BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Hành động của Bắc Kinh báo hiệu thời kỳ căng thẳng mới ở Biển Đông: Trung Quốc cho phép hải cảnh nổ súng bắn tàu nước ngoài ở Biển Đông, VietNamNet đưa tin. Ủy ban Thường vụ QH TQ thông qua luật, cho phép lực lượng hải cảnh nước này nổ súng, tấn công các tàu thuyền nước ngoài ở những vùng biển tranh chấp với TQ như khu vực Biển Đông. Hải cảnh TQ được phép sử dụng “mọi biện pháp cần thiết để chấm dứt hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ các tàu nước ngoài”.
Dự luật cũng quy định rõ từng trường hợp hải cảnh có thể sử dụng những loại vũ khí khác nhau, gồm vũ khí cầm tay, phóng từ tàu hay từ trên không. Hãng tin Reuters lưu ý, trước cả khi luật này được thông qua, Bắc Kinh đã “điều hải cảnh truy đuổi tàu thuyền đánh bắt cá của các quốc gia khác” ở Biển Đông, gồm tàu thuyền đánh cá của ngư dân VN.
Dự luật hải cảnh mới của TQ được công bố vào ngày 4/11/2020, “cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng vũ khí trong vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc quyền tài phán của Hoa Lục”. Lúc đó, đã có một số ý kiến dự đoán, không sớm thì muộn TQ cũng sẽ thông qua luật này, để tiến thêm một bước nữa trong kế hoạch thực hiện âm mưu thu tóm Biển Đông.
Báo Thanh Niên có clip: Trung Quốc thông qua luật trao quyền hải cảnh nổ súng ở Biển Đông.
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho bắn tàu nước ngoài, cụ thể là gì, dư luận nói sao? Theo điều 3 của Luật hải cảnh mới của TQ quy định: “Luật này có thể áp dụng với việc hải cảnh triển khai hoạt động chấp pháp, bảo vệ quyền trên biển trong vùng biển thuộc quản lý của nước CHND Trung Hoa”. Còn Điều 84 ghi: “Luật này được thi hành từ ngày 1-2-2021”.
Điều 49 quy định: “Khi nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí theo luật, họ có thể sử dụng trực tiếp vũ khí nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn”. Nghĩa là điều kiện sau chữ “nếu” rất mơ hồ, hoàn toàn có thể bị lính TQ dàn xếp, dựng chuyện. Hãng tin Bloomberg và báo Nikkei Asia cảnh báo, luật này sẽ gia tăng nguy cơ đối đầu ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Báo Thanh Niên có bài: Trung Quốc trao quyền hải cảnh nổ súng, Biển Đông gặp rủi ro bạo lực. PGS Stephen Robert Nagy, ĐH Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, bình luận về dự luật hải cảnh mới của TQ: “Bằng cách vũ trang cho tàu hải cảnh và cho phép sử dụng vũ lực, Bắc Kinh đang gia tăng thách thức đối với các bên khác trong vùng biển tranh chấp liên quan Trung Quốc. Theo thông lệ bình thường, tàu hải cảnh, tuần duyên phi vũ trang sẽ giải quyết các vấn đề liên quan các tàu phi vũ trang”.
TS Satoru Nagao, Viện Nghiên cứu Hudson ở Mỹ, cảnh báo, TQ liên tục triển khai tàu hải cảnh đến các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền: “Khi tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện càng nhiều thì các nước trong khu vực cũng phải điều động tàu tuần duyên ứng phó. Trong bối cảnh như vậy, rủi ro đụng độ càng trở nên cao hơn… Khi luật trên có hiệu lực, thì nguy cơ đụng độ bằng vũ khí lại càng dễ xảy ra”.
TS Nguyễn Ngọc Chu viết: Luật hải cảnh mới của TQ là sự đe dọa trực tiếp đến đời sống và sinh mạng của ngư dân VN. “Nếu trước đây, hải cảnh Trung Quốc ngang ngược húc chìm thuyền, tịch thu thuyền, tịch thu cá, đánh đập, bắt giam ngư dân Việt Nam, thì nay hải cảnh Trung Quốc sẽ nổ súng tiêu diệt. Sẽ chẳng còn ngư dân Việt Nam nào dám bén mảng đến vùng Hoàng Sa, Trường Sa và lãnh hải quốc tế ở Biển Đông Nam Á”.
