Nhật ký phong thành (số 12): Cười ơi, chào mi!

Tuấn Khanh

21-7-2021

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3  phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 Phần 11

Lại một ngày nữa trôi qua. Thời gian trở nên quá nhanh, và quá chậm trong thời phong tỏa. Nhanh là bởi thời gian trôi vùn vụt, mới đây đã quá nửa năm 2021, người dân chỉ còn biết đóng cửa, và khoanh tay nhìn cột mốc đời mình trôi qua thêm trong bế tắc. Chậm quá, bởi thế giới đang bước vào giai đoạn hồi phục và nhìn về phía dịch covid-19 như một thứ không còn quá sức đáng sợ như trước đây. Nhưng ở Việt Nam, thì chỉ mới có hơn 300.000 dân được chích 2 mũi. Chính quyền vẫn đang loay hoay bàn cách đóng chợ, mở chợ, rượt đuổi các ca mới nhiễm…

Ai cũng nhìn thấy việc chậm mua, chậm nhập vacccine, chậm chích đến sốt cả ruột, so với  ngay cả Campuchia. Báo chí trong nước cho biết đến tháng 7-2021, chính quyền Hunsen đã chích ngừa xong cho 98% dân của mình (dân số lúc này của Campuchia là 17 triệu người).

Từng ngày mệt mỏi trôi qua. Mọi giao tiếp ở Sài Gòn, hay ở Việt Nam, lúc này chủ yếu thông qua mạng xã hội thôi. Thỉnh thoảng nghĩ về ngày xưa, những lúc dịch bệnh, đói kém… không có internet, chẳng biết người ta đã sống và làm gì, như ở trong một cái nồi đóng nắp vậy. Thời nay, may mà còn có internet. Người ta không những có thể thông tin cho nhau, mà còn có thể kiểm chứng được mọi thứ – ngoại trừ những người chỉ thích và nghe tin giả tô hồng, như kiểu quen xài các loại ma túy tinh thần.

Stress hay trầm cảm trong giai đoạn đại dịch mệt mỏi này, là điều có thật. Đám đông có thể dễ dàng hút theo các câu chuyện gây bất bình – chửi rủa không tiếc lời, rồi lại chạy theo các sự kiện nào đó làm cảm động, cùng nhau khóc và ngợi ca tưng bừng. Nếu nhìn vào các chủ đề có nhiều người chia sẻ và theo dõi mỗi ngày trên mạng xã hội, có thể thấy sự căng thẳng và thất thường của con người Việt Nam hiện rõ.

Một người bạn kể rằng khi vào facebook, đọc được một status về chuyện khác biệt Bắc Nam, đã nổi giận và phản ứng gay gắt tức thì. Người viết kia cũng trả treo trở lại. Điều đáng nói là cả hai người đều quen nhau lâu rồi. Mất một ngày sau, cả hai đều giật mình như thoát ma ám, nhắn và xin lỗi nhau. “Xin lỗi chị, em chợt nhận ra mình stress quá”, một người gửi tin đi như vậy.

Một cô bạn khác, vô tình lọt vào một group của những người khá giả và tin tuyệt đối vào mọi chính sách của nhà nước. Trải qua vài lời tranh cãi về số phận người nghèo trong phong tỏa, cô bật khóc hu hu và nói rằng không nghĩ giữa một cuộc sống hiện thực phơi bày như vầy, lại có những người vô cảm và chấp nhận hy sinh người khác để mình được tồn tại. Câu chuyện đó, khiến cô bạn bị trầm cảm nặng dài ngày.

Các tổ chức y khoa thế giới vẫn liên tục cho ra các nghiên cứu về trầm cảm trong và sau đại dịch. Theo thăm dò của APA (American Psychological Association – Hiệp Hội Tâm lý Hoa Kỳ), nhiều người cho biết họ đã tăng hoặc giảm cân không mong muốn, uống nhiều rượu hơn để đối phó với căng thẳng và mất ngủ thường xuyên. Người trưởng thành có thể căng thẳng, đau buồn và chấn thương tâm lý dễ dàng, thậm chí phản ứng dữ dội bất ngờ. Các hội chứng này, có lúc được tìm thấy ở hơn 60% người được hỏi.

