Những chuyện đau lòng thời đại dịch

Lê Nguyễn

28-7-2021

Ảnh: Báo Thanh Niên

Mình bất đắc dĩ phải sống xa đất nước nên vẫn thường xuyên theo dõi những tin tức từ quê nhà, khi hàng triệu đồng bào của mình đang oằn mình dưới sức tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh Covid. Cơn đại dịch đã làm tê liệt mọi hoạt động, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sinh mạng con người, về kinh tế và xã hội.

Hàng triệu người dân từ các tỉnh tràn lên thành phố kiếm sống, giờ không có việc làm, về chẳng được, ở không xong. Hàng chục, hàng trăm ngàn trẻ em, người già cả, neo đơn, từng sống bằng những đồng bạc nhỏ kiếm được hàng ngày qua việc bán vé số, đánh giày, kể cả xin ăn, giờ chẳng biết số phận họ ra sao trong điều kiện hoạt động hết công suất, tối tăm mặt mũi, của chính quyền cùng những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm với cộng đồng! Nỗi khổ thì chung nhưng cách khổ thì mỗi người một khác.

Sáng nay, tình cờ mình nghe được một câu chuyện thương tâm trên kênh YouTube Thuy Do Ingham Family của chị Đỗ Thụy. Đây là một trong những kênh truyền thông nghiêm túc, công tâm và đầy trách nhiệm xã hội của một Việt kiều ở Úc, nên mình tin tưởng vào tính chính xác của câu chuyện do người nữ YouTuber này kể lại.

Chuyện kể rằng tại xưởng đá mỹ nghệ của một chủ cơ sở tên Kiệm (hay Kiệt?), một đêm nọ, khi hai người bảo vệ xách gậy vào kiểm tra xưởng thì bắt được một tên trộm đã lẻn vào xưởng từ lâu. Kẻ trộm này không lấy cắp những vật dụng đắt tiền, chỉ lấy mấy đôi giày cũ và một ít quần áo. Điều gây chú ý nhất cho mọi người có mặt lúc đó là trước khi bị bắt giữ, kẻ trộm đã nấu hai gói mì tôm ăn tại chỗ, xúc cơm còn trong nồi ra chiên lên để mang về cho người bạn cùng phòng. Với lòng nhân đạo của hai người bảo vệ, anh ta được thả ngay, nhưng đã để quên tại hiện trường một… thẻ sinh viên.

Câu chuyện hai gói mì tôm và chảo cơm chiên của người sinh viên đói khổ nọ hẳn đã gợi lên trong lòng nhiều người trong chúng ta về nhân vật Lê Văn Đó trong quyển tiểu thuyết Ngọn Cỏ Gió Đùa (1926) của cụ Hồ Biểu Chánh, phỏng theo nhân vật Jean Valjean trong tác phẩm Les misérables (Những người khốn khổ) của văn hào Pháp Victor Hugo. Trong Ngọn Cỏ Gió Đùa, Lê Văn Đó đã vì đói quá, đi ăn cắp một nồi cháo heo về nuôi gia đình mà bị bỏ tù. Không ngờ rằng sau gần 100 năm, trên đất nước Việt Nam đang phát triển công nghệ thông tin 4.0, 5.0, lại xuất hiện thêm một Lê Văn Đó, chỉ khác là lần này “anh Đó” là một sinh viên và không bị bỏ tù như dưới thời thực dân đế quốc. Đó là một câu chuyện thật đau lòng, dễ làm cho chúng ta rơi nước mắt.

Cũng gần đây, chúng ta bắt gặp đâu đó trên mạng xã hội hình ảnh một thanh niên mặt mũi khôi ngô, ăn mặc sạch sẽ, đầu đội nón của shipper, ngồi bên lề đường, treo trước ngực tấm bảng… xin tiền! Chúng ta biết rằng trong lúc bình thường, nghề shipper nuôi sống được rất nhiều sinh viên, học sinh, chỉ với một phương tiện hành nghề đơn giản là chiếc xe gắn máy. Dịch bệnh hoành hành, nghề shipper và nhiều nghề kiếm sống tương tự không thể tồn tại, nhiều người không chịu đựng nổi sự hành hạ của cái đói, đến nổi anh sinh viên đáng thương kia đã lẻn vào xưởng đá mỹ nghệ, chủ yếu chỉ để no bụng và mang phần cơm về cho người bạn chung phòng!

