8-3-2021
Tiếp theo Phần 1 – Phần 2 – Phần 3 và Phần 4
5- MÓN QUÀ TẶNG VÀ TIỂU THUYẾT ĐẤT MỒ CÔI
Tôi luôn bị ám ảnh bởi những sự kiện lịch sử của đất nước gắn với chiến tranh, chết chóc, ly tán, thù hận. Tôi mắc bệnh nghĩ và cứ nghĩ triền miên về những thực tế ấy. Tôi biết rõ rằng, nhiều dân tộc trên thế giới, trước khi đạt đến trình độ văn minh để có thể cùng sống trong hòa bình, trong tình hữu ái, cũng từng trải qua nội chiến, thù hận, phân biệt chủng tộc.
Nhưng những người cùng một giống nòi, sống chung một lãnh thổ giết nhau, hành hạ nhau, bức hại nhau trong hòa bình suốt hàng thế kỉ (vừa mới đây là sự kiện Đồng Tâm), thì người Việt chắc chắn là một ví dụ điển hình.
Tôi nhắc lại là giết nhau trong hòa bình, để phân biệt với giết nhau trong chiến tranh, vốn là điều khó tránh.
Hàng chục ngàn người, toàn là những tinh hoa, bị giết chết một cách kinh hoàng chỉ sau chưa đầy hai năm Cải cách ruộng đất, khi họ cũng đã góp phần để giải phóng khỏi ngoại xâm.
Vài triệu người đi tị nạn, trong đó gần nửa triệu mất xác dưới biển khi đất nước đã im tiếng súng.
Cùng là từ một bọc chui ra, nhưng hàng triệu người được giáo dục phải coi hàng triệu người khác là kẻ thù?
Đặt những biến cố vừa kể bên cạnh huyền thoại cùng sinh ra từ một bọc, không biết cảm giác của bạn thế nào, còn tôi thì thấy nực cười, buồn đau và nghi ngờ.
Cùng với sự nghi ngờ ấy, luôn xuất hiện những câu hỏi:
– Người Việt hiền hay ác?
– Vì sao người Việt, nhờ nương tựa nhau mà sống sót qua muôn vàn thiên tai, địch họa, nhân họa nhưng lại luôn sẵn sàng nồi da xáo thịt nhau?
– Đói khổ, hèn mọn có phải là định mệnh của dân tộc này?
– Căn tính của người Việt là gì?
– Vì sao Nho, Đạo, Phật, tư tưởng Cộng sản dễ dàng nhập tịch Việt, trong khi Thiên chúa giáo, với nền tảng giáo lý chặt chẽ, đầy tính nhân văn và tinh thần tự do… thì bị xua đuổi, bức hại?
– Chủ nghĩa Cộng sản là đại phúc hay đại họa với dân tộc này?
– Một dân tộc háo danh phản ánh sự thiếu khuyết điều gì về phẩm giá, đức tin, sự trưởng thành về văn hóa và nó liên quan thế nào với việc cái ác luôn tìm thấy môi trường thuận lợi để hoành hành?
Ngoài ra là hàng chục, hàng trăm câu hỏi khác cứ bám chặt lấy từng khoảnh khắc sống của tôi, nhiều phen khiến tôi mệt rã rời.
Suốt hơn ba mươi năm, kể từ khi viết Lão Khổ, thực ra tôi chỉ làm mỗi một việc là truy tìm, truy nã ÁC TÍNH người Việt, rất hay được lịch sử đồng lõa, phụ họa, che giấu, khuyến khích! Tôi hoàn toàn tin lời một nhà văn lớn của nhân loại, khi ông ấy bảo rằng, mỗi nhà văn suốt đời thực ra chỉ viết duy nhất một cuốn sách. Với tôi, cuốn sách đó đã có SÁU CHƯƠNG, gồm:
Chương một: Lão Khổ.
Chương hai: Đi tìm nhân vật.
Chương ba: Thiên thần sám hối.
Chương bốn: Sinh ra để chết.