Nếu nhìn theo cách này, có thể hiểu được vì sao nhiều người bị chận ở chốt kiểm soát, đã chửi bới hay chống cự bất thường lại các lực lượng kiểm tra. Mệt mỏi, thiếu hy vọng vào tương lai, bất mãn với các chính sách ràng buộc chưa thể thích nghi, được tìm thấy không ít trong các video mà dân chúng quay, tự đưa lên internet trong thời phong tỏa. Ngay cả tiếng gào thét, cự cãi của dân chúng, cũng làm người coi bị trầm cảm nặng hơn về các hoàn cảnh, cũng như các kết cục của nó.

“Thương dân mình quá, làm sao để có thể giúp đỡ được vậy anh?”, một chị lớn từ Pháp nhắn về. Chị coi các video trên facebook, youtube và nói hãi hùng, muốn kêu lên mà không được. Rõ ràng, càng thương xót thì càng stress nặng. Có đoạn audio được chia sẻ nhiều nơi, của một cô gái gọi ra từ trại cách ly, van nài nhân viên y tế giúp người nhà của cô bị nhiễm covid và trở nặng, nhưng chính người nhân viên cũng nói như muốn khóc rằng anh ta bất lực, vì chung quanh còn đến 8 người như vậy, nhưng không bệnh viện nào chịu nhận. “Chị ơi, thông cảm cho em đi chị”, anh nhân viên y tế nghẹn ngào năn nỉ. Ai nghe cũng phải lặng người. Ngày mai, có thể là chính mình thì sao?

Bất chấp các hệ thống tuyên truyền vẫn nói chắc nịch về chuyện đại chiến covid, nhưng hiện thực thì khác: Các bệnh viện ở Thành Hồ đã quá tải. Đến Chủ tịch quận 7 còn phải nhắn tin riêng, kêu cứu với Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong rằng có người quen bị F0, hấp hối, mà không nơi nào chịu nhận. Ông Phong phải điện cho Giám đốc Sở Y tế thì mới có được một bệnh viện nhận. Nghe không stress sao được – vì đâu phải ai cũng quen được đến chủ tịch thành phố.

Đặc biệt stress hơn như nghe Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh hướng dẫn là dân “phải biết bịt kín, không cho covid chui qua”, hoặc tới ông Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, thì “covid lây nhiễm nhanh do chúng ta chống dịch đi đúng hướng”. Giữa cái sống và chết, đày đọa và vô vọng, nghe những kiểu tuyên bố của lãnh đạo như vậy, không stress, thì ắt dân Sài Gòn đã được trui rèn qua luyện ngục.

Đã nói là không có internet, không biết dân Việt sống sao. Thời phong tỏa, người dân chỉ nhìn qua mạng, thấy chuyện gì bất công, chuyện gì khốn nạn… thì cùng hô lên. Áp lực dân chúng cũng khiến một số ít chuyện phải thay đổi.

Ảnh trên mạng

Tim thấy trên mạng facebook, khi dân ở hẻm 7, đường Hưng Hoá, phường 6, quận Tân Bình đưa lên video cho thấy một gia đình phải chịu cách ly do có người nhiễm covid. Chính quyền ở đây thiếu người canh giữ, nên đã cho hàn kín lối ra vào của gia đình này, trong một con hẻm chật hẹp. Ai nấy coi mà hết hồn, nếu chẳng may hỏa hoạn, hay sập tường… cả gia đình này chắc chết hết. Ngày thứ Hai họ hàn chặn, thứ Ba đã phải tháo bỏ vì dân chúng trên facebook kêu la quá.

