Thanh Ngọc
28-6-2021
Sổ hộ khẩu sắp được lên đời, nhưng đời của người di cư chưa chắc sẽ có gì thay đổi.
Tôi gặp ông Kết trong một nhà máy làm đồ gỗ xuất khẩu tại tỉnh Bình Dương vào năm ngoái. Năm 2017, ông Kết đưa cả gia đình từ Kiên Giang lên Bình Dương để tìm việc làm. Công việc ở nhà máy giúp ông có tiền mua thuốc đều đặn cho con trai. Đứa con trai 10 tuổi mắc chứng động kinh là gánh nặng lớn nhất của gia đình ông.
Hàng ngày, vợ ông phải chăm sóc con đề phòng cơn động kinh đến bất ngờ, ông và con gái đi làm trong nhà máy. Ở thành phố, nhà ông Kết có thu nhập ổn định hơn, dù rất vất vả. Chuyển lên thành phố đồng nghĩa với việc họ phải từ bỏ các phúc lợi gắn chặt với hộ khẩu ở quê nhà như thủ tục hành chính, tiếp cận giáo dục, y tế, v.v.
Từ ngày 1/7/2021, sổ hộ khẩu sẽ bị thu lại khi bạn thay đổi thông tin cư trú với công an, ví dụ thay đổi địa chỉ thường trú. Đến đầu năm 2023, sổ hộ khẩu sẽ chính thức bị khai tử. Đây là điều được quy định trong Điều 38.3 của Luật Cư trú năm 2020. [1]
Sổ hộ khẩu bị khai tử, nhưng chế độ hộ khẩu có thật sự tắt thở?
“Thực chất đây vẫn là quản lý hộ khẩu…”
Thông tin bỏ sổ hộ khẩu được Bộ Công an thông báo vào năm 2017. Khi đó, nhiều người vui mừng vì sắp thoát kiếp “công dân hạng hai” tại các thành phố. [2] Tuy nhiên, ngày đó vẫn chưa đến.
Ngay sau đó, đại diện Bộ Công an đã nói rõ “thực chất đây vẫn là quản lý hộ khẩu nhưng là quản lý sổ hộ khẩu bằng công nghệ thông tin”. [3]
Theo đó, hộ khẩu sẽ được quản lý bằng cơ sở dữ liệu về cư trú và kết nối với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Chế độ hộ khẩu vẫn không có gì thay đổi. Các quyền, lợi ích gắn liền với sổ hộ khẩu vẫn bền chặt như trước đây.
Như vậy, sổ hộ khẩu được lên đời nhưng cuộc đời của hàng triệu người di cư vẫn không đổi.
Sự đổi đời của sổ hộ khẩu còn đặt ra hai câu hỏi quan trọng. Thứ nhất, chính quyền có gia tăng sự kiểm soát người dân trong tương lai với “chế độ hộ khẩu 4.0”? Thứ nhì, Việt Nam có nên kiên trì với chế độ hộ khẩu đã lỗi thời, gây bất bình đẳng giữa người di cư và thành thị, khi ngay cả đất nước phát minh ra chế độ quản lý khắc nghiệt này – Trung Quốc – cũng đã điều chỉnh chính sách?
Sổ hộ khẩu lên đời: Người dân tiện lợi, chính quyền tiện tay
Từ năm 2023, bạn sẽ không cần mang theo sổ hộ khẩu khi đi làm giấy tờ hành chính. Khi thực hiện các thủ tục hành chính, bạn chỉ cần khai số định danh cá nhân của mình. Lời quảng cáo như vậy làm ai nghe cũng mát lòng.
Tuy nhiên, sự thuận tiện khi làm các thủ tục hành chính cũng chính là lý do chính quyền dựa vào để thu thập thông tin cá nhân của bạn. Trong tương lai, bạn có bị kiểm soát nhiều hơn hay không phụ thuộc vào mức độ tham vọng trong việc thu thập dữ liệu dân cư của chính quyền.
Một phần nào đó, bạn có thể thấy tham vọng này thông qua Dự thảo Nghị định Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân. [4]
Theo Điều 2 của dự thảo này, có hai loại dữ liệu cá nhân sẽ được chính quyền thu thập:
Thứ nhất là dữ liệu cá nhân cơ bản, bao gồm thông tin về nhân thân như tên, năm sinh, nơi sinh, địa chỉ thường trú, địa chỉ email, trình độ, số hộ chiếu, giấy phép lái xe, số bảo hiểm xã hội, v.v. Đặc biệt, “dữ liệu phản ánh hoạt động hoặc lịch sử hoạt động trên không gian mạng” cũng được xem là dữ liệu cơ bản.
