Nạn sùng bái CEO: Trường hợp Elon Musk, Jack Ma và những mặt trái

Nghiên cứu Quốc tế

Biên dịch: Trần Hùng

14-5-2021

Tôi đã trở thành một biểu tượng, kẻ hủy diệt những tên bán khống.” Dòng tweet gần đây của Elon Musk mang giọng điệu của một đấng cứu thế khiến các môn đệ của ông cảm thấy thích thú. Những diễn biến trong tháng 1/2021 đã thúc đẩy sự sùng bái đối với doanh nhân này. Câu chuyện GameStop đã mang lại cho Musk một kho đạn trong trận chiến dài hơi với những kẻ bán khống, đồng thời định vị ông như một người bảo trợ cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tấn công Phố Wall.

Tuần này, người hâm mộ ông đã bị mê hoặc bởi thông báo rằng công ty sản xuất ô tô điện của Musk, Tesla, đã đầu tư 1,5 tỷ đô la vào bitcoin và sẽ bắt đầu chấp nhận tiền điện tử như một hình thức thanh toán. Trước đó, một loạt các dòng tweet đầy tôn trọng từ Musk dành cho dogecoin (mà ông gọi là “tiền điện tử nhân dân”) đã khiến các nhà đầu tư nghiêm túc tranh nhau tìm hiểu thêm về một loại tiền kỹ thuật số vốn có khởi đầu như một trò đùa.

Sự hài hước bá đạo là một dấu ấn của Musk, nhưng tác động từ những lời nói của ông không phải là chuyện đùa. Chúng có thể dẫn tới những trận dẫm đạp bầy đàn. Thông báo về bitcoin của Musk đã đẩy nó lên một tầm cao mới. Giá trị thị trường của Tesla trong một thời gian ngắn đã tăng lên trên 830 tỷ đô la, gần mức đỉnh của nó.

Lịch sử kinh doanh của công ty này đầy rẫy nhưng lời hứa to tát nhưng trống rỗng, nhưng như Peter Atwater, một nhà tâm lý học xã hội, chỉ ra, không ai sánh được với Musk về số lượng những thứ mà ông đã giúp trở nên nóng bỏng tay, từ ô tô và tiền điện tử, đến du lịch vũ trụ và Clubhouse, một ứng dụng phát thanh podcast nơi ông đã lên sóng. Điều đó dẫn tới hai câu hỏi. Điều gì khiến lời nói của Musk cuốn hút nhiều người đến vậy? Và đâu là các ưu nhược điểm của việc trở thành một CEO được đám đông sùng bái?

Các doanh nhân thành công thường có nhiều mức độ nổi tiếng khác nhau. Một nhóm trong số đó bao gồm các giám đốc điều hành của các công ty lớn, những người tuy có sức hút nhưng lại không thể truyền cảm hứng cho những người hâm mộ cuồng nhiệt. Jeff Bezos, ông chủ sắp mãn nhiệm của Amazon, có được sự ngưỡng mộ từ Phố Wall và gây ra sự ghen tị ở các văn phòng công ty khác, nhưng lại quá kiềm chế nên không thể cuốn hút những đám đông người hâm mộ. Tương tự, trong 20 năm điều hành hãng GE, Jack Welch đã nổi tiếng (nhưng gần đây gây tranh cãi) vì sự thành công rực rỡ của mình, nhưng ông lại quá “máu lạnh” để có thể làm quần chúng đê mê.

Nhóm thứ hai bao gồm các tài phiệt đạt được địa vị sùng bái cá nhân nhưng các doanh nghiệp của họ thì không phải như vậy. Thương hiệu của họ thường là sự tự lăng xê một cách vô liêm sỉ. Richard Branson đã dành nhiều thập niên xây dựng hình ảnh như một tên cướp biển kiêm hippy trong giới doanh nhân, đồng thời thách thức những doanh nhân tự mãn trong các ngành từ hàng không cho đến tài chính. Còn Donald Trump thì tự coi mình là một dealmaker siêu đẳng. Cả hai đều có vô số người hâm mộ tròn mắt đi theo. Nhưng họ đều không xây dựng được một doanh nghiệp nào có giá trị gần 10 tỷ đô la hoặc có được sự ổn định lâu dài.

Nhóm thứ ba hiếm hơn: đó là những người xây dựng được cả một địa vị sùng bái cá nhân lẫn những doanh nghiệp khổng lồ. Tham gia cùng ông Musk trong câu lạc bộ này còn có Jack Ma, người sáng lập Alibaba, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc. Hàng triệu sinh viên đại học Trung Quốc và các doanh nhân khác đã đi theo hình ảnh mà Ma gây dựng, một thầy giáo xuất thân khiêm tốn trở thành một người khổng lồ công nghệ lẫn nhà từ thiện với một nền tảng văn hóa tuyệt vời (ông từng xuất hiện trong vai một cao thủ Thái cực quyền trong một bộ phim võ thuật). Sự ngưỡng mộ đối với Ma gần đến mức tự sùng bái trong tôn giáo. Hồi năm 2015, một nhóm người kinh doanh trực tuyến đã tạo ra một đền thờ ông Ma với hi vọng mang lại may mắn cho họ trong “ngày độc thân”, một lễ hội mua sắm điện tử.

