Con tàu tập kết và tình cảm thật thà

Thái Hạo

22-6-2021

Khi tôi đăng bài “Thanh Hóa xây tượng đài giữa cơn đại dịch”, bên cạnh nhiều ý kiến thể hiện sự phản ứng gay gắt, ý kiến không đồng tình và cả những lời than thở đối với công trình này thì cũng có những người điềm tĩnh nhìn vào tính thẩm mỹ và ý nghĩa nghệ thuật của nó.

Anh Hoàng Tuấn Công nhận xét rằng: “Mũi con tàu nhô lên như hàm cá mập khiến nhóm người đứng dưới mũi tàu trở nên nhỏ bé và mong manh; sợi dây neo khổng lồ khiến người ta liên tưởng đến xiềng xích. Những nhóm người đứng tản mát gợi nên một không khí buồn tẻ, rời rạc. Có phải vì tên tượng đài là “Con tàu tập kết” nên tác giả buộc phải lấy con tàu làm trung tâm chăng?”.

Tôi muốn bổ sung thêm về những “vô lý” hiển hiện ở tượng đài này. Hình ảnh con tàu đang đứng trên biển nhưng cả phía trước và phía sau tàu lại đều có người, cũng cùng đứng trên biển. Người đứng trước mũi tàu thì còn hiểu được, vì nó sát bờ, nước nông; nhưng đứng xung quanh phía sau là không thể chấp nhận được, vì chả lẽ họ có thuật khinh công như Tôn Ngộ Không, có thể đi lại trên mặt nước như trên đất liền?

Một điều khó lý giải nữa là, đám người đứng phía sau tàu là ai? Nếu họ là những người miền Nam tập kết ra Bắc thì vô lý, vì xuống tàu thì phải đi về phía đất liền, chứ sao sau khi xuống lại đi ra biển đứng? Còn nếu họ là những người miền Bắc ra đón đồng bào miền Nam thì lại càng kỳ cục hơn nữa. Đi đón người thì phải đứng trên bờ và ở phía trước chứ, sao đón mà lại đứng hết về phía sau để 4 người vừa vuống tàu phải đứng trơ trọi cô đơn như vậy? Không ai đón người kiểu đó cả. Nếu là chơi trốn tìm thì hợp lý, chứ đón tiếp thì không giải thích được bằng bất cứ lý thuyết nào!

Còn nếu biện minh rằng, con tàu đứng trên đất thì lại càng vô lý hơn nữa. Làm sao một con tàu thủy có thể “chạy” lên đất được? Mà rõ ràng, phía trước mũi tàu là những lọn song, thì con tàu ấy không thể nào lại là đang đứng trên mặt đất!

Tác phẩm nghệ thuật, dù có tính biểu trưng tới đâu đi nữa thì bao giờ cũng phải được neo lại bởi một (hoặc một số) hạt nhân thực tế, hợp lý, hợp quy luật chứ không thể tùy tiện được. Nghệ thuật phi lý thì hoàn toàn khác với cái vô lý. Phi Lý là một sáng tạo mang tầm nhân loại, nhưng vô lý thì buồn cười.

Tôi thử search trên google từ khóa “con tàu tập kết” thì thật bất ngờ, đã có một số công trình mang chủ đề này đã khánh thành và đang hiện diện rồi, như tượng đài tập kết ra Bắc tại Đồng Tháp, Bình định…, tất cả đều hoành tráng. Một điểm bất ngờ nữa là, các tượng này có nét na ná nhau về ý tưởng và hình khối, nhất là bức của Thanh Hóa và Bình Định. Sự giống nhau này nói lên rất nhiều điều, nó chứng tỏ sự thiếu sáng tạo và lặp lại nhàm chán.

Tôi viết những dòng này không phải để mong có một bản thiết kế khác hợp lý hơn, đẹp hơn mà là để nhấn mạnh một điều: khi quyết định xây một công trình quy mô tốn kém ghê gớm như vậy, nhưng dường như nó lại thiếu sự đầu tư về chất xám và tình cảm; hay nói cách khác là hời hợt.

Một tâm thế và thái độ như vậy thì không thể bao biện được cho những “ý nghĩa” mà người ta cố gán vào. Nhỏ thôi cũng được, nhỏ như tượng Chú chó Hachiko ở Nhật hay tượng Chú bé đứng tè ở Brussels, chúng không đáng mấy xu bạc cả, nhưng vì tình yêu thật thà mà người ta đã biến chúng thành những tượng đài thật sự của tình yêu, của lòng chung thủy và sự hồn nhiên đẹp đẽ vô ngần.

Mô hình tượng đài ở Thanh Hóa
Đài tập kết ra Bắc ở Qui Nhơn, Bình Định. Nguồn: Báo Thanh Hóa
Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Có sự khác biệt lớn
    Giữa hai con số này –
    Năm và Năm Trăm triệu
    Ở nước ta hiện nay.

