Bản tin ngày 16-10-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Trong tình hình TQ tiếp tục mua chuộc một số nước ASEAN, báo Thanh Niên có bài: Rủi ro hải quân Thái Lan ‘đi đêm’ với Trung Quốc ở Biển Đông. Bài báo đề cập thỏa thuận của Thái Lan khi mua tàu chiến TQ, đô đốc Luechai Ruddit đề xuất chiếc tàu Type-071 mà Thái Lan mua cũng được trang bị vũ khí tương đương với các tàu Type-071 của hải quân TQ: “Điều đó chứng minh khả năng răn đe và sự sẵn sàng của hải quân Trung Quốc ở Đông Nam Á”.

PGS Stephen Robert Nagy bình luận: “Thực tế trên cho thấy ít nhất là từ một bộ phận của quân đội Thái Lan và Trung Quốc đang tích cực phối hợp ở Biển Đông, thậm chí sẵn sàng điều động tàu chiến để giúp Bắc Kinh răn đe ở vùng biển này. Như thế là đi ngược lại với lợi ích của nhiều thành viên ASEAN liên quan vấn đề Biển Đông”.

Về tàu khảo sát Shiyan 1 (Thực nghiệm 1), Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cho biết: “Tàu Shiyan-1 di chuyển với tốc độ 9,4 hải lý/giờ [16km/h] và dự kiến sẽ quay về Hải Nam ngày 18/10. Các dữ liệu cũng cho thấy, có 05 tàu kiểm ngư Việt Nam bám sát khi Shiyan-1 đi trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam! Hiện vẫn chưa rõ mục đích của tàu khảo sát này!” Tàu Shiyan 1 được chế tạo tại Quảng Châu năm 2009, có thể hoạt động liên tục trong 40 ngày và đi được quãng đường 8.000 hải lý một chuyến.

Đáp lại các chiêu trò của TQ gia tăng căng thẳng Biển Đông, nhóm tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông, theo VnExpress. Hải quân Mỹ thông báo: “Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan trở lại Biển Đông lần thứ ba trong chuyến làm nhiệm vụ năm 2020. Các chiến hạm đang thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng hải, gồm hoạt động bay với máy bay cánh bằng và trực thăng, diễn tập tiến công đường biển và huấn luyện hiệp đồng chiến thuật giữa các tàu mặt nước và phi cơ”.

Báo Thanh Niên có clip: Tàu sân bay USS Ronald Reagan quay lại Biển Đông lần thứ 3 trong năm.

Mời đọc thêm: Tàu sân bay USS Ronald Reagan quay lại Biển Đông lần thứ 3 trong năm (FB Kiểm Tin). – Việt Nam hoan nghênh Mỹ – Nhật – Ấn – Úc hợp tác với ASEAN về tự do trên biển (TN). – Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Suga: Nhật Bản quan tâm đến an ninh Biển Đông (VTC). – Đức muốn tham gia tập trận ở Biển Đông (VOV). – Philippines tranh cãi vì kế hoạch đưa dân quân ra Biển Đông (VNE). 

Thiên tai và nhân tai ở miền Trung

Hôm qua, lực lượng cứu hộ ở Thừa Thiên Huế tìm được đủ 13 thi thể trong đoàn cứu hộ do thiếu tướng Nguyễn Văn Man dẫn đoàn, nhưng vẫn chưa tìm đủ thi thể các công nhân bị chôn vùi ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 trong vụ sạt lở rạng sáng 12/10. Đến trưa nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm 1 thi thể ở thủy điện Rào Trăng 3, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Được biết có 17 công nhân mất tích trong vụ sạt lở ở nhà máy thủy điện này, đến nay mới chỉ có 2 thi thể được phát hiện. 

Gần một ngày sau khi lực lượng cứu hộ tìm đủ thi thể trong đoàn cứu hộ của tướng Man dẫn đoàn, trước đó bị chôn vùi ở khu vực trạm kiểm lâm 67 trong đêm 12/10, xuất hiện nghi vấn cho rằng khả năng đoàn này không phải đi cứu hộ, vì toàn sĩ quan và quan chức. Facebooker Thạch Vũ cho biết: “Đoàn Tướng Man dùng phương tiện của quân đội để đi thăm tài sản riêng của gia đình ông, kể cả công trình thủy điện. Đoàn không đi cứu hộ ai cả!”

