3 ngày nay (từ 28 đến 30/7), số người bị nhiễm ở Tokyo liên tiếp vượt quá 3.000 người mỗi ngày. Riêng hôm qua (29/7) con số lên đến 3.865 người, hôm nay ít hơn nhưng cũng lên tới 3.300. Những tỉnh lân cận ở Tokyo hôm nay cũng đạt số cao nhất. Cả nước Nhật hôm qua và hôm nay có tổng số người bị nhiễm vượt quá 1 vạn người/ngày.
Nói chung số ca nhiễm trong tuần vừa qua đã tăng lên hơn 60% so với tuần lễ trước đó. Hôm nay Thủ tướng Suga Yoshihide đã công bố Tình trạng khẩn cấp để đối phó với dịch Covid-19 áp dụng cho Osaka và ba tỉnh lân cận Tokyo (từ 2/8 đến 31/8) và gia hạn thời gian đến 31/8 cho Tình trạng khẩn cấp đang áp dụng tại Tokyo và Okinawa (từ 12/7 và dự định đến 22/8).
Khảo sát kỹ khuynh hướng lây lan ở Tokyo mấy ngày nay thì thấy có ba đặc điểm đáng chú ý. Thứ nhất, so với kỳ bùng phát lây lan lần trước (đầu năm nay), tỉ lệ người cao tuổi giảm mạnh. Trong tổng số người bị nhiễm, tỉ lệ người trên 60 tuổi giảm từ 20% còn 5%. Thứ hai, trong tổng số người bị nhiễm, số người bị nhiễm nặng giảm hẵn và hơn phân nửa số đó là thành phần trung niên (từ 40 đến 59 tuổi). Trong kỳ bùng phát lần trước, người nhiễm nặng chủ yếu là người cao tuổi. Thứ ba, trong tổng số người bị nhiễm lần này, tỉ lệ của giới thanh niên (20-39 tuổi) tăng nhanh và chiếm hơn 50%, đặc biệt tỉ lệ người nhiễm trong độ tuổi từ 20 đến 29 là cao nhất so với các độ tuổi khác.
Hai đặc điểm đầu tiên là hiệu quả của việc tiêm vac-xin. Trong tổng số người cao tuổi (trên 65), số người đã tiêm 2 mũi vac-xin đã đạt trên 70%. Nhờ vậy, dù dịch bệnh đang bùng phát trở lại, số người cao tuổi bị nhiễm cũng như người cao tuổi bị nhiễm nặng đã giảm đáng kể.
Đặc điểm thứ ba cho thấy giới trẻ vẫn có khuỵnh hướng thích tụ tập, thích gặp nhau, lơ là trong giãn cách và đeo khẩu trang. Tokyo đã tuyên bố Tình trạng khẩn cấp bắt đầu từ ngày 12/7 với các biện pháp như:
a/ yêu cầu nhà hàng rút ngắn thời gian mở cửa và không được bán rượu bia, siêu thị cũng rút ngắn thời gian mở cửa và chỉ đươc bán sản phẩm thiết yếu,
b/ các hoạt động như thể thao, văn hóa,… chỉ được tổ chức với điều kiện không có người xem ở hội trường, và
c/ kêu gọi người dân hạn chế đi lại nếu không có việc gấp và cần thiết.
Tuy nhiên các yêu cầu này không có tính cách cưỡng bức nên gần đây nhiều trường hợp không được triệt để tuân thủ. Đặc biệt ở mục c/ tính tự giác của giới trẻ không cao, lại thêm tâm lý bị tù túng kéo dài quá lâu làm cho nhiều người trong giới này muốn được giải phóng.
Dồn hết nỗ lực để tăng nguồn cung cấp vac-xin, gấp rút tăng tỉ lệ người được tiêm, và có biện pháp tuyên truyền, thuyết phục mọi người triệt để tránh gặp nhau khi không cần thiết là hai kinh nghiệm được khẳng định lại của Nhật Bản trong thời gian gần đây.
Học Giả Nguyễn Duy
Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân
(ca dao)
1.
Thời Mắc Dịch phải chăng Thời Siêu Thực
âm dương lập lờ ảo ảo hư hư
không có giấc mơ
chỉ toàn ác mộng
mập mờ như ngủ như thức
người và ma lẫn lộn tù mù
ta thu bóng ngồi uống trà với gió
chén rượu suông cụng với chính hồn mình.
2.
Nghe rầm trời tiếng dân đen kêu than
đứt ruột.
tiếng thở dồn người chống dịch xả thân
thắt ruột.
tiếng chim lồng trơn lưỡi véo von
sốt ruột.
tiếng mặt lì lảm nhảm ti-vi
lộn ruột.
3.
Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
thêm hộp khẩu trang bộ áo choàng y tế
mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng
hồn vía quay quay cuồng cuồng
đột quị con đường chen chúc sống
chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương
chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương
chen chúc thở
chen chúc lò thiêu xác.
4.
Có cái chết trống không như chết lậu
không trống không kèn không đèn không nhang
mùi tử khí ám ươn nhà ổ chuột
đau kiếp người sống chui chết chui.
ta thành kính vấn an linh hồn lạc
chỉ về Trời mới thật có tự do
tự do nhẹ như gió
tự do bềnh bồng như mây
tự do trong như giọt mưa trong
tự do nặng trĩu như lòng.
5.
Ta lăn lê gần hết đời người
nỗi buồn khổ nuốt tươi niềm vui sướng
ta thèm khát vô tư như cỏ
mong thảnh thơi chấm mút phút nhẹ lòng
ta đã liều mình lao vào đạn bom
trẻ liều chết nay về già liều sống.
6.
Gió sục sạo khắp trần gian dài rộng
biết chăng con người sống để làm gì?
giết chóc triền miên suốt nhiều nghìn năm
tích tụ máu có thể làm thuỷ điện?
bức tử nước bức tử rừng bức tử bầu khí quyển
bức tử trời xanh hay bức tử chính mình?
dịch bệnh bung toang không hề hư vô
là kiếp nạn hay đòn trừng phạt?
lời sấm truyền ngày tận thế tự thân
hay điềm báo Trời thay nhân loại khác?
con người hiền lương con người nhân đức
gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người!
7.
Thời mắc dịch ngồi uống trà với gió
lời ruột gan ta tự vấn hồn mình…
Nguồn Mạng
Muỗi đâu?