Thứ nhì là dữ liệu cá nhân nhạy cảm, bao gồm những thông tin rất riêng tư của bạn như quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, giới tính, đời sống cá nhân, xu hướng tình dục, các mối quan hệ xã hội, dữ liệu về tài chính (hồ sơ tài chính, tình trạng tài chính, lịch sử tín dụng, mức thu nhập ), v.v.
Điều 10 và Điều 11 của dự thảo này cho phép chính quyền thu thập cả hai loại thông tin trên mà không cần xin phép hay thông báo cho bạn trong một số trường hợp như “vì lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”, hay “theo quy định của pháp luật”. Điều đáng nói là những mục đích này có thể được chính quyền diễn giải một cách tùy tiện.
Thật khó để hiểu làm thế nào mà những thông tin cá nhân rất riêng tư như vậy lại góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính?
Bản chất của sổ hộ khẩu là công cụ quản lý dân chúng, trong đó nơi sinh, nơi ở là những thông tin định danh quan trọng. Việc số hóa những thông tin này đồng thời kết nối với những thông tin cá nhân khác chắc chắn sẽ dệt nên một tấm lưới to hơn, dày hơn phủ lên toàn bộ người dân. Nói đơn giản, chính quyền có thể biết ngay lập tức về mọi hoạt động liên quan đến số định danh cá nhân của bạn.
Luật Cư trú 2020 có giúp dân bớt khổ về hộ khẩu?
Từ thủ công sang số hóa, “chế độ hộ khẩu 4.0” có giúp người dân được hưởng những quyền lợi vốn bị khóa chặt với sổ hộ khẩu?
Điểm sáng nhất của Luật Cư trú năm 2020 là bãi bỏ điều kiện về thời gian tạm trú khi đăng ký thường trú từng được quy định trong Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và Luật Thủ đô 2012. [5] [6] Theo đó, các luật này ràng buộc như sau: công dân phải tạm trú liên tục ở nội thành từ ba năm trở lên (áp dụng theo Điểm b, Khoản 4, Điều 19, Luật Thủ đô 2012), tạm trú các quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương từ hai năm (Điều 20.1 của Luật cư trú sửa đổi, bổ sung 2013). Theo luật mới, người dân có thể đăng ký thường trú mà không cần đáp ứng điều kiện về thời gian tạm trú như vậy.
Tuy nhiên, điều kiện đăng ký địa chỉ thường trú của Luật Cư trú năm 2020 vẫn ngặt nghèo, đặc biệt đối với người lao động di cư.
Điểm a, Khoản 3, Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 quy định người thuê, mượn, ở nhờ nhà chỉ được đăng ký thường trú khi đáp ứng đủ các điều kiện như sau: (i) chủ sở hữu hợp pháp của nơi ở đó đồng ý cho đăng ký tại địa điểm thuê; (ii) chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó, và (iii) đảm bảo diện tích nơi ở theo quy định của từng địa phương nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.
Như vậy, để được đăng ký thường trú và hưởng phúc lợi như người thường trú, người lao động di cư sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào hảo ý của chủ nhà trọ. Quyền quyết định cho hay không cho ai nhập vào cùng hộ gia đình có thể trở thành cái lợi độc quyền của chủ nhà trọ để gây thêm khó khăn với người lao động di cư.
Khoản 4, Điều 3 của luật này giới hạn rằng mỗi công dân ở một thời điểm chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.
Với hai quy định này, chế độ hộ khẩu 4.0 vẫn là một hàng rào vô hình ngăn cách giữa thành thị và nông thôn.
Dù không được quy định một cách rõ ràng nhưng nơi đăng ký thường trú là căn cứ trong rất nhiều giao dịch hành chính, dân sự: mua bán, chuyển nhượng nhà đất, ủy quyền, thừa kế, các thủ tục liên quan đến hộ tịch (như khai sinh, khai tử, kết hôn), v.v.
Ngoài rào cản về thủ tục hành chính còn có các rào cản về tiếp cận trợ cấp an sinh xã hội. Bạn có lẽ không xa lạ với hình ảnh bố mẹ lên thành phố trong khi con cái phải ở quê cùng ông bà để tiếp tục đi học. Lý do là người không có hộ khẩu thường trú gặp phải một bức tường lớn trong việc tiếp cận giáo dục. Đơn cử, thành phố Hà Nội quy định phải có hộ khẩu thường trú thì học sinh mới được dự tuyển vào lớp 10 công lập không chuyên. [7]
Mặt khác, Khoản 1, Điều 24, Luật Cư trú năm 2020 đã tăng thêm sáu trường hợp sẽ bị xóa nơi đăng ký thường trú:
1. Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú ở chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng (trừ một số trường hợp như xuất cảnh mà không định cư, chấp hành án tù, đưa vào cơ sở cai nghiện, v.v.).
