Phóng sự: Đi tìm nhân vật trong bức ảnh lịch sử (Kỳ 2)

Saigon Nhỏ

Tuấn Khanh

1-5-2021

Tiếp theo kỳ 1

Câu chuyện hạ sĩ nhất Võ Phùng Dương chống nạng bước ra khỏi Tổng Y Viện VNCH hay bị hỏi là “sao biệt động quân mà mặc đồ bộ binh”. Tại ngôi nhà của mình ở Chơn Thành, Bình Phước, đúng buổi trưa 30 tháng Tư, đủ 46 năm kỷ niệm đó, ông Dương nhớ lại, cười ngất “Lúc đó bị chĩa súng đuổi ra, ai quơ được bộ đồ nào mặc được là lo bận đi ra, còn sợ tụi nó không vui bắn luôn nữa chớ”.

Hạ sĩ nhất, Biệt Động Quân VNCH, ông Võ Phùng Dương

Ông Dương về nhà, và lại trải qua 5 năm tù với cái chân cụt của mình. Do ông nghĩ mình là thương phế binh nên không cần tập trung làm gì, thế nhưng ông bị áp giải mang đi vì tội “ngoan cố không trình diện”. Lúc vào ở trại tù A20, ông có hỏi cán bộ là mình bị án bao lâu, viên cán bộ quản trại nhếch mép “20 hay 30 năm… tùy theo thái độ hối cải của các anh”.

Quay trở lại nhà vào cuối năm 1979, ông mới hay nhà của ông bị trưng thu, anh chị em, cả mẹ già… đều đi kinh tế mới ở Bình Phước. Hỏi ra mới biết là quân quản khu vực đến nói là nên đi kinh tế mới để ông được ra trại, bị giam 2 năm thôi. “Tụi nó gạt để lấy nhà, chứ chính tụi nó cũng không biết khi nào chú được thả về”, ông Dương kể.

Từ đó, ông Dương sống bằng nghề cạo mủ cao su cho một chủ đất. Công việc ngày qua ngày và được ông chủ thương, giúp cất cho cái nhà kề bên. Cuộc sống của ông Dương chọn Bình Phước làm chỗ trú thân, không muốn bị phiền nhiễu bởi thế sự nữa.

Dựng mộ cho đồng đội

Thế rồi một ngày khi không quá khó khăn, ông Dương chợt nhớ đến đồng đội của mình, đặc biệt là những người đã nằm lại ở Bình Long năm 1972. Ông gom góp tiền bạc và đi đến An Lộc, mua một rẻo đất nhỏ, đi bốc mộ, tìm hài cốt đồng đội theo trí nhớ… tập hợp về chung ở nơi mà ông gọi tên là nghĩa trang An Lộc.

Có cả thảy 81 ngôi mộ như vậy nằm ở đó, ông Dương chi tiết lập bản đồ, tên họ những ai còn ghi lại được để hy vọng sau này thân nhân tìm tới, dễ nhận ra hơn. Công việc của ông kéo dài từ năm 2012 đến năm 2013 thì hoàn thành tương đối. Công việc khởi đầu thì lặng lẽ nhưng sau đó thì có thêm người biết, cùng bắt tay nhảy vào tiếp sức với ông. Danh sách những quân nhân ở nghĩa trang này được ghi lại với nét chữ nắn nót: “Tui ít học lắm, không có giỏi chữ nghĩa đâu”.

“Tui nhớ trận đó dữ lắm, năm 1972 mà. Ác liệt vô cùng. Phải nói là đánh như xi-nê luôn”, ông Dương nói.

Theo Quân sử, An Lộc là địa bàn quân sự chiến lược tối quan trọng đối với Quân lực Việt Nam Cộng hòa vì đây là cửa ngõ Tây Bắc ngăn chận quân Bắc Việt tiến về thủ đô Sài Gòn sau khi quận lỵ Lộc Ninh rơi vào tay họ ngày 7 tháng 4 năm 1972.

