Xã hội dân sự nhìn từ đại dịch

Trung Bảo

4-8-2020

Vậy là Đà Nẵng đã bị so sánh với Vũ Hán, như lời một thành viên Bộ Chính Trị. Không ai ngờ rằng ngày này lại xảy ra với một thành phố xinh đẹp như vậy. Thế nhưng, người dân Đà Nẵng không phải là người dân Vũ Hán.

Khi đợt dịch đầu tiên diễn ra cao điểm, tôi nhắn tin thăm hỏi một người quen ở Vũ Hán. Juan Du – tên cô này, là người Trung Quốc nhưng lại có giấy tờ thường trú nhân ở New Zealand. Nếu so với mặt bằng người trẻ tuổi ở Trung Quốc, Juan thuộc hàng thành công khi lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài, ở một mình trong một căn chung cư hạng sang và đi lại thường xuyên giữa Trung Quốc – New Zealand. Thế mà giữa cơn dịch cô này phải nhịn đói 2 ngày vì không được rời khỏi nhà đi mua thực phẩm. Tuyệt vọng, cô gọi đến các cơ quan công quyền ở Wuhan nhưng không có câu trả lời, cuối cùng cô gọi đến Đại sứ quán New Zealand ở tận Bắc Kinh. Câu trả lời là: “Đợi 2 tiếng”. Hai tiếng sau có một cảnh sát khẩu trang kín mít gõ cửa để một xách thực phẩm trước cửa nhà cô.

Tình hình không đến mức tệ như vậy ở Đà Nẵng. Một phần lớn chính là sự vận động hỗ trợ của những cá nhân, tổ chức tự đứng ra kêu gọi. Hàng hoá chuyển về các bệnh viện ùn ùn đến nỗi để tràn cả ra đường vì không có chỗ chứa. Vậy là lại có người tự đến dựng lều bạt để che. Hàng hoá muốn chuyển đi, sẽ có những đội xe tình nguyện. Muốn có bữa cơm cho y bác sĩ và bệnh nhân đang bị cách ly, sẽ có các nhà hàng tận dụng bếp và nhân viên nấu. Cứ mỗi ngày như vậy gần 2.000 suất cơm được giao đến các bệnh viện ở Đà Nẵng. Từ tấm nệm nằm, cây quạt máy, đến chai nước uống hộp sữa hay thậm chí là đồ dùng vệ sinh cho các nữ y sĩ đều được chuyển đến cấp tốc và đầy đủ.

Báo chí ca ngợi đó là những điểm sáng, những tấm lòng, nhưng còn một cách gọi ít bóng bẩy hơn. Đó chính là khái niệm mà báo chí tránh gọi thẳng tên: Xã hội dân sự. Chính xã hội dân sự đã hỗ trợ nhà nước rất hiệu quả để chống dịch, nếu không thì dù bộ máy chống dịch của nhà nước có “trăm tay nghìn mắt” cũng không thể lo xuể.

Đừng khoác cho một khái niệm “chiếc áo” của chính trị. Xã hội dân sự đơn giản là những vận động của xã hội, của người dân trong bất kỳ lĩnh vực nào mà họ cảm thấy có thể góp sức với nhà nước. Đó có thể là thiện nguyện, bảo vệ môi trường, chống các nạn xâm hại trẻ em, tham nhũng… đó là lý do tại sao dù bị tránh né gọi tên, thậm chí đâu đó còn bị cấm cản, thì dòng chảy của xã hội cứ âm thầm lấp đầy vào những chỗ cần phải có.

Sự trưởng thành nhanh chóng của xã hội dân sự cho thấy không cần bàn tay điều tiết của nhà nước mà nó vẫn hoạt động hiệu quả. Nếu có những lý lẽ bảo thủ viện đến lý do dân trí để bài bác hay kiềm hãm xã hội dân sự thì chỉ có thể trả lời rằng: “đừng dùng dân trí để kiềm hãm tự do”.

Một xã hội tự do khắc nâng dân trí và ngược lại, dân trí càng cao tự do càng rộng mở. Hai mặt của một vấn đề ấy như hai mặt của bức tượng thần Brahma – Đấng Sáng tạo, trong Hindu giáo mà từ ngàn năm trước người Chăm pa đã phụng thờ. Phụng thờ sự đa nguyên. Phụng thờ sự tự do.

Đà Nẵng đang bệnh. Đà Nẵng đang bị cách ly. Nhưng, Đà Nẵng sẽ không bao giờ là Vũ Hán. Bởi người Đà Nẵng với dòng máu Chăm pa từ ngàn năm trước sẽ chọn cho mình sự tự do để giang tay với chính đồng bào của mình mà không đợi chỉ thị hay văn bản cho phép từ ai.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tác giả này có tâm lý tự ty hay sao mà phải quàng “dòng máu Champa từ ngàn
    năm trước” của người dân Đà Nẵng rồi mới tự hào như vậy ? Bài viết trên cũng
    đường được nhưng kèm theo câu đó thì nghe không ổn vì chưa tự tin vào chình
    dân tộc mình nên đánh giá dân tộc mình thua họ chăng ?

  2. Phải nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng kẻo Việt Tân lợi dụng tình hình dịch bệnh tuyên truyền phản động.

    Các thế lực thù địch có rất nhiều mánh khóe. Cần cảnh giác, cảnh giác nữa.

Comments are closed.