2. Bị cho thôi, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập tịch Việt Nam.
3. 12 tháng sau khi thôi mượn, thuê, ở nhờ nơi đã đăng ký thường trú mà không đăng ký thường trú tại chỗ ở mới.
4. Sau 12 tháng mà chưa chuyển được nơi đăng ký thường trú khi nơi ở cũ đã chuyển quyền sở hữu cho người khác, trừ trường hợp chủ sở hữu mới vẫn cho thuê, mượn, ở nhờ và đồng ý cho đăng ký thường trú tại đó.
5. Khi đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ nơi ở và người cho thuê, mượn, ở nhờ không đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại đó. Hoặc bạn đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và chủ mới không đồng ý cho bạn tiếp tục giữ đăng ký thường trú tại đó.
6. Những người có chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu (ví dụ như cưỡng chế) theo quyết định của cơ quan nhà nước, hoặc chỗ ở trên phương tiện (tàu, thuyền, v.v.) đã bị xóa đăng ký phương tiện.
Theo Bộ Công an, việc số hóa chế độ hộ khẩu bắt đầu được thực hiện từ năm 2012 với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng. [8]
Thay đổi về chế độ hộ khẩu ở Trung Quốc
Trung Quốc – đất nước phát minh ra chế độ hộ khẩu – cũng đã nhận thức được rào cản từ chế độ hộ khẩu.
The Economist dẫn một vài quan điểm về chế độ hộ khẩu ở Trung Quốc trong một bài viết xuất bản tháng Tám năm 2020. [9] Theo Wen-Tai Hsu, trường Đại học Quản lý Singapore, để người dân định cư ở nơi nào họ muốn sẽ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh hơn. Các luồng di cư cũng giúp thay đổi cơ cấu dân số của các thành phố đang đối mặt với tình trạng dân số già. Kam Wing Chan, trường Đại học Washington, cảnh báo nếu không nới lỏng chế độ hộ khẩu để người nhập cư đến nhiều hơn thì vào năm 2050 Bắc Kinh sẽ có khoảng 47% dân số trên 65 tuổi.
Bảy năm trước, Trung Quốc đã hướng dẫn những thành phố dưới 1 triệu dân cấp đăng ký hộ khẩu cho bất cứ ai yêu cầu. [10]
Năm 2019, nước này đã bắt đầu kế hoạch xóa bỏ tất cả điều kiện về đăng ký hộ khẩu tại những thành phố từ 1 đến 3 triệu dân. [11] Những thành phố có từ 3 đến 5 triệu dân sẽ nới lỏng các hạn chế đối với người di cư mới, và xóa bỏ giới hạn đối với các nhóm dân cư chính, bao gồm sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng nghề.
Những thành phố lớn ở Trung Quốc, ngoại trừ Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng đã cho phép người di cư được dễ dàng đăng ký hộ khẩu qua bốn cách: đầu tư vào doanh nghiệp địa phương, mua nhà, có bằng cấp, hoặc có tay nghề cao. [12]
Theo trang tin CGTN của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, hiện tại, ở các siêu đô thị, bao gồm Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, chính quyền đã bắt đầu tạo ra một hệ thống đăng ký hộ khẩu mở dựa trên điểm số. [13] Điểm số được tính và cộng dồn dựa trên trình độ học vấn, việc làm, và thành tích.
CGTN cũng dẫn thông tin của Bộ Công an Trung Quốc cho biết khoảng 14 triệu người di cư và con cái của họ có thể hưởng các chế độ trợ cấp giáo dục khi di cư đến các đô thị.
Đến cuối năm 2019, cải cách chế độ hộ khẩu ở Trung Quốc đã giúp cho khoảng 100 triệu dân nông thôn ổn định chỗ ở tại thành thị. Dịch vụ công dựa trên giấy phép cư trú cũng đã được thiết lập.
Các cải cách về chế độ hộ khẩu ở Trung Quốc có tác động đáng kể hơn ở những thành phố lớn, theo nghiên cứu của Ren Zeping, được Economist dẫn lại. [14] Lý do là các thành phố nhỏ không đủ hấp dẫn để người di cư từ bỏ quyền lợi của họ ở quê nhà, đặc biệt là quyền lợi về đất đai.
Các quan chức Trung Quốc nhận thức được vấn đề này và đang cân nhắc hai giải pháp.
Thứ nhất, gỡ bỏ ổ khóa giữa hộ khẩu và đất đai, người di cư vẫn giữ được ruộng đất khi đăng ký thường trú ở thành thị. Tuy nhiên, đây là điều chính quyền không muốn vì đất đai nông thôn thuộc sở hữu làng xã và điều đó tốt cho lợi ích của nhà nước.
