BTV Tiếng Dân
Người dân miền Trung liên tiếp hứng chịu những cơn bão. Hậu quả các cơn bão trước chưa giải quyết xong, trưa nay, cơn bão số 9 có tên Molave đã đổ bộ vào phía Đông Nam Đà Nẵng, khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi, sức gió có lúc lên đến 130 km/h. Trang Tin tức 24h Online có clip tổng hợp bão số 9 đang đổ bộ, tâm bão Quảng Nam Quảng Ngãi:
Hậu quả từ sự tàn phá của bão Molave: Quảng Ngãi tan hoang sau bão, hơn 38.000 nhà bị tốc mái, báo Tiền Phong đưa tin. Chiều nay, sau khi bão số 9 đi qua, “toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 38.000 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng, trong đó có ít nhất 8 căn nhà bị sập hoàn toàn”, hầu hết các tuyến đường tỉnh Quảng Ngãi đều có cây gãy, ngã đổ, khiến giao thông trên nhiều tuyến đường bị tê liệt.
Trang VnExpress có phóng sự ảnh: Nhà dân tan hoang sau bão Molave, cho thấy, nhiều căn nhà của người dân ở Quảng Ngãi bị sập hoàn toàn. Không chỉ nhà dân, mà rất nhiều trụ sở của các cơ quan nhà nước như trường học, bệnh viện, UBND… bị tốc mái, trong đó trụ sở UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cũng bị tốc mái. Không chỉ mái tôn, mà cả nhà mái ngói cũng bị ảnh hưởng.
VTC Now có clip: Diễn biến mới nhất cơn bão số 9 Molave:
Bão Molave khiến 1,7 triệu hộ bị mất điện, VnExpress đưa tin. Tổng công ty điện lực Miền Trung cho biết, bão Molave đã khiến lưới điện 110kV gặp sự cố ở 14 đường dây và 10 trạm biến áp, làm hơn 15.700 trạm lưới điện trung áp mất điện, chỉ mới khôi phục hơn 2.130 trạm.
Tin cho biết, “Quảng Trị có 10 xã bị mất điện; Thừa Thiên Huế có một phần của 4 phường và 23 xã; Đà Nẵng có 11 xã, phường; Quảng Nam có 192 xã; Quảng Ngãi có 173 xã; Bình Định có 97 xã, phường, thị trấn; Phú Yên có 51 xã, phường, thị trấn; Kon Tum có 14 xã; Gia Lai có 23 xã, phường và Đăk Lăk có 9 xã”.
Người dân miền Trung mất điện, nhà cửa bị ảnh hưởng, chưa kịp hồi phục sau trận mưa lũ lịch sử, bây giờ lại có nguy cơ đối diện sạt lở, lũ quét, còn TAND tối cao thì vừa khánh thành trụ sở mới. Chỉ khai trương cái nhà mới, mà được nâng lên thành “sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng, hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt của hệ thống Tòa án nhân dân, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Quan chức lo hội họp, lo tận hưởng nhà cửa khang trang, còn dân thì bế tắc trong bão lũ. Nhà báo Nguyễn Tiến Tường bình luận: “Cái gì cũng chê, cũng phê bình thì thành ra tiêu cực, nhưng nhìn mái tôn nhà dân đang bị cuốn như cuốn bánh tráng, trông lại hình này thật quá buồn. Nhiệm kỳ của chánh án Bình thì còn đó những vụ án thế kỷ không lối thoát. Thất bại không chỉ của riêng ngành tư pháp mà còn cho cả xã hội, nhân dân”.
***
Trước đó, VTC có clip phỏng vấn nhà nghiên cứu khí tượng Nguyễn Ngọc Huy: Chuyên gia nói về 3 yếu tố khiến bão Molave trở thành cơn cuồng phong.
VTV có clip: Bão số 9 Molave giật cấp 17, mưa lớn gây nguy cơ lụt trở lại.
Vụ việc ở Quảng Nam: 2 cán bộ xã bị sạt lở núi vùi lấp mất tích, theo báo Người Lao Động. Vào khoảng 2h chiều 28/10, ở huyện Phước Sơn, cán bộ dân vận xã Phước Lộc tên Hồ Văn Sợ, và Phó bí thư đoàn tên Hồ Văn Độ “đã bị sạt lở núi vùi lấp. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện Phước Sơn đã điều lực lượng đến hiện trường tìm kiếm”.
Tin cho biết, “do đường xá bị sạt lở, tại địa phương đang có mưa lớn nên việc tiếp cận hiện trường, tổ chức tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Được biết, trong ngày 28-10, tại xã Phước Lộc, Phước Thành của huyện Phước Sơn cũng xảy ra vụ sạt lở vùi lấp nhiều nhà dân. May mắn, các hộ dân đã được di dời trước đó nên không gây thiệt hại về người”.