Mong ước này khó khả thi, vì lãnh đạo CSVN vẫn xem lãnh đạo TQ là “bạn vàng”: “Mong lắm lãnh đạo mới của Việt Nam sau Đại hội XIII sẽ có đối pháp đúng đắn với Trung Quốc trên Biển Đông Nam Á khi luật hải cảnh mới vô cùng nguy hiểm của Trung Quốc đã bắt đầu có hiệu lực. Ngư dân Việt Nam phải được bảo vệ”.
Facebooker Nguyễn Trường Uy cảnh báo: “Khi Trung Quốc áp dụng luật, tàu các nước vào các vùng tranh chấp, nhất là tàu Việt Nam đánh bắt cá ở các đảo tại Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như vùng biển Việt Nam đều có thể trở thành mục tiêu nổ súng của hải cảnh Trung Quốc, trong khi trước đây chúng chỉ ức hiếp, quấy phá, đâm chìm…”
***
RFA đưa tin: Trung Quốc cải tạo, gia cố bờ căn cứ đảo Phú Lâm để ngăn xói mòn. Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, là thực thể tự nhiên lớn nhất mà TQ chiếm đóng ở Biển Đông. Tại đây TQ đã xây dựng hệ thống căn cứ không quân, hải quân quy mô và TP Tam Sa.
Tin cho biết, tài liệu lưu trữ cho thấy, tháng 8/2020, chính quyền TP Tam Sa đã ký một hợp đồng lập kế hoạch khác cho giai đoạn 1 của dự án với Công ty TNHH Viện Thiết Kế & Kế hoạch Vận tải Thủy. “Việc khởi sự giai đoạn một cho thấy rằng thành phố này có thể phát động những giai đoạn tiếp theo”. Nghĩa là hoạt động cải tạo bờ đảo Phú Lâm do đơn vị hành chính Tam Sa tiến hành, có thể tiếp tục sang năm 2021.
Trung Quốc bị tố dùng công nghệ Anh, Mỹ giám sát Biển Đông, theo VnExpress. Báo cáo được công bố ngày 21/1 của hãng phân tích và nghiên cứu dữ liệu Kharon, có trụ sở tại Mỹ, cho biết: Công nghệ của Mỹ và Anh đang được TQ sử dụng để phát triển Mạng lưới Quan sát Khoa học Đáy biển Quốc gia, với mục đích theo dõi, lưu trữ dữ liệu và quản lý “toàn bộ hệ thống quan sát khoa học dưới đáy biển”, đã nhận được khoản đầu tư trị giá 2 tỉ nhân dân tệ, tương đương 292 triệu Mỹ kim.
Báo Thanh Niên đưa tin: 8 máy bay ném bom, 4 chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát Đài Loan. Hôm nay, Đài Loan đã triển khai tên lửa để “giám sát” khi 8 oanh tạc cơ và 4 chiến đấu cơ của TQ đại lục đã tiến vào phía tây nam Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo này. Đài Loan gọi diễn biến này là điều bất thường khi có một lượng lớn máy bay quân sự áp sát như vậy.
Philippines không thỏa hiệp về Biển Đông để đổi vắc xin Covid-19 Trung Quốc, theo báo Dân Trí. Ông Carlito Galvez Jr., người đứng đầu lực lượng đặc trách Philippines chống dịch Covid-19, tuyên bố, “sẽ không thỏa hiệp về vấn đề Biển Đông với Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về vấn đề vắc xin Covid-19”.
Mời đọc thêm: Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh bắn tàu nước ngoài (TT). – Trung Quốc chính thức trao quyền nổ súng cho ‘hung thần’ ở Biển Đông (TN). – Biển Đông: Bắc Kinh ra luật cho phép Hải Cảnh ‘‘nổ súng’’ vào tàu nước ngoài (RFI). – Luật Hải cảnh của Trung Quốc gây lo ngại lớn (NLĐ). – Trung Quốc cho phép hải cảnh sử dụng vũ khí với tàu nước ngoài, truyền thông quốc tế ‘dậy sóng’ (TG&VN).