Thứ hai, chính phủ phải tích lũy nhiều tiền mặt hơn để đáp ứng đầy đủ dịch vụ cho người di cư dù ở bất cứ đâu. Đây cũng là đều không thực sự hấp dẫn với chính phủ.
Chế độ hộ khẩu Việt Nam từng khốc liệt như thế nào?
Theo nhà sử học Andrew Hardy, Việt Nam nhập khẩu chế độ hộ khẩu từ Trung Quốc. [15] Nếu Trung Quốc phát triển chế độ hộ khẩu (hu kou) vào những năm 1950 thì đến năm 1955, miền Bắc Việt Nam bắt đầu áp dụng mô hình này cho khu vực thành thị, đến năm 1960 thì nhân rộng ra khu vực nông thôn.
Giống như người láng giềng cộng sản với nỗi ám ảnh kiểm soát, mục tiêu ban đầu của chế độ hộ khẩu miền Bắc Việt Nam là để hạn chế các hoạt động phản cách mạng và tội phạm. Hộ khẩu là công cụ để giám sát an ninh nội địa, người ở nơi nào ở yên ở nơi đó để chính quyền tiện giám sát.
Bên cạnh chế độ hộ khẩu còn có lý lịch do Bộ Nội vụ quản lý (sau này đổi thành Bộ Công an). Đây là những cái nhãn dán vào những người bị cho là “có vấn đề” như con cái địa chủ, thành viên các đảng phái bị cấm, người từng làm việc cho Pháp, người có bà con di cư vào miền Nam, v.v. Họ là những người không thể làm việc cho cơ quan nhà nước, không được tiếp cận giáo dục, dịch vụ công ích của chế độ xã hội chủ nghĩa, và có thể gặp khó khăn khi đăng ký hộ khẩu.
Lý lịch kết hợp hộ khẩu trở thành một công cụ trừng phạt đáng sợ, nhất là vào thời kỳ bao cấp. Trước Đổi mới, theo Le Bach Duong, gần như mọi quyền công dân của một con người đều gắn liền với sổ hộ khẩu. [16] Những quyền lợi khác từ khẩu phần ăn, lít dầu ăn cho đến việc đăng ký danh sách chờ mua xe đạp đều phụ thuộc vào người quản lý lao động trong các xí nghiệp tập thể của nhà nước. Ở nông thôn, các quyền lợi về canh tác, đánh bắt, làm đồ thủ công trong các hợp tác xã cũng bị lệ thuộc như vậy.
Mặt khác, sổ hộ khẩu là công cụ để chính quyền lên kế hoạch sản xuất tập thể và phân phối hàng hóa. Người có sổ hộ khẩu là người được chính quyền công nhận là cư dân nơi đó và nhờ vậy mới có thể mua gạo, cho con cái đi học, tìm được việc làm, tiếp cận nhà ở, v.v.
Sổ hộ khẩu dưới thời bao cấp đồng nghĩa với sinh kế của cả gia đình. Một công an viên tỉnh Thái Bình mô tả với Andrew Hardy: “Nếu anh sống ở nơi mà không được đăng ký hộ khẩu, anh không thể làm ruộng (của hợp tác xã), anh không thể buôn bán, cũng không ai có thể thuê anh (thuê lao động trả công là bất hợp pháp), như vậy thì anh lấy cái gì để ăn?”.
Sau Đổi mới, chế độ hộ khẩu đã giảm bớt mức độ khắc nghiệt. Kinh tế tư nhân được chấp nhận, một người có thể làm thuê mà không cần phải có sổ hộ khẩu thường trú. Người dân bắt đầu được phép đăng ký tạm trú.
Trước Đổi mới, di cư, định danh và sinh kế là ba thứ gắn chặt với nhau. Sau Đổi mới, sổ hộ khẩu chỉ còn hai tác dụng chính là định danh (liên quan đến an ninh, sàng lọc những người làm việc cho cơ quan nhà nước, công an) và kiểm soát di cư.
Năm 2017, Jonathan De Luca, nhà nghiên cứu về sinh kế thành thị, cho rằng với quy mô di dân từ nông thôn ra thành thị của Việt Nam, chế độ hộ khẩu đã tạo ra một hệ thống dân cư hai tầng (two-tiered citizenship system). [17] Người di cư trở thành những cư dân hạng hai, không được hưởng đầy đủ quyền công dân, như tiếp cận dịch vụ thiết yếu. Sổ hộ khẩu hiện nay là đang rào cản gây nên bất bình đẳng ở các đô thị.