Lịch sử và phi lịch sử

Chu Mộng Long

23-4-2021

Tôi không còn nhớ ở trang nào, sách nào, nhưng chắc chắn từ biện chứng lịch sử của K. Marx, có đoạn viết về lịch sử và phi lịch sử. Lịch sử không đơn thuần là sự vận động của thời gian. Lịch sử phải là sự thay đổi của sự kiện, và sự thay đổi sự kiện không đơn thuần là sự kiện này tiếp liền sự kiện kia. Sự thay đổi về chất trong chiều hướng tiến hoá hay phát triển mới đảm bảo tính lịch sử đích thực của một dân tộc.

Khi các sự kiện tiếp liền nhau nhưng bản chất không thay đổi, tức lặp lại hoặc thậm chí quay vòng theo chu kỳ, dân tộc đó vẫn nằm trong trạng thái phi lịch sử (nonhistorical).

Những dân tộc suốt nhiều ngàn năm giỏi đánh nhau và tự hào về dòng máu anh hùng, nhưng các cuộc đánh nhau đó đơn thuần chỉ là tranh chấp quyền lực (không phân biệt chống xâm lăng và tranh chấp nội bộ), còn hình thái xã hội từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng vẫn không thay đổi hoặc thay đổi cái vỏ giả tạo, dân tộc đó vẫn là dân tộc phi lịch sử.

Rốt cuộc, cái bộ mặt lịch sử không nằm ở những cuộc chiến tranh mà nằm ở kiến tạo đời sống văn hoá xã hội. Ở phương Tây, chỉ cần nhìn vào di sản văn hoá nghệ thuật đủ thấy tính lịch sử của các dân tộc đó. Có thể có những giai đoạn trì trệ kéo dài, nhưng gần như không đứng yên mà vận động rõ nét theo từng giai đoạn và mỗi giai đoạn mang một phong cách riêng: Phong cách Hy Lạp, Phong cách La Mã, Phong cách Phục hưng,… cụ thể ra thì nhiều tên gọi khác nhau theo loại hình nghệ thuật: Phong cách Baroque, Rococo, Romanesque, Gothic, Ấn tượng, Lãng mạn, Hiện thực, Siêu thực, Lập thể…

Chính các phong cách nghệ thuật làm cho lịch sử không bị xoá mờ và lãng quên. Người đời sau chỉ cần nhìn vào sự hiện diện của nghệ thuật là có thể hình dung ra sự phân kỳ và vận động của từng giai đoạn lịch sử. Không ngẫu nhiên mà nhiều dân tộc biết tạo nên những kỳ quan đánh dấu lịch sử của dân tộc mình, và các kỳ quan ấy thành biểu tượng của thời đại: Kim Tự Tháp Ai Cập, các ngôi đền cổ Hindu của Ấn Độ, Angkor Wat của Cambot,… Từ đó, vô số cái ra đời sau không lặp lại cái đã có.

Tôi chỉ lấy một hiện tượng Tháp Eiffel để chứng minh người Pháp ý thức sâu sắc nghệ thuật như một biểu tượng cho sự vận động của từng thời đại. Nước Pháp từng có tất cả các phong cách để làm nên tính lịch sử điển hình và rực rỡ của châu Âu, nhưng họ không rơi vào cái cối xay ăn mày dĩ vãng. Sau cuộc cách mạng Pháp, Eiffel ra đời, đánh dấu cho nền văn minh công nghiệp hiện đại mà không lặp lại bất cứ một phong cách nào đã có trong cái vốn sở hữu đồ sộ của người Pháp.

Thử liếc nhìn sang Mỹ. Lẽ ra sau khi giải phóng khỏi ách thuộc địa, những người con da trắng cầm quyền sẽ kiến tạo một nền văn hoá trên nền cố quốc Anh của họ thì lại có hơn 100 triết gia kiến tạo nên một nền văn hoá mới hẳn mang thương hiệu Mỹ, bỏ xa bà mẹ châu Âu già cỗi từng nuôi dưỡng họ.

Tôi thách bạn nào đi trên đất nước tự hào bốn, năm nghìn năm văn hiến mà nhận diện được các thời đại lịch sử, trừ phi đọc được cái chữ ghi trên đó. Mà chữ thì nó siêu lừa. Khi hình thái văn hoá xã hội không thay đổi thì cái chữ tỏ ra thay đổi gọi là tiến bộ, kể cả đánh tráo cái mới ra đời thành cái cổ kính để tôn vinh. Chẳng hạn, đền Hùng ở Phú Thọ hay lăng Kinh Dương Vương ở Bắc Ninh, kiến trúc hoàn toàn ở hình thái trung cổ, mới xây dựng thời Khải Định (từ năm 1917), nhưng nhiều khoa học gia lại nhầm tưởng là có từ thời cổ đại và ra sức khảo cổ để chứng minh điều… không có thật.

Quần thể di tích đền Hùng. Ảnh trên mạng

Nếu chỉ dựa vào cái chữ thì theo tôi, ở dân tộc này, từ kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc đến văn chương cũng chỉ có hai thời đại nếu phân kỳ một cách nghiêm ngặt: thời đại chữ Hán và thời đại chữ Latin. Đó là chưa nói, tất cả đều có khuynh hướng hoài cổ, kể cả vọng ngoại và nhập ngoại. Cảm giác chung là không có ranh giới giữa hiện đại và cổ điển (đúng hơn là cổ lỗ), giữa ta và kẻ khác.

