12-7-2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3
Sáng nay, người nhà mang về cho mình ly café đá. Nhìn mà sửng người không tin được. Bởi giờ này, Sài Gòn có ai mà dám lộ diện bán buôn gì được nữa đâu. Khắp nơi, xe công an, dân phòng cứ rà rà dòm ngó, thấy chỗ nào có dấu hiệu lén bán, là xông vào phạt tức thì, không nói nhiều.
Hóa ra, đuối quá, nhiều nơi vẫn tìm cách bán cho khách quen. Những cánh cửa bí mật quen thuộc của Sài Gòn lại khép mở. Người mua lén lén mang đi. Người bán hé cửa, thấy ai quen lại gần thì suỵt, hỏi có mua không. Kiểu y như hồi sau năm 1975, người đổi đôla hay bán vàng cũng thì thà thì thụt như vậy. Nhìn ly café mà thương. Kiếm được chút nào thì ráng, chứ không ai dám đợi, cũng không ai dám tin vào lời hứa sẽ có hỗ trợ của chính quyền.
Chỉ thị 16 của nhà nước nói vậy, mà không phải vậy. Bởi Nhà nước phong tỏa nhưng tự co giãn cho mình mà không co giãn cho người dân. Các khu họp chợ ngoài trời đều bị giăng dây, cấm bán. Nhưng các hệ thống siêu thị của nhà nước thì vẫn mở bán, độc quyền giá cả và hàng hóa vào lúc này. Nhà nước nói cấm tụ tập ở nơi khép kín vì dễ lây. Nhưng các siêu thị như vậy thì ngút người, nhưng đố ai dám hỏi ngược chính quyền cả.
Mình nhớ một cô bán hàng chợ rong, mọi thứ vẫn chất đầy lên một chiếc xe máy cũ. Nào là thịt heo, gà làm sẳn. Rồi rau quả… cô còn trẻ lắm và tháo vát. Ngày nào cũng chạy vào hẻm gần nhà để chờ mấy người quen ghé vào mua. Lúc rảnh rỗi, cô ngồi ngó lung, nét mặt ít niềm vui. Hỏi thăm qua mới biết, cô từ Thái Bình vào, nơi miền quê nghèo, người dân phải chịu nhiều loại thuế nhất của Việt Nam. Cô nói chỉ có đi xa như vầy, cô mới hy vọng kiếm sống và gửi tiền chút đỉnh về nhà.
Những ly café nhỏ, dễ giấu còn bán được, nhưng gánh hàng như cô gái đến từ Thái Bình thì chắc đành chịu chết, đành nằm nhà thở dài mong một lúc nào đó, chỉ thị này, chỉ thị nọ sẽ sớm qua. Nếu giờ này mà cô cố ra đường, cố chạy ít tiền để đóng tiền nhà hay gửi dăm ba trăm về quê, cô sẽ không bao giờ chứng mình được tính “cần thiết”, hay “chính đáng” mà nhà nước đề cập tới.
Người dân như cô gái bán hàng nếu tuân thủ chỉ thị 16, và mong được giúp đỡ trong gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng như nhà nước vừa loan, thì báo chí cho biết cứ làm đơn, sẽ được duyệt. Đơn gửi lên Ủy ban gần nhất sẽ được duyệt trong 7 đến 10 ngày. Nhưng kiểu như cô, thì có gửi cũng chưa chắc gì được duyệt. Năm 2020, không cần phải làm đơn như gói 62.000 tỷ đồng, nhưng khối người nghèo đã bị gạt ra vì “không đủ tiêu chuẩn”, cô nói mình không dám mơ, và không muốn gửi đơn, để rồi thất vọng. Con số bị gạt nhiều đến mức là 62.000 tỷ đồng, đến tháng 5-2021, chỉ phát được hơn 15.000 tỷ đồng thôi.
Chuyện không cũ bao giờ ở Việt Nam, đặc biệt với dân Sài Gòn, là những điều nghe nói – rồi không có, của người cầm quyền trong lúc ngặt nghèo. Mùa phong thành này, đó là chuyện cứ lặp đi lặp lại không thôi. Đó cũng là lý do người dân cứ đổ ra đường, mỗi người một lý do, chạy sống chạy chết cho mình, bất kể hàng trăm chốt gác, barie, kẽm gai đang phân chia Sài Gòn như vào một mùa chống bạo loạn, thậm chí không vượt qua được, có khi tốn tiền phạt bằng 1/5 tháng lương.
