BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Hết cuộc tập trận này đến tập trận khác: Trung Quốc sắp tập trận cả tháng ở vịnh Bắc bộ, báo Thanh Niên đưa tin. Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông thông báo, TQ sẽ tiến hành tập trận ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc, tức phía đông vịnh Bắc bộ của VN, từ ngày 1 đến ngày 31/3/2021.
Cuộc tập trận diễn ra trong phạm vi bán kính 5 km. Cũng giống như mọi lần tập trận trước, TQ cấm tàu thuyền vào khu vực. Từ đầu năm 2021 đến nay, cuộc tập trận này sẽ là cuộc tập trận thứ tư của Trung Quốc ở khu vực vịnh Bắc bộ. Nếu tính tổng số các cuộc tập trận trên Biển Đông, thì đây là cuộc tập trận thứ bảy từ đầu năm đến nay.
Thêm tín hiệu không tốt cho viễn cảnh hòa bình ở Biển Đông: Chi quốc phòng toàn cầu năm 2020 tăng kỷ lục, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển hải quân, theo báo Thanh Niên. Báo cáo “Military Balance” của IISS ở Anh ngày 25/2 cho biết, chi tiêu quốc phòng của TQ năm 2020 là 193,3 tỉ USD, chiếm 10,6% toàn cầu. IISS cảnh báo, “sự phát triển ồ ạt của hải quân Trung Quốc nhằm phục vụ tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông”.
Kẻ khiến tình hình căng thẳng lại diễn trò “phản đối” người khác: Bắc Kinh phản đối vụ máy bay tuần tra Nhật bay qua Biển Đông, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. TQ phản đối Nhật vụ hai máy bay của Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật đã bay gần Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa.
Cũng chính TQ gần đây đã công bố thông tin về cuộc tập trận có sự tham gia của ít nhất 10 máy bay ném bom trên không phận Biển Đông. Trong mắt kẻ bá quyền thì máy bay của Trung Quốc tiến hành tập trận gây căng thẳng thì không sao, nhưng máy bay của nước khác thực hiện nhiệm vụ giám sát thì có vấn đề.
Nhà Báo và Công Luận có bài: Trung Quốc chỉ trích khi tàu khu trục Mỹ tiếp tục đi qua eo biển Đài Loan. Vụ tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Mỹ cùng với tàu JS Hamana của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và tàu khu trục hạng nhẹ FNS Prairial thực hiện nhiệm vụ 3 bên trên biển, người phát ngôn của quân đội TQ cáo buộc Mỹ phá hoại “hòa bình và ổn định” của khu vực.
VnExpress có bài: Tương lai nhóm Bộ Tứ dưới thời Biden. Bộ Tứ Kim Cương gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, nối lại thảo luận, “được cho là do lo ngại Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng, đã báo hiệu rằng nhóm có thể đóng vai trò quan trọng trong thiết lập chương trình nghị sự địa chính trị dưới thời Biden, giữa lúc có nhiều đồn đoán về sự gia nhập của thành viên mới”.
Mời đọc thêm: Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu quan điểm về hàng loạt vấn đề nóng liên quan Biển Đông — Đại sứ Nhật ca ngợi Úc về Biển Đông, nhấn mạnh hợp tác (TN). – Tình hình Biển Đông. Pháp đang thể hiện sức mạnh của mình? (Sputnik). – Nhật Bản, Australia đồng loạt bày tỏ quan ngại sâu sắc về Luật Hải cảnh Trung Quốc (TG&VN). – 12 năm kỳ tích Biển Đông (PT).
Về các vụ đại án
Gia hạn truy tố vụ ông Tất Thành Cang, Zing đưa tin. VKSND TP HCM quyết định gia hạn truy tố đối với ông Tất Thành Cang và 18 đồng phạm trong vụ án “Tham ô” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Thời gian gia hạn đến ngày 14/3, thời điểm 10 ngày trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, sẽ quyết định 3 chức danh còn lại của “tứ trụ” trong 5 năm tới.
Trước đó, ngày 12/1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Sáu Cang và đồng phạm. Cơ quan điều tra cho rằng ông Cang đã có bút phê “Đồng ý” tại Tờ trình 1148, gây thất thoát cho Sadeco hơn 940 tỷ đồng. Trong đó, ông Cang chịu trách nhiệm 157 tỷ đồng.
Zing có đồ họa: Hành trình vướng vòng lao lý của ông Tất Thành Cang.
