Sơ nét về hoạt động của luật sư trong phiên tòa xét xử nhóm Hiến pháp

Đặng Đình Mạnh

2-8-2020

Trong bài này, tôi thuật lại một vài hoạt động tiêu biểu của các luật sư trong phiên tòa xét xử nhóm Hiến pháp, mà tôi tin rằng phải cần rút kinh nghiệm, nhất là khi có thể phải đối diện với các phiên tòa phức tạp hơn trong tương lai gần, như phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm dự kiến sẽ diễn ra trong cuối tháng 08/2020 chẳng hạn.

Trong phiên tòa xét xử nhóm Hiến pháp, các luật sư đã bị chủ tọa phiên tòa liên tục cắt lời, từ giai đoạn xét hỏi cho đến giai đoạn tranh luận.

Ở giai đoạn xét hỏi, khi luật sư hỏi về mục đích, ý nghĩa, toan tính của các bị cáo khi thực hiện các hành vi, thì đã bị cắt lời và yêu cầu chỉ hỏi về hành vi khách quan mà thôi.

Tương tự thế, trong khi trình bày quan điểm bào chữa, tất cả các luật sư cũng đều đồng loạt thường xuyên bị cắt lời với những lời “huấn thị” rằng chỉ bào chữa về hành vi mà thôi.

Bào chữa sau cùng, khi bị cắt ngang với lý do tương tự, tôi đã nhịn để nghe cho hết lời “huấn thị” rồi yêu cầu chủ tọa phiên tòa ba vấn đề :

1. Thông qua bản cáo trạng và bản kết luận đọc trong phiên tòa, để buộc tội, VKS cũng phải chứng minh các yếu tố cấu thành tội phạm, trong đó bao gồm các mặt khách quan và nhất là mặt chủ quan để khẳng định hành vi của các bị cáo có mục đích “Phá rối an ninh”. Chúng tôi và thân chủ không đồng tình với việc truy tố. Cho nên, chúng tôi xét hỏi về mục đích, ý nghĩa, toan tính của các bị cáo để xác định về mặt chủ quan là có lý do chính đáng và phù hợp với quy định pháp luật hình sự. Tại sao chủ tọa phiên tòa lại liên tục cắt lời các luật sư khi đề cập đến vấn đề này?

2. Chủ tọa cho rằng luật sư đã cắt khúc hành vi và không tôn trọng sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, theo quy định thì tất cả các hành vi đều phải được thẩm tra xem xét trong phiên tòa. Trong toàn bộ phần xét hỏi sáng nay, thì đã không có bất kỳ hành vi phá rối an ninh nào được xét hỏi, mà chủ yếu chỉ hỏi về quá trình nhóm Hiến pháp chuẩn bị biểu tình mà thôi. Căn cứ vào quá trình thẩm tra hồ sơ trong phiên tòa, cho nên, tôi bào chữa không có hành vi phá rối an ninh là không sai và thậm chí, kết quả xét xử cũng phải căn cứ vào kết quả thẩm tra các chứng cứ và kết quả tranh luận trong phiên tòa.

3. Khi luật sư chưa dứt lời thì chưa thể biết luật sư nói điều gì mà đã vội cắt lời, làm gián đoạn bài bào chữa của các luật sư. Hơn nữa, việc cắt lời là không bảo đảm sự bình đẳng trong việc trình bày, chứng minh quan điểm giữa bên công tố buộc tội và bên luật sư bào chữa. Do đó, yêu cầu không tái diễn việc cắt lời luật sư đối với tôi nữa.

Trong quá trình trình bày ba vấn đề như trên, tôi lại bị cắt ngang với đề nghị “luật sư nên thực hiện việc bào chữa đi!” với ý là không muốn nghe các vấn đề bên ngoài của tôi đối với chủ tọa nữa. Nhưng khi tôi vẫn tiếp tục trình bày thì chủ tọa hỏi với hàm ý đe dọa “Luật sư có còn muốn bào chữa nữa không?”. Tôi đáp “Đương nhiên tôi phải tiếp bào chữa vì mục đích của tôi hiện diện tại tòa là để thực hiện nhiệm vụ bào chữa. Tuy nhiên, trước khi tiếp tục bào chữa thì tôi cần phải trình bày cho hết vấn đề phát sinh từ việc chủ tọa cắt lời của tôi đã”. Thế là tôi trình bày cho xong rồi tiếp tục trở lại phần bào chữa.

Có lẽ, nhờ vậy mà phần bào chữa còn lại của tôi đã không còn bị cắt ngang nữa. Cuối lời bào chữa, tôi đã ngỏ lời cám ơn ông chủ tọa về điều này.