Chương năm: Giã biệt bóng tối.
Chương sáu: Mối chúa.
Nhưng với cả SÁU CHƯƠNG, hễ mỗi lần đặt dấu chấm hết cho “MỘT CHƯƠNG” nào đó, tôi lập tức cứ cảm thấy chưa thể dừng lại, hình như mục tiêu vẫn ở phía trước và vì thế cuộc truy đuổi chưa thể kết thúc. Nó cần phải có thêm chương nữa, là CHƯƠNG THỨ BẢY.
Thực ra gọi CHƯƠNG BẢY là xét thứ tự xuất bản, chứ tôi nghĩ về “Đất mồ côi” từ khá lâu. Thời gian thai nghén nó cũng lâu hơn bất cứ cuốn tiểu thuyết nào trước đó.
Nhưng tất cả vẫn chỉ cứ ở dạng sơ thảo, các nhân vật, sự kiện chưa có một trụ bám vững chắc nên cứ rời rạc, không thể tự lớn lên được.
Cho đến khi một sự kiện rất bình thường nhưng lại vô cùng quan trọng bất ngờ xảy ra với tôi.
Năm 2014, tôi cho xuất bản cuốn sách có tên “Làng quê đang biến mất”, gồm 66 bài bình luận xã hội tôi viết cho báo Công lý Xã hội trong suốt một năm. Cả đối tác Nhã Nam và tôi đều không ngờ cuốn sách thu hút mối quan tâm mạnh mẽ của bạn đọc đến thế. Trong số những người thích cuốn sách, có đại tá quân đội đã về hưu BĐH (Tôi viết tắt, vì ông không muốn tôi nhắc đến ông ở bất cứ đâu?).
Một hôm ông bất ngờ đến thăm tôi, để nói rằng ông thích tôi từ lâu và tiện thể xin chữ kí cho vài cuốn sách mà ông nói ông mua tặng bạn bè, hàng xóm. Chúng tôi lần đầu biết nhau nhưng nhanh chóng thân nhau. Từ đó, thỉnh thoảng đi đâu qua khu vực gần cơ quan tôi, ông lại ghé thăm tôi, lần nào cũng kèm theo một món quà. Có lần là hẳn một chai rượu Nga hiệu Beluga khá đắt tiền, nói là quà tặng của bạn đọc.
Chúng tôi tiếp tục đẩy mối thân tình lên một cấp mới. Mỗi lần đến thăm tôi, nghe tôi nói oang oang về nhiều điều cấm kị, ông có vẻ bất an. Có hôm đang rôm rả trò chuyện, ông bất ngờ đứng dậy cáo lỗi, nói là có việc đột xuất. Tôi hiểu tâm trạng ông nhưng không biết vì sao nó lại thế?
Buổi sáng hôm ấy, tôi vừa vào phòng làm việc thì đại tá BĐH đến, đặt lên bàn tôi một gói quà. Tôi đưa mắt có ý hỏi ông cái gì trong đó, thì ông bảo tôi mở ra sẽ thấy. Và nó là một con dấu, cùng hộp mực đỏ đựng trong chiếc túi vải nhỏ. Thấy tôi tỏ vẻ thích thú, ông cũng rất hào hứng, nói là ông đã chọn hiệu làm con dấu đẹp nhất Hà Nội để khắc nó. Ông bảo trong Hán tự, chữ “anh” có nhiều nghĩa, ông chọn nghĩa “anh hùng”! Để tôi yên tâm, ông bảo ông đã thuê giám định, có đảm bảo hẳn hoi.
