Vụ em học sinh tự tử ở An Giang là một ví dụ về bạo lực học đường

Lê Quang

7-12-2020

Có một sự thật là bạo lực học đường không đơn thuần chỉ là chuyện giữa học sinh với nhau mà nhiều trường hợp nó còn là vấn đề xảy ra giữa giáo viên và học sinh. Tất nhiên, nó xảy ra theo hai chiều, có thể là học sinh bắt nạt giáo viên và cả trường hợp ngược lại, giáo viên bắt nạt học sinh.

Học trò mà khó dạy, khó bảo thì cũng như là mình bắt nạt giáo viên. Còn giáo viên mà hết kiên nhẫn thì với quyền lực mà họ nắm trong tay e rằng khó tránh khỏi việc áp dụng biện pháp cứng rắn, nguy hơn, trở nên thù địch, đối đầu trong tư tưởng.

Đấy không phải bạo lực học đường thì là gì? Vậy nên thầy cô giáo nên là tấm gương về cách sống cho học sinh, cũng không cần phải giỏi chuyên môn lắm đâu nhưng nên công bằng, khen chê rõ ràng, động viên khuyên nhủ học trò. Bọn trẻ con nó có thể còn ngu và dại nhưng chúng rất nhạy cảm, ai thương chúng thật lòng chúng biết ngay.

Thời học cấp ba, tôi học dốt nhất là môn Hoá, cô giáo dạy Hoá của tôi nổi tiếng nghiêm và giỏi chuyên môn, học sinh trường tôi sợ một phép, kể cả bọn học giỏi Hoá cũng sợ. Ấy thế nhưng tôi lại cực kỳ quý cô giáo mình (dù thú thực là những kiến thức hay nhất mà cô giảng thì tôi chẳng hiểu gì). Nguyên nhân rất đơn giản, cô thường khuyên tôi hãy cố mà học cho nó đạt yêu cầu môn của cô còn thời gian khác thì lo mà học môn năng khiếu đi.

Năm đó khoá tôi thi tốt nghiệp môn Hoá thay vì Vật lý (môn tôi học giỏi). Cuối ngày, khi biết tin, cô gọi riêng tôi ra và khuyên nhủ bảo cô lo cho mày lắm, thôi bóng bánh ít thôi, gớm ngày nào cô cũng thấy mày đạp xe đi chơi bóng về tận 8-9h tối. Học một tý đi cho nó đạt cái tốt nghiệp rồi vào Đại học thì chơi bóng (chả là lớp tôi tỷ lệ đỗ ĐH thường gần 100% nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp có thể ít hơn thế – do học lệch).

Dù dốt Hoá nhưng cô giáo tôi không bao giờ chê bai hay “dìm hàng” tôi giữa lớp. Thỉnh thoảng cô châm biếm cho vui là bài này tôi nói với các anh chị rằng đến ông Quang ông ý cũng giải được.

Có nghĩa là nói cho vui thôi. Còn lúc nào cần “lên lớp” tôi một cách ác liệt thì cô sẽ gọi riêng tôi ra rồi mở máy để tôi đỡ xấu hổ với chúng bạn. Cái tuổi này nó thế, dễ bị tự ái, tổn thương dù bề ngoài thì cũng gan lì đấy. Được cái sau mỗi lần bị giáo huấn xong thì tôi cũng được tiếp thêm động lực để học môn này (một tý).

Năm đó tôi thi tốt nghiệp Hoá được 9.5 điểm. Nếu bạn nghĩ rằng tình thương bao la của cô làm tôi trở thành một học sinh giỏi Hoá thì bạn đã nhầm. May mà năm đó đi thi thế nào tôi lại ngồi ngay cạnh cái Phương, một siêu sao Hoá – Sinh của lớp. Được bạn nhắc bài cho nên mới được 9.5 điểm không thì tự làm chắc chỉ 6-7 điểm thôi. Tôi nghĩ là khi xem điểm cô sẽ đoán được điều này, em xin lỗi cô nhưng sự đã rồi ạ. Đối với kì thi ĐH, khó nhằn hơn thì cô giáo tôi lại không bận tâm lắm. Mặc dù không biết gì về vẽ nhưng cô lập luận rằng nếu như đã dốt Hoá đến vậy thì tôi có thể lại vẽ đẹp bởi lẽ người ta không thể ngu cùng một lúc hai thứ được…

Sau này học lên tôi có may mắn được học thêm các thầy cô giáo cũng kiểu như vậy. Các thầy giáo ở ĐH Kiến trúc HN, Sếp tôi ở VP Thuỵ Sĩ, thầy hướng dẫn luận văn ở ETHz hay cô giáo phụ trách duyệt hồ sơ ở Harvard chẳng hạn. Họ thường góp ý rất thẳng thắn với tôi và có đôi khi tạo ra một ngoại lệ nào đó trong khả năng của họ.

Điều mà học sinh mong muốn từ người thầy của mình, đấy chính là được nhìn thấy một phiên bản của mình trong tương lai, muốn được trở thành người như thế. Còn nếu thầy trò mà phải đối đầu nhau đến mức sống còn thì còn trông đợi được gì từ người kia? nên rũ bỏ cái quan hệ ấy đi cho nó nhẹ người và đừng nên tự tử, thiệt thân. Không coi nhau là thầy trò nữa thì nó đơn giản lắm.

Cho đến giờ, tôi vẫn hoàn toàn không hiểu những kiến thức chuyên môn mà cô giáo môn Hoá học của tôi dạy tôi năm nào; Nhưng tôi vẫn muốn trở thành một con người như cô và điều đó tạo nên mối liên hệ thầy trò cụ thể.

Thầy, trò không dồn nhau vào đường cùng, nếu điều đó xảy ra, xin đừng gọi nhau là thầy trò.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Có một cái ông gì, to lắm, ông ấy bảo giáo dục Việt Nam phải cố gắng phấn đấu để thày ra thày, trò ra trò.
    Thế đấy ạ !

Comments are closed.