Facebooker Phạm Thanh Nghiên viết: Về thông tin tướng Man và các chiến sĩ vừa tử vong. Bài viết tổng hợp một số ý kiến bình luận xung quanh vụ đoàn cứu hộ của tướng Man “hy sinh”, trong đó có lời bình của nhà hoạt động Thảo Teresa: “Trước là xin chia buồn cùng các gia đình. Sau thì mình thấy biệt phủ của tướng Man đẹp quá, cỡ dân đen có lẽ 3 đời nằm mơ cũng không có được. Anh trai tướng Man ngồi trên cái ghế cỡ vài tỷ để hóng tin em nhìn cũng tội. Không biết là tiền ở đâu ra mà ông Phó tư lệnh xây nhà to thế ạ”.

Người thân ngóng chờ tin vụ tai nạn. Ảnh: Từ FB Phạm Thanh Nghiên

Trước đó, báo Lao Động có bài: Người thân, đồng đội Thiếu tướng Nguyễn Văn Man vẫn mong điều kỳ diệu. Trong bài có ảnh chụp anh trai của tướng Man là ông Nguyễn Văn Linh ngồi trên chiếc ghế gỗ sang trọng. Nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt Ân bình luận:

“Chiếc ghế salon gỗ quý như ngai vàng ấy nhỉ. Nhưng ngồi trên đó có cứu được mạng sống của thiếu tướng, em ông, hay không?… Đó là vì giai cấp cộng sản của anh em ông đã góp phần chặt phá rừng, phá nát hệ sinh thái, bòn rút tài nguyên đất nước, để làm giàu và có được cái ghế bằng xương máu nhân dân và rừng cây này đây”.

“Ông Nguyễn Văn Linh trông ngóng, cầu mong điều kỳ diệu đến với em trai” trong khi đang ngồi trên chiếc ghế gỗ làm từ cây rừng bị chặt hạ. Ảnh: X.H/LĐ

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đặt vấn đề: Vẫn có khả năng đoàn cứu hộ của thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh quân khu 4 “hy sinh” không phải “vì đến với dân trong bão giông” mà là vì “đến với tài sản của họ”. “Vì sao địa chỉ Công ty chủ đầu tư thủy điện đó lại trùng với địa chỉ ông Man?”

Tuy nhiên, trên trang FB của mình, nhà báo Dương Phong có bài viết cho rằng, “Nhà của ông [Man] nằm trong con hẻm sâu hoắm, chỉ 1 làn ô tô đi được, 2 chiếc đấu đầu là chịu. Vách nhà là đường tàu Bắc Nam.” và rằng “nói ông Man vào đó là do thủy điện người nhà là dở“.

Một vấn đề khác cũng bị dư luận mạng xã hội phê phán là vụ “ghi công”. Báo Người Lao Động có bài: Đề nghị truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công” 13 cán bộ hy sinh tại thuỷ điện Rào Trăng 3. Có ý kiến đặt câu hỏi: Có công gì để mà “ghi” ở đây, ngoại trừ… công phá rừng làm thủy điện? Có ý kiến khác cho rằng những người dân thiệt mạng vì mưa lũ đều là người, sao phải phân biệt dân và quân?

Facebooker JB Lam Nguyễn bình luận: “13 tướng tá đi cứu nạn trên đường đi, đuối hết kiểm lâm đi chỗ khác để tranh nơi ngủ. Ai ngờ bị mẹ thiên nhiên bảo thù lấy mạng. Kiểm lâm xui mà lại hên. Lũ lụt chưa thấy thủ tướng chính phủ nói gì, chắc bác đang bận duyệt hồ sơ phong hàm vượt mặt”.

VTC có clip: 55 người chết do mưa lũ ở miền Trung.

Nhà báo Đào Tuấn viết: Những người bị bỏ quên. Đi kèm bài viết là clip về trường hợp một người dân ở Hải Thọ, Hải Lăng. “Người đàn ông tay cầm cây gậy thay nạng trong clip đã không ăn không ngủ, đã ngâm nước trong suốt nhiều ngày. Đã yếu đến mức không thể tự bước đi. Không nói nổi một câu tròn vành rõ chữ”. 