Trước một món quà quá bất ngờ, tôi vô cùng xúc động. Tôi bèn kể lể huyên thuyên về những chuyện liên quan đến việc viết lách, trong đó có lịch sử tai ương gia đình, bản thân…đã khiến tôi cả đời lúc nào cũng nghĩ ngợi, đến mức trụi hết cả tóc. Tôi nói về nỗi oan ức của bố tôi, là nguyên mẫu nhân vật Lão Khổ trong tiểu thuyết cùng tên mà ông cũng đã đọc, rồi chuyện bạn chiến đấu của bố tôi chết đau thương, rồi chuyện chúng tôi bị trả thù…
Tôi cứ nói thao thao bất tuyệt mà không để ý mặt ông BĐH méo xệch đi như người bị trúng gió. Một vẻ mặt khổ đau vĩnh cửu, hoặc không thể diễn tả bằng ngôn từ nỗi đau đớn mà ông phải mang theo. Chỉ thấy ông lồng lộn đi lại như con hổ bị cầm tù! Mãi sau ông mới nuốt nuốt xuống cục gì đó, nuốt rất khó khăn, tay xua xua một lúc lâu mới nói được thành lời với tôi như sau: “Không thấm vào đâu, không thấm vào đâu…”. Rồi lại nuốt nuốt, mắt trợn lên để nuốt, tay vuốt ngực vì khó thở…
Chờ cho ông qua cơn nghẹn ngào, tôi đưa cho ông chén trà. Ông đón nhưng dằn mạnh xuống bàn. Hàng phút chúng tôi im lặng.
Hóa ra bố ông vốn là cán bộ quân đội, bị bôi nhọ, bị vu cáo để cuối cùng bị đưa về quê xử tử nhân có cuộc Cải cách ruộng đất.
Lúc đó ông BĐH mới chưa đầy chục tuổi. Ông phải ngày ngày chứng kiến cảnh bố bị trói, bị hành hạ và cuối cùng bị kết án tử hình, bởi chính những bà con thân thích. Đúng vào hôm bố ông bị đưa ra bãi bắn, thì có lệnh tạm hoãn thi hành án, ban xuống từ trên huyện. Nhưng những người trong Đội cải cách và đám cán bộ xã cùng dân làng, vốn hàng ngày đều là anh em họ mạc, thân tình, sống hiền lành, thì cứ muốn giết bố ông bằng được (Ông H. nói rằng ông không hiểu vì lẽ gì, động cơ nào khiến họ làm thế, vì bố ông chẳng thù hằn gì với họ), nên họ nghĩ ra kế bắt giam thằng liên lạc. Chờ xử tử bố ông xong mới thả ra. Sau này họ báo cáo lên cấp trên là thằng liên lạc về muộn quá, khi mọi việc đã xong xuôi.
Tôi nghe đến đó thì bỗng thấy rùng mình, một cú rùng mình không thể nào giải thích được, vì nó không chỉ khiến da tôi nổi gai gạo, mà còn làm bừng lên trong tôi một tia sáng cực mạnh. Tôi hỏi hiện mộ bố ông ở đâu, ông bảo Nho Quan, tôi bèn đề nghị được đi viếng cụ. Ông BĐH nói rất cảm ơn tôi, nhưng cho ông thời gian thu xếp. Khi ông đại tá ra về, tôi không còn muốn làm bất cứ việc gì.
Ngay sau đó tôi về thẳng nhà và ngồi xuống bàn viết.
Chưa có cuốn sách nào tôi mất nhiều sức lực, tâm lực như khi viết Đất mồ côi. Bản thảo lần một và bản thảo lần hai đã khác nhau một trời một vực. Nếu so với bản cuối cùng-bản in thành sách, chắc nó chỉ còn vài chục phần trăm. Việc sửa chữa ngốn mất của tôi gần hai năm. Bản thảo tôi đưa cho họa sỹ làm bìa từ trước đó một năm rưỡi là bản thảo thứ ba. Nhưng cho đến khi tranh bìa hoàn thành, đã có thêm bốn lần bản thảo nữa được in ra.
Vì lần nào cũng cứ nghĩ là lần cuối, nên tôi đều phô-tô thành 5 bản, khiến số bản thảo chất lại thành một đống cao ngang thân. Nếu đem cân lên, chắc chắn nhiều hơn số cân của tác giả! Khi sách chính thức ra đời, tôi nhờ người chuyển cho nhà ông hàng xóm để ông đun bánh chưng. Hôm mang bánh sang biếu gia đình tôi, ông bảo số giấy tôi cho ông đun được cả tiếng đồng hồ. Và lắc đầu: “Nhìn mà khiếp cho cái nghề của ông!”