Trong những ngày đau thương này, đặc biệt tại thành phố Sài Gòn, mỗi chúng ta không ngăn được dòng cảm xúc trước sự xả thân của hàng chục, hàng trăm ngàn bác sĩ, nhân viên y tế, lao vào hiểm nguy, cứu vớt từng cuộc sống mong manh. Và bản thân họ cũng đang đối mặt với nguy cơ sát thương nghiêm trọng do chính con virus corona gây ra.

Chúng ta cảm kích trước lòng nhân ái vô bờ của những nữ tu, mỗi buổi sáng sớm, khi cơm chưa đủ no lòng, đã vội vã ra đi, để kịp chăm sóc cho những bệnh nhân nguy kịch nhất. Chúng ta ấm lòng trước nghĩa cử của nhiều doanh nhân đã góp vào quỹ chung hàng trăm tỷ đồng, trong điều kiện các doanh nghiệp gặp đình đốn vì dịch bệnh, trước những hành động thiện nguyện âm thầm của nhiều nghệ sĩ đã xuất tiền nhà ra mua hàng trăm tấn gạo giúp người nghèo, thiết lập những bếp ăn dã chiến tự tay mình nấu nướng ….

Về mặt chính quyền, ai cũng biết rằng, bộ máy quản lý đang hoạt động hết công suất, song sự quá tải khi phải tập trung vào việc dập dịch đã để hở một số mặt cũng quan trọng không kém về quốc kế dân sinh, khiến nhiều bi kịch đã xảy đến, như trường hợp anh sinh viên “Lê Văn Đó” thời hiện đại kể trên. Không như thiên tai bão lụt chỉ xảy ra ở một, hai địa phương, cả nước có thể dồn hết sức vào việc cứu trợ, lần này dịch bệnh rải khắp các tỉnh thành, ai cũng phải lo đối phó trên địa bàn của mình, không còn sức đâu mà chi viện cho Sài Gòn. Điều này đặt ra cho chính quyền trung ương một trách nhiệm không nhỏ, vì chỉ trung ương mới có thể hỗ trợ hữu hiệu cho Sài Gòn.

Điều đáng buồn là trong lúc dịch bệnh kéo dài, ngày một nghiêm trọng, gần đây vẫn đọc thấy đâu đó trên các phương tiện truyền thông về dự định xây dựng tượng đài hàng trăm tỷ ở tỉnh này, thị trấn nọ. Thông tin ấy nghe như những nốt nhạc lạc lõng trong khúc bi ca đang trỗi lên hàng ngày giữa nỗi đau chung của cả dân tộc. Đành rằng việc làm nào cũng có những lợi ích của nó, về mặt này hay mặt khác, song sự cân nhắc tính thiết thực và mức độ ưu tiên trong chi tiêu công cộng ở mỗi tình huống của đất nước là trách nhiệm hàng đầu, đòi hỏi cái tâm, cái tài của người quản lý đất nước.

Vào lúc này, khi cái đói và sự cùng cực của người dân biểu lộ trên mọi khía cạnh, hiện diện trong mọi ngóc ngách của đời sống, mọi hình thức lãng phí hay chi tiêu không nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cộng đồng là điều cần được phê phán. Hi vọng rằng những ai đó có dự định đánh lên những tiếng “đàn ngang cung” sẽ nghĩ lại, nếu không sẽ đắc tội với tiền nhân, đắc tội với cả dân tộc.

Với tất cả tấm lòng hướng về quê hương, hướng về Sài Gòn, người viết bài này xin nghiêng mình trước nỗi đau chung của đồng bào, đặc biệt trước những đồng bào nghèo khổ và bất hạnh nhất của mình.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Phải hiểu rằng cũng chống dịch giãn cách xã hội nhưng ở miền Bắc thì không đói không bị sao vậy tại sao các vị hãy nghĩ kỹ trước khi nói vậy tại sao các vị đã biết chưa chưa biết để nói cho mà nghe dân miền Nam dân Sài Gòn trước khi có dịch các vị có biết họ sinh hoạt như thế nào không đi làm một tuần một tháng lĩnh tiền có bao nhiêu ăn tiêu cho bằng hết nhậu nhẹt xem ca nhạc tham chí có bao nhiêu đốc hết cho ca sĩ thể nên bọn ca sĩ nó mới giàu còn ở ngoài Bắc thì có đói rồi chỉ có quán xá thâu đêm khi có dịch thì ôi thôi chỉ có chết đói đã thấy khổ chưa mà còn kêu