– Trung Quốc thông qua luật Hải cảnh, chuyên gia cảnh báo tàu cá ngư dân Việt Nam có thể bị bắn (RFA). – Trung Quốc tiếp tục hoạt động phi pháp ở đảo Phú Lâm (PLTP). – Australia muốn thuyết phục Trung Quốc ngừng trừng phạt thương mại (BNews). Mời đọc lại: Trung Quốc lại đưa tàu Hải Cảnh 4.000 tấn vào hoạt động trên Biển Đông (DT). – Bắc Kinh “tính sổ” với Trump để “dằn mặt” tân TT Mỹ Biden (RFI).
Tin chính trường
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăng cấp bậc hàm Thượng tướng cho Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn, báo Dân Trí đưa tin. Buổi lễ thăng cấp diễn ra tại Phủ Chủ tịch, ông Trọng, vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang, đã trao Quyết định thăng cấp hàm cho Thứ trưởng Bộ Công an. Chỉ còn hơn một ngày là khai mạc ĐH 13, sự kiện thăng hàm này trùng hợp ngẫu nhiên hay có ý đồ gì đây?
Trước đó, được ông Trọng ủy quyền, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thăng hàm cấp tướng cho 6 sĩ quan công an, theo Zing. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc được thăng cấp từ thiếu tướng lên trung tướng, đại tá Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, được thăng lên thiếu tướng.
Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, GĐ Công an Hà Nội và thiếu tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng An ninh mạng, cùng được thăng hàm trung tướng. Phó cục trưởng Tình báo Phan Thanh Tuấn và Phó cục trưởng Khoa học, Chiến lược và Lịch sử công an Hoàng Văn Toàn, cũng được thăng hàm từ đại tá lên thiếu tướng.
Trước đó, tại Phủ Chủ tịch nước, sự kiện thăng cấp hàm cũng đã diễn ra, khi quân đội có thêm 2 Thượng tướng, báo Người Lao Động đưa tin. Tổng – Chủ Trọng trao quyết định thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng cho ông Nguyễn Tân Cương và ông Võ Minh Lương, đều là Ủy viên TƯ đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
***
Báo Hà Nội Mới có đồ họa: Đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng đông nhất trong 13 kỳ Đại hội.
RFA đặt câu hỏi: Thừa nhận ‘Không ai qua mắt được dân’… sao không trao quyền cho dân? Cựu Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Khắc Mai, bình luận: “Họ nói theo sách vở thôi, chứ còn thực tế thì họ không dám để cho dân giám sát. Nếu ai mà có giám sát sắc sảo thì họ bắt bỏ tù, chính sách của họ một đằng, họ nói một nẻo. Thể chế chủ nghĩa xã hội không bảo đảm cho quyền giám sát của dân, bởi vì ngay cả quốc hội là cơ quan giám sát quan trọng nhất của quốc gia, thì chín mươi mấy phần trăm là đảng viên của Đảng rồi”.
Mời đọc thêm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao Quyết định thăng quân hàm Thượng tướng cho Thứ trưởng Bộ Công an (Tin Tức). – Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn được phong hàm Thượng tướng (LĐ). – Chân dung Thứ trưởng Bộ Công an vừa được thăng hàm Trung tướng (TĐ). – 3 Đại tá công an được thăng hàm lên Thiếu tướng (PLTP). – Thăng quân hàm cấp Thượng tướng cho 2 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (VOV). – Nhân sự Đại hội 13: Vẫn còn có băn khoăn về tính minh bạch? (BBC).
Cập nhật vụ Nhật Cường
Đúng 20 ngày sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị, hôm nay, VKSND Tối cao truy tố 15 bị can vụ Nhật Cường Mobile, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Các bị can bị truy tố hành vi “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường, từng là “sân sau” của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Trong số các bị can, có bà Nguyễn Thị Bích Hằng, kế toán trưởng Công ty Nhật Cường; Nguyễn Ngọc Bảo, GĐ tài chính Nhật Cường; Trần Ngọc Ánh, Phó TGĐ Nhật Cường; Đỗ Quốc Huy, GĐ bán hàng Nhật Cường, Bùi Quốc Việt, nhân viên Nhật Cường. Riêng cựu Tổng GĐ Bùi Quang Huy hiện vẫn đang bỏ trốn.