Không chừng một ngày kia, đi trên đất nước ta mà con cháu nhầm tưởng sống trên quốc gia của kẻ khác, kể cả dân tộc khác nhầm tưởng quốc gia ta là của họ. Đó là chưa nói, sống trên mốc thời gian hiện tại với dòng chảy hướng về tương lai, nhưng con cháu ta không thấy thời gian vận động. Duy trì bản sắc hay con cháu ta phải sống trong cái nấm mồ của những biểu tượng ta không ra ta mà hao hao giống Tàu rồi giống Tây?

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mượn lời ông Tây ví Việt Nam như cô gái đồng trinh bị văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Tôi thì bảo lịch sử dân tộc ta được các kiến trúc sư kiến tạo giống như một bà cụ không có tuổi nhưng có hai thằng chồng. Hơi quái là bà này dạy con cái căm thù cả hai thằng chồng ấy. Căm thù nhưng khi chửi thằng này thì lại quay sang ôm cổ thằng kia. Hậu quả, bà không dạy con cái mình có cội nguồn ở đâu ra, kể cả tự tạo căn cước rõ ràng cho dòng máu của chính bà, và quan trọng hơn, phải thoát khỏi cái “bóng đè” của hai thằng chồng đó để làm nên lịch sử đích thực.

Buồn!

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Tuọng Trần Hưng Đạo trên bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn, gợi nhớ thời VNCH,
    khoảng trống dưới chân Tượng Trần Hưng Đạo, nơi Lư Hương từng tọa lạc, gợi nhớ thời đại trần ích tắc hồ chí minh phản bội Tổ Tiên VN, rước giặc tàu vào VN

  2. “Tôi thách bạn nào đi trên đất nước tự hào bốn, năm nghìn năm văn hiến mà nhận diện được các thời đại lịch sử”
    Tại Saigon:
    *Gợi nhớ thời đệ nhất Cộng hoà tại miền Nam:

    -Dinh Độc lập sau vụ thả bom của 2 trung uý phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cừ trong binh biến 27/2/62 bị đánh sập và được đập bỏ xây lại hoàn toàn, với nét kiến trúc giống những đốt cây trúc ghép san sát nhau chạy suốt chiều dài tầng 2 của dinh.(Con dấu của nền hành chánh VNCH cũng khắc bụi trúc ngay giữa vòng tròn trong).

    -Hồ Con Rùa
    -Quốc Hội VNCH (nay bị cs diễu cợt sửa lại thành nhà hát tp.)

    -Toà Đại sứ Mỹ

    *Gợi nhớ thời Pháp thuộc
    -Khách sạn Majestic (bờ sông Bạch Đằng gặp Nam Kỳ khởi nghĩa)
    -Toà Đô chánh Saigon (nay là UBND tp) cũng gợi nhớ thời VNCH.
    -Nhà Chú Hoả
    -Chợ Bến Thành
    -Bưu điện Tp Saigon
    -Vương Cung Thánh đường

    Tại Tp Đà nẵng:
    *Gợi nhớ thời Pháp thuộc
    -Cầu De Lattre, do chính quyền tpĐN thời VNCH làm lại kiên cố, lưu giữ cho đến bây giờ.
    -Toà Thị chính Đà Nẵng (nay là UBND tpĐN)
    -Musée Chàm

    Tại Dalat,
    *Gợi nhớ thời Pháp thuộc và VNCH
    -Lycée Yersin Dalat, (nay là một trường đại hoc.)
    -khách sạn Palace Dalat
    -Sở Điạ Dư Đalat
    -Trung học Trí Đức Đalat và nhà thờ Con Gà, (nay không rõ trường đổi tên gì của nhà nước.)

    Tại Huế:
    *Gợi nhớ thời VNCH

    -Cột cờ Ngọ Môn
    -các cửa vào Thành nội: Ngọ Môn, Thượng Tứ, Đông Ba
    -trường Quốc Học và Đồng Khánh Huế
    -cầu Trường Tiền
    -dãy nhà Morin (dọc đường Lê Lợi) làm trường Đại học Huế
    -nhà thờ mới An Cựu (xây năm 1961)
    Chừng đó đủ chưa ông Chu ?

  3. Mấy chục cái tượng đài bacho, chẳng lẽ lại không dính một giọt văn hóa nào ư ?

  4. Ngày mai ký giấy bán nước nhưng hôm nay đảng csvn vẫn kể công chống Mỹ cứu nước. Cơ bản là đã phá xong rừng và di tích, từ đây trở đi chỉ có tượng đài và nấm mồ xác thối.

  5. “Tôi không còn nhớ ở trang nào, sách nào, nhưng chắc chắn từ biện chứng lịch sử của K. Marx, có đoạn viết về lịch sử và phi lịch sử. Lịch sử không đơn thuần là sự vận động của thời gian. Lịch sử phải là sự thay đổi của sự kiện, và sự thay đổi sự kiện không đơn thuần là sự kiện này tiếp liền sự kiện kia. Sự thay đổi về chất trong chiều hướng tiến hoá hay phát triển mới đảm bảo tính lịch sử đích thực của một dân tộc”

    Chủ nghĩa Mác sống mãi trong tư di của dân tộc!

    Công nhận trí thức nhà mềnh, ở đây cụ thỉa là Chu Mộng Long, là những ngừ kiên định nhất với nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ nghĩa Mác-Lê & tư tưởng Hồ Chí Minh .

    “Tôi thách bạn nào đi trên đất nước tự hào bốn, năm nghìn năm văn hiến mà nhận diện được các thời đại lịch sử”

    Tượng Bác Hồ la liệt khắp đất nước đánh dấu thời đại Hồ Chí Minh . Ít nhứt tất cả mọi ngừ đều cảm nhận được cái thời sản sinh ra những ngừ như Chu Mộng Long

Comments are closed.