22-5-2021
Năm ngoái bầu cử Mỹ, dân tình cãi nhau, thậm chí cạch mặt nhau kinh khủng. Riêng mình bị một ông nửa đêm nhắn vào inbox chửi “ông vô lương tâm với dân tộc” do mình cả gan phê phán ông Trump phát tán tin vịt.
Năm nay bầu cử Việt Nam, dân tình xem ra cũng có phần rôm rả, tất nhiên chủ yếu đi trong vạch an toàn – chẳng hạn bàn luận về mấy tin nhắn làm phiền này nọ; hay là kiểu chạy xe dọc phố để đọc tiểu sử ứng viên là không hiệu quả, lãng phí.
Thực ra, có nhiều điều đáng nói về bầu cử ở nước mình, bởi vì nó liên quan đến cuộc sống của chính mình.
Mình thấy có một vài điểm đáng nói sau:
1. BẦU CỬ LÀ QUYỀN
Theo luật pháp Việt Nam, bầu cử là QUYỀN. Mình nói điều này là dựa trên hai văn bản pháp luật: Hiến pháp 2013 và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 (Gọi tắt Luật Bầu cử).
Điều 27 Hiến pháp 2013 viết: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.”
Vậy luật định thế nào?
Điều 2 Luật Bầu cử quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.”
Đọc hiến pháp, ta sẽ bắt gặp hai nhóm QUYỀN và NGHĨA VỤ. Mình tạm liệt kê một số QUYỀN và NGHĨA VỤ theo ngôn ngữ dễ hiểu.
QUYỀN:
– Kết hôn, ly hôn
– Hội họp, biểu tình, tự do ngôn luận
– Tự do kinh doanh (những thứ hợp pháp, not mai thúy)
– Quyền bầu cử và ứng cử (khi đủ tuổi)
– Tự do đi lại
– Có nơi ở (hợp pháp)
– Theo đạo hoặc không theo đạo
NGHĨA VỤ:
– Nộp thuế
– Nghĩa vụ quân sự (đi bộ đội hoặc tham gia dân quân, tất nhiên ngôn ngữ luật pháp thì chặt chẽ hơn, ở đây mình diễn nôm cho gần gũi)
– Trung thành với Tổ quốc
Ngoài QUYỀN và NGHĨA VỤ thì có những thứ vừa là QUYỀN vừa là NGHĨA VỤ:
– Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập (Điều 39)
Theo lẽ thường (common sense) và theo luật pháp, QUYỀN là thứ bạn có thể làm mà không bị cản trở, có thể đòi hỏi nếu bị ai đó xâm phạm, cấm đoán, được pháp luật bảo hộ; ở mức cao hơn, bạn cũng được khuyến khích NÊN thực hiện quyền của mình. Tất nhiên, nếu bạn không muốn thực hiện quyền thì cũng không sao. Ví dụ: Đến tuổi theo luật định, bạn thích và đủ điều kiện thì kết hôn (và làm đúng thủ tục theo luật định), nhưng bạn không thích kết hôn, quyết ở giá suốt đời cũng chẳng ai ép, phạt.
QUYỀN có thể bị TƯỚC theo luật định trong một số trường hợp cụ thể (Ví dụ: một người đã bị kết án tù giam thì mất quyền bầu cử, mất quyền tự do cư trú, tự do đi lại).
NGHĨA VỤ lại khác, đó là thứ bạn PHẢI làm, không thích cũng phải làm. Khi cố tình né tránh là bạn phạm pháp. Ví dụ: Trốn thuế, trốn nghĩa vụ quân sự là phạm pháp.
Còn học tập là QUYỀN thì dễ hiểu: bạn có thể đi học đại học hoặc bỏ ngang về quê làm ruộng; nhưng trong nhiều trường hợp, học hành là bắt buộc, là NGHĨA VỤ (Luật Giáo dục 2019 có quy định về giáo dục bắt buộc, chẳng hạn đối với cấp tiểu học).
Như vậy, theo quy định của Hiến pháp 2013 và các luật liên quan, bầu cử là QUYỀN. Là QUYỀN nên bạn (là cử tri) có thể thực hiện, đòi hỏi được thực hiện; nếu bị cản trở, cấm đoán, bạn có thể khiếu nại (và bản thân cái hành động khiếu nại cũng là một QUYỀN hiến định).
Khi alo điện thoại trong mấy ngày nay, trước đoạn nhạc chuông các bạn thường nghe câu: “Hội đồng Bầu cử Quốc gia ĐỀ NGHỊ cử tri cả nước đi bầu cử…” Câu này đúng tinh thần hiến pháp và pháp luật, đó là “đề nghị” – tức khuyến khích, kêu gọi – chứ không phải “yêu cầu” – một mệnh lệnh bắt buộc.