  2. “Về mặt chính quyền, ai cũng biết rằng, bộ máy quản lý đang hoạt động hết công suất, song sự quá tải khi phải tập trung vào việc dập dịch đã để hở một số mặt cũng quan trọng không kém về quốc kế dân sinh, khiến nhiều bi kịch đã xảy đến,”.
    -Những quyết sách không sát, chưa phù hợp với tình hình thực tế diễn tiến quá nhanh của dịch; những quyết sách duy ý chí, cực đoan, sai lầm cũng như những quyết sách chưa dự đoán trước & đi trước sự tiến triển dịch bệnh đưa đẩy lãnh đạo hiện nay đi vào vòng xoay giải quyết hậu quả do những quyết sách mình đã đưa ra trước đây (tự mình làm khó mình, đưa mình vào thế khó, công chúng không có lỗi). Lúc này, rất cần lãnh đạo thể hiện bản lĩnh có tầm đi trước trong dự báo & giải pháp, có tâm trong kế hoạch triển khai, trong thục hiện.

  3. Có nơi nào trên trái đất này, dịch covid đi kèm theo dịch đói như ở xứ Đông Lào ta ?

  4. Khi bị nhiễm nhiều rồi thì không cách ly phong toả nữa mà để hàng hoá thực phẩm tự do lưu thông mới làm ngưoi dân không đói .tự mỗi cá nhân đã biết và sẽ phải biết để phòng dịch cho bản thân mình
    Hiện nay Hà nội cách ly .các bệnh viện không có nhiều bệnh nhân .Bộ y tế hãy sử dụng đội ngũ nhân viên y tế này cứu trợ cho y tế Sài gòn qua .mỗi phưòng két nối một bệnh viện hoặc mỗi đơn vị xóm cụm đó một bác sĩ phụ trách Mỗi bệnh viện huy động các bác sĩ trẻ có súc khoẻ đứng đầu ban chông dịch này vì sau này họ là trụ cột và có kinh nghiệm đế xử ký khi dịch có xảy ra ở Hà nội .sao cho bệnh nhân có thể kết nối bằng điện thoại trực tiếp với bác sĩ .bác sĩ sẽ tư vấn trả lời hưong dẫn bênh nhân từ những giai đoạn sớm nhất của bệnh để hạn chế bệnh nặng lên .huy động tất cá bác sĩ công tư đang l àm việc hay về hưu tham gia hỗ trợ trực tiếp bệnh nhân để các bác sĩ Sài gòn rảnh tay xử lý bệnh nhân nặng và chữa chuyên khoa Bộ y tế cần phân vùng và khẩn trương tổng hợp số lưong bệnh viên và bác sĩ và dân cư sài Gòn cho tưong ưng.vd phường A do bệnh viện đa khoa Hà Giang .phưong B do BV quảng Ninh hỗ trợ ..bước đầu qua điện thoại Tôi tin vói tình thần nhân ái của ngưoi Việt Nam .các bác sĩ sẵn sàng tham gia hỗ trợ trực tiếp tới bệnh nhân ma ko cần thù lao gì cả .một lời chỉ dẫn bênh nhân khi sốt cao cũng giúp họ qua cơn nguy kịch .

  5. Ông Nguyễn Đình Cống vừa tự hào vì nhận được 2 triệu nhân ngày thương binh liệt sĩ Cộng Sản . Mấy người hổng từ gia đình có truyền thống cách mạng hào hùng đói hổng đáng để ai quan tâm cả . Chờ lòng hảo tâm của bá tánh thui . i bet các bác trí thức nhà mềnh hàng tháng vẫn lãnh lương hiu đầy đủ . Phẻ re lun . Chúc mừng, chúc mừng! Phải thế chớ, có công giải phóng miền Nam mà phải sống như lũ ngụy hay bọn trơn thì còn ra cái thể thống cách mạng gì nữa .

    Oh, bai zờ vê . Các vị đang đi làm thiện nguyện nên để ý tới mí gia đình có công với cách mạng 1 tẹo . Nếu họ có gặp khó khăn gì thì cũng nên lo cho họ trước . Cứ chính sách lý lịch đem ra mà phát . Đúng, thường thì họ được Đảng các bác lo lắng . Just in case. Cẩn thận vẫn hơn

Comments are closed.