4-5-2021
Có một di sản Thủ tướng ký ảnh hưởng đến cả triệu người!
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới lên nên chưa có di sản. Người viết nói về di sản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cụ thể là Nghị định 09 về quản lý vật liệu xây dựng được ông ấy ký vào đầu tháng 2/2021, trước khi rời ghế Thủ tướng và được bầu lại làm Chủ tịch nước.
Đáng chú ý nhất là điều 5 của nghị định này với 3 khoản:
1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
2. Các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của nhà nước theo quy định pháp luật về đầu tư, pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan.
3. Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình hạn chế, xóa bỏ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Hãy nhìn bức tường đỏ xa xa trong bức ảnh của bài viết này. Mỗi ngày Việt Nam mất đất sét để làm gạch nung (màu đỏ đặc trưng) tương ứng với diện tích một xã. Không lầm đâu, diện tích trung bình của một xã, khoảng 1.000ha. Số diện tích này chủ yếu bị mất ở đất nông nghiệp và khi không có lớp đất sét giữ nước phí dưới, đất nông nghiệp thành đất chết. An ninh lương thực quốc gia bị đe doạ.
Khi đốt 1kg than đá sẽ phát thải ra môi trường khoảng 3.33-3.75kg CO2. Giá bán tín chỉ phát thải CER năm 2010 trung bình 10USD/CER(1 CER tương đương 1 tấn khí thải) hay nếu giảm đốt 1 kg than đá tương đương với việc tiết kiệm chi phí phát thải khí là 230×3.5= 770 (tính 1 usd =23.000 đồng). Một viên gạch đỏ cần khoảng 0.15kg than đá nghiền tương đương 120,75 đồng chi phí phát thải. Chi phí này chỉ có các đại gia làm gạch đỏ hưởng trọn còn nhân dân gánh tác hại của khói lò gạch.
Việt Nam xài 50 tỉ viên gạch năm 2020, 60% là gạch đỏ. Hãy lấy 30 tỉ viên gạch (60%) nhân với 120,75 đồng mới biết số tiền này đã không được nộp vào thuế và lợi nhuận ăn trực tiếp vào môi trường là bao nhiêu. Điều lạ lùng là xăng bị tính phí môi trường còn gạch đỏ thì không.
Một ví dụ tại Hà Tĩnh, với công suất 450 triệu viên/năm, mỗi năm, các nhà máy sản xuất gạch tuynel trên địa bàn phải sử dụng hơn 600.000 m3 đất sét, tiêu tốn hàng chục nghìn tấn than; đồng thời, thải ra môi trường một khối lượng lớn khí CO2. Lượng khí CO2 thải ra môi trường khi gặp trời mưa sẽ tạo ra axit, gây ô nhiễm môi trường và tác động đến sức khỏe, tài sản của người dân. Tình hình chung cả nước cũng không khác gì Hà Tĩnh.
Tốc độ tăng trưởng cao, nhu cầu xây dựng cao và thói quen dùng gạch đỏ đã khiến môi trường Việt Nam bị tàn hại khủng khiếp. Một viên gạch đỏ ra đời dù đốt bằng than đá hay bằng gas đều tiêu tốn một lượng O2 lớn và nó góp phần vào nguy cơ không đạt chuẩn EST (Hệ thống thương mại khí thải Liên minh Châu Âu) để hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào EU. Không chỉ chuyện gạch đỏ mà bất cứ công nghệ lạc hậu nào cũng sẽ bị đào thải, đó là xu hướng.
Ví dụ việc Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ phương án bán điện mặt trời trực tiếp cho doanh nghiệp, hộ dân mà không qua đấu nối lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Điều này là hướng đúng để xoá thế độc quyền của EVN về kinh doanh điện. Ông Trần Tuấn Anh trước khi về Ban Kinh tế Trung ương đã thu hút rất nhiều dự án điện mặt trời (dư công suất điện mặt trời) và đầu ra chính là bán cho doanh nghiệp sản xuất lớn với giá rẻ hơn mà khỏi qua EVN. Hãy nghĩ xem EVN sẽ mất gì khi Samsung, Thaco, Vinamilk hay chính gia đình bạn xài điện rẻ hơn 20% giá điện EVN ban hành mà không cần tốn tiền đầu tư? Công nghệ hiện nay làm được đấy.
Trong phần tổng kết Chiến lược tăng trưởng xanh Quốc gia 2010-2020 và phần cập nhật 2021-2030 của Chính phủ, lần đầu tiên đã có sự dũng cảm khi thừa nhận sai lầm về phương pháp luận khi quán tính xả khí thải vô tội vạ không được kèm chế. Việt Nam đã ký EVFTA và Nghị định thư Paris về chống biến đổi khí hậu và việc càng xả nhiều cacbon (CO2) sẽ không đạt các quy định xuất khẩu không chỉ vào EU mà nhiều “thị trường xanh” khác. Sai lầm thì cần sửa!
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã nhìn ra hướng giải quyết cụ thể bằng việc xác định “lộ trình hạn chế, xóa bỏ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường”. Ông Phạm Minh Chính xác định bảo vệ môi trường là 1 trong 5 nội dung chiến lược điều hành khi nhậm chức Thủ tướng. Vấn đề này cần nhìn nhận sâu hơn câu chuyện 2 nhiệm kỳ mà là chuyện chế độ thay đổi phương thức vận hành để bảo vệ chính chế độ.
Sau đất đai, thứ gây ra khiếu nại/khiếu kiện/tố cáo nhiều nhất, là môi trường. Tranh chấp đai đã khiến an ninh trật tự đất nước bị ảnh hưởng với không ít vụ nổ súng, biểu tình thì đòi quyền sống về môi trường cũng chứng kiến biểu tình và bạo loạn.
Trong chừng mực thông tin tôi có, ít nhất 5 năm tới là 5 năm của các đại án môi trường. Những kẻ làm giàu trên sức khoẻ, sinh mệnh nhân dân phải nhận trả giá xứng đáng. Và tội phạm môi trường là loại tội phạm khó xoá dấu vết….
Đừng quên Thủ tướng đương nhiệm công tác an ninh tại Bộ Công an bao lâu…