Gia đình gồm 2 người tâm thần, 1 người già yếu của ông này đã gần như bị bỏ quên trong bão lũ, trong khi “Hải Lăng, thuộc Quảng Trị- tượng đài nhiều nhất nhì Việt Nam, vừa xong một đại hội, thành công rực rỡ, tất nhiên- với rất nhiều hoa hoét, rất nhiều chém tay”.

Trong tình hình công luận ngày càng bất bình vì hệ thống thủy điện dày đặc ở miền Trung đã góp phần gia tăng thiệt hại do mưa lũ, Bộ Công Thương nói về dự án thuỷ điện Rào Trăng 3, Zing đưa tin. Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Đỗ Đức Quân thanh minh: “Từ năm 2016, các dự án liên quan đất rừng tự nhiên đều phải báo cáo Chính phủ, được Chính phủ đồng ý mới triển khai.

Trước giờ người dân có câu: “Mất mùa là tại thiên tai, được mùa là bởi thiên tài đảng ta”. Phát huy câu đó, ông Quân cũng đổ cho trời: “Tại A Lưới gần dự án Rào Trăng 3, lượng mưa ở mức 2.200 mm trong khoảng một tuần. Tại Bạch Mã, thậm chí lượng mưa có thể lên đến 2.500-2.600 mm. Do đó tai biến địa chất rủi ro về chất lượng rất lớn”.

Báo Nhà Đầu Tư đặt câu hỏi: Chủ đầu tư Thủy điện Rào Trăng 3 là ai? Theo đó, dự án thuỷ điện Rào Trăng 3 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Công ty Trường Sơn thực hiện vào tháng 11/2008. Đến năm 2016, Bộ Công thương đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thuỷ điện nhỏ của tỉnh Thừa Thiên Huế với dự án thuỷ điện Rào Trăng 3, đổi chủ đầu tư dự án sang Công ty Thủy điện Rào Trăng 3. 

Mưa lũ hơn một tuần qua ở khu vực miền Trung đã tạo nên nhiều thiệt hại về nhân mạng và tài sản, nhưng mùa mưa lũ chưa dừng. Dựa trên Không ảnh chụp từ vệ tinh Himawari-8 của Nhật lúc 7h50’ sáng nay 16/10, giờ VN, trang Hành Tinh Titanic dự đoán: Đang có một lượng mây lớn được dịch chuyển vào bờ biển một số tỉnh miền Trung:

“Sự dịch chuyển tiệm tiến của hai đới gió trên sẽ đẩy khối mây số 1 tiến vào bờ Khánh Hòa đến Bình Định vào chiều tối nay. Do đó khu vực này sẽ mưa rất to đến xối xả… Trong khi đó, đới gió mùa Đông Bắc sẽ tăng cường nhanh chóng, đẩy mây ồ ạt theo từng đợt vào bờ từ các tỉnh Quảng Ngãi đến tận Nghệ An trong ngày 16/10 đến ngày 20/10”.

Tương tự dự báo trên, nhà nghiên cứu khí tượng Nguyễn Ngọc Huy cập nhật tin mưa đặc biệt lớn ở miền Trung và Tây Nguyên từ 16-20/10/2020. Theo đó, “mưa trên diện rộng và rất lớn đang và sẽ tiếp tục trút xuống miền trung trong hôm nay và kéo dài đến ngày 20/10. Một số nơi ở Bắc Trung Bộ có thể kéo dài đến hết ngày 21/10”. Từ ngày mai 17/10 đến ngày 19/10 sẽ có mưa lượng lớn ở các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Kontum, Buôn Ma Thuột, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Thiên tai nối tiếp thiên tai: Động đất gần thủy điện Sông Tranh 2 khi thủy điện đang đầy nước, báo Người Lao Động đưa tin. Theo Trung tâm báo tin động đất Viện Vật lý địa cầu, trận động đất xảy ra vào 7h19’ sáng nay với độ lớn 3 richter tại vị trí có tọa độ 15.184 độ vĩ Bắc, 108.264 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. 