Như mình nói ở trên, QUYỀN là điều không bắt buộc thực hiện, nhưng nên thực hiện. Bỏ phiếu bằng tay là một trong nhiều phương cách để tạo ra thay đổi cho xã hội, nên mình nghĩ là nên thực hiện (một số hình thức khác là bỏ phiếu bằng chân – dĩ cước đầu phiếu, bỏ phiếu bằng tiền – mình sẽ nói trong dịp khác).
2. MÌNH SẼ BẦU CHO AI và TẠI SAO?
Thú thực, đến bây giờ, đơn vị bầu cử ở chỗ mình gồm những ai ứng cử, mình mới biết loáng thoáng. Còn chương trình hành động của họ ra sao, mình tuyệt nhiên mù.
Là một cử tri vùng Nam Sài Gòn – Quận 7, Nhà Bè – mình mong muốn trước hết là các đại biểu (HĐND và Quốc hội) mà mình bầu sẽ đại diện cho mình, nói lên tiếng nói của mình, phục vụ trước hết cho các lợi ích ở khu vực mình sống.
Đại biểu Quốc hội của mình có thể lo chuyện môi trường ở Tây Nguyên, chuyện lập đặc khu ở Đông Bắc Bộ, chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông… (tất cả những chuyện quốc gia đại sự đó cũng nằm trong phạm vi quan tâm, ưu tiên của mình và cũng phục vụ lợi ích của mình), nhưng trước tiên, vị ấy phải hiểu những vấn đề của dân Quận 7, Nhà Bè và phải tìm cách giải quyết chúng.
Chẳng hạn, là dân quận 7, mình quan tâm tới một số vấn đề sau:
a. Tình trạng ngập nước do triều cường và do mưa tại nhiều nơi: Làm sao để hạn chế những tác động xấu tới cuộc sống người dân?
b. Giao thông: đặc biệt là đi từ quận 7 lên trung tâm thành phố, làm sao để tránh được những nút thắt cổ chai kiểu như tại cầu Kênh Tẻ. Xa hơn, lộ trình nào để Quận 7 có thể “hòa mạng” vào hệ thống đường sắt đô thị đang dần hình thành của thành phố. Thêm vào đó là những trắc trở của giao thông hướng xuống Cần Giờ hoặc sang Đồng Nai (theo hướng phà Cát Lái), giải pháp là gì.
c. Quy hoạch: Quận 7, Nhà Bè là khu vực đô thị hóa rất mãnh liệt, với chung cư, khu đô thị mọc lên như nấm. Điều này tạo nên sức ép lên giao thông, không gian sống, môi trường sống, thoát nước, các dịch vụ y tế, giáo dục… Việc lấp hết hồ ao, đầm lầy ở Quận 7 để xây nhà trong quá khứ đã cho thấy nhiều hệ lụy. Vậy thì điều này được điều chỉnh trong thời gian tới như thế nào?
d. Lấn biển Cần Giờ và hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ: Có thực hiện lấn biển Cần Giờ không (đại biểu có ủng hộ không)? Đánh giá tác động môi trường thế nào? Làm sao bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ?
e. Nhiều vấn đề khác không kém phần quan trọng, chẳng hạn như nạn karaoke xóm gây ồn ào, thái độ của nhân viên công quyền (thủ tục hành chính hiện đã được cải cách rất tốt, nhưng bộ mặt của nó, là những người tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, thì cái thái độ ban phát vẫn rất phổ biến), tham nhũng…
f. Luật Biểu tình? Luật Đặc khu? Các dự án luật về môi trường, báo chí, ngôn luận, truyền thông, quảng cáo…? Nếu đắc cử ĐBQH, ông/bà sẽ làm gì và có lập trường như thế nào đối với các dự luật hoặc các vấn đề này?
g. Các vấn đề quốc gia đại sự khác
Theo ưu tiên của mình, trách nhiệm của vị đại diện dân cử tại đơn vị bầu cử của mình là phải hiểu các vấn đề trên và cần tham gia vào việc xây dựng giải pháp để giải quyết các vấn đề đó?
Rất tiếc là đến giờ, chỉ còn hơn một ngày nữa là đến lúc bỏ phiếu, mình đã cố gắng tìm kiếm hồ sơ mấy vị ứng viên HĐND và QH ở đơn vị mình, vẫn chịu không tìm ra ai có một chương trình hành động “hơi chạm” (mình chỉ dám nói “hơi” thôi) tới các băn khoăn của mình.
Thế nên, mình vẫn chưa biết bầu cho ai.