Một trường hợp khác ở hẻm 391, Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Để cách ly toàn bộ dân cư trong hẻm, chính quyền địa phương đổ chồng các dây kẽm gai bịt kín lối ra. Đến khi mọi người phản ứng nhiều quá thì chính quyền mới cho thay bằng barie. Ai cũng kinh hoảng vì lối suy nghĩ phong tỏa tùy tiện như vậy. Chưa nói chết vì tai ương, cũng không ai có thể tiếp tế thực phẩm cho người dân ở đó suốt trong 14 hay 21 ngày.

Hồi năm 2020, nhiều video đăng tải các gia đình ở Vũ Hán , Trung Quốc, bị đóng đinh bít cửa, bị chận bắt dã man… đến nay, có vẻ như nhiều thứ đang tái hiện ở Việt Nam, với những phiên bản khác. Thật dễ stress, khi thuốc men, vaccine… thì chính quyền trung ương biết chọn, và chỉ chọn của phương Tây, nhưng cách hành xử thì làm giống như là đã học thuộc bài từ Trung Quốc.

Ảnh chụp màn hình

Tôi mất cả ngày sau mới hồi đáp được với chị lớn ở Pháp, khi nghe hỏi thăm về Việt Nam. Thật ra cũng không phải biết phải trả lời như thế nào cho đúng. Không chỉ ở xa, mà ở ngay trong nước, ngay trong tâm điểm của phong tỏa và dịch. Mỗi ngày khi chứng kiến quá nhiều điều cần phải nói, phải viết, phải ghi lại… cũng đủ khiến mình không còn cuộc sống bình thường nữa. Chúng ta bất lực. Tình thương của chúng ta cũng bất lực, khi nhìn thấy quá nhiều thứ  cần phải thay đổi, nhưng lại vượt quá tầm tay.

Đôi khi stress quá, người ta phải chuyển qua hài hước và cười để tự cứu mình. Chẳng hạn khi đọc bản tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết, Hà Nội, không có gì là nguy cấp, được tận dụng 5,1 triệu liều vaccine được viện trợ để chích cho quan chức và người được tuyển chọn trong hệ thống trước. Còn Sài Gòn, là tâm dịch, và là nơi phải nhất định “bảo đảm sản xuất và chống dịch thành công”, thì được phát 1,1 triệu liều, để chích cho đợt bùng phát lây nhiễm này. Vậy đó. Nghe thôi, cố đừng stress, vì chẳng ai trong chúng ta có thể làm gì được đâu, mà chỉ nên cười sằng sặc.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Chòi thơ zĩ đại nhăn răng Tố Cộng xin có vài câu tuy không đù-à-đoành chán như tay bốc cứt khen thơm Tố Hữu nhưng cũng để đủ vè bay vù vù qua vài canh gác cu:
    Cô Vi Việt Cộng Cô Hồn
    Đám này xúm lại bóp bòn dái dân
    Cô Vi bán muối Vi Ci bán hòm
    Cô Hồn đứng chặn đầu đàng
    Không cho mì bánh loay hoay buôn chào
    Cô Hồn độc đảng cờ sờ
    Chặn đường mãi lộ mút buồi thằng dân.
    Hết

  2. Có hơn 1 triệu liều mà cần 2 đến 3 tuần. Cách đây vài tuần có một thằng sếp khốn nạn ở thành Hồ nổ là xét nghiệm 5 triệu người chỉ trong 10 ngày khiến cả thế giới được một trận cười sảng khoái. Mẹ kiếp, cái gì cũng thiếu, từ nhân lực đến dụng cụ y tế mà nổ như tạc đạn, cái tư duy của một sếp lớn giống hệt như thằng phó phường nói bánh mì không phải là lương thực. Khỏi cần lên sao hỏa tìm kiếm sự lạ, chỉ đến Vn xem lũ khỉ đít đỏ diễn tuồng là đã mãn nguyện cái tánh tò mò, những thằng ngu làm lãnh đạo.

Comments are closed.