14-7-2021
Dưới đây lài Bài phát biểu của ứng cử viên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, ngày 13.07.2021:
_____
Cảm ơn Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez, thành viên cấp cao của ủy ban Jim Risch và các thành viên ưu tú của ủy ban này vì đã cho tôi cơ hội xuất hiện trước các vị ngày hôm nay. Tôi rất vinh dự vì niềm tin mà Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Blinken đã đặt vào tôi.
Tôi cũng muốn bày tỏ tình yêu và lòng biết ơn sâu sắc đến vợ tôi Suzuko và con trai của chúng tôi Alex, vì sự hỗ trợ và hy sinh của họ. Họ đã nhiều lần thay đổi nhà cửa, trường học, xa cách gia đình và bạn bè để chúng tôi có thể cống hiến cho nước Mỹ ở nước ngoài. Nếu không có họ, cũng như cha mẹ tôi, Jay và Yolanda Saltsman, tôi sẽ không có mặt ở đây ngày hôm nay.
Mối quan hệ Việt-Mỹ đã trải qua một bước chuyển biến sâu sắc kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây 26 năm. Lịch sử gia đình của tôi gắn với tiến trình diễn biến mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam. Người cha quá cố của tôi, Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ Roger Knapper, là một cựu chiến binh Việt Nam, người thường kể lại những kỷ niệm khó khăn trong thời gian tham chiến. Tuy nhiên, ông ấy cũng đã nhiều lần nói về mong muốn tha thiết của ông là được trở lại Việt Nam và chứng kiến đất nước tươi đẹp này hòa bình và phát triển mạnh mẽ. Mong ước này đã được thực hiện 3 lần trong thời gian tôi làm việc tại Đại sứ quán của Mỹ ở Hà Nội trước đây. Mặc dù ông ấy sẽ không kịp trở lại trong chuyến thăm lần thứ 4, nhưng chúng tôi sẽ luôn biết ơn những nỗ lực và hy sinh mà ông ấy cũng như hàng triệu người Mỹ khác đã thực hiện trong suốt chặng đường dài gắn bó với Việt Nam.
Hai nước chúng ta đã chuyển từ lịch sử xung đột sang quan hệ Đối tác Toàn diện, bao gồm các mối quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân. Nếu được chấp nhận (vị trí Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam), tôi sẽ nỗ lực để tiếp tục phát triển mối quan hệ Việt – Mỹ dựa trên những lợi ích chung trong 4 lĩnh vực chính.
Trước hết là trong lĩnh vực an ninh. Mỹ và Việt Nam đã mở rộng đáng kể hợp tác an ninh, bao gồm cả việc Mỹ hỗ trợ để tăng cường năng lực hàng hải của Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đã tiếp đón tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tàu sân bay thứ 2 của Mỹ đến thăm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước có lợi ích chung trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế và chống lại các hành vi khiêu khích ở Biển Đông và khu vực sông Mekong, và nếu được chấp nhận, tôi sẽ nỗ lực làm sâu sắc hơn nữa hợp tác của hai nước trong lĩnh vực này.
Thứ hai là lĩnh vực thương mại và đầu tư. Thương mại song phương giữa Mỹ với Việt Nam đã phát triển đáng kể, tăng từ mức gần như không có vào năm 1995 lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2020, mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất, nông dân và chủ trang trại cũng như người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong quan hệ song phương trên lĩnh vực này. Nếu được chấp nhận, tôi sẽ ủng hộ một sân chơi bình đẳng cho các công ty và nhà đầu tư Mỹ, bao gồm cả việc hối thúc Việt Nam duy trì khả năng tiếp cận thị trường công bằng cho các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ.
Thứ ba, khắc phục hậu quả chiến tranh và các vấn đề nhân đạo. Việc cung cấp dữ liệu đầy đủ nhất có thể về các quân nhân Mỹ mất tích từ thời Chiến tranh Việt Nam vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi. Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam đã hỗ trợ đáng kể những nỗ lực này. Kể từ năm 1993, Mỹ đã đóng góp hơn 160 triệu USD để giảm thiểu những mối đe dọa dai dẳng do vật liệu chưa nổ gây ra. Cùng với Việt Nam, tại Đà Nẵng vào các năm 2018 và năm 2019, chúng ta đã khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin, dự kiến kéo dài 10 năm tại khu vực sân bay Biên Hòa. Mỹ đã cấp hơn 125 triệu USD từ năm 1989 để hỗ trợ nhân đạo, theo cả hình thức trực tiếp và gián tiếp, cho hơn một triệu người khuyết tật, bất kể nguyên nhân là gì. Sự hợp tác của hai bên về những vấn đề này tiếp tục củng cố nền tảng tin cậy để mở rộng mối quan hệ song phương.
Thứ tư là lĩnh vực giao lưu nhân nhân. Mối quan hệ giữa nhân dân hai nước ngày càng bền chặt. Trước đại dịch Covid-19, gần 700.000 người Mỹ đã đến Việt Nam hàng năm, trong đó có hơn 1.200 sinh viên Mỹ. Tại Mỹ, chúng ta chào đón 30.000 sinh viên Việt Nam mỗi năm. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ Mỹ – Việt Nam vào năm 2020, hai bên đã ký một thỏa thuận để lần đầu tiên đưa các tình nguyện viên của Đội Hòa bình đến Việt Nam, một cột mốc quan trọng và mang tính biểu tượng.
Tuy nhiên, mối quan hệ phát triển mạnh mẽ của hai nước không phải là không có những thách thức. Mỹ vẫn quan tâm sâu sắc đến hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, đặc biệt là những thông tin về xu hướng đáng lo ngại của hành vi sách nhiễu, bắt giữ tùy tiện hoặc trái pháp luật, kết án oan và những bản án khắc nghiệt đối với các nhà báo và các nhà hoạt động. Nếu được chấp nhận, tôi sẽ yêu cầu Chính phủ Việt Nam tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, hội họp ôn hòa và tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Chỉ khi chúng tôi nhận thấy những tiến bộ đáng kể về nhân quyền thì mối quan hệ đối tác giữa hai nước mới có thể phát huy hết tiềm năng.
Như thường lệ, ưu tiên số 1 của tôi sẽ là bảo vệ sự an toàn và lợi ích của tất cả công dân Mỹ tại Việt Nam. Tôi cũng sẽ đặt sự an toàn và lợi ích của nhân viên Phái bộ ngoại giao của Mỹ tại Việt Nam lên ưu tiên hàng đầu.
Quan hệ đối tác Việt-Mỹ đang phát triển mạnh mẽ là kết quả của lòng dũng cảm, thiện chí, một nỗ lực bền bỉ của những con người tận tụy ở cả hai nước, những người tin tưởng vào khả năng hòa bình và hòa giải giữa hai cựu thù. Mục tiêu bao trùm của chúng tôi vẫn là thúc đẩy các lợi ích của Mỹ và hỗ trợ sự phát triển của một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, đóng góp vào an ninh quốc tế, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền.
Cảm ơn vị đã xem xét đề cử của tôi. Tôi mong chờ các câu hỏi từ quý vị.