25-4-2021
Đây là tài xế taxi, bị truy tố đồng phạm giúp sức “vận chuyển trái phép chất ma tuý”, bị CQĐT và VKS truy tố khung hình phạt tử hình. Ra toà, anh ấy khóc và kêu oan liên tục. Anh chia sẻ như sau, khi mới bị bắt công an đánh đập, dụ nói người khác đã khai ra anh. Trong tinh thần hoảng loạn, công an liên tục lấy lời khai cả ngày lẫn đêm. Anh gần như kiệt sức chỉ biết ký.
Thời điểm bị bắt, công an khám xét nhà, gia đình lúc đó định nhờ luật sư nhưng rất chủ quan vì tin tưởng con mình không bao giờ thực hiện hành vi đó… Mặt khác, gia đình có quen một người chức vụ cao đã nghỉ hưu, họ nói không sao cả, nếu không thực hiện hành vi thì không phạm tội, tạm giữ mấy ngày sẽ thả, người ấy cũng dò hỏi thì các nguồn tin cũng nói vậy nên gia đình an tâm.
Lúc này gia đình không nhờ luật sư, công an cũng không chỉ định luật sư (dù theo luật khung hình phạt buộc phải có luật sư). Tại toà anh kể ngay cả Điều tra viên cũng nói “mi lái xe taxi, không biết đó là ma tuý chỉ chở hành khách, cứ ký rồi vài ngày sẽ thả ra…”. Tôi nhận lời bào chữa cho một người khác, không phải anh này nhưng gia đình xin gặp để nhờ tư vấn và hỏi. Qua thông tin ban đầu, tôi nói xong rồi, vô cùng rủi ro. Nếu tạm giữ hình sự 9 ngày mà chưa thả ra là đã bị khởi tố, một tháng chưa thả thì 100% đã bị khởi tố. Anh/chị đã gián tiếp làm hại con mình rồi nếu bị oan.
Khi kết thúc điều tra, tôi đọc các bản khai lúc không có luật sư thì thấy ghi anh “biết và nghĩ đó là ma tuý”. Các bản khai sau khoảng một tháng (khi công an chỉ định luật sư) thì anh khai rất rõ không biết là ma tuý. Và thế là CQĐT, VKS dùng các bản khai lúc chưa có luật sư để làm căn cứ kết tội.
Trước khi xét xử, thông tin báo với các luật sư kết quả sẽ không thay đổi. Gia đình của những bị cáo vô cùng lo lắng hỏi giờ phải làm sao? Tôi nói, không được mất niềm tin, dù có dự đoán được kết quả thì tại phiên toà cấp sơ thẩm tôi cũng sẽ biện hộ để mọi cách bóc tách các chi tiết vi phạm của hồ sơ, trường hợp nếu toà sơ thẩm vẫn kết tội thì kháng cáo lên phúc thẩm. Đây cũng là kinh nghiệm chia sẻ cho những bạn luật sư chưa có nhiều kinh nghiệm. Dù thực tế có những trường hợp chưa ra toà nhưng các luật sư có thể dự đoán được trước kết quả nhưng không vì điều đó mà buông xuôi.
Thực tế có nhiều vụ toà sơ thẩm tuyên án và sau đó bị cấp trên hủy điều tra lại từ đầu. Luật sư gặp trường hợp này càng phải nghiên cứu hồ sơ thật kỹ và lên phương án chi tiết để mổ xẻ cho mọi thứ phơi bày công khai và thư ký ghi họ sẽ có trách nhiệm ghi vào biên bản phiên toà nhằm giúp cho hành trình tiếp theo. Nếu nghĩ có bào chữa thế nào thì kết quả cũng không thay đổi được rồi chủ quan là làm hại thân chủ và vô tình gây hại cho những người khác.
Đúng như tôi dự tính, phiên toà có nhiều luật sư (có cả luật sư chỉ định) nhưng tôi là người đã tranh luận và biện hộ sòng phẳng từng điểm với vị đại diện VKS. Chính VKS đã thừa nhận tại toà không xem kỹ hồ sơ và Bút lục mâu thuẫn mà tôi đã chỉ ra, kết thúc phiên toà đã bắt tay với tôi nói “công nhận luật sư quyết liệt và xem không sót chi tiết của hồ sơ”. Tất nhiên, tôi vui vẻ bắt tay cảm ơn và chia sẻ với hi vọng VKS có ý kiến xem lại kẻo nếu xảy ra oan thì tội nghiệp dân.
Những lúc toà nghỉ giữa chừng, tôi không quên đến bàn làm việc của thư ký dặn dò ghi kỹ từng nội dung luật sư hỏi và câu trả lời của bị cáo để các luật sư có phương án tại phiên toà phúc thẩm nếu cấp sơ thẩm vẫn tuyên án. Cô thư ký hình như biết tôi trước đó hoặc linh cảm vụ án có người bị truy tố oan nên tất cả yêu cầu đều được đáp ứng, không khó chịu và luôn nỡ nụ cười. Tôi biết ơn cô thư ký (nếu cô có đọc bài viết này).