Ứng cử viên duy nhất ở đơn vị bầu cử Quận 7 mà mình biết sơ sơ qua tìm hiểu lẫn ngoài đời là ông Trần Lưu Quang, cựu Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Ông Quang là nhân vật thú vị, cả khía cạnh con người lẫn chính trị gia. Ông có tính cách cởi mở kiểu Nam Bộ, không đạo mạo, quan cách.
Hồi còn làm ở Tây Ninh, khi đãi cơm tối bạn bè tại văn phòng Tỉnh ủy, ông thỉnh thoảng kêu nhóm đờn ca tài tử vào căn tin và trong lúc mọi người ăn uống rôm rả thì ông cầm mic làm vài bài mùi mẫn, ngon ơ.
Ông cũng là người đã tạo nhiều dấu ấn cho Tây Ninh, trong hoàn cảnh tỉnh này bị tụt hậu so với các tỉnh láng giềng như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP.HCM trong thu hút đầu tư, mở khu công nghiệp. Ông ví von rất thú vị, rằng mỗi lần đi công tác các tỉnh lân cận về, ông mệt ngủ thiếp đi trên xe, nhưng đến địa phận Tây Ninh là ông đều thức dậy vì đường xấu, xe dằn xóc.
Ông chấp nhận đưa sáng kiến dạy tiếng Anh của các bạn trẻ vào trường học, và vào chính cơ quan ông, sau khi chính sáng kiến ấy bị từ chối ở nhiều tỉnh thành từ bắc chí nam. Có lần mình lên Tây Ninh dự sự kiện ông Quang mời ông Hùng “Việt teo” về nói chuyện trước mấy trăm cán bộ từ xã đến tỉnh và chính ông làm host chương trình, đưa ra nhiều câu hỏi gợi mở, thú vị. Tóm lại, ông vừa là một quan chức, vừa là một con người rất sinh động, chứ không phải như ai kia chỉ có chủ trương, đường lối, quán triệt.
Lúc về TP.HCM, có lẽ trong bối cảnh lò lửa đang cháy hừng hực, Thủ Thiêm chấn động, thời gian làm việc ngắn, lại là cấp phó của ông Nhân, ông Quang không có cơ hội thể hiện gì nên mình chẳng biết ông ấy có làm được gì hay không.
Vấn đề là, ông Quang, bất chấp là một gương mặt rất thú vị và đặc sắc, có thể phân thân ra để vừa lo cho Hải Phòng, nơi ông làm bí thư, vừa lo cho những nguyện vọng của người dân Nam Sài Gòn được hay không? Mình sẽ tìm hiểu thêm trước khi quyết định. Nhưng sao cương lĩnh tranh cử bên Mỹ còn dễ tìm, trong khi bên hông Chợ Lớn này khó tìm quá.
3. MÌNH SẼ BỎ PHIẾU NHƯ THẾ NÀO?
Nếu đi bỏ phiếu, mình sẽ mang theo một cây viết bi hoặc viết mực, loại không thể tẩy xóa được. Mang theo viết của mình cũng là để tránh tiếp xúc, dùng chung các cây viết ở đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Về thực hiện quyền bầu cử, ngoài đọc Hiến pháp và Luật Bầu cử ra, mình đọc thêm Thông tư 01/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Mình để ý Điều 11 có quy định:
“6. Phiếu bầu hợp lệ, phiếu bầu không hợp lệ và cách tính tỷ lệ phiếu bầu
a) Phiếu hợp lệ là phiếu bầu đủ số lượng đại biểu hoặc bầu ít hơn số lượng đại biểu được bầu theo quy định; phiếu do Tổ bầu cử phát ra;
b) Phiếu không hợp lệ là phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra; phiếu không có dấu của Tổ bầu cử; phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử; phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.”
Nghĩa là: Nếu đơn vị bầu cử của mình có 5 ứng viên để chọn ra 3 người đắc cử, thì phiếu bầu của mình sẽ hợp lệ khi: Gạch tên tối thiểu 2 người và tối đa 4 người.
Phiếu sẽ không hợp lệ nếu gạch hết tất cả (tức không chọn ai hết), hoặc chọn quá số người cần bầu (gạch tên dưới 2 người).
Trong quá khứ, mình từng đi bầu và thấy nhân viên ở đó hướng dẫn cử tri “gạch 2, chừa 3”. Hướng dẫn như thế là sai. Như mình nói ở trên, thực ra (đối với nơi cử 5 bầu 3 như chỗ mình), có thể gạch 2, 3 hoặc 4 cũng được, miễn là không gạch hết trơn hoặc gạch ít hơn 2.
Rất tiếc thông tư mới nhất của Bộ Nội vụ không quy định cụ thể loại viết/bút sử dụng để gạch phiếu. Theo mình, cần quy định sử dụng viết mực hoặc các loại viết bi, cấm sử dụng viết sáp hoặc viết chì vì dễ tẩy xóa.