    Người dân nghèo chết bệnh
    Không có tiền thuê xe,
    Giá thuê chừng Năm triệu,
    Đành phải chở xác về

    Như chở chó, chở lợn
    Trên xe máy Honda.
    Chuyện đau lòng có thật,
    Tỉnh miền núi Sơn La.

    Trong khi, sinh nhật bố,
    Quan lấy tiền của dân,
    Mừng quà Năm Trăm triệu.
    Mà chắc không một lần.

    Năm và Năm Trăm triệu
    Là một vực, một trời.
    Giữa bố quan, còn sống,
    Và dân, mới qua đời.

    Là sự thật đau nhói,
    Trần trụi và mốc meo.
    Giữa bọn quan tham nhũng
    Và những người dân nghèo.

    Là bản án chế độ
    Giả dối và vô lương.
    Một đất nước chết khát
    Vì thiếu tình yêu thương.

    Là một lời nhắc nhở
    Cho mỗi một chúng ta,
    Những người đang im lặng
    Trước thảm kịch nước nhà.

    PS
    Sơn La, tỉnh miền núi,
    Có băm sáu nghìn người
    Đang thuộc diện thiếu đói,
    Tức cũng chừng ấy người

    Có thể chết, và họ,
    Không đủ tiền thuê xe,
    Lại như chó và lợn,
    Được Honda chở về.

    Thế mà lạ, tỉnh ấy
    Quyết tâm xây tượng đài
    Một Nghìn Bốn Trăm tỉ,
    Để làm gì, cho ai? TBT

  2. Mục đích xây tượng đài là kiếm % bỏ túi, không cần chất lượng, không cần nghệ thuật, không cần có người đến xem. Chỉ cần %, càng nhiều càng tốt.

  3. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, những người Miền Nam trong cái gọi là Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã bị các đồng chí ở Miền Bắc vắt chanh bỏ vỏ. Người dân ở Miền Nam thì xem họ là bọn cõng rắn cắn gà nhà đưa chế độ cộng sản “hèn với giặc, ác với dân” vào đày đọa họ. Nhựng các đồng chí ở Bắc Hộ Phủ của đảng Cộng sản ở Hà Nội lại muốn giở chiêu trò mới để lường gạt các con dê tế thần sinh ra ở Miền Nam !

  4. Rất mừng bác Lường Tuấn Tú đã không còn xem chiện xây tượng là không cần thiết, mà đã chuyển qua đề tài thiết yếu hơn, đó là tính mỹ thuật của tác phẩm .

    Tớ thuộc loại ngu dốt về tất cả mọi thứ nên không dám lạm bàn về tính mỹ thuật của tác phẩm này, chỉ mún phản biện những lời chướng tai gai mắt gọi-là “phản biện”.

    Hoàng Tấn Công chuyên về ngôn ngữ, không nên đá lộn sân . Lòi cái không chuyên của mình . Các nhà chuyên môn của VN không nên tưởng tượng rằng hễ được-xem-là “trí thức” thì mâm nào mình cũng có thể xà vô được .

    Câu nói phản nghệ thuật nhất từ trước tới giờ, “Tác phẩm nghệ thuật, dù có tính biểu trưng tới đâu đi nữa thì bao giờ cũng phải được neo lại bởi một (hoặc một số) hạt nhân thực tế, hợp lý, hợp quy luật chứ không thể tùy tiện được”. May quá, Việt Nam hổng phải thía giới . Thui thì tớ kể chuyện thế giới . Nhân kỷ niệm 300 hay 500 năm thành lập tp Philadelphia, city committee đặt hàng Claes Oldenburg tạo 1 tác phẩm có thể gói gọn Philadelphia in a nutshell. Ngày khánh thành là 1 cái kẹp quần áo phơi khổng lồ ngay giữa trung tâm thành phố . May quá Mỹ không phải là Việt Nam . Album cover của Velvet Underground Lou Reed do Andy Warhol vẽ là 1 trái chuối, bản chính của nó đấu giá lên tới vài triệu đô .

    2 hào của tớ, chắc tại lớn lên quen mắt với nghệ thuật xã hội chủ nghĩa nên cứ hoành tráng là tớ thích . Tác phẩm này got my vote vì tính hoành tráng của nó .

    Nói vậy hổng có nghĩa tớ phá bĩnh, nhưng những chiện mỹ thuật, với những tay mơ hay rơi vào chủ quan & bàn loạn. Chiên da mỹ thuật đã duyệt rồi có nghĩa tác phẩm đạt yêu cầu mỹ/nghệ thuật trong con mắt của những nhà chiên môn . Những bàn loạn kiểu này chẳng khác gì bài thơ Vịnh Cái Chuông của Hồ Xuân Hương .
    _____

    Editor: Nhắc bác lần nữa, làm ơn viết đúng chính tả khi bình luận. Hy vọng không phải nhắc lại nữa. Xin cảm ơn.

Comments are closed.