Phần tranh luận diễn ra hai ngày, anh này không phải là Thân chủ của tôi nhưng diễn biến phiên toà cho thấy có dấu hiệu oan hoặc việc điều tra có vấn đề (ai đã từng xem trực tiếp phiên xét xử vụ án, tôi tự tin có thể khẳng định như vậy) nên ngoài việc biện hộ cho Thân chủ tôi đã mở rộng phần biện hộ qua cho anh. VKS ngồi đối diện phản đối với toà nhưng tôi đã phân tích với HĐXX dù không là luật sư của anh nhưng tất cả đều có liên quan nhau, lời khai của anh có ảnh hưởng đến Thân chủ tôi và ngược lại. Sự phân tích hợp lý của tôi đã được Chủ tọa và HĐXX chấp thuận.
Còn nhiều chi tiết xin tạm không nêu ra ở đây nhưng bài viết này muốn chia sẻ những ai vướng lao lý đừng bao giờ chủ quan, đừng có tâm lý nhờ người quen giúp dù họ có ý định giúp thật. Nếu bị tạm giữ hoặc bị bắt cần phải nhờ luật sư ngay lập tức để họ chứng kiến các buổi lấy lời khai ban đầu (vì đó là lời khai chết).
Trường hợp nếu mình bị oan hoặc nghĩ rằng bị oan cần “im lặng” chờ cho đến khi có luật sư hoặc nếu khai thì phải hiểu mình khai những gì, nếu hỏi cũng phải đọc lại thật kỹ, trường hợp Điều tra viên viết không đúng lời khai thì yêu cầu chỉnh sửa, nếu không sửa không ký dù có chết. Còn nếu biết rõ và nhận định hành vi của mình sai thì thành khẩn khai rõ nhưng cũng phải đọc kỹ bản khai, hiểu những gì mình tự viết ra. Điều đó giúp cho chính mình và cơ quan tố tụng nhanh chóng xử lý vụ án.
Tấm hình anh khóc khi các cảnh sát tư pháp dễ thương cho gặp người vợ lúc toà đang nghị án.
“Nếu bị tạm giữ hoặc bị bắt cần phải nhờ luật sư ngay lập tức để họ chứng kiến các buổi lấy lời khai ban đầu”
Chỉ mún thêm, níu phải mướn luật sư, nhớ kiếm những người có track record tốt, làm việc chuyên nghiệp, hiểu rõ nhiệm vụ & kiến thức luật uyên thâm . Đừng mướn những luật sư chuyên bót văn bản tòa lên phê ke búc . Kết/hậu -tùy cách nhìn- quả có thể đoán trước được .
Rất ủng hộ các suy nghĩ và việc làm nhân bản của LS Luân! Còn nói về thủ đoạn của không ít cơ quan và nhân viên điều tra, thì tôi hiểu mọi người nên trang bị các kiến thức không hề cao siêu – đã đăng khá nhiều trên báo chí, mà vụ Nguyễn Văn Chấn là 1 ví dụ, cho thấy thẩm phán Tòa án tối cao còn phải khiếp phục cơ quan này https://vnexpress.net/tham-phan-xu-oan-ong-chan-toi-khong-an-han-3088193.html, thì dân thường mắc mưu họ là chuyện dễ hiểu.
Việt nam nên thay đổi nhanh cách thức tố tụng, bắt buộc phải cử ngay luật sư cho nghi phạm trong các vụ nghiêm trọng. Và nên nhớ 1 nguyên tắc bất di bất dịch ở các xứ pháp quyền: nếu nhân viên điều tra không hướng dẫn chu đáo quyền KHÔNG CẦN KHAI BÁO VỀ NHỮNG ĐIỀU ĐỔ TỘI – mà ở ta ở đây gọi là QUYỀN IM LẶNG, THÌ MỌI LỜI KHAI Ở XỨ HỌ SẼ VÔ GIÁ TRỊ NẾU BỊ CÁO TRƯỚC TÒA KHAI KHÔNG ĐƯỢC NHÂN VIÊN HƯỚNG DẪN. Chưa kể nghi phạm đã chót khai trước nhân viên điều tra, thì ra trước tòa ở xứ pháp quyền vãn có quyền rút lời khai – VÌ KHAI TRƯỚC TÒA MỚI LÀ LỜI KHAI QUYẾT ĐỊNH NHẤT Ở XỨ PHÁP QUYỀN THỰC SỰ. Còn mớm cung hay ghi sai lời khai (do thủ đoạn) thì ở xứ pháp quyền sửa lại quá dễ và ở xứ họ nếu nhân viên tố tụng (điều tra) vi phạm nguyên tắc (mớm cung, bức cung, chưa nói hầu như không dám nhục hình) còn đối mặt với án hình sự với bản thân, nên chả nhân viên tố tụng dám làm như ở Việt Nam vừa qua. Mà làm bố láo ở VN không sao đã đành, mà ngược lại còn lên lương, khen thưởng nóng lạnh các kiểu nên nó không ham làm mới lạ!!!