Đi bầu thay cho người khác pháp là phạm luật đó bà con. Hoặc là bạn trực tiếp đi bầu, nếu không đi được thì thôi, nhờ người khác bỏ phiếu thay là phạm luật, chưa kể bị ông gì đó chửi là “vô trách nhiệm với bản thân, đất nước”.
tình cờ tôi nghe được ‘quan điểm’ của một bạn (không quen biết) về “nguyên tắc” bỏ phiếu của riêng bạn ý, xin được chia xẻ với tác giả:
1. Bạn ý sẽ gạch hết TÊN của các ứng cử viên hiện đang là những quan chức chính phủ: đảm bảo nguyên tắc luật pháp tách ra khỏi hành pháp ….!
2. Bạn ý sẽ gạch hết các ứng viên hiện đang còn công tác bên công an, bên quân đội (nhưng lại bầu cho những trường hợp đã giải ngủ được một số năm nhất định), để đảm bảo nguyên tắc: quân sự phục tùng dân sự. bảo đảm sự ổn định của đất nước!
BẠN Ý SẼ BẦU cho các vị luật sư, người hoạt động xã hội, thế hệ trẻ, nhà báo … có uy tín, có hiểu biết và có năng lực thông qua những hoạt động xã hội ở chính nơi họ sinh sống …
Bài Viết rất chi tiết, thấu đáo, bổ ích và được dựa trên nền tảng pháp luật! Người viết thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với dân, với đất nước! Hy vọng, bài viết này sẽ không những giúp bà con hiểu thêm về luật pháp, về nghĩa vụ, đồng thời nắm rõ ‘QUYỀN’ được chọn người đại diện mà còn biến ngày bầu cử trở thành ngày “HỘI” đúng nghĩa!
Cá nhân tôi sẽ quan tâm tới những vấn đề như: Giao thông ùn tắc, xử lí rác thải, bảo vệ cây xanh, hiện tượng xã hội đen được tự tung tự tác ngay giữa trung tâm Thủ đô (nạn số đề và những đứa chơi số đề nhưng cha mẹ và người thân của người chơi số đề bị khủng bố ….), karaoke ầm ĩ trong đêm khuya, loa truyền thanh công cộng ra rả khi trời mới mờ sáng … cách “gõ cửa từng nhà xin tiền mặt khi làm tử thiện” sẽ phải được thay đổi để việc làm từ thiện trả về đúng vị trí, đúng ý nghĩa của từ “thiện nguyện” …. Cám ơn Đỗ Hùng. Chúc sức khỏe!
Ông này chắc bị cái bệnh “mơ mộng, lãng mạn” không đúng chỗ ! Đi bầu ở xứ cộng sản mà ông mơ mình đang sống ở bên Pháp, bên Mỹ…!
Bầu cử ở nhà nước CHXHCN/VC ông chỉ cần làm sao cho xong “bổn phận”, không sợ bị hoạnh hoẹ, làm khó dễ sau khi bầu cử.
Ai sẽ trúng cử, hay bao nhiêu người trúng cử cũng vậy thôi, biết làm chi cho mệt cái… đầu ?!
Bầu cử nước đảng là ngày hụi của toàn dân. Nó thể hiện sự gắn kết bền vững giữa nguyện vọng của toàn dân với ý chí của đảng. Nào nào hãy xuống giường, hồ hởi phấn khởi ra đường tụ tập bỏ phiếu nào. Nào nào. Máy bác trí thức cần làm gương nhé.
Hẹn gặp lại sau bỏ phiếu, tại bờ Hồ làm vài vại bia ít dồi chó, đậu hũ mắm tôm để tăng thêm khí thế ngày bầu cử.
Trước hết rất vui vì trí thức nhà mềnh cũng nhiệt tình đóng góp vào những chiện mị dân, lộn, zui của Đảng . Trí thức phải thía chớ!
“Hồi còn làm ở Tây Ninh, khi đãi cơm tối bạn bè tại văn phòng Tỉnh ủy, ông thỉnh thoảng kêu nhóm đờn ca tài tử vào căn tin và trong lúc mọi người ăn uống rôm rả thì ông cầm mic làm vài bài mùi mẫn, ngon ơ”
There goes yo hope zìa chiện karaoke.
“Mang theo viết của mình cũng là để tránh tiếp xúc, dùng chung các cây viết ở đó làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19”
Rất đúng . Phiếu bầu, phòng bầu cử, bàn bầu cử … đều … no star where.
“Mình sẽ tìm hiểu thêm trước khi quyết định”
Rất đúng . Cần tìm hiểu, đừng có bầu đại như hồi đó nhà tớ làm .
May i suggest, đừng bầu cho ô Chủ tịch hờ … hờ, haha, hihi.