Zing có đồ họa: Những ai bị khởi tố trong đại án Nhật Cường Mobile?
VietNamNet có bài: Ông chủ Nhật Cường bỏ trốn và số phận 15 đồng phạm. Tin cho biết, “Bùi Quang Huy cùng 5 người khác đang bỏ trốn, CQĐT đã ra quyết định truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”. Có thông tin cho rằng, nhờ có Chung “con” báo tin mà ông chủ Nhật Cường đã kịp bỏ trốn, trước khi công an ra tay. Đến nay vẫn chưa bắt được.
Thủ đoạn trốn thuế của Nhật Cường: Công ty Nhật Cường lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, trốn thuế gần 30 tỷ đồng, theo VTC. Theo cáo trạng do VKSND Tối cao ban hành, giai đoạn 2014 – 2019, ông chủ Nhật Cường đã chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, một hệ thống nội bộ, bí mật theo dõi số liệu thực tế và một hệ thống để khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước. Giữa 2 hệ thống này có sự chênh lệch về số liệu.
Mời đọc thêm: Truy tố 15 bị can trong vụ Nhật Cường (Tin Tức). – Truy tố 15 bị can trong đại án Nhật Cường (NLĐ). – Ai cầm đầu vụ Công ty Nhật Cường buôn lậu hơn 2.900 tỷ? (Zing). – 2 anh em ông chủ Công ty Nhật Cường buôn lậu ra sao? (PLTP). – Ông chủ Nhật Cường được kế toán trưởng giúp sức trốn thuế như thế nào? (DT). – Ông chủ Nhật Cường chuyển hàng lậu vào Việt Nam qua 9 đường dây (TP).
Tin giáo dục
Báo Tiền Phong đưa tin: Sở Giáo dục Thanh Hóa yêu cầu làm rõ vụ học sinh bị đánh vỡ sọ não. Vụ việc xảy ra lúc trưa 14/1, nam sinh Phan Thanh Lâm, HS lớp 11A6 của Trường THPT Lang Chánh, vừa bước ra khỏi cổng trường thì bị một nam sinh khác cùng trường, cùng khối, là Nguyễn Bá Thuận, dùng gậy sắt đánh thẳng vào đầu khiến nạn nhân gục ngay tại chỗ, phải nhập viện do chấn thương sọ não.
Vòng lẩn quẩn của bệnh thành tích trong nền giáo dục VN: Xếp hạng thành tích nhà trường, địa phương và vòng xoáy thi học sinh giỏi, theo báo Giáo Dục VN. GV Lường Tú Tuấn nhận định: “Khi một nền giáo dục chưa có được hệ thống, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng theo các thang bậc hiện đại như của thế giới thì người ta chỉ có thể dựa vào các thành tích để xếp hạng trường này trường kia, xếp hạng các em học sinh. Chính vì vậy mà các kỳ thi học sinh giỏi như hiện nay buộc phải duy trì”.
Mời đọc thêm: Giáo án phải theo 1 mẫu chung, tác hại khôn lường (GDVN). – Nam sinh lớp 11 bị bạn đánh chấn thương sọ não: Sở GD&ĐT Thanh Hóa vào cuộc (VTC). – Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu làm rõ vụ nam sinh bị hành hung ở Lang Chánh (TH). – ‘Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu còn xảy ra bạo lực học đường’ (ANTT).
***
Thêm một số tin: Khách khiếu nại không rút được 52 tỉ đồng tiết kiệm, ngân hàng nói gì? (TT). – Malaysia áp thuế chống bán phá giá thép của Việt Nam (Tin Tức). – Con gái đầu của vua Bảo Đại qua đời tại Pháp (TĐ). – Thượng Viện Mỹ bắt đầu thủ tục luận tội cựu TT Trump từ ngày 08/02 (RFI). – TT Biden đặt mục tiêu 100 triệu mũi vaccine COVID trong 100 ngày đầu tại chức (VOA).
Nước Anh vừa kết án bốn bị can trong vụ 39 người Việt chết trong xe thùng, lập thành tích xuất sắc chào mừng đại hội 13 của đcsvn, sao không thấy đưa tin ?