Tác giả: Michael Fullilove
Dịch giả: Phạm Quang Tuấn
Trong hầu hết các năm bầu cử tổng thống Hoa Kỳ – ví dụ, Clinton-Bush năm 1992, Bush-Gore năm 2000, hoặc Obama-Romney năm 2012 – ta có thể tranh luận đàng hoàng về việc ứng cử viên nào tốt hơn cho Úc. Năm 2020 thì không vậy.
Liệu nếu Donald Trump tái đắc cử có tốt cho lợi ích của Úc? Hỏi là trả lời. Đưa ra lập luận này có thể gây cảm giác gây hấn hứng thú, nhưng đó không phải là một đề xuất nghiêm túc – ít nhất là đối với những người trong chúng ta có thiện chí với nước Mỹ.
Lợi ích của Úc được phục vụ khi Hoa Kỳ được quản trị tốt, đoàn kết, hấp dẫn thế giới, và đủ mạnh để răn đe ngăn chặn các hành vi xấu của đối thủ. Dưới nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, Hoa Kỳ bị quản trị kém, chia rẽ, có hình ảnh xấu đối với thế giới, và yếu – điều này khiến tất cả chúng ta dễ bị hại bởi các tác nhân xấu.
Về chính sách đối ngoại, hành động của Trump đi ngược lại với bản năng của chúng ta. Người Úc tin vào liên minh; Trump cho rằng các đồng minh là những kẻ lợi dụng. Người Úc nghiêng về chủ nghĩa quốc tế; Trump có thiện cảm với chủ nghĩa biệt lập. Úc là một quốc gia thương mại; Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và tấn công Tổ chức Thương mại Thế giới. Úc là một nền dân chủ lâu đời và một xã hội tự do; Trump mê những nhà độc tài như Vladimir Putin và – trong phần lớn nhiệm kỳ tổng thống của mình – Tập Cận Bình.
Những người ủng hộ Trump nói rằng ông ta cứng rắn với Trung Quốc. Các cố vấn của ông ta chắc chắn là vậy, nhưng bản thân Trump lại cực kỳ mâu thuẫn. Nếu được bầu lại, ông ta rất có thể quay lại kế hoạch trước đó của mình là thỏa thuận với Tập.
Trump đã đưa việc lợi dụng chức vụ cho lợi riêng và thông tin dối trá vào Phòng Bầu dục [dinh tổng thống]. Ông ta đã phá hoại các thể chế của Mỹ và làm mòn gỉ lòng tự tin của người Mỹ. Ông ta đã gạt ra ngài những đảng viên Cộng hòa có năng lực và làm cho các công dân chống lẫn nhau.
Cuối cùng, ông đã chỉ huy một phản ứng yếu ớt của Hoa Kỳ với coronavirus, với 225.000 người chết cho đến nay. COVID-19 hiện đã cướp đi sinh mạng của nhiều người Mỹ hơn số người chết trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, 11/9 và Chiến tranh Việt Nam cộng lại. Nước Mỹ của Trump có vẻ yếu ớt và lên cơn sốt.
Còn đối thủ của ông ta thì sao? Joe Biden là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, đã cống hiến cả đời mình cho việc công. Ông ta không tôn thờ tiền bạc; thậm chí, ông ta tự hào là một trong những thành viên nghèo nhất trong Quốc hội. Ngay cả các đối thủ cũng mến ông ta. Sở trường của ông ta là đưa mọi người lại gần nhau, vì vậy thời điểm này phù hợp với ông ta.
Về chính sách đối ngoại, Joe Biden tin tưởng vào một mô hình lãnh đạo của Hoa Kỳ đã có hậu quả rất tốt lành đối với thế giới – và rất có lợi cho Úc. Không có gì ngạc nhiên khi cuộc thăm dò của Viện Lowy cho thấy gần 3/4 người Úc thích Biden làm tổng thống tới.
Biden có hoàn hảo không? Chắc chắn là không. Ông ta thiếu kỹ năng chính trị xuất chúng của Bill Clinton và Barack Obama. Tôi ước rằng ông ta trẻ hơn: các nhà lãnh đạo thế giới nên ở trong thời kỳ sung mãn nhất trong đời họ.
Trong Bạch Ốc, Biden có lẽ sẽ tránh xa những tiểu tiết và tập trung vào những quyết định lớn nhất. Ronald Reagan đã làm điều này khá hiệu quả.
Do đó, những người xung quanh Tổng thống Biden sẽ quan trọng hơn những người xung quanh Tổng thống Trump. May mắn thay, Biden nổi tiếng là thu hút được nhân viên phụ tá giỏi. Về mặt chính sách đối ngoại, các cộng sự của ông là Tony Blinken, Jake Sullivan, Nick Burns, Michele Flournoy, Kurt Campbell, Susan Rice và Ely Ratner đều là những viên chức thông minh, có năng lực, cứng rắn.
Biden sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc so với Obama, bởi vì các chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã trở thành cứng rắn hơn trong bốn năm qua và trọng tâm của Washington cũng thay đổi theo đó.