Musk và Ma đang đi trên con đường được khởi tạo bởi một huyền thoại kinh doanh Ấn Độ: Dhirubhai Ambani, người đã sáng lập Reliance Industries, một tập đoàn đa ngành từ hóa dầu đến viễn thông. Là con trai của một giáo viên nông thôn và ban đầu làm nghề buôn bán sợi polyester, Ambani đã đi tiên phong trên con đường xây dựng sự sùng bái cá nhân để gọi vốn trong giới doanh nhân.

Bí quyết của ông, ở một đất nước nơi các công ty lâu nay chủ yếu dựa vào ngân hàng để cấp vốn, là khai phá tiềm năng chưa được khai thác ở phía dưới đáy kim tự tháp. Ông đã đi vòng quanh Ấn Độ, thuyết phục những người tiết kiệm thuộc tầng lớp trung lưu rằng họ cũng có thể gia nhập tầng lớp tư bản. Khi Reliance trở thành công ty đại chúng năm 1977, nó đã thu hút được 58.000 người đặt mua cổ phần. Các cổ đông mà ông thu hút đã rất thành công: giá cổ phiếu đã tăng 275.000% kể từ khi lên sàn. Khi 30.000 người trong số họ đến bày tỏ lòng biết ơn tại một cuộc họp đại hội đồng cổ đông, cuộc họp đã được dời đến một công viên. Ngày nay, chỉ có Warren Buffett mới thu hút được những đám đông người hâm mộ lớn như vậy (đúng hơn là trước khi Covid-19 nổ ra).

Địa vị sùng bái cá nhân mang lại các đặc quyền. Vốn sẽ rẻ hơn khi những người mua cổ phiếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhiệt thành, không phải các nhà đầu tư tổ chức cứng đầu. Các nhà đầu tư nhỏ cũng kiên nhẫn hơn, chú ý đến những lời kêu gọi “giữ vững niềm tin” trong thời gian đầu tư không có lợi nhuận. Chi phí tiếp thị thì thấp; Musk có thể sử dụng mạng xã hội để đánh bóng thương hiệu của mình (và của Tesla) mà không mất chi phí nào. Người hâm mộ sẵn sàng bỏ qua những sai sót mà những người tiêu dùng không có thiện cảm hơn sẽ không làm được. Chất lượng ô tô của Tesla hầu như không đạt được đẳng cấp thế giới và các cơ quan quản lý, gần đây nhất là ở Trung Quốc, thường xuyên nêu lên những lo ngại.

Tuy nhiên, khó có thể thấy điều đó được phản ánh trong doanh số bán hàng hoặc giá cổ phiếu của công ty. Cuối cùng, cuốn hút đám đông cũng đi kèm ảnh hưởng chính trị Sự nổi tiếng của Ambani đã giúp ông bẻ cong chính sách thương mại của Ấn Độ theo hướng có lợi cho mình. Sự nổi tiếng của Musk cũng giúp giải thích cho sự đối xử mềm mỏng của các chính phủ và cơ quan quản lý đối với các dòng tweet nổi loạn của ông hay việc Tesla vẫn mở cửa nhà máy giữa đại dịch.

Nhưng sự kết hợp giữa sức mạnh ngôi sao và quy mô doanh nghiệp không phải là không đi kèm rủi ro. Musk đã tạo dựng danh tiếng của mình như vị thần David, người thúc đẩy các cuộc nổi dậy chống lại giới tinh hoa ở Detroit và Phố Wall. Nhưng giờ ông đã thành Goliath: người giàu nhất thế giới điều hành hãng sản xuất ô tô giá trị nhất. Đóng cả hai vai trò là một trò chơi nguy hiểm. Điều này càng đúng khi nhân vật còn trở thành một biểu tượng văn hóa, điều khiến họ dễ bị tổn thương hơn khi khẩu vị xã hội thay đổi — và khẩu vị đó có thể thay đổi trong tích tắc trên không gian mạng.

Tiền mình mình lo, đừng chi cho thần tượng

Tình cảm có thể thay đổi nếu những đám đông sùng đạo bắt đầu nghi ngờ việc thần tượng có quan tâm tới lợi ích của họ hay không. Ambani đã có thể xua tan các cáo buộc liên tục về thao túng tài chính; ông đã đánh bại những người bán khống với sự giúp đỡ từ một nhóm các nhà môi giới được gọi là “Những người bạn của Reliance”. Ông Musk có thể không may mắn như vậy. Những người hâm mộ tranh nhau mua cổ phiếu GameStop sau lời hiệu triệu ủng hộ Gamestop của Musk vào ngày 26 tháng 1 đã mua ngay gần đỉnh. Những thảo luận gần đây về tiền điện tử của Musk có vẻ là nhằm phục vụ các động thái mua bán bitcoin của Tesla.

Cuối cùng, lợi thế chính trị có thể trở thành một gánh nặng. Chỉ cần hỏi ông Ma thì biết, khi ông đã đánh giá quá cao quyền lực của mình và công khai chỉ trích các nhà quản lý Trung Quốc vào năm ngoái. Không hài lòng, Bắc Kinh đã chặn kế hoạch niêm yết Ant, công ty con về tài chính của Alibaba, và buộc nó phải tái cơ cấu. Tham gia vào hàng ngũ các CEO thần thánh có thể giảm chi phí vốn. Nhưng nó cũng làm tăng chi phí của các tính toán sai lầm.

Nguồn: “The cult of an Elon Musk or a Jack Ma has its perks—but also perils”, The Economist, 10/02/2021.

Bình Luận từ Facebook