Bài báo viết sớm

Nguyễn Trung Dân

19-6-2021

Nhà báo Nguyễn Trung Bảo, con trai nhà báo Nguyễn Trung Dân. Ảnh: Bizlive

Thân tặng cho những người làm báo mà tôi quen biết

“Nếu không có quyền NÓI thì ít ra cũng giữ được cái quyền KHÔNG NÓI những điều người ta BUỘC NÓI” – Nhà báo Huỳnh Thúc Kháng.

Ngày con tôi học xong chương trình sau đại học về ngành Báo chí ở Mỹ, tôi vội vã bay sang không chỉ để dự lễ tốt nghiệp mà để có lời khuyên con về định hướng công việc. Nếu đã quyết tâm chọn nghề báo thì nên nghĩ đến việc chọn một môi trường khác hơn, nóng bỏng và cần thiết hơn là chuyện về nước làm báo trong lúc này. Bởi với nhiều con đường, nhiều chân trời mà chỉ có một “lề phải” để đi, một không gian được định hướng chung thì quả như Trần Dần đã viết “Tiếc cho những chân trời không có đường bay. Lại tiếc cho những đường bay không có chân trời!”

Hơn thế nữa, qua tìm hiểu chúng tôi nhận ra rằng cộng đồng người Việt bên ấy rất cần có tiếng nói trung thực ở cả hai phía thắng hay thua. Công cuộc hoà giải, hoà hợp dân tộc quá cần những tiếng nói đúng đắn, chừng mực để xây dựng lại lòng người ly tán lúc này. Và ngay cả nước Mỹ, người Mỹ cũng cần hiểu được người Việt từ văn hoá, cách sống (tập quán) cho đến sự kết nối giữa hai (hay nhiều) nguồn văn hoá khác nhau đối với các thế hệ thứ ba, thứ tư thật là quá cần thiết. Rồi vết thương chiến tranh của người Mỹ ở Việt Nam vừa qua cũng cần được truyền thông quan tâm, giải toả …

Phần nào đó, tôi hiểu và không muốn con mình thất vọng, phải đối phó, chịu đựng bao điều mà người làm báo trong nước đang trải qua. Chọn nghề nghiệp sau khi đi học chính để chọn cho mình một tương lai gắn bó, dài lâu. Do bởi đời người ngắn ngủi, việc làm lại sau những ê chề, thất vọng chắn chắn không thể không để lại dấu ấn mà việc làm khác đi không dễ dàng thành công.

Thế nhưng con trai tôi vẫn chấp nhận trở về dù nhiều lời mời mọc dễ dàng cho sự ở lại hoặc đi những nơi nóng của nghề báo. Có lẽ nó nghĩ với trào lưu đổi mới, dân chủ mà cả nước đang vận động, đất nước cần có những cây bút tiên phong, cần có nhiều người nữa cùng nói lên những vấn đề cho đất nước phát triển. Hơn nữa, những biểu hiện ngày càng hung hăng, lấn chiếm của Trung Quốc khiến người Việt ai không lo âu, gắn bó trách nhiệm.

Vậy là trở về và để rồi, hơn ba năm lăn lộn nghề Báo, tiến thoái lưỡng nan, làm đủ thứ việc trong tờ báo để nhận ra một điều: Không phải định hướng, không phải lề trái hay phải mà chính nhân cách người làm báo mới đáng quan tâm, mới là vấn đề cần suy nghĩ cho sự nghiệp của đất nước hôm nay. Dù điều thấy trước, nay vẫn xảy ra như một quy luật cho sự tha hoá của con người.

Gần hai tuần, sau khi tôi gởi đơn kiện Sun Groups về việc đòi lại quyền đi lên Bà Nà và phải sửa chữa con đường này do SG làm hỏng. Nếu tính từ khi bắt đầu đặt vấn đề con đường Bà Nà thì đã hơn một tháng rưỡi – hơn 45 ngày – thì chỉ trên Facebook, có đến hơn chục ngàn người quan tâm nêu ý kiến. Còn lại với những người làm báo trong nước hầu như không có chuyện gì xảy ra ngoài hai tờ báo Người Đô Thị và Người Đưa Tin (đều là phụ bản có sức lan toả nhỏ) có nêu ra, hầu hết đều giữ sự “im lặng đáng sợ”. Tôi cũng không đánh giá quá cao sự kiện này để buộc ai quan tâm, nhưng với các cuộc điện thoại tới tấp của các phóng viên, những nhà báo không có chức quyền, ngay sau Đơn khởi kiện của tôi, cho tôi biết độ nóng, sự quan tâm có nghề của người làm báo.

