13-7-2021
Xã hội mình bây giờ đã thay đổi nhiều, chứ những năm trước đây nặng nề chuyện lý lịch lắm. Một thời chủ nghĩa lý lịch đã dìm chết không biết bao nhiêu con người, bao nhiêu tài năng và trí tuệ. Xung quanh hai chữ lý lịch và “thành phần” có không biết bao nhiêu là bi hài kịch.
Năm 1985 mình đưa sinh viên đi thực tập ở Thanh Hóa, cũng là lần đầu tiên có đợt đưa công nhân đi xuất khẩu ở An giê ri. Đi An-giê-ri khi đó là hơn cả giấc mơ. Mình có thằng em họ là Hợi, cùng với một anh trong xã là anh Kiên ở Công ty lắp máy 45, đang làm ở Nhà máy xi măng Bỉm Sơn cũng được đi đợt đó. Thôi rồi, mừng hết lớn.
Sau hai năm đi An-giê-ri đưa về một thùng kẽm đựng hai chiếc xe máy DD của Nhật đỏ chót, rứa là đổi đời. Rứa là “chó má lên làm người”, như dân gian vẫn nói khi đó. Chuyện tiêu cực, chạy chọt để đi An giê ri thì mình không biết, chỉ biết việc tuyển chọn là rất kỹ, phải là thợ giỏi, được anh em trong đơn vị bầu chọn, đặc biệt lý lịch phải trong sạch. Tất nhiên, phải được công an thẩm tra về lý lịch.
Khi mình đến anh Kiên ở Bỉm Sơn chơi, thì thằng em họ mình và anh Kiên đã được phê duyệt, nhưng anh Kiên rất buồn vì một người bạn của anh rất tốt, nhưng bị loại, vì bị cho là “man khai lý lịch”. Hỏi chuyện mới biết anh này khai bố mình đã mất, nhưng thực chất thì bố bỏ mẹ, rồi lấy người phụ nữ khác. Anh ta ghét, nên ghi là bố mất cho khỏe chuyện.
Anh Kiên ngỏ ý nhờ mình hỏi xem có thể giúp anh bạn này được không. Thấy chuyện cũng rõ ràng, đơn giản, hôm sau mình gặp anh bạn làm ở Công an Thanh Hóa trình bày câu chuyện. Kết quả là anh này được khai lại lý lịch, với lời nhắc của công an: “Có chi cũng phải khai hết, không được giấu giếm”. Mừng hơn cả chết sống lại, anh này khẩn trương về quê làm lại lý lịch.
Mấy tuần sau, khi mọi người lục tục chuẩn bị lên đường thì anh này vẫn chưa thấy có quyết định. Hỏi thì mới biết anh ta vẫn bị loại, vì… lý lịch. Trời ạ, chỉ vì được dặn có gì phải khai hết, nên anh ta ghi ông nội mình là “địa chủ cường hào gian ác”.
Mình hỏi: “Lần trước anh ghi ông nội mình là địa chủ thì không sao, sao lần này lại thêm “cường hào gian ác” vô mần chi cho rắc rối. Mà, ông nội anh cường hào gian ác thật à?”.
“Không ông nội em là địa chủ quy sai, sau xuống trung nông, nhưng em cứ nghe nói “địa chủ cường hào gian ác” nên sợ mình ghi không đủ thì lại bị coi là man khai lý lịch”.
Anh bạn ở Công an Thanh Hóa nói với mình: “Anh thông cảm, đây là lần đầu tiên đưa công nhân đi xuất khẩu nước tư bản, nên không thể đưa con em giai cấp bóc lột đi được, nhất là con em “địa chủ cường hào gian ác”!
Bó tay!
Nên mời các cụ U90 viết thật đầy đủ những chuyện cũ
Ôi, chuyện của việt cộng ấy mà! Chúng gào thét người ta là gian ác, nhưng chính chúng lại gian ác hơn người bị lên án.