Anh bạn trẻ Nhật Huỳnh, một người quen trên facebook kể rằng sáng 12-7, anh đi trên vỉa hè, trước nhiều cửa nhà bị giăng dây, có nhà buông rèm một nửa, bên trong có người ngồi, thỉnh thoảng bước ra ngoài, ngó ngó.
– Mua gì anh ơi – một cô gái trẻ hỏi khi thấy anh Huỳnh vừa đi chậm vừa ngó dáo dác – ở đây tụi em có vịt, gà, anh mua gì?
Huỳnh kể anh may mắn mua được con vịt với giá 75.000 / ký. Nói là may vì nãy giờ chạy trên dãy phố này, anh cũng thấy vài nhà bán như cô em này nhưng khi vô hỏi, thì họ lắc đầu nguầy nguậy. Huỳnh đem tâm sự này nói với cô gái trong lúc chờ lấy hàng, cô gái phì cười:
– Tại thấy anh lạ, họ tưởng anh là chỉ điểm đó. M* tụi nó! Người ta buôn bán đàng hoàng, tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch mà nó coi người ta như tội phạm, giả vờ cho người mặc thường phục lân la rồi xông vào bắt. Đã không giúp dân thì thôi chứ….
Anh Huỳnh viết trên facebook rằng thấy những lúc nguy cấp, dân thà tin vào chính mình dù bất chấp nguy hiểm chực chờ (có khi là vi phạm pháp luật) hơn là tin vào lời hứa của lãnh đạo, bởi không phải tự nhiên mà dân nhác trông thấy họ thì gọi bằng 2 từ gần gũi: “tụi nó”.
Trên trang nhà của nhà thơ Đỗ Trung Quân, có câu nói hài hước “Xin hãy để cụ Thiệu được siêu thoát!”, ai nấy coi đều cười. Bởi khắp nơi, dân chúng cứ nhắc lại câu tuyên bố bất hủ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tại Việt Nam, tại Sài Gòn mùa phong tỏa này xảy ra vô số những chuyện không khó tin được, mà nhớ cụ.
Lớn nhất là vụ nhà cầm quyền ở Sài Gòn bữa trước nói như đinh đóng cột “không có chuyện phong tỏa Sài gòn”. Truyền hình báo chí đưa rầm rộ, nói dữ dằn như thể ai bị bắt gặp là a lê, lên đồn công an liền. Đùng một cái, ngay bữa sau thì truyền thông nhà nước như đeo mặt nạ, nói tỉnh bơ, tuyên bố phong tỏa Sài Gòn.
Không có một lời xin lỗi nào, và cũng không có ai của phía chính quyền phải chịu trách nhiệm với dân chúng về sự bát nháo và nhếch nhác của cả một hệ thống chính trị.
Trên trang nhà của luật sư Lê Công Định, có ghi lại chuyện này, rằng “Năm 1985, lúc tôi 17 tuổi, báo đài liên tục đăng thông báo bác bỏ tin đồn đổi tiền. Đùng một cái tin đồn thành tin chính thức. 36 năm sau VTV và các báo vẫn làm y như vậy, qua nay cứ bác bỏ tin đồn cho đã rồi bây giờ thành … trật lất. Chơi kỳ dzậy mấy cha?”
Cụ Thiệu lại không thể sớm siêu thoát nữa rồi, như lời nhà thơ Đỗ Trung Quân nói.
Cứ vậy, mà biết bao nhiêu chuyện lại dội về với người dân Sài Gòn, những chuyện đã lâu lắm rồi, nhưng lại không cũ bao giờ. Các trang mạng xã hội, các trang blog… lại có dịp đào xới những điều rất quen và rất đau.
Chẳng hạn như sau 1975, thông báo tất cả các sĩ quan Úy, Tá của VNCH đi học tập 7 ngày, theo kênh Ủy ban Quân quản. 7 ngày ấy, cũng là một kiểu đổi tiền sinh mệnh. Có người đi đến 10 năm mới về, có người bỏ mạng ở rừng sâu núi thẳm. Không ai giải thích tại sao, và không ai biết thằng quỷ nào ra cái thông báo lừa gạt dữ thần vậy.
Nhớ đến 3 lần đổi tiền vào năm 1975, 1978 và 1985. Lần nào thông tin cũng bị rò rỉ ra ngoài ít nhiều, dân chúng lo âu thì báo chí, truyền hình nói đừng nghe những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận. Nhưng rồi chỉ ít ngày sau, việc đổi tiền đã xảy ra như ai cũng đã biết. Nhiều gia đình có người tự tử, nhiều người liều mình ra đi vì không sản nghiệp không còn gì.