Diễn biến cho thấy, VKSND TP HCM vẫn chưa thể đưa ra kết luận để truy tố Sáu Cang, nên phải gia hạn truy tố. Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao chưa thể ra cáo trạng truy tố ông Tất Thành Cang? Lãnh đạo VKSND TP HCM đưa ra lý do: “Vụ án có nhiều tình tiết, nhiều bị can với nhiều vấn đề khác nên cần có nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ”.
Tính từ thời điểm 12/1, là lúc Công an thành Hồ gửi kết luận điều tra sang VKSND cùng cấp, tới nay là đúng một tháng và 2 tuần, nhưng hồ sơ vẫn chưa được “nghiên cứu” xong. Trong khi “nhân vật chính” của vụ án là ông Tất Thành Cang vẫn còn ở thành Hồ chứ không biến mất, cũng không có bất kỳ nhân vật nào khác của vụ án bị phát lệnh truy nã.
Cũng tin đại án ở thành Hồ, Thông Tấn Xã VN đưa tin: Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài tiếp tục hầu tòa. TAND TP HCM lên lịch xét xử nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của UBND TP HCM, liên quan đến sai phạm trong vụ hoán đổi nhà đất ở số 57 Cao Thắng, lấy nhà đất ở số 185 Hai Bà Trưng. Vụ án sẽ được xét xử vào ngày 15/3/2021, dự kiến diễn ra trong 5 ngày.
Ông Tài cùng 8 đồng phạm là cựu lãnh đạo, quan chức một số sở, ngành ở thành Hồ bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng nữ “đại gia” Dương Thị Bạch Diệp, GĐ Công ty bất động sản Diệp Bạch Dương bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Còn bị can Đào Thị Hương Lan, cựu GĐ Sở Tài chính thành Hồ đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã và sẽ xử lý sau khi bắt được bà Lan.
VietNamNet có bài: Nữ đại gia Bạch Diệp sắp hầu tòa cùng ông Nguyễn Thành Tài. Tin cho biết, phiên tòa xử vụ này vốn đã định mở vào ngày 18/1, nhưng do 2 bị cáo Lê Văn Thanh và Đào Anh Kiệt phải tham gia vụ án của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ở Hà Nội, diễn ra cùng thời gian, nên vụ này đã phải hoãn.
Mời đọc thêm: Diễn biến mới nhất vụ ông Tất Thành Cang bị đề nghị truy tố (PLTP). – Chưa thể ban hành cáo trạng truy tố ông Tất Thành Cang (TP). – Thông tin mới nhất về vụ ông Nguyễn Thành Tài tạo điều kiện giúp một nữ đại gia (NLĐ). – Bà Dương Thị Bạch Diệp sắp hầu tòa cùng ông Nguyễn Thành Tài (Zing). – Sẽ xét xử nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài và 8 đồng phạm ngày 15-19/3 (DNVN).
Tin môi trường
Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cho biết: “Mitsubishi Corp. của Nhật ngày 25/2 ra thông báo rút khỏi dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, trong tình hình quốc tế ngày càng lo ngại về các vấn đề biến đổi khí hậu!” Đó chính là dự án nhiệt điện than lớn nhất nước với tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỉ Mỹ kim, dự kiến hoạt động từ năm 2024, nhưng cuối năm 2019 đã ghi nhận lỗ lũy kế 58,6 tỉ đồng.
Tác giả cho biết thêm: “Trung tâm điện lực Vĩnh Tân có 5 dự án nhà máy nhiệt điện gồm 1,2,3,4 và 4 mở rộng, trong đó Vĩnh Tân 1,4 do Trung Quốc đầu tư. Liên tục nhiều năm nay dân ở Tuy Phong, Bình Thuận lên tiếng phản đối tình trạng ô nhiễm do các nhà máy này gây nên”. Năm 2015, người dân biểu tình đã chặn cả Quốc lộ 1A và tấn công CSCĐ.
RFA có bài: Sông Cầu ô nhiễm nặng nề vì nước thải nhà máy, có đoạn bị cạn kiệt vì đập thủy điện. Sông Cầu bị ô nhiễm nặng do nhận nước từ sông Ngũ Huyện Khê. Còn sông Ngũ Huyện Khê đang phải “gánh” nước thải không được xử lý của các cơ sở sản xuất, nhà máy làm giấy ở xã Phú lâm, Cụm công nghiệp Phú Lâm, ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, Cụm công nghiệp Phong Khê ở TP Bắc Ninh.