Thế nhưng trên các báo chính thống thì hoàn toàn yên lặng hay chỉ một vài bài phản hồi theo kiểu “Là người Đà Nẵng nhưng tôi không đòi lại Bà Nà”. Vài thông tin, có lẽ cho lãnh đạo đọc, biến việc đòi sự công bằng cho cả hai doanh nghiệp, đòi sự công bằng về con đường đi đến Bà Nà không bằng cáp treo, thành việc đòi lại Bà Nà; ngăn trở sự phát triển Bà Nà, du lịch ĐN. Có bài báo biến tôi thành tên phá bĩnh, không làm gì mà chỉ biết phá rối người đầu tư giàu có là SG! Vậy là sao?

Có cả một cuộc vận động để mua sự yên lặng ấy! Hầu hết những phóng viên, những nhà báo không chức quyền đã gởi đến tôi lời xin lỗi đã không thể làm được vì cho dù bài đã viết, báo đã lên trang vẫn bị lột xuống. Có tờ báo kinh tế ở Sài Gòn mà tôi từng quý trọng nhân cách của người đứng đầu, nay anh đã mất, cũng cấm PV viết đăng điều gì liên quan đến SG, đến vụ kiện của tôi.

Có tờ báo mà tôi đã từng làm việc, đã nói thẳng là họ vì bao nhiêu tỷ đồng ký kết quảng cáo mà không thể tham gia được; vì đã cam kết với nhau bằng Hợp đồng! Tôi hiểu và còn khôi hài (hay bi hài) là vậy, tôi cũng giúp được cho các báo sống dở qua lúc khó khăn này. Hiểu và đau đớn cho một nghề nghiệp cao quý lại đến nông nỗi này. Ai quan tâm có thể cứ kiểm tra thử các Hợp đồng quảng cáo các báo có trong thời gian này chắc sẽ rút ra nhiều điều thú vị.

Tôi thử trích lại bài báo về một nhà báo nỗi tiếng ở đất nước ta, ông Huỳnh Thúc Kháng: “Một lần khác, có nhà thuốc ở Đà Nẵng gửi đến Toà soạn (Báo Tiếng Dân) một quảng cáo trong đó có chữ “cải tử hoàn sanh” Huỳnh Thúc Kháng liền ra lệnh gửi trả lại và kèm theo thư cho biết không thể đăng được vì “lời quảng cáo quá lố, không đúng sự thật”. Sau đó, nhà thuốc gởi lại y nguyên lời quảng cáo, yêu cầu Tòa soạn cho đăng và trả tiền gấp đôi, hay nhiều hơn nữa. Ông Huỳnh Thúc Kháng bèn nói với nhân viên phụ trách quảng cáo “báo của ta sỡ dĩ được nhân dân tín nhiệm là ở chỗ không bao giờ láo khoét. Nhà thuốc có trả tiền gấp mười cũng không đăng. Tiếng Dân vụ lòng tín nhiệm của nhân dân hơn tiền bạc. Cứ trả lại và nói thẳng như vậy.” (Trích “Làm báo kiểu Huỳnh Thúc Kháng” đăng trên Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 18/3/2011).

Vậy đó, dù xưa, dù nay, bản lĩnh người làm báo là ở chổ nhân cách của họ. Bởi với rất nhiều lý do, có thể không hay chưa nói được điều muốn nói thì cũng không nên nói những điều trái với lương tâm, lẽ phải. Còn nhớ trong cuộc Hội thảo các báo Miền Trung năm 1998 tại Phan Thiết, tôi lúc ấy là Phóng viên của báo Quảng Nam Đà Nẵng dự họp, chủ đề của cuộc hội thảo là (đại ý): Phải làm gì để Phóng viên tham gia vào việc chống tham nhũng, phục vụ sự nghiệp đổi mới mà TBT Nguyễn Văn Linh đang chủ trương.

Đã có nhiều ý kiến phấn khởi, đề xuất cho PV, cởi trói v.v… và v.v… Tôi xin được phát biểu, và trên diễn đàn ấy, tôi đã nói (còn văn bản lưu lại) là: đừng lo cho PV, hãy tạo điều kiện tốt nhất để họ hành nghề, còn thì nên lo đến các Tổng Biên Tập Báo, bởi có câu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” hãy chọn TBT tốt, có nhân cách, tự trọng để hành xử chức trách của họ. TBT thế nào sẽ có PV thế ấy!