Thật may mắn cho những người yên ổn ở bên ngoài Việt Nam. Họ sống với tương lai và thanh thản với những điều đã ngủ yên. Nhưng nếu sống ở Việt Nam, bạn cứ được khều nhắc lại, và luôn được sống lại với những câu chuyện không cũ bao giờ.
Những đứa ngồi ở trung ương mà tư duy chỉ ở cấp làng xã thì hỏi sao dân không khổ.
Không phải chỉ ở SG đâu bác Tuấn Khanh ơi . Các huyện, thị trấn gần SG cũng y vậy thôi. Tình cảnh người mua, người bán khá bi hài . Tất cả đều lén lút, người bán chỉ hé cửa như bán ma túy, người mua cũng ngó trước ngó sau như đi ăn trộm. Nhà nhà đóng cửa, không ai được mua bán công khai gì cả .
Nhà không còn nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, và nhiều thứ nhu yếu phẩm khác, muốn tới cửa hàng bách hóa để mua ( chỉ có cửa hàng bách hóa là được ưu tiên mở cửa ?! ) . Các anh dân quân, xã đội, thị đội chận khắp nơi, làm sao chứng minh được “tính chinh đáng” với các anh để khỏi bị phạt ?! Điều nầy có phải vô lý lắm không.
Trong khi đó, các cửa hàng bách hóa yêu cầu giãn cách, người mua xếp hàng rồng rắn dài cả chục mét. Đó chỉ là sự trình diễn hình thức với chính quyền thôi . Khi được vào cửa hàng, lúc mua hàng không còn giãn cách gì ráo !
Chỉ ra ngoài khi cần thiết như mua thực phẩm, mà cho đi thật nhưng phải đến siêu thị mà mua mặc dù phải xếp hàng dài, mặc dù hết hàng, mặc dù giá cao chót vót…thế nhưng đến cửa hàng tạp hóa thì không được mặc dù trống trải chẳng có chen lấn gì, mặc dù hàng hóa có đủ, mặc dù giá cả dễ chịu…Chống dịch hay chống dân???
Người ta có thể sống chung với lũ, sống chung với dịch.
Nhưng sống chung với cộng sản, khó lắm thay.
“Người ta buôn bán đàng hoàng, tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch mà nó coi người ta như tội phạm, giả vờ cho người mặc thường phục lân la rồi xông vào bắt”
Thời 75, con nít được huấn luyện để tố cáo bố mẹ nó & chỉ điểm chỗ gia đình giấu vàng, của cải . Con nít thời nay có noi gương được ngày xưa không nhỉ
“Trên trang nhà của nhà thơ Đỗ Trung Quân, có câu nói hài hước “Xin hãy để cụ Thiệu được siêu thoát!”, ai nấy coi đều cười. Bởi khắp nơi, dân chúng cứ nhắc lại câu tuyên bố bất hủ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu”
Có một điều khó, là thời buổi nhiễu nhương hiện nay làm sao phân biệt được ai là Cộng Sản & ai không ? Có cả những kẻ mạo danh Cộng Sản, rồi lại có những người Cộng Sản chân chính . Add to the confusion, ta có thêm Nhà nước Việt Nam vs Trung Cộng … Nói chung là búa xua hầm bà lằng . Ví dụ như Đoàn Bảo Châu, phải xem anh ta là nhà báo cách mạng Việt Nam hay nhà báo Cộng Sản ? Nguyễn Ngọc Chu có phải là trí thức Cộng Sản không ? Đúng là theo tiêu chuẩn Reuters, hễ cứ ca tụng Bác Hồ & quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng AK 47, nhưng bài vừa rồi của Huy Đức, ít ai nghĩ anh là 1 dư luận viên . Đúng, có người nghĩ như vậy nhưng họ lại được/bị xem là có vấn đề về tâm thần, cần đưa tới chỗ Phạm Thành & Lê Anh Hùng đang điều trị .
1 vấn đề khá bức xúc, là thời gian này ai cũng dùng “Sài Gòn” như nó chưa bao giờ được hân hạnh mang tên Bác Hồ kính yêu, theo kiến nghị của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, thân phụ của đồng chí tiến sĩ Trần Hữu Dũng. Chắc Sài Gòn cần phải được giải phóng 1 lần nữa, và lại phải đặt tên Bác Hồ cho nó 1 lần nữa quá .