Miến Điện: Dân chủ mong manh

Blog VOA

Phạm Phú Khải

16-2-2021

Cuộc đảo chánh của quân đội Miến Điện vào ngày 1 tháng Hai cho thấy dân chủ là cái gì đó rất mong manh. Xây dựng dân chủ thì vừa khó khăn vừa mất nhiều thời gian. Còn phá đổ dân chủ thì lại vô cùng dễ dàng, và có khi chỉ qua một đêm.

Một phần, là vì tuy Miến Điện đã chuyển sang dân chủ từ độc tài quân phiệt, nhưng quân đội vẫn nắm khá nhiều quyền lực trong tay. Đúng ra là lâu nay, quân đội vẫn nắm cái cán. Hiến pháp Miến dành đặc quyền cho quân đội, còn gọi là Tatmadaw, 25 phần trăm ghế quốc hội, đủ để Tatmadaw ngăn cản mọi khả năng tu chính hiến pháp. Tổng Tư Lệnh quân đội có thể sử dụng đặc quyền trong các tình huống bất thường, kể cả việc giải tán chính quyền dân sự và quốc hội, và cai trị trực tiếp một khi tổng thống ban hành lệnh khẩn cấp quốc gia. Vì vậy, nó chẳng khác gì nạp sẵn đạn cho quân đội bắn vào thành trì dân chủ khi cần.

Phần khác, dân chủ Miến Điện vẫn còn non trẻ, chỉ dưới 10 năm qua. Muốn dân chủ vững vàng, nó cần một thời gian đủ dài để tâm thức dân chủ bám sâu vào lòng dân. Khi tam quyền phân lập, truyền thông, các định chế, xã hội dân sự và công dân thấy được những điều hay của dân chủ, và tin tưởng và thực hành dân chủ, nó sẽ dần dần đi vào tiềm thức và cung cách hành xử. Nói khác đi, dân chủ chỉ có thể vững bền khi gốc rễ dân chủ bám sâu vào mọi địa hạt và mọi hoạt động của người dân. Trở thành văn hóa chính trị chi phối hành xử của phần lớn công dân.

Cả hai yếu tố trên là nguyên do mà cuộc đảo chánh của quân đội Miến luôn có nguy cơ sớm muộn gì cũng có thể xảy ra.

Qua cuộc đảo chánh này, chúng ta càng thấy rõ một điều: dân chủ quả thật rất mong manh. Nó có thể tốn vài chục năm, đến vài trăm năm, để có thể xây dựng một cách kiên cố. Nhưng ngay cả thế, chưa có gì bảo đảm rằng nó sẽ tiếp tục đứng vững lâu dài, nếu không có sự quan tâm cố gắng của đại đa số người dân. Cuộc đảo chánh tại Miến cũng nhắc nhở cho chúng ta rằng, quảng bá các giá trị cấp tiến, dân chủ, là một tiến trình chậm chạp, đầy thất thường và lắm bất định.

Điển hình là nền dân chủ Mỹ, bề dài hơn 230 năm, vậy mà ngày 6 tháng Giêng vừa qua, và trong suốt hai tháng trước đó, nó cũng bị thách thức đến tận gốc rễ. Cũng may, nhiều thành phần trong cả ba ngành tư pháp, lập pháp và hành pháp đều cố gắng làm những gì có thể để trung thành và tuân thủ với hiến pháp, không phải với cá nhân hay đảng phái nào, nên nền dân chủ Mỹ còn đứng vững được.

Hàng trăm ngàn người Miến đã xuống đường biểu tình liên tiếp trong những ngày qua để phản đối cuộc đảo chánh của Tatmadaw. Các tổ chức nhân quyền như Human Rights WatchAmnesty International cho biết, cảnh sát đã bắn vào người biểu tình, và bắt hơn 300 người cho đến hôm nay.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden mạnh mẽ lên án cuộc đảo chánh này. Ông yêu cầu trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự, và ban hành lệnh chế tài lên giới lãnh đạo quân sự, kể cả Tổng tư Lệnh tướng Min Aung Hlaing. Ông Biden cũng cho biết, Mỹ sẽ kiểm soát chặt chẽ xuất cảng của Miến, đóng băng tài sản của thành phần chịu trách nhiệm với cuộc đảo chánh với trị giá 1 tỷ đô la, nhưng tiếp tục duy trì sự ủng hộ cho các nhóm xã hội dân sự.