Sông Cầu không chỉ bị ô nhiễm, dòng chảy sông này đã thay đổi sau khi Thủy điện Thác Giềng 1 ở phường Xuất Hóa, Tp Bắc Kạn tích nước để chạy thử. “Cụ thể đoạn từ trạm thủy văn Thác Giềng đến trạm thủy văn Chợ Mới, nước sông cạn kiệt từ ngày 6 tháng 2, lên xuống không theo lịch trình cụ thể, từ khi đập Thác Giềng 1 bắt đầu tích nước”.
Báo Tiền Phong đưa tin: Cảnh dòng sông Ngũ Huyện Khê ô nhiễm như bãi sình lầy đổ ra sông Cầu. Tin cho biết, chính nghề tái chế giấy đã giúp cho người dân ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du và phường Phong Khê, TP Bắc Ninh thu được giá trị kinh tế hàng ngàn tỷ đồng, giờ đang tạo ra gánh nặng môi trường cho người dân địa phương. Nước và rác thải khiến sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng luôn cả sông Cầu, một trong 5 dòng sông quan trọng nhất ở khu vực miền Bắc.
Mời đọc thêm: Mitsubishi rút khỏi nhà máy điện than Việt Nam vì quan ngại về khí hậu (RFA). – Nikkei: Mitsubishi rút khỏi nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 ở Bình Thuận (VNF). – Lo ngại về môi trường, Mitsubishi rút khỏi nhà máy điện than ở Bình Thuận (VnEconomy). – Lo ô nhiễm môi trường từ cơ sở tái chế nhớt thải (ĐN). – Thanh Hóa: Bức xúc bãi tập kết rác thải ven đường bốc mùi hôi thối (MTĐT).
Ngày càng có nhiều người gốc Á ở Mỹ bị tấn công do kỳ thị
Các “di sản” đen tối dưới thời chính quyền Trump vẫn đang gây hậu quả ở Mỹ, trong đó những người thiểu số bị ảnh hưởng nặng. VOA có bài: Kỳ thị người gốc Á dâng cao ở Mỹ, nguyên do vì đâu? Các hoạt động kỳ thị, tấn công người gốc Á ở Mỹ vẫn đang gia tăng, một trong các nguyên nhân là cụm từ “cúm Tàu” (China virus) do ông Trump lặp đi lặp lại lúc còn nắm quyền, đã kích động những kẻ kỳ thị chủng tộc tấn công những người họ cho là mang theo “cúm Tàu”.
Bà Lan Hoàng, người mẹ có 3 con nhỏ ở Phoenix, bang Arizona cho biết: “Lần đó tôi dắt ba đứa con đi xuống dưới đó ăn. Mấy mẹ con đang đi trên hè phố thì có một bà vô gia cư da trắng thấy mình đi qua, bả lấy chai gì đó xịt trên vỉa hè và nói rằng ‘mấy người này có China virus”.
Ông Nguyễn Bá Trạc, ở San Jose, California, cho biết: Em trai ông là ca sĩ Văn Quân, tên thật là Nguyễn Tấn Hùng, khi đi dạo vào buổi tối 17/8/2020 đã bị hành hung đến xuất huyết não, gãy xương sườn. Ông Trạc cho rằng, em ông bị tấn công do kỳ thị sắc tộc, sau khi có nhiều người gốc Á ở đây cũng bị tấn công tương tự.
Các tổ chức hoạt động chống kỳ thị ở Mỹ đều ghi nhận hoạt động bạo lực nhắm vào người gốc Á đã gia tăng trong năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Trump và bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Phản ứng lại vấn nạn kỳ thị, nhóm Nailing It For America vừa tổ chức họp báo, kêu gọi chống thù ghét người Á Châu tại Little Saigon, báo Người Việt đưa tin. Cuộc họp báo được tổ chức ở Garden Grove, California vào chiều 25/2, “với sự tham gia của nhiều giới chức địa phương và một số thành viên trong cộng đồng Á Châu để kể lại những gì họ phải trải qua trong năm 2020 vừa qua, cũng như kêu gọi chính phủ cùng các cộng đồng đứng lên bảo vệ nhau khỏi tình trạng kỳ thị”.