Từ ngày ấy đến nay quả là một bước trượt dài. Từ các TBT được mọi người kính trọng, đến ngày nay Họ đang thể hiện như thế nào? Thật là “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Từ lâu, sau khi tự ý bỏ nghề báo, tôi vẫn quý trọng một nghề nghiệp mà con người luôn dũng cảm, phải cảm thấy sợ hãi trước tờ giấy trắng vì những điều mình sẽ viết ra đây. Nó nói lên nhân cách và chỉ với nhân cách xứng đáng làm NGƯỜI thì mới có thể làm BÁO. Nhưng giờ đây, tôi càng hiểu hèn hạ thì dễ, và người ta sẽ có được nhiều thứ, nhưng NHÂN CÁCH thì không bao giờ.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN


  1. Nhân ngày Nhà Báo: Thương kính nhớ các Nhà báo Tự do Phạm Đoan Trang – Phạm Thành – Phạm Chí Dũng Tâm bút dũng cảm
    **********************************

    Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
    Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

    Nguyễn Đình Chiểu

    Cứ nhìn chân dung nhà báo Hăng rô
    Đáng là nhà Báo bần bông ku Hồ
    Giời ạ tán phét đến cùng Sự Thật
    Mai Thưởng như mồm vẩu gần răng hô :
    Vườn hoa ấy như Vườn thượng uyển !
    Thần dân mất ruộng đất Tổ tiên mồ
    Kiếp chợ người đêm màn trời chiếu đất
    Thủ Thiêm đồng thuyền vạnh Thành Hồ !
    Bô xít Tây Nguyên Formosa Hà Tĩnh
    Trước mắt chẳng thấy hàng bạn báo nô !
    Chình ình trên đường đi đến tận cùng Chân Thật ?!
    Ôi nghiệp chướng kiếp bợ mông bưng bô !
    May thay cho Đồng bào Quê Hương vẫn còn đấy
    Nhà báo Tự do Phạm Đoan Trang dấn thân vô
    Phạm Thành – Phạm Chí Dũng Tâm bút dũng cảm
    Hận thay giờ Tù nhân Lương tâm vì Đại nghĩa Cơ đồ
    Hàng ngàn Tù nhân Lương tri khí phách trí dũng
    Đứng tấn giữ cho Tổ Quốc trường tồn thách thức Hư vô

    http://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

    • SỬA LẠI DO nhiều lỗi chính tả …

      Cứ nhìn chân dung nhà báo Hăng rô
      Đáng là nhà báo bần cố nông ku Hồ
      Giời ạ ! Gã tán phét đến cùng Sự Thật !
      Mai Thưởng như mồm vẩu gần răng hô :
      Vườn hoa ấy như Vườn thượng uyển !
      Thần dân mất ruộng đất Tổ tiên mồ
      Ngày kiếp chợ người đêm màn trời chiếu đất
      Thủ Thiêm đồng thuyền cạnh Thành Hồ !
      Bô xít Tây Nguyên Formosa Hà Tĩnh
      Trước mắt chúng chẳng thấy hàng vạn báo nô !
      Chình ình trên đường đi đến tận cùng Chân Thật ?!
      Ôi nghiệp chướng kiếp bợ mông bưng bô !
      May thay cho Đồng bào Quê Hương vẫn còn đấy
      Nhà báo Tự do Phạm Đoan Trang dấn thân vô
      Phạm Thành – Phạm Chí Dũng Tâm bút dũng cảm
      Hận thay giờ thành Tù nhân Lương tâm vì Đại nghĩa Cơ đồ
      Hàng ngàn Tù nhân Lương tri khí phách bi trí dũng
      Đứng tấn giữ cho Tổ Quốc trường tồn thách thức Hư vô

      http://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

      TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

  2. Không có gì chua xót
    Bằng chúng ta, ngươi dân,
    Nuôi công an, quân đội
    Để chúng đàn áp dân.

    Càng chua xót gấp bội,
    Được sinh ra làm người
    Mà ta không được nói,
    Được khóc và được cười.

    Chính xác hơn, được nói,
    Rất “dân chủ”, “tự do”,
    Kiểu con chim được hót
    Theo giọng của con bò.

