19-1-2021
Không phải quá bất ngờ, từ Hội nghị sau chót của Trung ương đương nhiệm, người ta thảo luận đến khả năng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử.
Nếu đồng ý cho ông Trọng tái nhiệm, Đại hội đảng XIII phải tìm ra giải pháp khả thi để không vi phạm điều lệ đảng, vốn chỉ cho phép giữ vị trí đứng đầu hai nhiệm kì liên tục.
Điều khó khăn là trong đảng chỉ muốn coi đây là ngoại lệ duy nhất, áp dụng cho yêu cầu tiếp tục cương vị Tổng bí thư của chính ông Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải dỡ bỏ giới hạn nhiệm kì nắm quyền của lãnh đạo đảng.
Nhưng dù là phải sửa điều lệ hay không thì đại hội XIII phải tiến hành ngoại lệ đặc biệt này một cách chính danh, chính đáng.
Theo giải thích từ những nhân vật thân cận với ông Trọng, đã có nhiều ý kiến của đảng viên và dân chúng đề nghị ông tiếp tục làm Tổng bí thư. Chắc chắn không phải đợi đến hội nghị TƯ 15 ông mới có quyết định tái cử.
Ông Trọng ghi dấu sự lão luyện chính trị của mình khi ở giai đoạn chuẩn bị và tiến hành Đại hội XII, từng bước một chắc chắc, để Trung ương rồi Đại hội đồng thuận quyết định, chỉ có ông tái cử. Trong khi các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, đều ít tuổi hơn, có lịch sử hoạt động phong phú hơn ông phải “vui vẻ” hồi hưu.
Tiến trình chuẩn bị Đại hội XIII, vị giáo sư xây dựng đảng càng tỏ tõ bản lĩnh lão luyện trong việc hiện thực hoá ý chí lãnh đạo của mình thành quyết định của Trung ương, của đảng.
Để ngăn chận các trường hợp bị cho là nguy hại với đảng được bầu vào Trung ương mới, mỗi một nghị sự chuẩn bị ông thống nhất một kiểu rào chắn.
Từ rộng đến cao, Trung ương rồi Bộ chính trị, Ban bí thư, trong chuẩn rồi ngoại lệ. Cuối cùng mới tới Tổng bí thư và chóp bu hệ thống chính trị.
Bằng cách đó các lãnh đạo đương nhiệm còn trong độ tuổi nhưng đã không được tái cử vào khoá mới, như các ông uỷ viên Bộ chính trị Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải, những nhân vật được cho là có trách nhiệm cùng ‘đồng chí X’, cựu chính trị gia quyền lực Nguyễn Tấn Dũng.
Hay cuộc “rút phép thông công” chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngay trước Đại hội đảng bộ thủ đô.
Hoặc nhẹ nhàng hơn là loại Tất Thành Cang khỏi Trung ương, để trường hợp quy hoạch cấp chiến lược này không còn cơ sở tham gia dàn lãnh đạo khoá mới của TP.HCM…
Ban hành các qui chế cứng rắn buộc các thành viên lãnh đạo không được nói khác, làm khác các quyết định của tập thể lãnh đạo, vị giáo sư đỏ đã thiết lập trật tự tuân thủ thống nhất trong toàn đảng. Đó là điều trước ông chưa có Tổng bí thư nào từ khi đổi mới làm được.
Tuy thế, dường như uy tín và bản lĩnh vượt trội của ông cũng đang bộc lộ thành những vấn đề chính trị không nhỏ.
Trong tiếp nhận phổ biến của công chúng và cả đảng viên, các quyết định kiêm nhiệm Chủ tịch nước, hay tái cử lần thứ 3 này, dường như cũng gây nên các khoảng cách ngờ vực.
Liệu giới hạn nào phải là giới hạn kiểm soát với một Tổng bí thư mà uy thế đang gần như vô đối?
Dưới tầng của cuộc đấu tranh không có vùng cấm với tham nhũng là cuộc chỉnh đốn đảng tới cùng, quyết liệt. Đó là tiền đề tiên quyết kiến tạo không gian phát triển lâu bền, thực hiện đường lối phát triển sâu rộng cho đất nước.
Ngay như khoá 13 tới, một nhân vật, được cho là có hiểu biết sâu về tổ chức bộ máy, có kinh nghiệm cải cách bộ máy cấp tỉnh thu được kết quả khá rõ ràng, được chuẩn bị cho vị trí đứng đầu bộ máy hành chính nhà nước. Một cách lờ mờ, có thể nhìn thấy mạch lạc chính trị của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng cũng đang tồn tại nhiều băn khoăn.
Tình trạng “độc canh” đốt lò mà chưa chú trọng đổi mới đồng bộ các tác nhân kinh tế xã hội và chính trị.
Tình trạng suy yếu của pháp quyền và xu hướng trấn áp bạo lực trong các xung đột phát triển từ cơ sở. Hệ thống chính trị bị hành chính hoá, xơ cứng, hao tốn quá mức.
Sự phát triển bộ máy nhân sự, nhất là bộ máy hành chính và lãnh đạo cấp quốc gia, chưa xử lí đúng đắn sự hài hoà trong một đất nước đa vùng, đa văn hoá, đa dân tộc có thể tích tụ những nguyên nhân chính trị rối loạn, bất lợi.
Khung cảnh biến đổi nhanh chóng của thế giới cả từ hiểm hoạ, lẫn cơ hội diễn ra trong bối cảnh xã hội Việt Nam chạm ngưỡng giai đoạn già hoá dân số, đặt ra cấp bách không gian chính trị mới mẻ và có trách nhiệm của tuổi trẻ. Đặt phát triển đất nước, xã hội song hành cũng sự phát triển cá nhân là một thách thức hệ trọng với khả năng cầm quyền của đảng.
Chính trị đang cần tiếp sự lão luyện của ông Trọng. Cũng đang đặt ra trước ông thách thức về sự lôi cuốn.
Tâm Chánh viết bào nào cũng giống nhau, nhiều phần ưu ai nâng niu ông chủ cái lò tôn. Đọc thấy có phần ngượng.
Không nể phục lắm về nội dung bài viết, nhưng đúng là phải nể phục khi TG Tâm Chánh dám đưa công khai ra đây, trước khi Đảng công khai công bố.