Phát biểu trong buổi họp báo, ông Andrew Đỗ cho biết, mình là người tị nạn sau chiến tranh VN và là cư dân của Orange County từ năm 1996 đến nay. Từ đó đến nay, ông chưa bao giờ thấy có nhiều chuyện liên quan đến thù ghét xảy ra ở quận hạt như trong năm 2020. Theo ông Andrew Đỗ, từ tháng 3 đến tháng 12/2020, đã xảy ra hơn 2,800 vụ thù ghét người châu Á ở khắp nơi trên nước Mỹ, “có thể còn hàng ngàn nạn nhân chưa lên tiếng”.
Mời đọc thêm: Phụ tá giáo viên bị tấn công trong lúc đợi xe buýt ở Rosemead (NV). – Tấn công bạo lực nhắm vào người gốc Á gia tăng ở Mỹ (VTC).
Tình hình Miến Điện
Tình hình đàn áp người biểu tình ở Miến Điện vẫn tiếp diễn: Lực lượng an ninh Myanmar bắn cảnh cáo, mạnh tay giải tán người biểu tình, VTC đưa tin. Hôm nay, hàng ngàn người biểu tình đã tập trung trước một trung tâm mua sắm nổi tiếng ở TP Yangon, tiếp tục phản đối cuộc đảo chính 1/2.
Trước phản ứng của đám đông biểu tình, lực lượng an ninh “đã nổ súng cảnh cáo và ít nhất một người biểu tình đã bị các sĩ quan bắt giữ. Lực lượng an ninh đã đuổi những người biểu tình ra khỏi tuyến phố chính, cũng như xung quanh thành phố Yangon”. Tin cho biết, nhiều người biểu tình phải chạy vào nhà dân để ẩn náu.
Zing đưa tin: Cảnh sát Myanmar bố ráp biểu tình trong đêm. Đêm qua, cảnh sát Myanmar đã bố ráp khu phố Tamwe ở TP Yangon để giải tán cuộc biểu tình chống lại một quan chức được bổ nhiệm trong quân đội. Các nhân chứng cho biết, cảnh sát chống bạo động đã bắn chỉ thiên và quăng lựu đạn gây choáng khi đám đông đang tập trung. Đã có 23 người bị bắt, trong đó có 10 phụ nữ, họ sẽ bị khởi tố “với những cáo buộc liên quan đến cuộc biểu tình”.
RFI có bài: Nghi kỵ Trung Quốc, quân đội Miến Điện mua thêm vũ khí của Nga. GS David Camroux, ở ĐH Khoa học Chính trị Paris cho biết: “Giới quân sự Miến Điện luôn có thái độ ngờ vực Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không ưa thích gì giới tướng lĩnh Miến Điện. Tuy không rõ nét như Việt Nam, nhưng người Miến Điện có một thái độ nghi kỵ Trung Quốc khá lớn. Mối ngờ vực này được thấy rõ ở việc từ một thập niên nay, giới quân sự Miến Điện mua nhiều vũ khí từ Nga hơn là Trung Quốc”.
Mời đọc thêm: Tình hình Myanmar: Kết quả bầu cử 2020 bị hủy bỏ, rộ tin một nhà báo Nhật Bản bị bắt trong cuộc biểu tình ở Yangon (TG&VN). – Dân Myanmar cưỡi voi biểu tình chống đảo chính (VOA). – Anh trừng phạt 6 sĩ quan Miến Điện, biểu tình chống đảo chính tiếp diễn (RFI). – Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing bị Anh trừng phạt (TĐ). – Hành động quyết liệt giữa đêm của quân đội Myanmar (NLĐ). – Toyota hoãn khai trương nhà máy mới tại Myanmar do đảo chính (DNVN). – ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt về tình hình Myanmar (TTXVN).
***
Thêm một số tin: – Giá xăng tiếp tục tăng lần thứ 6 liên tiếp (RFA). – Mùa xuân là tết trồng cây hiểu sao cho đúng? (BBC). – Hai cán bộ huyện đánh bạc tại công sở được sắp xếp công việc mới (CL). – Phường, xã đông dân ở TP.HCM xin tăng cán bộ vì quá tải công việc (VNN). – Cần Thơ liên tiếp phạt tiền Facebooker ‘xúc phạm lãnh đạo đảng’ (NV). – Mỹ thật sự cần làm gì để cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc? (PLTP). – Mỹ không kích Syria: Chuyên gia Trung Quốc nói ‘Mỹ đã trở lại’ (TP).