Liệu hành động cứng rắn của chính quyền Mỹ có đủ mạnh để gây áp lực buộc quân phiệt Miến Tatmadaw chùn bước hay không?

Không có gì chắc cả, bởi vì ảnh hưởng của Mỹ tại Miến hiện nay rất giới hạn, nhất là so với Trung Quốc. Ảnh hưởng của Trung Quốc với Miến còn hơn cả Mỹ cộng với Liên hiệp Âu châu vì thương mại, đầu tư và quan hệ gắn chặt tại nước này. Thương mại giữa Miến và Trung Quốc so ra còn lớn hơn gấp 10 lần so với Mỹ (năm 2019, 17 tỷ với Trung Quốc so với 1,4 tỷ với Mỹ). Lý do khác nữa là, do chủ trương của chính quyền Trump trong 4 năm qua vì “Mỹ là trên hết”, và cũng do chính quyền Obama khi quyết định gỡ bỏ tất cả các biện pháp chế tài lên quân phiệt Miến khi họ hứa hẹn chuyển đổi dân chủ.

Chính quyền Biden có nhiều lý do chính đáng để bày tỏ thái độ cứng rắn và làm tất cả những gì có thể để tạo áp lực lên Tatmadaw. Trước hết là vì cuộc đảo chánh của quân phiệt Miến nhắc nhở chính quyền Biden về sự thách thức đối với nền dân chủ Mỹ. Trong đó, lý do Tatmadaw đảo chánh là cáo buộc gian lận bầu cử như xảy ra tại Mỹ. Hơn nữa, Biden hứa hẹn ưu tiên đối với các vấn đề nhân quyền và dân chủ trên toàn cầu, trở lại các chính sách của Mỹ từ xưa đến nay, ngoại trừ 4 năm dưới thời Trump. Nếu Biden không có chiến lược hẳn hoi và không cam kết theo đuổi đối với sự kiện xảy ra tại Miến, thì Biden sẽ mất uy tín và những gì chính quyền Biden muốn làm về sau này sẽ khó khăn hơn nhiều. Sau cùng, đây là một thử thách, nhưng cũng là cơ hội tốt, để xây dựng thế liên minh dân chủ mà Biden hứa hẹn trước cuộc bầu cử Mỹ là sẽ đối đầu và thách thức các nhà nước độc tài. Ông Biden mạnh mẽ tuyên bố rằng, Mỹ sẽ đứng lên bảo vệ dân chủ bất cứ nơi nào nó bị tấn công.

Thực tế là Mỹ không thể nào thành công nếu hành động một mình. Ảnh hưởng của Mỹ tại Miến nói riêng và châu Á nói chung, hiện nay đã suy giảm nhiều. Hơn nữa, Mỹ đang phải đối phó với các vấn đề quan trọng và cấp bách trong nước: kinh tế; đại dịch Covid-19; và lòng dân chia rẽ. Chính sách ngoại giao của tân chính phủ Biden, nếu không thiết kế cẩn thận và kỹ lưỡng, để rồi vừa tốn kém, vừa kéo dài và không hiệu quả, thì hàng loạt các ưu tiên và chiến lược khác sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền.

Hiện nay, các nước như Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á đang có các mối bang giao và thương mại với Miến. Thử thách hiện nay đối với chính quyền Biden là thuyết phục các đồng minh của mình, ít nhất là Nhật, Ấn và Singapore, đồng ý với nhau trên quan điểm chung là cần có một phản ứng mạnh, để tạo tối đa áp lực lên Tatmadaw. Mỹ cũng cần làm việc chặt chẽ với Anh và Liên hiệp Âu châu, cũng như dùng diễn đàn Liên Hiệp Quốc, và Hội Đồng Bảo An, để đưa ra các chính sách cứng rắn hơn với Tatmadaw. Nhưng cản trở lớn nhất tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc là Trung Quốc và Nga, vì cả hai nước này có mối quan hệ gần gũi với quân phiệt Miến.

Chính vì vậy, thế cờ kế tiếp của chính quyền Biden đối với Tatmadaw trong sự hiện hữu và ảnh hưởng lớn lao của Trung Quốc, và phần nào đó, của Nga, tại Miến là điều đáng theo dõi trong những ngày tháng tới.

Bình Luận từ Facebook