Dị biệt văn hóa: Quá khó chịu!

Mai Bá Kiếm

21-7-2021

Từ năm 1990, LS Nguyễn Phương Danh và tôi thường đàm đạo về văn hóa ứng xử trong cuộc sống. Anh Danh nói câu khái quát: “Mình có thể sống chung với người dị biệt giàu nghèo hay dị biệt học vấn, chứ không thể sống chung với dị biệt văn hóa”.

LS Danh tốt nghiệp cử nhân luật, rồi theo cách mạng. Sau 30/4/1975, anh Danh là công an chấp pháp Q.3 (bây giờ là CS điều tra), anh ăn mặc lịch sự và hay chải đầu nên bị sếp phê bình là “tác phong tư sản”.

Khi xếp ngạch, anh Danh mang lon HSQ, nên thắc mắc “tôi có bằng cử nhân luật”. Sếp chửi: “Bằng của cậu Ngụy cấp không có giá trị!”. Anh Danh xin chuyển ngành!

Tôi kể, khi đến lấy tin ở Phòng Giáo dục thường xuyên (nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu), ông tiếp tân mặc áo bỏ trong quần, cài cổ tay áo, đứng dậy hỏi: “Thưa, ông muốn gặp ai?”. Tôi hỏi: “Chú có phải là công chức cũ không?”, ông ấy gật đầu!

LS Danh kể, năm 1970, cựu tổng thống Charles de Gaulle mất, tổng thống Pompidou viết lời ai điếu: “Tướng Charles de Gaulle tạ thế, cả nước Pháp góa bụa”. Vì người Pháp coi mất chồng là đại tang.

Tôi kể, năm 1996, tổng thống François Mitterrand mất, chôn tại quê nhà Jarnac, Charente. Trước khi quan tài khiêng qua phố nhà ông, hàng quân danh dự đã cuốn quốc kỳ Pháp phủ lên quan tài, để biểu thị ông về quê với tư cách công dân.

Hồi nhỏ tôi đi nhà trẻ Shell của Tây, lớn lên học bay bên Mỹ, nên tôi nhiễm cách ứng xử văn minh, sống vì mọi người. Cứ hai đứa ở chung một căn hộ, phòng ngủ riêng, toilet và phòng khách chung, không có bếp!

Hàng ngày có maid người Mễ dọn phòng, nhưng maid “giám sát” cách ăn ở thiếu văn minh của chúng tôi. Đi học bay, mà nếu chúng tôi quên xếp mền, gối, drap ngay ngắn, quên tắt đèn, máy sưởi, máy lạnh, TV, thậm chí treo hình khiêu dâm, dùng dây resistance nấu mì gói là họ méc thiếu tá Duy (ở Hondo), thiếu tá Hưởng (Sheppard), chúng tôi sẽ bị kỷ luật.

Hai sĩ quan liên lạc này rất nghiêm khắc, thường rầy chúng tôi: “Các anh học làm phi công mà không giữ tư cách để cho mấy con Mễ coi thường mà không biết nhục! Tôi có quyền đuổi các anh về nước nếu không biết coi trọng tư cách, tác phong của mình!”

Kỷ luật sắt dần thành nền nếp. Ở báo Phụ Nữ, tôi luôn shut down máy tính, tắt điện trước khi về! Khi nghe điện thoại bàn ở cơ quan, tôi nói: “Dạ, báo Phụ Nữ xin nghe”, nếu máy bàn ở nhà hay ĐTDĐ thì tôi: “Dạ, Mai Bá Kiếm nghe”, để người gọi lộn số họ biết ngay!

Nếu được cơ quan, công ty bao ăn ở, đi lại, tôi không lấy công lệnh để lãnh công tác phí. Tôi không bao giờ năn nỉ các DN lấy quảng cáo vì sợ mất tư cách.

Từ 1975, Nhà Bè quê tôi thiếu nước, phải đổi nước từ xe bồn lấy bên Q.7 (không chảy qua cầu Phú Xuân) đến năm 2010, Nhà máy nước BOO Thủ Đức thả ống dưới sông Sài gòn đấu vào KCX TT, Nhà Bè mới có nước! 35 năm thiếu nước khiến tôi có “quán tính tiết kiệm”, đi vệ sinh ở cơ quan, nhà hàng, KS… mà thấy vòi không khóa là tôi khóa, ống nhựa sút ra khỏi vòi tôi gắn lại! Nhiều khi, bị nước bắn ướt áo quần, bạn nhậu còn cười tôi “lo bao đồng”. Tôi không sợ nhà hàng tốn tiền nước, mà lo cho dân ở cuối đường nước không có mà xài!

GS.TS Võ Tòng Xuân hay dặn bà con lấy nước vào ruộng trước khi sạ, cấy chỉ cao 1 tấc (10cm) thôi, đừng lấy 3 tấc, các thửa ruộng cao và xa sông rạch không có nước mà lấy. Mấy năm nay, ruộng ở miền Tây khô hạn, nhiễm mặn.

Nước sông còn phải tiết kiệm, nên tôi rất kinh bỉ cái văn hóa sống ích kỷ, vì mình, còn mọi người ra sao thì kệ mẹ chúng bây!

Họ không học Luận lý học, không biết “cào bằng” khác “công bằng phân phối”! Vaccine phân phối cho các nhóm ưu tiên là một kiểu công bằng. Mình giành suất ưu tiên của người khác còn khoe chỉ là loài thú!

Năm phút khi dễ bắt đầu!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Có lẽ văn hóa thời đại hochimeo không” phù hợp” với Mai bá Kiếm.Nếu vậy cần phải ” ôn hòa có học”. Không biết câu”cờ đến tay ai người đó phất” có từ lúc nào. Chứ tớ thấy nó luôn luôn đúng ở nước đảng thời đại hochomeo

  2. 1. Giờ này tác giả còn gọi bên thắng cuộc là “cách mạng” thì kể cũng hơi lạ.
    2. Trích: “Nếu được cơ quan, công ty bao ăn ở, đi lại, tôi không lấy công lệnh để lãnh công tác phí. Tôi không bao giờ năn nỉ các DN lấy quảng cáo vì sợ mất tư cách.” Câu hỏi: Tác giả không ép DN mua quảng cáo nhưng xin hỏi: nếu đc cty bao ăn ở, đi lại thì tác giả có còn viết một cách khách quan về cty đó hay không?

Comments are closed.