Admin Nguyễn Quốc Anh của nhóm [ Thời Tiết – Môi Trường | 2020 ] bình luận: “Thiên nhiên đã tạo ra thiên tai hàng triệu năm nay và không có vấn đề gì bất thường cả. Chỉ có con người đã tạo ra nhân tai để biến đổi nó làm nó nghiêm trọng và trầm trọng hơn thôi!”

Mời đọc thêm: Họp khẩn tìm phương án tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 (VNE). – Cơn ác mộng chạy đua với “tử thần” ở Rào Trăng 3 (BVPL). – Tìm thấy thêm 1 thi thể công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 (NĐT). – Bộ Công Thương nói gì về quản lý thủy điện qua sự cố Rào Trăng 3 vừa qua? (Tin Tức). – Bộ Công Thương nói về sự cố ở thủy điện Rào Trăng 3 (PLTP). – Quảng Nam: Động đất và mưa lớn, nhiều nơi bị ngập sâu (Infonet). – Nước lũ cuốn 2 học sinh (Zing). – Video: Kinh hãi sạt lở đất cuốn trôi cả ô tô xuống vực (Infonet). – Áp thấp nhiệt đới đi vào miền Trung, Quảng Nam mưa to, dự báo lũ lớn trên các sông (VH). 

“Vua” ở Đắk Lắk

Hôm nay, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường lần đầu lên tiếng về nghi vấn đạo văn, VTC đưa tin. Tại buổi họp báo sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk khóa XVII, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn đã thông báo về kết quả xử lý đơn tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đạo văn. Ông Phạm Minh Tấn cho biết, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương đã có kết luận: “ông Bùi Văn Cường không có hành vi đạo luận án tiến sĩ”. 

Cũng trong buổi họp báo, ông Cường nói: “Tôi khẳng định là tôi không sai một chút nào. Tôi đã có 8 năm làm giảng viên, đã làm thạc sỹ khi giảng dạy tại trường. Đến 2013 chuyên ngành tôi dạy mới được phép đào tạo tiến sĩ, nên 2015 tôi tiếp tục thi nghiên cứu sinh để làm tiến sỹ theo chuyên ngành tôi đã giảng dạy”

Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường lần đầu lên tiếng về nghi vấn đạo văn. Ảnh: Thanh Hải/VTC

Lưu ý, trước đó, ông Bùi Văn Cường được tín nhiệm tuyệt đối tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, theo báo Pháp Luật Plus. Đó là kết quả của “3 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, phát huy dân chủ, trách nhiệm cao, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bế mạc vào chiều 15/10 và thành công tốt đẹp”. Đó là biểu hiện cho thấy quyền lực của “vua” Bùi Văn Cường sẽ còn ngự trị ở Đắk Lắk thêm ít nhất 5 năm nữa, đồng thời giải thích vì sao ông Cường có thể ngang nhiên ra lệnh cho Công an Đắk Lắk về tận thành Hồ bắt cóc TS Phạm Đình Quý ở ĐH Tôn Đức Thắng. 

Về phía gia đình của TS Quý, hôm qua, võ sư Phạm Đình Trang, bố của TS Quý viết: Không biết quý vị lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk có còn tôn trọng luật pháp nước nhà nữa hay không? Bài viết kể lại toàn bộ diễn biến vụ bắt cóc và cho biết: Ngày 26/9 đoàn LS từ Hà Nội vào xin làm việc và xin gặp TS Quý để nhận bào chữa, nhưng bị hẹn lại đến ngày 29/9, nhưng phải đến ngày 14/10, các LS mới được gặp ông Quý. 

Võ sư Trang tính, từ ngày ông Quý bị bắt cóc đến khi gặp được luật sư là 21 ngày, “chắc chắn trong 20 ngày quý vị dùng mọi thủ đoạn ép cung nhục hình con tôi”. Võ sư Trang đặt câu hỏi mà những kẻ quen dùng luật rừng không thể trả lời: “Công an Đắk Lắk đã thực hiện đúng luật bào chữa của luật sư Việt Nam hay chưa?”