Cũng liên quan tới sạt lở, trang Kinh Tế Đô Thị có bài: Bão hoành hành ở Quảng Nam- Quảng Ngãi, lũ lên nhanh, nguy cơ sạt lở lớn, nhiều người thương vong. “Mưa lớn làm đất đá đổ sập xuống khu dân cư, vùi lấp một phần nhà cửa của nhiều hộ dân ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Vụ việc xảy ra vào khoảng 13 giờ 30 chiều nay. Đất đá sạt lở theo mưa lớn chảy tràn xuống đường kéo dài hàng chục mét. Có 4 người dân suýt bị đất đá vùi lấp, may mắn đã thoát được”.
Sau thiên tai là đến nhân tai: Thủy điện lớn nhất Quảng Trị xả lũ, nguy cơ ngập lụt diện rộng, báo Nông Nghiệp VN đưa tin. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị xác nhận, hồ chứa thủy lợi – thủy điện của tỉnh này ở huyện Hướng Hóa sẽ bắt đầu xả lũ từ chiều nay, “lưu lượng xả lũ tại thời điểm ban đầu theo thông báo là 40m3/s. Sau đó được điều tiết theo lưu lượng lũ về hồ thực tế”.
Đại diện của EU tại VN ra thông cáo báo chí: Liên minh châu Âu hỗ trợ 1.3 triệu euro giúp các nạn nhân của những đợt lũ lụt ở Việt Nam. Khoản viện trợ trị giá 1,3 triệu euro, tức hơn 35,6 tỉ đồng VN sẽ được dùng để trợ giúp nhân đạo khẩn cấp cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi các đợt lũ lụt gây hậu quả nặng nề ở các tỉnh miền trung VN từ đầu tháng 10/2020, “tập trung giải quyết những nhu cầu cấp bách của những người bị ảnh hưởng ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”.
Lưu ý, “khoản viện trợ này, được cung cấp thông qua chương trình Công cụ Ứng phó Khẩn cấp quy mô Cấp tính của EU (ALERT), sẽ hỗ trợ Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc, Save Children và World Vision trong công tác thực hiện cứu trợ”. Có ý kiến cho rằng, điều khoản này là để MTTQVN và các tổ chức “báo cô” có liên quan không thể “chấm mút” được gì từ khoản viện trợ, bảo đảm từng đồng tiền viện trợ được chi dùng cho mục đích cứu trợ.
Mời đọc thêm: VN: Bão số 9 Molave đã đổ bộ, 2 tàu cá mất tích (BBC). – Bão MOLAVE ảnh hưởng đến vận hành lưới điện miền Trung (KTĐT). – Đà Nẵng ngổn ngang sau bão Molave (TP). – Lở núi, 2 cán bộ xã bị vùi lấp (Zing). – Quảng Nam: 2 cán bộ đi chống bão bị sạt lở núi vùi lấp, mất tích (ĐĐK). – Bão số 9 hoành hành hơn 6 giờ, có thể kéo dài đến hết đêm nay (24h).
– Video: Bão số 9 cuốn phăng mái tôn của trường học (TĐ). – Clip về hình ảnh gió “bốc” hết mái tôn trường học ở Quảng Ngãi khiến nhiều người kinh hãi (GĐ). – Video: Mái tôn bay như lá, sóng biển dâng cuồn cuộn ở Quảng Ngãi (HT). – Kon Tum: Đường nứt toác, Quốc lộ 24 tê liệt (NLĐ). – Siêu bão đổ bộ, nhiều địa phương thiệt hại nặng nề (NĐT).
-Điểm qua tin tức báo chí:
*Số liệu cập nhật lúc 17 giờ ngày 28-10-2020, lưu lượng nước về hồ thủy điện Đak Mi 4 (Quảng Nam) lên đến gần 8.400 m3/giây. Thủy điện này xả nước qua tràn hơn 7.000 m3/giây. Ngoài thủy điện Đak Mi 4, thời điểm 17 giờ ngày 28-10, thủy điện A Vương cũng đang xả xuống hạ du hơn 300 m3/giây. Lưu lượng nước về sông Vu Gia lên đến gần 7.400 m3/giây. Để xả lũ tràn về thủy điện, Công ty CP Thủy điện Đak Mi (chủ đầu tư công trình thủy điện Đak Mi 4) phát thông báo về việc vận hành hồ thủy điện Đak Mi 4 như sau: thời điểm bắt đầu vận hành vào lúc 15 giờ 30 ngày 28-10, lưu lượng xả tràn dự kiến lên đến 11.400 m3/giây. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay lũ trên sông Vu Gia lên rất nhanh. Mực nước lúc 16 giờ ngày 28-10 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,55 m – dưới báo động 2 là 0,25 m. Trường hợp thủy điện xả xuống hạ lưu như dự kiến, tức 11.400 m3/giây, từ 6 đến 12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng tăng lên mức 11,2 m – trên báo động 3 là 2,2 m.
-Kết luận: Sau 15 giờ 30 ngày 28-10, dự báo từ 6 đến 12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa dâng cao đang từ 7,55 m lên đến 11,2 m, tức là nước sông dâng cao thêm 11,2-7.55=3,65m. Vậy thử hỏi các bác lãnh đạo, chỉ trong khoảng thời gian 6~12 giờ, nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa dâng thêm 3,65m thì dân Việt chạy tránh lũ sao kịp đây hở các bác???!!!! Ơi Ông Trời.