Cái chết của Trần Đức Đô, vẫn còn đó những câu hỏi

Tạ Duy Anh

14-7-2021

Theo kết luận của các cơ quan điều tra, thì Trần Đức Đô tự tử bằng hình thức treo cổ. Trong kết luận cũng nêu rõ Trần Đức Đô không cờ bạc, không nghiện hút, không nợ nần, chăm chỉ rèn luyện… Thông qua đồng đội, người thân, có thể thấy Trần Đức Đô cũng không hề có dấu hiệu trầm cảm.

Vậy vì lý do gì mà một thanh niên mới 19 tuổi lại chọn cái chết bằng hình thức treo cổ?

Theo các tường thuật chính thức, thì từ khi Đô xin phép đi vệ sinh, đến khi đồng đội phát hiện Đô treo cổ, chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ. Xin trích báo VOV. VN điện tử ngày 13 tháng 7 năm 2021: “Trong khoảng thời gian từ 13h45 đến 14h ngày 28/6, đơn vị đang làm công tác chuẩn bị huấn luyện, quân nhân Trần Đức Đô báo cáo chỉ huy đơn vị ra ngoài đi vệ sinh với lý do đau bụng”. Khoảng 14h20, không thấy quân nhân Đô quay lại, chỉ huy Đại đội 14 đã cử 3 quân nhân đi tìm. Đến 14h30 cùng ngày phát hiện Đô đang trong trạng thái treo cổ trên cây keo phía sau đỉnh đồi, cách địa điểm huấn luyện của đơn vị khoảng 50 m. (Hết trích)

Khoảng thời gian đó là quá ngắn cho một cuộc tự treo cổ bằng dây dù, nếu nó không được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Điều này đặt ra câu hỏi: Vì sao một quân nhân trẻ khỏe, sống lành mạnh, “không bị bức bách” lại nuôi ý định tự tử? Nên nhớ việc tự tử với bất cứ ai không bao giờ là việc dễ dàng.

Tự treo cổ cách mặt đất 3,6 mét (như thông tin của báo Tiền Phong điện tử) trên một cây keo vốn THÂN THẲNG VÀ TRƠN là không hề dễ dàng? Không thể cứ để nguyên giầy (hoặc dép) để trèo lên? Vậy đôi giầy (hoặc dép) Đô đi trước khi chết nằm ở đâu khi đồng đội phát hiện? Vẫn ở chân của cậu ta hay dưới gốc cây keo? Chưa thấy thông tin gì về việc này. Tuy là chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng? Bởi nó sẽ đặt ra câu hỏi tiếp theo: Liệu Đô có thật sự TỰ treo cổ?

Và đây là câu hỏi thứ ba: Dư luận liệu có quyền biết chi tiết quá trình các đồng đội đưa Trần Đức Đô từ trên cây xuống? Bao nhiêu người tham gia? Cắt dây hay tháo dây? Và liệu dư luận có quyền biết những vật cứng gây ra vết bầm tím trên cơ thể Đô trong quá trình cứu đô là vật gì?

Ảnh: Tiền Phong

Tôi đặc biệt quan tâm đến thông tin sau đây trên báo Tiền Phong: “Chị Trần Thị Nhung (dì ruột của Đô) khai: Từ khi Đô đi học Tiểu đội trưởng thì hai dì cháu hay liên lạc, nhắn tin điện thoại và Facebook với nhau, nội dung thăm hỏi bình thường. Khoảng thời gian trước ngày 25/6/2021, Đô có gọi điện thoại về, khi nói chuyện chị Nhung có hỏi: “Đô à, ở đấy có khỏe không, có bị đánh không?”, Đô vừa cười vừa nói “CHÁU CHỈ BỊ CHỈ HUY ĐÁNH THÔI NHƯNG KHÔNG SAO ĐÂU” và bảo chị Nhung ĐỪNG NÓI VỚI BỐ MẸ. Chị Nhung còn cung cấp cho cơ quan điều tra nội dung tin nhắn qua Facebook giữa hai dì cháu từ ngày 15/6/2021 đến ngày 25/6/2021.”

Mỗi linh hồn ngang nhau với một quốc gia. Tôi muốn mọi người đừng quên điều đó.

Bình Luận từ Facebook