Mời đọc thêm: Giới thiệu 72 người để bầu Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM (VNE). – Chủ nhiệm UBKT T.Ư Trần Cẩm Tú tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh (TN). – Công bố kết quả nhân sự Đại hội Đảng bộ Tây Ninh khóa XI (PLTP). – Bế mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên: Hướng tới phú cường và yên bình (VOV). – Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk lên tiếng việc bị tố đạo luận văn tiến sĩ (Zing). – Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk lần đầu lên tiếng vụ bị tố ‘đạo văn’ (TP). – Công bố kết quả xử lý đơn tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đạo văn (SGGP). 

Tin giáo dục

Báo Giáo Dục VN có bài: Kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về sách giáo khoa. Sau bê bối liên quan đến bộ sách Cánh Diều, ông Đam kết luận: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan tới chương trình, sách giáo khoa; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến đối với sách giáo khoa mới và xây dựng kho học liệu điện tử theo chương trình mới”.

Nhà báo Bạch Hoàn cho biết: “Sau khi dành hai ngày đọc hết tất cả các sách Tiếng Việt lớp 1, tôi thật sự xót xa và hoảng sợ. Con cháu chúng ta bị nhồi sọ từ những bước đầu đời, bị dạy dỗ những điều sai trái, những tư duy độc hại, phản giáo dục, phản văn minh”. Theo đó, không chỉ bộ sách Cánh Diều, mà còn nhiều sách của NXB Giáo dục, nhất là bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” cũng đầy lỗi và phản giáo dục.  

Nhà báo Bạch Hoàn dẫn ra một câu chuyện không chỉ phản giáo dục mà còn có phần phi nhân tính: “Điển hình là câu chuyện Mèo con đi học. Vì mèo con không muốn đi học nên đã lấy lý do cái đuôi bị ốm. Thay vì tìm hiểu vì sao mèo con không muốn đi học, thay vì khích lệ, gợi mở về những điều mới mẻ, hấp dẫn ở lớp học để mèo có động lực đi học, thì bác cừu trong câu chuyện đã lập tức mang kéo đến dọa cắt đuôi mèo”.  

Chuyện “mèo con đi học” với yếu tố cưỡng ép, bạo lực nhưng lại xuất hiện trong SGK. Ảnh: FB Bạch Hoàn

Bộ GD&ĐT đã yêu cầu NXB và tác giả chỉnh sửa sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều trước ngày 15/11, VnExpress đưa tin. Theo đó, tác giả sách sẽ chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để GV thay thế một số đoạn, bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá”, bài “Hai con ngựa”, bài “Lừa, thỏ và cọp”, đồng thời thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng từ “nhá”, “nom”, “chén”.

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường đặt câu hỏi: “Các ông bà ấy là giáo sư tiến sĩ nhưng viết một cuốn sách lớp 1 thảm họa. Dư luận phản ứng gay gắt, các bề trên nóng mặt quạt bộ GD-ĐT. Rồi bây giờ bộ GD-ĐT kêu chính các ông bà ấy đi sửa sách. Có khác nào kêu hung thủ đi thực nghiệm lại hiện trường cùng nạn nhân mà không có cơ quan tư pháp không ạ?” 

Mời đọc thêm: Mang danh trí thức sao hèn thế! (FB Đỗ Duy Ngọc). – Quyết định chỉnh sửa sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều (FB Kiểm Tin). – Nhanh chóng quyết định chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều trong thời hạn 1 tháng (ANTĐ). – Sách tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều sẽ được chỉnh sửa như thế nào? (DV). – Tiến sĩ Việt tại Mỹ bàn luận việc cải tiến nội dung SGK tiếng Việt lớp 1 (DT). – Sai sót trong sách Tiếng Việt lớp 1: Trách nhiệm thuộc về ai? (TTXVN). – Ai sẽ thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6? (NLĐ). – Cô giáo ở Quảng Nam gửi đơn cầu cứu vì cho rằng bị Hiệu trưởng “chèn ép” (GDVN). 

***

Thêm một số tin: Dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ: Vì sao ông Đinh La Thăng sắp ra tòa? (BBC). – Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: một cách nhồi sọ mới của lãnh đạo thành phố? (RFA). – 15 Dân biểu Hoa Kỳ yêu cầu Ngoại trưởng Pompeo báo cáo về vụ án Đồng Tâm (VOA). – Mỹ bắt cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mexico (VOV).

Bình Luận từ Facebook