Ông hàng xóm lưỡng lự định nói gì thêm, nhưng rồi chỉ cười cười vẻ thương hại. Chắc ông ấy không nỡ bảo “đánh đĩ thế chả đủ tiền son phấn”.
“Vì sao Nho, Đạo, Phật, tư tưởng Cộng sản dễ dàng nhập tịch Việt, trong khi Thiên chúa giáo, với nền tảng giáo lý chặt chẽ, đầy tính nhân văn và tinh thần tự do… thì bị xua đuổi, bức hại?”
Tác giả xếp đạo Phật vào chung một rổ với Nho, Đạo, và tư tưởng Cộng Sản như thế là không công bằng. Lại xếp đạo Thiên chúa riêng biệt ra ngoài như thế thì ai cũng hiểu tác giả muốn nói gì.
Thực ra đạo Phật rất đầy tính nhân văn và tinh thần tự do, chẳng qua tác giả không biết đó thôi. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc dìm đạo này, và nâng đạo khác như vậy.
Không có việc dìm nâng gì ở đây đâu bạn, chẳng qua vì đạo thiên chúa cũng phải học đạo, có con chiên ngoan đạo luôn phục tùng thiên chúa (như CS nhưng khác là con chiên tự nguyện và đạo chúa là sống đạo đức, thực hành theo lẽ phải…) nên “người ta” sợ mà xua đuổi, bức hại! Cứ nhìn sự kiện Formosa Hà Tĩnh sẽ thấy!!!
– Nho, Đạo là di tích tôn giáo có dây mơ rễ má với Tàu, là sư phụ của csV. Sao dám đụng?
– Phật là tôn giáo ăn sâu vào dân tộc hàng nghìn năm; 80% dân Việt theo đạo Phật, là lực lượng lớn từng làm rung chuyển nền đệ nhất Cộng hoà tại miền Nam, nên csV rất kiên dè, và đã có một kế hoạch lớn để nắm đầu giáo hội PG, biến nó thành tay sai…nên nay đã ưu đãi giới tăng ni PG, biến nó thành PG quốc doanh.
– TCG chỉ bị kỳ thị kịch liệt thời các vua nhà Nguyễn, Tự Đức Minh Mạng…, với chính sách bế quan toả cảng và cấm các cha đạo truyền bá TCG, kể cả sát hại một số họ.
TCG ban đầu dính líu nhiều với thực dân Pháp, nên bị Việt Minh ghét.
Sau 1954, TCG là tôn giáo được tt và gia đình Ngô Đ Diệm ưu đãi, càng làm cs Bắc Việt ghét.
Nhưng trên hết, lý do sâu xa khiến CsV cảnh giác lo sợ và cố “đì”, cố hạn chế sức bành trướng của TCG, là vì nó là tôn giáo có tổ chức vững mạnh, kỷ luật, ngoan đạo, và có sức mạnh tập thể nhất xưa nay, có cả lãnh đạo trung ương tại La mã, có liên kết toàn thế giới, nên cs rất e sợ nó trở thành một lực lượng lật đổ chế độ.
Cs VN và cs TQ đều giống nhau tâm trạng nầy, ghét TCG, ra sức kìm hãm hóp chẹt TCG, nhưng không dám đàn áp, vì vẫn sợ phản ứng tập thể của TCG toàn thế giới, vốn có ảnh hưởng mọi mặt về chính trị ngoại giao toàn cầu.
TQ còn sợ Pháp luân công cũng vì tổ chức nầy quy tụ rất đông tín đồ, khiến chúng nghĩ sẽ là mối đe doạ tương lai cho đảng cs! VC cũng không ưa PLC do sợ TC cú đầu.
Thế thôi.