    Nỗi sợ to lớn nhất
    Của chế độ độc tài
    Là khi ta, dân chúng,
    Không sợ bọn độc tài
    ….
    trích thơ Thái Bá Tân

  3. bởi vì tôi khao khát Tự Do

    nếu một ngày tôi phải vào tù,
    tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
    ở nơi đó tôi gặp những người ngay,
    ở nơi đó đồng loại tôi đang sống.

    nếu một ngày tôi phải vào tù,
    tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
    ở nơi đó giam giữ Tự do,
    giam giữ những trái tim khao khát Sống.

    nếu một ngày tôi phải vào tù,
    tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
    ở nơi đó giam giữ những nhà thơ,
    giam giữ kẻ ngủ hoang
    để thức tỉnh muôn đồng bào vô thức.

    bắt nhà thơ giam vào trong ngục tối,
    là mở ra ngàn thiên thể Tự do.
    bắt Tự do giam vào trong ngục tối,
    là mở ra ngàn thơ tứ Con người.

    nếu một ngày tôi phải vào tù,
    thì chắc chắn là nhà tù cộng sản,
    bởi vì tôi khao khát Tự do.

    Trích “Hãy Ngẩng Mặt” người thơ NĐK

  4. Nghe Con Thơ Tập Nói

    dưới ngọn giáo
    mang tên ý thức hệ,
    đất nước bị cầm tù

    ý thức hệ,
    đấu tố cha ông,
    bỏ tù mọt gông,
    bất cứ trái tim nào dám sống

    ý thức hệ độc tài,
    bội phản lẽ nhân sinh

    ý thức hệ,
    đẻ ra những điêu linh,
    biến bệnh họạn hóa ra lẽ thường tình
    người câm điếc hóa ra người biết sống
    quỳ gối, khom lưng ra kẻ ấy thiên tài

    đất nước tôi không còn thấy những hình hài,
    nói dõng dạc tiếng Con Người,
    thuở ấu thơ mẹ dạy.

    Tội đấy phần ai,
    ngoài mi,
    ý thức hệ độc tài.

    Trích tập thơ chính luận “Hãy Ngẩng Mặt” của người thơ Nguyễn Đắc Kiên.

  5. “Công cuộc hoà giải, hoà hợp dân tộc quá cần những tiếng nói đúng đắn, chừng mực để xây dựng lại lòng người ly tán lúc này”

    Bớt được người nào hay người đó

    “ngay cả nước Mỹ, người Mỹ cũng cần hiểu được người Việt từ văn hoá, cách sống (tập quán) cho đến sự kết nối giữa hai (hay nhiều) nguồn văn hoá khác nhau đối với các thế hệ thứ ba, thứ tư thật là quá cần thiết. Rồi vết thương chiến tranh của người Mỹ ở Việt Nam vừa qua cũng cần được truyền thông quan tâm, giải toả …”

    Trên thế giới này có bao nhiêu giống dân, thậm chí thổ dân, tất cả đều hiện diện ở nước Mỹ . Người Việt chỉ là 1 trong số đó . Nếu nước Mỹ “phải” làm điều ô Nguyễn Trung Dân muốn, ông muốn quẳng tất cả các giống dân đang hiện diện ở nước Mỹ đi đâu ? Hay đuổi hết họ về nước, chỉ để dân Việt mình ở lại ?

    “có thể không hay chưa nói được điều muốn nói thì cũng không nên nói những điều trái với lương tâm, lẽ phải”

    Rất đúng . Quan niệm “lương tâm & lẽ phải” của mình là gì thì mình không nên nói những điều trái với nó . Những gì bác đọc trên báo mà trái với “lương tâm & lẽ phải” của bác, không có nghĩa nó trái với “lương tâm, lẽ phải” của tác giả ạ . Đọc “lương tâm & lẽ phải” của (rất) nhiều tác giả trên này … thú thiệt, rất nhiều thứ hoàn toàn trái với những gì tớ xem là “lương tâm & lẽ phải”, nhưng biết thế nào được .

    “Nhưng giờ đây, tôi càng hiểu hèn hạ thì dễ, và người ta sẽ có được nhiều thứ, nhưng NHÂN CÁCH thì không bao giờ”

    Thế bác chưa bao giờ biện hộ cho sự “hèn hạ” của mình bằng những mỹ từ trên cả tuyệt vời ạ ? Tất nhiên, nếu bác thật sự tin vào nó thì không tính . Lúc đó bác đang “trung thực” vì nói đúng theo “lương tâm & lẽ phải” của riêng mình .

  6. Người ta đang rầm rộ kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam .
    Báo chí cách mạng Việt Nam khác với báo chí thế giới.
    Nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền phổ quát của nhân loại.
    Nền dân chủ XHCN khác với nền Tự do Dân chủ trên toàn cầu.
    Việt Nam mình nó thế.

Comments are closed.