Chính quyền Biden sẽ đưa ra những thách thức cho chúng ta [Úc]. Khó tưởng tượng rằng [thủ tướng Úc] Scott Morrison sẽ có mối quan hệ thân thiết với Biden như với Trump. Sẽ có nhiều cạnh tranh hơn: các nhà lãnh đạo thế giới khác sẽ xáp về phía Nhà Trắng, thay vì tránh nó. Công việc của Đại sứ [Úc] Arthur Sinodinos tại Washington, DC sẽ khó khăn hơn. Nhưng tôi tin rằng Úc sẽ cạnh tranh hiệu quả cho sự quan tâm của chính quyền mới.
Chính sách biến đổi khí hậu sẽ gây khó xử cho chính phủ Morrison. Cố vấn chính sách cao cấp của Biden, Jake Sullivan gần đây đã nói với tôi, cho podcast “The Director’s Chair“ của tôi, rằng biến đổi khí hậu sẽ là “một ưu tiên lớn” cho Biden. Tổng thống mới sẽ “lôi kéo các quốc gia trên thế giới để tất cả cố gắng hơn… Ông ấy sẽ yêu cầu các quốc gia như Trung Quốc phải chịu trách nhiệm nhiều hơn, nhưng ông ấy cũng sẽ thúc đẩy các nước bạn làm nhiều hơn và làm đủ trách nhiệm của họ trong một vấn đề toàn cầu.”
Điều này sẽ không được đón mừng ở Canberra.
Nhưng bất kể kết quả ra sao vào tháng tới, thế giới đang dần rời xa carbon. Điều này sẽ đặt ra tổn phí mới nhưng cũng tạo ra cơ hội mới. Vì lợi ích của mình, Úc phải đóng góp vào việc giúp thế giới tránh nạn hâm nóng.
Nếu Joe Biden được bầu, sự bình thường sẽ trở lại ở một mức nào đó. Cơn điên loạn sẽ giảm. Điều đó tự nó sẽ là một sự đáng mừng. Kiểm đếm những mặt tích cực và tiêu cực của các ứng cử viên tổng thống luôn luôn là một việc hấp dẫn. Nhưng năm 2020 đang có tình trạng khẩn cấp ở Hoa Kỳ. Đèn cảnh báo đang nháy màu đỏ. Kết quả nào mong muốn cho Úc là rõ ràng.
_____
*Ghi chú của dịch giả: Xã luận của Michael Fullilove, giám đốc điều hành viện Lowy, viện nghiên cứu chính sách độc lập (think tank) đứng đầu về đối ngoại của Úc. Viện này thường được coi là trung-hữu khuynh (centre right).
https://www.smh.com.au/world/north-america/australia-will-benefit-if-american-craziness-subsides-20201022-p567ly.html
Về chính sách đối ngoại, Joe Biden tin tưởng vào một mô hình lãnh đạo của Hoa Kỳ đã có hậu quả rất tốt lành đối với thế giới – và rất có lợi cho Úc. Không có gì ngạc nhiên khi cuộc thăm dò của Viện Lowy cho thấy gần 3/4 người Úc thích Biden làm tổng thống tới.
SỐ LIỆU DỎM, VỚ VA VỚ VẨN
Rất tiếc là người Mỹ (da trắng) cổ đỏ, từ bao nhiêu năm nay họ sống lam lũ ở những tiểu bang nghèo, không mấy hài lòng về một chính phủ điều hành bởi các “chính trị gia”. Lúc người Mỹ bại trận ở Việt Nam, họ đổ lỗi bên quân đội bị trói tay bởi những người không hề có một chút kinh nghiệm chiến trường. Khi người Mỹ đứng trên cương vị giữ gìn an ninh trật tự thế giới, họ nguyền rủa rằng đó là việc ruồi bu vì công sức tiền của của họ đem đổ sông đổ biển. Tức tối nhất trong lòng họ là làn sóng người da màu từ các nước di dân đến Mỹ ngày một nhiều, trong đó không ít những kẻ khủng bố, và họ cho rằng những người này đến Mỹ sống kiếp ký sinh trên đồng tiền mà họ phải đổ mồ hôi nước mắt ra mới kiếm được… Họ tin rằng Trump là một vị cứu thế, một người lãnh đạo không đặt trên nền tảng chính trị mà là một thương gia, sẽ ngăn chặn làn sóng di dân và đem đến thịnh vượng cho nước Mỹ. Quan trọng hơn hết là Trump sẽ… kệ mẹ thế giới, đúng như ước nguyện từ tận đáy lòng những người Mỹ cổ đỏ này. Điều đáng ngại là số người Mỹ cổ đỏ chiếm đại đa số tại các tiểu bang nghèo và việc Trump tái đắc cử là việc rất có thể xảy ra.
Thế giới cần quên đi một đồng minh quan trọng và hãy đoàn kết lại với nhau để đương đầu với tham vọng bá chủ của Tàu cộng trong nhiều thập niên tới.