Đáng chú ý, ông Đỗ Thế Hóa không có luật sư bào chữa, do đó, ông là người duy nhất trong số tám bị cáo tự bào chữa cho mình. Trong phần tự bào chữa, ông cũng bị cắt lời nhiều lần. Một trong số đó là chủ tọa phiên tòa phân tích cho rằng vì sự hiểu biết hạn chế nên các bị cáo đã không thể thấy hết ý đồ của những người ở nước ngoài tác động đến các hành vi của các bị cáo. Tại phần tranh luận, để ngầm bảo vệ cho ông Hóa, tôi nhắc lại điều này và nêu ý kiến: Các bị cáo chỉ có thể chịu trách nhiệm về chính các hành vi của mình đã thực hiện mà thôi. Các bị cáo không thể chịu trách nhiệm về những toan tính của những người khác ở nước ngoài có ý đồ tác động vào hành vi của các bị cáo được.

Đối với trường hợp của ông Ngô Văn Dũng (Biển Mặn). Luật sư bào chữa theo hướng thừa nhận bị cáo có tội. Nhưng khi bào chữa bổ sung, ông Ngô Văn Dũng đã bác bỏ hoàn toàn lời bào chữa của luật sư và vẫn khẳng khái cho rằng mình vô tội. Có lẽ do quan điểm không thống nhất, cho nên, sau đó luật sư của ông Ngô Văn Dũng đã không tham gia tranh luận nữa.

Cũng tại tòa, có luật sư đã trở thành chuyên gia gây mê khi bào chữa (đọc) với giọng điệu đều đều, đọc nguyên văn các công văn trao đổi giữa luật sư và cơ quan điều tra khiến chủ tọa phải cắt lời (cắt không oan). Sau đó, khi bào chữa trở lại, vì bối rối nên luật sư đã bỏ sót mất một phần bài bào chữa.

Khá may mắn khi tại tòa, trái với bộ dạng “dữ dằn” của mình, thì vị đại diện VKS đã tranh luận chiếu lệ rồi kết thúc với lời “bảo lưu quan điểm”. Khiến các luật sư được dịp tranh luận tới tấp vào… thinh không.

Kết thúc phiên tòa, nhìn đoàn xe hộ tống các thân chủ mình đang phóng nhanh ra cổng tòa trong tiếng còi hụ, chúng tôi bước chân ra sân khi trời đã sụp tối và buông cơn mưa lớn tầm tã. Chạy ra đến bãi xe, tôi cám cảnh nhìn LS Nguyễn Văn Miếng lóp ngóp trong bộ vest đang thấm mưa ướt dần. Chia tay đồng nghiệp, chúng tôi thanh thản ra về vì đã tin rằng mình làm hết trách nhiệm với sự tận tâm nhất để ngày hôm sau đón nhận những lời… thị phi.

Hơi buồn, nhưng cũng xong rồi, xin để lại phía sau…

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN


  1. Thông ‘cổm’ cho bác Nguyễn Thành Tài ‘lờ’ – nguyên Fó Chủ tịT thành Hồ
    ***********************************

    Tài ‘lờ’ lạc giữa vườn Hoa Tháng Năm
    Tác động bởi tình cảm cá nhân ăn nằm !
    Với nữ Chủ tịTch Lê Thị Thanh Thúi
    Lý do nghệ sĩ lãng mạn ‘cắt mạng’ hâm hâm !
    Cần thông cảm vì ngay bác Hù còn mắc
    Trâu già còn khoái gặm cỏ Hoa Cồn non !
    Cửa ải Mỹ nhân : thầy Mao trò Hồ còn mắc cạn !
    Huống gì tép nhí Nguyễn Thành Tài ‘lờ’ cỏn con !
    Chỉ tội cho hàng vạn dân Sài Gòn Thủ Thiêm mất đất
    Mất hà mất ruộng màn trời chiếu đất héo hon !
    Hóa thành đất vàng vào túi sở hữu nhà nước
    Thầy bùa Tài ‘lờ’ hô phong hóan vũ méo hóa tròn
    Biến sang sở hữu tư nhân gây thất thoát lãng phí
    Gần hai ngàn tỷ đồng Hồ tệ mặt đỏ như son

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

  2. Đọc qua đã thấy Việt nam nói hội nhập Thế giới mà kỳ vậy. Ở các nước pháp quyền thì quan tòa có quyền quyết định cao nhất, nhưng cũng phải tuân thủ Luật tố tụng, còn tỏ ý coi thường luật sư thì luật sư cũng đề nghị thay đổi thẩm phán căn cứ luật tố tụng! Và thực tế họ làm theo luật nên không có tình trạng Tòa coi thường luật sư, trừ trường hợp luật sư vi phạm nguyên tắc tố tụng.

Comments are closed.