Hồ Duy Hải hay là đòi hỏi công lý

Nguyễn Đức

29-12-2020

Khi tôi viết bài này, đã là 2 giờ sáng ngày 29/12/2020. Những ngày cuối cùng năm 2020 dần khép lại, 13 năm của “tử tù” Hồ Duy Hải cũng sắp kết thúc. Vài ngày nữa là 2021.

Những tưởng ánh sáng sự thật, công lý sẽ đến với Hồ Duy Hải vào phiên toà giám đốc thẩm ngày 8/5/2020. Tuy nhiên 17 thẩm phán vẫn tuyên y án tử Hồ Duy Hải.

17 thẩm phán bỏ qua tất cả 17 điểm kháng nghị quan trọng như: về dấu vân tay, vật chứng, nhân chứng, vết máu, lời khai ngụy tạo, bút lục sửa nhiều… và hàng loạt tình tiết vi phạm tố tụng.

Ngay tại phiên toà, chính Chánh án tối cao cũng thừa nhận các vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra. Tuy nhiên 17 vị vẫn “đanh thép” tuyên y án.

Trong nỗ lực gắng gượng, không tuyệt vọng, mẹ Hồ Duy Hải đã ngược xuôi bao năm kêu oan đến không thể khóc. Luật sư Trần Hồng Phong cùng các luật sư theo đuổi vụ án đã kiên nhẫn chỉ ra các căn cứ oan sai, các luật sư không ngừng hy vọng.

Và đó cũng chính là đòi hỏi công lý của chúng ta.

Bởi: “Mất hy vọng chính là kẻ thù của công lý”- luật sư người Mỹ Bryan Stevenson, người giúp những người da màu khốn khổ thoát khỏi bản án tử hình oan sai, từng chia sẻ.

***

Vân tay truy ra hung thủ

Sáng nay một bạn đọc gửi hình tôi hỏi tướng Hồ Sỹ Tiến và lãnh đạo Bộ Công an tại họp báo vụ Nguyễn Hải Dương sát hại 6 người ở Chơn Thành, Bình Phước 5 năm trước.

Làm tôi nhớ lại hôm đó tôi có đặt câu hỏi: liệu đã đủ chứng cứ phạm tội, các chứng cứ là gì? Thì lãnh đạo Bộ Công an cũng như công an tỉnh Bình Phước chia sẻ rất rõ: về dấu vết, hung khí, lời khai, giám định ADN hung thủ…

Điều này cho thấy các cơ quan tố tụng đã làm rất thận trọng về chứng cứ trước khi khởi tố.

Vụ án nhanh chóng tìm ra hung thủ bởi dấu vân tay của Dương và Tiến để lại tại hiện trường và trên người các nạn nhân rất nhiều.

Trong vụ Hồ Duy Hải bị quy tội giết người, với hàng loạt hành động mà không để lại dấu vân tay. Khám nghiệm cũng không hề thu được găng tay, hung khí…

Trong khi đó có hơn 200 dấu vân tay ở hiện trường nhưng không có vân tay Hải.

Kì lạ thay, để phản bác kháng nghị của VKSND Tối cao, 17 thẩm phán tối cao lại phán quyết: Hải không có dấu vân tay không phải là căn cứ ngoại phạm.

Chỉ 1 trong 17 điểm mà kháng VKSTC chỉ ra đủ hủy 2 bản án tử. Có điều luật nào cho phép: “có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” không quý toà?

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Nhà thông thái cũng ngơ ngác, duy chỉ có em bé bập bẹ mà rằng: “Ở cái xứ mọi rợ thì thần công lý cũng mọi rợ”

  2. Khi những chuyên gia luật hàng đầu và đồng thời đã từng giữ những chức vụ quan trọng nhất trong bộ máy tư pháp Việt nam (Đại biểu QH, Chủ nhiệm ủy ban pháp luật khóa VI đến khóa X trừ khóa IX) là bà Ngô Bá Thành mà đã phải chua chát nhận định: “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!” thì những gì xảy ra với Hồ Duy Hải tôi khó mà hiểu khác với nhận định của Bà Thành ở trên!

Comments are closed.