Trận An Lộc là trận then chốt mà phía Hà Nội tin chắc là sẽ thắng, nên khi đó, bà Nguyễn Thị Bình, trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Giải phóng miền Nam (cờ nửa xanh nửa đỏ) mạnh miệng tuyên bố chỉ trong vòng 10 ngày nữa An Lộc sẽ là thủ đô của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chính vì vậy mà có đến 7 đợt tấn công (kể từ ngày 13-4) không ngừng phía Bắc, để cố chứng minh cho lời tuyên bố nói trên.

Thế nhưng, trong cuộc đánh chặn và đối diện cả hai đợt tấn công dữ dội của phía Bắc Việt phối hợp với Mặt trận Giải phóng miền Nam, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến thắng vẻ vang và tuyệt đối, trong đó, có sức trẻ của ông Dương, và sự hy sinh của nhiều bạn bè ông.

Quân sử ghi, phía cộng sản tấn công trực tiếp thị xã An Lộc có Sư đoàn 9, 2 trung đoàn pháo binh 28 và 42, 4 tiểu đoàn pháo phòng không và tiểu đoàn tăng thiết giáp 20, về sau tăng cường thêm tiểu đoàn tăng thiết giáp 21. Tham chiến ở vòng ngoài là Sư đoàn 5, 7 và Đoàn C30B. Kéo dài nhiều ngày, phía cộng sản thoái lui, chấp nhận thất bại. Dòng tin ngắn gửi về Hà Nội, sau này được tiết lộ, là “25 xe tăng thì đến 18 chiếc bị bắn cháy hoặc hư hại nặng”.

Trung tướng Nguyễn Văn Minh của Việt Nam Cộng hòa, khi tiếp xúc với báo chí tại Lai Khê ngày 31 tháng 5/1972 đã mô tả trận chiến này là trận đánh khó khăn nhất và dài nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Ông tuyên bố: “Cộng sản đã đạt được một lợi thế ngay từ đầu với quân số đông gấp bốn lần, và quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã phải chấp nhận khá nhiều tổn thất. Tuy nhiên, sau 54 ngày giao tranh, Cộng quân đã thiệt hại ít nhất là 30.000 bộ đội trong tổng số 4 sư đoàn. Mưu đồ của Cộng sản mong tiến đánh thủ đô Sài Gòn đã hoàn toàn bị chặn đứng tại An Lộc”.

Chính tay ông Dương chôn cất những đồng đội mình ở nơi vùng đất giao tranh đó. Thỉnh thoảng có người từ hải ngoại về tìm thân nhân của mình tại An Lộc, được ông Dương giúp đỡ, có ghi lại tin tức cám ơn hoặc nhắc về ông. Nhưng đó cũng là những lúc công an địa phương đến “làm việc” với ông về việc tập kết thành một nghĩa trang nhỏ như vậy. “Tụi nó rầy rà lắm, nhưng riết rồi chú cũng quen vì mình cũng làm một mình chứ có băng nhóm gì đâu, vả lại, chuyện đã lâu rồi”, ông Dương bồi hồi nhớ, “cũng may sao trời xui đất khiến khi đó mình làm, ít ai để ý, mà chính quyền địa phương cũng cho qua, chứ không biết bây giờ làm thì có được vậy không”.

Điều làm chúng tôi bất ngờ là câu chuyện cải táng 81 nấm mộ đồng đội đó của hạ sĩ nhất Võ Phùng Dương không phải là câu chuyện ông định kể, mà bất ngờ bật ra khi chúng tôi hỏi han về thời đi lính của ông, vào lúc chuẩn bị chia tay ra về.

“Tui thấy mình còn sống được, anh em thì chết hết rồi, nên thôi thì quy tập lại cùng nhau. Tình thương, tình đồng đội thôi mà, khi mấy ông công an hỏi, tui cũng chỉ biết nói như vậy”, ông Dương nói đến đây, là lúc giọng ông chùng xuống, buồn buồn. “Lúc sau này người thân của của các hài cốt đến quay phim, đưa lên mạng gì đó, nên công an biết, đến nói này nói nọ, kiếm chuyện với tui…”, ông bật cười, đời ông tới nay, 68 tuổi, vẫn chưa quen biết làm quen với mạng xã hội hay smartphone.

