BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: Công ty Philippines và Trung Quốc đàm phán khai thác chung dầu khí ở Biển Đông. Hôm nay, Tập đoàn Năng lượng PXP của Philippines xác nhận đang đàm phán với Tổng công ty dầu khí ngoài khơi TQ (CNOOC) về vấn đề khai thác dầu khí chung ở Biển Đông. Các bên vẫn chưa đạt thỏa thuận, PXP tiết lộ Philippines đang thảo luận với TQ về một biên bản ghi nhớ đối với việc khai thác chung.
Tin cho biết, một số thượng nghị sĩ Philippines nhận định vụ dỡ bỏ lệnh tạm hoãn thăm dò dầu khí ở Biển Đông sẽ có lợi cho nước này. Nhưng họ đề nghị chính phủ Philippines phải ngăn chặn TQ tham gia bất kỳ liên doanh khai thác nguồn tài nguyên ở khu vực cho đến khi Bắc Kinh công nhận phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò”.
Cũng liên quan đến nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mua chuộc các nước ASEAN, báo Pháp Luật TP HCM có bài: Trung Quốc chưa đủ ‘quyến rũ’ với ASEAN. PGS Li Mingjiang tại trường Nghiên cứu Quốc tế tại đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng cuộc “tấn công quyến rũ” của TQ sẽ không mang lại sự thay đổi đáng kể trong cách ASEAN nhìn nhận Bắc Kinh, vì “Đông Nam Á quan trọng với Trung Quốc nhưng không phải là từng nước riêng lẻ mà là ý nghĩa chiến lược của ASEAN”.
Kênh Military Information có clip: Quân đội Mỹ và TQ gia tăng căng thẳng sau khi tàu sân bay USS Ronald Reagan trở lại Biển Đông.
Mời đọc thêm: Sự phối hợp hoàn hảo ở Biển Đông (TN). – Giáo sư Trung Quốc: Nếu Trung-Mỹ giao tranh ở eo biển Đài Loan, Đông Bắc Á sẽ hỗn loạn (TQ). – Các bản đồ cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa (Tin Tức).
Quan hệ Việt – Nhật
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã đến Hà Nội, chính thức thăm Việt Nam. Tối qua 18/10, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cùng phu nhân và đoàn quan chức đã đến thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức VN. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga kể từ nhậm chức từ cựu Thủ tướng Abe Shinzo vào giữa tháng 9/2020.
Tin cho biết, “giới quan sát cho rằng việc ông Suga chọn thăm Việt Nam đầu tiên phản ánh thực tế thủ tướng Nhật đánh giá cao mối quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản, cũng như vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản”. Rộng hơn nữa là vị trí của VN trong thế trận chống TQ ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
VnExpress có bài: Nhật giải thích lý do Thủ tướng Suga chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên. Người phát ngôn của Thủ tướng Nhật cho biết, VN “chia sẻ nhận thức chung với Nhật Bản về tự do hàng hải, tôn trọng luật lệ, tự do thương mại trong khu vực Ấn Độ Dương mở và tự do”. Chuyến thăm VN của ông Suga sẽ kéo dài từ nay đến ngày 20/10.
Trong cuộc gặp của Thủ tướng Suga với người đồng cấp VN Nguyễn Xuân Phúc, 2 phía Việt – Nhật đã “cơ bản đạt được thỏa thuận chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng ‘là một bước phát triển lớn’ trong hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước. Ông tin chắc rằng hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục được thúc đẩy”.
Kênh Truyền hình Đồng Tháp có clip: Lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.
Mời đọc thêm: Thủ tướng Suga Yoshihide tới VN trong chuyến công du quốc tế đầu tiên (BBC). – Thủ tướng Suga Yoshihide: ‘Nhật Bản cung cấp vật tư hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam’ (TT). – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (Tin Tức). – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Nhật Bản (VNN). – Phu nhân kín tiếng của Thủ tướng Nhật Bản (VNE).
