14-4-2021
Quyền riêng tư ở Việt Nam là một chủ đề vô cùng thú vị. Một mặt, nó chịu ảnh hưởng của văn hoá làng xã, nơi mà dân cư sống rất quần tụ, chung đụng nhau nhiều thứ nên chẳng còn cái gì gọi là riêng tư.
Một mặt nữa, nó chịu ảnh hưởng của văn hoá cộng sản bao cấp, tất cả đều là của chung, tất cả đều hợp tác, kinh tế tập thể, và quyền lực của Nhà nước bao trùm, can thiệp vào mọi mặt của đời sống, cả những chuyện trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Riêng tư là thứ gì đó khó hiểu.
Nhưng một mặt nữa, nó chịu ảnh hưởng của quá trình Tây hoá, mở cửa. Các giá trị về cá nhân được đề cao, đương nhiên đi kèm với quyền riêng tư.
Còn nhớ hồi mới có điện thoại cố định, người ta còn phát hành cuốn Niêm giám điện thoại to uỵch. Nhà nào cũng có một cuốn, mọi người còn mở ra tìm tên, địa chỉ, số điện thoại nhà mình rồi tự hào ngồi cười khoái trá. Quyền riêng tư của mình bị xâm phạm, mình còn vui cơ mà.
Pháp luật du nhập cũng tuyên bố về bảo vệ quyền riêng tư mạnh mẽ lắm. Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự là những đạo luật do các luật gia đi học phương tây về chắp bút, nên quy định về bảo vệ quyền riêng tư mạnh.
Hiến pháp thì có câu: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư.” “Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”
Bộ luật Tố tụng hình sự có câu: “Việc khám xét chỗ ở; khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.” Tức là, muốn xem dữ liệu cá nhân thì cơ quan nhà nước phải có quyết định khởi tố vụ án.
Thế nhưng các văn bản pháp luật khác thì lại cho cơ quan nhà nước quyền chọc vào lấy dữ liệu dễ dàng như lấy đồ vật trong túi, như Triệu Vân đi lại giữa quân Tào.
Thậm chí, khi làm Nghị định về thương mại điện tử, cơ quan nhà nước còn định đưa quy định: Các sàn thương mại điện tử phải cung cấp công cụ trực tuyến để cơ quan nhà nước xem được dữ liệu mọi lúc mọi nơi chứ không phải chỉ khi nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tức là có ông quan chức nào muốn biết vợ tôi năm qua mua mấy cái váy trên Lazada, giá bao tiền thì chỉ cần login là được, trong khi tôi còn chẳng dám hỏi vợ.
Mỗi khi đi mua hàng, các bạn bán hàng xinh tươi thường đon đả hỏi xin số điện thoại để làm thẻ khách hàng, để được giảm giá hoặc để bảo hành. Tôi thường hỏi lại: “Thế nếu mình không cho số điện thoại, rồi đến khi sản phẩm này hỏng, mình mang đến đây, các bạn có bảo hành không?” Nếu bạn ấy trả lời “Có” thì tôi không cho số, còn nếu trả lời “Không” thì tôi không mua hàng nữa.
Bạn nào máu lắm, cứ đòi xin số bằng được thì tôi sẽ cho số: 0123456789 hoặc 0987654321, hoặc cho số của sếp Đậu Tuấn. Thế mà có lần, vừa đọc số điện thoại giả xong, bạn bán hàng đã hỏi: “Anh tên là Hồng Ngọc phải không ạ?” Hoá ra có bạn Hồng Ngọc nào đó cũng dùng trò này.
Luật lá thì quy định nhiều lắm, nhưng thực thi chẳng được bao nhiêu.
Có lần tôi đi chạy giải. Ban Tổ chức đăng toàn bộ ảnh, gắn với tên tuổi của tôi lên mạng ở chế độ public. Tôi gửi mail yêu cầu xoá. Ban Tổ chức reply từ chối, với lý do là trong bản cam kết khi tham gia giải, tôi đã ký, đã đồng ý cho họ sử dụng hình ảnh và thông tin cá nhân của tôi.
Tôi mới viện dẫn mấy quy định pháp luật bảo là dù kể cả tôi đã đồng ý cho họ dùng, nhưng nếu sau tôi đổi ý thì tôi vẫn có quyền yêu cầu họ xoá. Họ vẫn từ chối. Tôi mới soạn sẵn một cái Đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, ghi là kính gửi một cơ quan có thẩm quyền, trình bày sự việc và đề nghị cơ quan đó căn cứ vào đúng quy định, phạt Ban Tổ chức này 30 triệu đồng. Tôi trước cho Ban Tổ chức và đe doạ là nếu họ không xoá thì tôi sẽ gửi đơn cho Cơ quan. Xong rồi họ xoá.
Mấy lần khác, thông tin cá nhân của tôi cũng bị đăng online. Tôi gửi mail cho người đăng, không có ai trả lời. Cũng chẳng có cơ hội mà soạn đơn.
***
Có lần, tôi được ngồi nghe một cuộc hội thoại giữa một doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ nền tảng và một luật sư. Anh luật sư lo lắng chuyện dùng dịch vụ thì bị lộ thông tin. Anh giám đốc kia cam kết hoành tráng lắm: “Em cứ yên tâm sử dụng dịch vụ bên anh. Anh cam đoan bảo mật.”
Anh luật sư mới cười: “Em tin anh. Nhưng em không tin thằng nhân viên của anh. Anh có chắc chắn được 100% là nhân viên của anh không xem trộm thông tin của em không?”.
Thấy ông giám đốc im im. Anh luật sư lại nói tiếp: “Anh làm kỹ thì có thể quản được nhân viên của anh. Nhưng nếu một cơ quan nhà nước nào đến và đòi anh cung cấp thông tin của em thì anh có cung cấp không?”
Anh giám đốc chống chế: “Chú làm cái gì sai thì chú mới sợ thế chứ.”
“Không anh. Làm gì sai và quyền riêng tư là hai thứ khác nhau. Em có đủ bộ phận cơ thể. Điều này chắc chắn không có gì sai. Nhưng em vẫn không muốn người ta nhìn thấy hết bộ phận cơ thể em.” (thực ra là ông ấy nói đến một bộ phận cụ thể, nhưng lên tút thì mình xin phép nói khái quát).
Tiếp: “Thế nên, mặc dù rất ủng hộ doanh nghiệp Việt. Nhưng em vẫn xin phép dùng dịch vụ của nước ngoài. Chỗ đó em thấy an toàn hơn. Anh thông cảm.”
Nghe câu chuyện thì tôi mới nghĩ: “Hoá ra, chính cái việc các cơ quan nhà nước ta đòi quyền chọc vào cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp Việt Nam để xem một cách vô tội vạ, lại đang làm giàu cho Facebook, Google…”
Vì sao nhiều người trên thế giới thích gửi tiền ở ngân hàng của Thuỵ Sĩ? Chắc không phải vì họ trả lãi suất cao nhỉ. Mà vì các ngân hàng này bảo mật thông tin khách hàng, và chính phủ Thuỵ Sĩ cũng không chọc vào xem.
Liệu Việt Nam có muốn thu hút người dùng thế giới đến và sử dụng dịch vụ không?