Chia tay chúng tôi, đưa ra tới tận cửa, ông bước đi với dáng khỏe mạnh và tự tin, dù một bên là chân gỗ. Người cựu quân nhân VNCH khiến chúng tôi, trên đường về, cứ im lặng suy nghĩ điều ông nói. Khi hỏi về tâm trạng của ông là một thương phế binh VNCH, và cũng bị nhà nước hiện thời đối xử với định kiến, liệu ông có mặc cảm là một kẻ thua trận không? Ông Dương bật cười lớn sảng khoái “Người ta đầu hàng chứ tụi tui có nói mình đầu hàng đâu? Không đầu hàng thì sao gọi là thua?”.

Bình Luận từ Facebook

8 BÌNH LUẬN

  1. Trong cuộc Nội chiến tương tàn cốt nhục trong Bối cảnh Chiến tranh Lạnh lại càng đau thương bất hạnh …Cả một Dân tộc THUA CUỘC nhất là THẤT TRẬN TOÀN DIỆN về mọi mặt PHẦN LỚN bên thắng cuộc ĐÃ CHÀ ĐẠP TÀN NHẪN bên thua cuộc CÒN TỆ HẠI TỒI TỆ hơn đội quân xâm lăng KHÔNG CÙNG MÁU MỦ RUỘT THỊT để hậu quả HƠN 2 THẾ HỆ mà vết thương vẫn chưa hàn gắn
    NHƯNG TRONG BỐI CẢNH bi thảm ẤY 1 TẤM LÒNG Hạ sĩ nhất BIỆT ĐỘNG QUÂN Võ Phùng Dương – MỘT
    LÒNG CHUNG THỦY THƯƠNG YÊU ĐỒNG ĐỘI đã nằm xuống vĩnh viễn trong LÒNG ĐẤT MẸ,

    Hạ sĩ nhất BIỆT ĐỘNG QUÂN Võ Phùng Dương TUYỆT ĐỐI thủy chung với LÝ TƯỞNG TỰ DO DÂN CHỦ và TRÁCH NHIỆM của Một Người Lính

    Theo tôi CẦN VINH DANH một Tâm hồn Cao thượng như
    Hạ sĩ nhất BIỆT ĐỘNG QUÂN Võ Phùng Dương – MỘT CHIẾN BINH VIỆT vượt Thời gian vào Việt Sử Vĩnh viễn

    http://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

  2. Xin ngả mủ kính chào. Anh là niềm vinh dự cùa Dân Tộc Giống nòi !

  3. Là một chiến sĩ trong QLVNCH. Sau khi đọc hai bài báo này, tôi cũng phải cúi đầu khâm phục anh Hạ Sĩ I Biệt Động Quân Võ Phùng Khoang, của Tiểu Đoàn 52 BĐQ. Cầu chúc anh sức khoẻ dồi dào, gặp nhiều măy mắn !

  4. Bốn mươi sáu năm đảng hồ chí minh vẫn là cái đảng đại bại, 46 năm một dân tộc vô phúc tự sống bằng cái đầu, sức lực và gánh cái tên NHÂN DÂN khốn nạn cho tham vọng của kẻ tâm thần.
    Nhân cách những thằng tướng cọng sản kể cả Giáp không thể bằng chiến sũ Biệt động quân Võ Phùng Dương.

  5. Thích nhất là câu nói cuối bài viết :  “Không đầu hàng thì sao gọi là thua ?” Câu nói chứa đầy hào khí ngất trời của người anh hùng…

  6. Không biết ông Dương nghĩ gì về miệng lưỡi leo lẻo hòa giải của cộng sản ?

    Với ông, chắc ta sẽ nhận được lời chia sẻ chân tình. Tôi tin là vậy.

Comments are closed.