Tin chính trường
Nhà báo Huy Đức có bài: Đại hội & đất Sài Gòn. Ông Huy Đức cho biết, khi chỉ định con trai cả của Lê Thanh Hải là Lê Trương Hải Hiếu “bổ sung Thành ủy viên, Ban Bí thư đương nhiệm đã có một thỏa hiệp đi ngược với chính trị địa phương. Trước Đại hội XI, Lê Thanh Hải cũng chỉ đắc cử BCH áp chót. Thay vì với uy tín ở địa phương thấp như thế, Trung ương phải điều ông Hải đi. Nhưng, khi Nguyễn Tấn Dũng đang mạnh thì Trung ương khó mà đụng tới Lê Thanh Hải”.
Về tân Bí thư Thành ủy thành Hồ, ông Huy Đức phân tích: “Ông Nguyễn Văn Nên không ứng cử BCH mà được chỉ định; con số ‘đắc cử 100%’ của ông không nên coi là phiếu bầu mà là sự chấp hành của BCH quyết định về công tác cán bộ của BCT”. Điều này liên quan đến vấn đề “Đại hội XIII vẫn đang được thiết kế theo hướng ‘chặt’ hơn”.
BBC đặt câu hỏi: Nhân vật quan trọng nào không có ở Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI? Trong bài liệt kê danh sách một số nhân vật từng có “thế lực” ở thành Hồ nhưng vắng mặt trong Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, gồm Tất Thành Cang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công trình Lịch sử TPHCM, Trần Vĩnh Tuyến. Phó Chủ tịch UBND TP, gần đây bị khởi tố, Lê Văn Thinh, Bí thư Quận ủy Bình Tân, Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7, Huỳnh Văn Hạnh, GĐ Sở Tư Pháp, Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND Huyện Nhà Bè, Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn.
Liên quan đến diễn biến chính trị ở thành Hồ, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM bị phê bình, VnExpress đưa tin. Dựa trên báo cáo của Sở Nội vụ TP về kết quả kiểm điểm các cá nhân có thiếu sót liên quan đến Kết luận thanh tra toàn diện sự cố công trình xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, UBND TP HCM đã phê bình Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Bùi Xuân Cường “vì có thiếu sót, khuyết điểm khi làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải”.
Cũng liên quan đến chính trường thành Hồ, ông Phạm Phú Quốc sẽ bị bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội, báo Lao Động đưa tin. Cụ thể, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Minh Tuấn cho biết, tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV, QH sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày chia thành 2 đợt: Đợt 1, QH sẽ họp trực tuyến từ ngày 20 đến ngày 27/10; Đợt 2, QH sẽ họp tập trung tại Nhà QH từ ngày 2 đến ngày 17/11.
Trong đợt họp tập trung, tức đợt họp thứ 2 trong tháng 11/2020, QH sẽ xem xét về công tác nhân sự và sẽ trình QH bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc, thuộc Đoàn ĐBQH TP HCM. Sau đó, Ủy ban Thường vụ QH sẽ báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn ĐBQH và giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về vấn đề trên, rồi mới bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với ông Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Nhắc lại, vụ ĐBQH Phạm Phú Quốc có quốc tịch CH Cyprus bị hãng thông tấn Al Jazeera phanh phui từ ngày 23/8, ông Quốc thừa nhận thông qua bài phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ ngày 25/8. Đến nay là ngày 19/10, nghĩa là gần 2 tháng sau thời điểm bắt đầu vụ việc, quan chức QH mới chỉ chốt được thời điểm chứ chưa giải quyết ĐBQH có 2 quốc tịch.
Mời đọc thêm: Nguyên Giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Xuân Cường bị phê bình (NLĐ). – Ông Bùi Xuân Cường bị phê bình nghiêm khắc (PLTP). – Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (LĐTĐ). – Kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIV sẽ bãi nhiệm đối với ông Phạm Phú Quốc – ĐBQH đoàn TP.Hồ Chí Minh (GĐ). – Chân dung 15 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy lần đầu đắc cử (VTV). – Kỳ họp 10, Quốc hội sẽ góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII (LĐ).
***
Thêm một số tin: Cựu giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa ra tòa vì lập hồ sơ giả đi Mỹ (RFA). – Tỉnh ủy Đắk Lắk nói ‘Bí thư Bùi Văn Cường không đạo văn’ (BBC). – Dưới thời Trump, chính trị chia rẽ gia đình, cộng đồng người Việt vùng Vịnh Tampa (VOA).